Báo Hà Tĩnh - Tin tức Hà Tĩnh mới nhất, tin nhanh Hà Tĩnh 24h
Story
Về Hà Tĩnh
Núi Hồng - Sông La
Người mẹ tật nguyền không đầu hàng số phận
Tác giả: Ngọc Thắng
17/09/2024 11:02
Tôi là Lê Thị Mận (SN 1986, trú phường Văn Yên, TP Hà Tĩnh). Tôi bị mắc bệnh teo cơ bẩm sinh nên không thể đi lại, từ nhỏ đã phải ngồi xe lăn. Tôi chỉ nặng 32 kg và mọi sinh hoạt đều phải trông cậy vào người thân.
Nhiều lần mặc cảm về số phận của mình nhưng nhờ sự động viên, khích lệ của gia đình, tôi có thêm động lực để vươn lên. Năm 2004, tôi đi học nghề ở Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp cho người khuyết tật Hà Tĩnh, học xong tôi đi bán hàng và vào miền Nam làm nghề hát rong.
Đến năm 2013, công việc không ổn định nên tôi trở về quê. Đầu năm 2016, tôi nhờ bố mẹ sắm cho chiếc xe điện 3 bánh làm phương tiện đi bán hàng rong, kiếm thêm thu nhập. Nghề bán hàng rong gắn bó với tôi từ đó đến nay.
Mỗi ngày, bắt đầu từ 7 giờ sáng, tôi chuẩn bị hàng hóa. Do không thể lên xe như người bình thường nên tôi phải nhờ đến sự trợ giúp của bố. Bố bế tôi lên, cố gắng nhẹ nhàng để không làm tôi đau.
Sau khi lên xe, bố giúp tôi mang thêm áo khoác, đội mũ bảo hiểm, kiểm tra xem tư thế ngồi của tôi đã thoải mái chưa rồi mới yên tâm để tôi đi làm.
Trên chiếc xe điện 3 bánh, tôi len lỏi qua các tuyến phố Thành Sen, tìm đến các chợ TP Hà Tĩnh, Vườn Ươm, Bình Hương để bán hàng.
Hôm nay, tôi bán hàng tại chợ TP Hà Tĩnh. Sau gần 20 phút di chuyển từ nhà đến cổng chợ, tôi đem hàng hóa bày ra phía trước xe. Tôi chủ yếu bán bàn chải đánh răng, móc chìa khóa, tăm bông…
Chuẩn bị hàng xong, tôi cùng chiếc xe điện len lỏi vào các ngõ ngách của chợ để bán. Chợ TP Hà Tĩnh rất rộng, người mua bán tấp nập nên cơ hội bán được hàng của tôi cũng nhiều hơn.
Cầm trên tay những món hàng nhỏ, tôi luôn miệng mời chào khách hàng. 8 năm làm nghề bán rong nên gần như các tiểu thương trong chợ đều biết về hoàn cảnh của tôi. Nhiều người mỗi lần thấy tôi đều gọi lại, vừa động viên vừa mua hàng ủng hộ.
Thu nhập từ nghề bán hàng rong của tôi không cố định, lúc nhiều lúc ít, có hôm được 150.000 đồng, nhưng có hôm cũng chỉ được mấy chục ngàn. Số tiền này tôi dành dụm để lo cho con trai ăn học, phụ giúp thêm cho bố mẹ khi cần thiết.
Cầm trên tay những đồng tiền do chính sức lao động mình làm ra, dù không nhiều nhưng bản thân tôi thấy rất vui và hạnh phúc. Điều khiến tôi gắn bó với công việc này là nó giúp tôi cảm thấy mình không trở thành gánh nặng cho người thân, xã hội.
Gần 3 giờ đồng hồ len lỏi khắp khu chợ khiến tôi thấm mệt. Nhiều ngõ ngách trong chợ có nền đường gồ ghề khiến việc di chuyển của tôi khá khó khăn.
Sau khi đã đi hết khu chợ, tôi thu dọn hàng hóa trở về nhà. Giờ đây sức khỏe đã yếu, tôi luôn mong mỏi có được gian hàng buôn bán cố định tại chợ để đỡ phần đi lại vất vả.
Về đến nhà, nghỉ ngơi một lúc, tôi vào phụ giúp bố mẹ nấu cơm trưa vừa đợi con trai đi học về.
Con trai tôi năm nay đã 11 tuổi, rất ngoan và nghe lời mẹ. Vì thế, dù vất vả khi một mình nuôi con khôn lớn nhưng con chính là món quà, là tài sản quý giá nhất mang đến niềm vui trong cuộc sống của tôi.
Thời gian bên gia đình là những khoảnh khắc tôi luôn trân quý. Mỗi ngày, nhìn con lớn lên, luôn bên cạnh an ủi, động viên, tôi như được tiếp thêm sức mạnh, động lực để cố gắng hơn ở chặng đường phía trước.
Tin liên quan
Lộc Hà ưu tiên chăm lo trẻ em nghèo, tàn tật và không nơi nương tựa
Lộc Hà tặng 136 suất quà cho trẻ em nghèo, bị tàn tật, mồ côi
Chủ đề
Nhịp cầu nhân ái
Có thể bạn quan tâm
Thầy giáo đa tài, truyền cảm hứng tích cực cho học sinh
Vài điều về Thượng Kinh ký sự của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác
Xem cụ bà đập niêu, cụ ông đánh cờ tại "Ngày hội nông dân" ở Nghi Xuân
"Ông tơ bà Nguyệt" se duyên cho người dân tộc Chứt
“Tìm lại lời ru” – tiểu phẩm đạt giải nhất Hội thi Dân vận khéo Hà Tĩnh
Những vị quan người Hà Tĩnh đứng đầu kinh thành Thăng Long thời nhà Lê
“Hãy bảo vệ nguồn lợi thủy sản quê hương” – tiểu phẩm giải nhì Dân vận khéo Hà Tĩnh
Talkshow: Quán quân Sao Mai xứ Nghệ Hoàng Thu Hà - "Cháy" cùng đam mê