Người đọc sẵn sàng trả tiền cho báo chí chất lượng để đối phó với vấn nạn “tin giả”. Dấu hỏi đối với vai trò của Facebook như một nguồn tin khả tín cũng ngày một lớn.
----------------------------------------------------
Càng ngày càng có ít người đọc chia sẻ tin tức qua Facebook. Vấn nạn “tin giả” vẫn tiếp tục hoành hành. Lợi nhuận của mỗi tờ báo sẽ ngày càng bớt phụ thuộc vào quảng cáo, mà thay vào là lượng độc giả trả phí. Chính trong bối cảnh đó, nhu cầu báo chí chất lượng sẽ tiếp tục trở nên bức thiết và quan trọng hơn bao giờ hết.
Đó là những xu hướng quan trọng của báo chí năm 2018 do Viện nghiên cứu Báo chí Reuters (Viện Reuters) chỉ ra trong báo cáo thường niên mới công bố. Trong bối cảnh ngành báo chí biến đổi không ngừng trước những thay đổi chóng mặt về công nghệ, làm sao đảm bảo lợi nhuận để có thể tiếp tục tồn tại luôn là câu hỏi bức bách đối với bất kỳ tòa soạn nào.
Thói quen “đọc báo” bằng Facebook có xu hướng giảm
Trong những năm trở lại đây, công chúng đang có xu hướng thay đổi mạnh mẽ thói quen tiếp cận thông tin theo kiểu truyền thống sang các phương tiện truyền thông số, trong đó có mạng xã hội. Báo cáo năm 2018 của Viện Reuters chỉ ra: Việc sử dụng mạng xã hội, đặc biệt là Facebook, như một nguồn thông tin tăng trưởng không ngừng trong bảy năm qua. "Tuy vậy, sự tăng trưởng này đã dừng, hoặc thậm chí đi ngược lại”, báo cáo viết.
Đơn cử giới trẻ Mỹ, họ không còn “mặn mà" lắm với việc sử dụng Facebook để tiếp cận thông tin trong năm 2018, thể hiện qua mức giảm 20 điểm phần trăm so với năm trước. Xu hướng này được ghi nhận với người Mỹ ở mọi lứa tuổi: Trong 10 người dùng Facebook, 4 người sử dụng mạng xã hội này như một nguồn cập nhật tin tức. Đây là mức giảm 9 điểm phần trăm so với năm 2017.
Tình trạng tương tự cũng được ghi nhận tại Brazil. Mặc dù đây không phải là xu hướng trên toàn thế giới, vẫn có những quốc gia ngoại lệ - ưa chuộng “đọc báo” bằng Facebook như Cộng hoà Séc hay Malaysia, nhưng bức tranh tổng thể vẫn là sự đi xuống của thói quen này. “Điều này xuất phát từ sự thay đổi trong thói quen sử dụng Facebook”, báo cáo lý giải.
Thay vì Facebook, các chuyên gia của Viện Reuters chỉ ra rằng độc giả chuyển dịch sang các ứng dụng nhắn tin như WhatsApp hay Messenger để chia sẻ và thảo luận thông tin với nhau.
“Xét về tính riêng tư thì hiển nhiên các ứng dụng nhắn tin có phần vượt trội hơn hẳn mạng xã hội. Người dùng tránh được sự xô bồ, những hiểu nhầm không đáng có và những cuộc tranh cãi vô bổ, thậm chí có phần không lành mạnh khi thảo luận về thông tin trên các ứng dụng nhắn tin”, Tiến sĩ Antonis Kalogeropoulos từ Viện Reuters và là một trong những tác giả của báo cáo cho biết.
“Ở một số quốc gia như Mỹ hay Nhật Bản, người dùng có phần thoải mái hơn khi bày tỏ quan điểm về chính trị, đặc biệt là các quan điểm trái chiều với người thân và bạn bè, hơn là ở một mạng xã hội lớn như Facebook. Đây là một lý do nữa để Facebook "mất điểm" với người dùng”, ông Kalogeropoulos cho biết thêm.
Một người dùng trong độ tuổi 20-29 ở Brazil chia sẻ rằng những tranh luận trên WhatsApp hay Messenger đều trên tâm thế tôn trọng lẫn nhau, rất ôn hoà dù ý kiến có trái ngược nhau đi chăng nữa, chứ không như trên Facebook.
Từ xu hướng này, Viện Reuters khuyến cáo các trang báo, các kênh thông tin nên thay đổi chiến lược, giảm bớt sự phụ thuộc vào Facebook, mở rộng ra các nền tảng khác.
Ví dụ, trang BBC mở rộng trên nền tảng Instagram với gần 5 triệu người theo dõi. Đồng thời, 2 trang báo VoxMedia và BuzzFeed đang dần ít phụ thuộc hơn vào Facebook.
Tuy nhiên, ông Nic Newman, một thành viên khác của nhóm nghiên cứu, nói rằng mạng xã hội không biến mất dù người sử dụng đang có xu hướng tiếp cận thông tin thông qua các ứng dụng tin tức.
"Việc phê phán mạng xã hội khá phổ biến nhưng mạng xã hội đưa tin về các biến cố rất nhanh", ông Newman nói trong buổi hội thảo trực tuyến do Viện Reuters tổ chức ngày 20/6.
“Mạng xã hội giúp công chúng có các quan điểm đa chiều hơn về các vấn đề như khủng hoảng di cư hay vấn đề về người đồng tính", ông Newman nói thêm.
Cần chú ý là nghiên cứu này của các chuyên gia Viện Reuters được thực hiện trước khi Facebook thay đổi thuật toán đầu năm 2018.
“Tin giả” tiếp tục hoành hành
Trong khảo sát của Viện Reuters trên 74.000 người ở 23 quốc gia và vùng lãnh thổ, hơn một nửa số người được hỏi bày tỏ quan ngại về vấn đề “tin thật" hay “tin giả". Tỷ lệ này đặc biệt cao ở Brazil (85%), Tây Ban Nha (69%) và Pháp (62%).
Bên cạnh đó, ở một số quốc gia như Đức hay Hà Lan, “tin giả" không phải là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm. Chỉ có khoảng 30% người dân lo ngại về vấn đề này.
Lần đầu tiên, các nhà nghiên cứu đo lường mức độ đọc hiểu tin tức của độc giả. Theo nhóm nghiên cứu, độc giả có khả năng đọc hiểu tin tức cao hơn thường ưa chuộng báo hơn truyền hình; cách họ sử dụng mạng xã hội để cập nhật thông tin cũng thận trọng hơn các nhóm khác. Không có gì đáng ngạc nhiên khi những người có khả năng đọc hiểu tin tức cao tìm kiếm, kiểm chứng và so sánh thông tin ở nhiều nguồn.
Trong báo cáo năm 2018, Viện Reuters định nghĩa về khái niệm “tin giả" rộng và sâu hơn. “Tin giả" không chỉ là những thông tin bịa đặt, sai sự thật mà còn là những thông tin gây nhiễu, gây hiểu nhầm, thao túng người đọc nhằm đạt mục đích chính trị hay thương mại. Vấn nạn thông tin sai sự thật này không chỉ xảy ra ở các trang báo, trang thông tin điện tử mà còn ở cả báo in và truyền hình, báo cáo chỉ ra.
Nguồn cơn của tin giả, theo các nhà nghiên cứu, có thể từ kỹ năng của phóng viên/biên tập viên như chèn thêm một số thông tin gây nhiễu khiến người đọc hiểu sai, tiêu đề hết sức bình thường nhưng thật chất lại là bài quảng cáo hoặc lạm dụng cụm tin giả để hạ thấp uy tín của các cơ quan truyền thông.
Lo ngại về những thông tin không đúng sự thật, người đọc mong muốn có những hành động cụ thể từ phía tổ chức truyền thông, công ty công nghệ và chính phủ để đối phó với vấn nạn này. Không ngạc nhiên khi 3/4 số người được hỏi cho rằng các nhà báo và các tổ chức truyền thông (báo chí, trang thông tin điện tử) cần phải chủ động hơn trong việc tách bạch thông tin thật - giả, thông tin gây nhiễu trên internet.
Về mặt tích cực, "tin tức giả là cơ hội để thiết lập lại giá trị của các thương hiệu báo chí chính thống và tập trung vào chất lượng", ông Newman, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết.
Đồng thời, 7 trong 10 người trả lời phỏng vấn cũng cho rằng Google và Facebook nên có trách nhiệm trong việc ngăn chặn sự lan truyền của tin giả. Báo cáo chỉ ra một trong những nguyên nhân khiến việc Facebook dần mất sự hấp dẫn với bạn đọc chính là sự bất lực trong việc ngăn chặn tin giả.
Đặc biệt, người đọc hi vọng vào hành động của chính phủ. Có đến 63% người dân châu Á mong muốn sự can thiệp mạnh tay hơn của những người có thẩm quyền. Tỉ lệ này là 60% ở châu Âu và 40% ở châu Mỹ.
Lượng độc giả sẵn sàng trả phí tăng
Quảng cáo vẫn đóng vai trò là một trong những nguồn doanh thu quan trọng; tuy nhiên, chỉ nguồn thu sẽ không đủ để hỗ trợ cho báo chí chất lượng. Các nhà xuất bản tin tức hiện nay đang sử dụng chủ yếu các phương thức để thuyết phục bạn đọc trả phí: đăng ký hội viên, mua báo dài kỳ, quyên góp/ủng hộ, hay trả tiền cho từng bài viết.
“Chúng tôi dự kiến quảng cáo hiển thị sẽ gần như biến mất hoàn toàn vào năm 2025,” Tom Standage, phó tổng biên tập của tờ The Economist, cho biết. Theo ông, việc tìm đến các độc giả để có được doanh thu trong bối cảnh nguồn thu từ quảng cáo cạn kiệt dần là cần thiết.
Cùng quan điểm trên, ông Ed Roussel, phụ trách mảng đổi mới của tờ The Wall Street Journal cho biết: “Chiến lược cốt lõi của chúng tôi trong tương lai sẽ là tập trung kiên định vào các độc giả trả phí, bởi ngày nay không thể trông chờ vào doanh thu từ quảng cáo”.
Dẫn đầu xu thế thu phí từ độc giả là những quốc gia thuộc khu vực Bắc Âu - Thuỵ Điển và Phần Lan - với 22% lượng bạn đọc sẵn sàng trả phí, theo sau là Mỹ với 16%. Ở Anh, chỉ có 7% lượng độc giả trả phí. Tuy nhiên theo các nhà nghiên cứu, lượng bạn đọc đóng góp cho xu hướng đang có dấu hiệu tăng.
Tuy nhiên, sẽ rất khó để thuyết phục độc giả trả tiền ở các quốc gia có nền kinh tế kém phát triển hơn hoặc nội dung mang nặng tính chính trị hoặc thương mại, ông Newman nhận định.
Mặc dù có quan điểm cho rằng các độc giả trẻ tuổi sẽ không trả tiền để đọc báo trên mạng, bản báo cáo thường niên này lại chỉ ra rằng những độc giả dưới 35 tuổi sẵn sàng làm vậy đối với những sản phẩm báo chí có chất lượng, giống như các dịch vụ âm nhạc và video.
Một bạn đọc người Mỹ nhận định: “Tôi cho rằng cần có tiền để duy trì báo chí chất lượng. Nếu chỉ trông chờ vào những thông tin miễn phí thì đương nhiên những cái ta nhận được sẽ là những bài viết rất tệ hại”.