Đây là các cán bộ, quan trắc viên của Trạm Thủy văn Sơn Diệm (xã Sơn Diệm, huyện Hương Sơn) - một trong những trạm thủy văn được xếp hạng đặc biệt quan trọng (trạm cấp 1) của khu vực miền Trung với nhiệm vụ cung cấp thông tin, số liệu cảnh báo về lũ lụt cho khu vực Bắc Trung Bộ. Họ là những cán bộ ngành thủy văn từ các vùng quê khác nhau đến đây sống âm thầm, gắn bó bên sông Ngàn Phố để dự báo tình hình lũ lụt, cung cấp những thông số để xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng, thủy lợi, bố trí các khu dân cư tránh lũ...
Ảnh hưởng của cơn bão số 9, ngoài trời mưa xối xả, gió gào rú, mọi người đều ở trong nhà thế nhưng 4 anh chị ở trạm phải thay phiên nhau trực liên tục 24/24h và làm những công việc mọi người bảo là “điên” như đo gió, đo mưa… Ảnh: Trạm trưởng Lê Thị Hà, quê ở huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An phân công nhiệm vụ cho mỗi người ở trạm.
Thông thường, mỗi người làm việc 6 tiếng trong ngày. Công việc được bắt đầu từ 7 giờ sáng và kết thúc lúc 19 giờ tối. Mùa nắng thì công việc quan trắc đơn giản hơn, còn mùa mưa bão các quan trắc viên phải thường trực suốt ngày trên sông và trực báo liên tục nhằm cập nhật thông tin kịp thời. Có đến 12 năm gắn bó với Trạm Thủy văn Sơn Diệm, quan trắc viên Phạm Hữu Ngãi (quê ở Thanh Hóa) đã quá quen với những công việc thường ngày. Khoác vội lên người chiếc áo mưa, anh nhanh chóng thực hiện công việc đo mưa vào lúc 7h sáng.
Bằng phương pháp thủ công, nước mưa từ thùng đo mưa được các anh đổ sang cốc đo lượng nước có dung tích 10mm. Công việc tưởng chừng đơn giản nhưng lại yêu cầu độ chính xác cao và thời gian đo đúng quy định khiến anh phải thực hiện cực kỳ nghiêm túc.
Còn với quan trắc viên Nguyễn Đình Tuấn (quê ở huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An) công việc của anh vào lúc 7h sáng và 19h tối là đo nhiệt độ không khí và nhiệt độ nước. Trong ngành khí tượng thủy văn (KTTV) có một quy định hết sức nghiêm ngặt: Một ngày 8 lần, vào các thời điểm 1h, 4h, 7h, 10h, 13h, 16h, 19h, 22h, tất cả nhân viên làm ở các trạm KTTV đều phải đi quan trắc gió mưa, nhiệt độ, mực nước sông, biển... Không thể sớm hơn và cũng không thể muộn hơn, bởi vì đó là quy định. Tuy nhiên, đối với mùa mưa lũ, công việc sẽ phải vất vả, nguy hiểm hơn.
Nếu đo nhiệt độ không khí, quan trắc viên Nguyễn Đình Tuấn phải đọc nhiệt độ từ nhiệt kế đo không khí trong một chiếc lều thì với công việc đo nhiệt độ nước anh phải sử dụng nhiệt kế chuyên dụng ngâm nước sông từ 3-5 phút mới có kết quả. Công việc này đòi hỏi quan trắc viên phải có đôi mắt tinh anh để đọc được các thông số một cách chính xác.
Và, một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng khác trong những ngày này bắt buộc cả 4 người ở Trạm Thủy văn Sơn Diệm phải tham gia đó là đo lưu lượng lũ trên sông Ngàn Phố.
Bước vào một “cuộc chiến” nguy hiểm với những cơn lũ dữ, ai nấy đều phải chủ động các phương tiện bảo đảm an toàn cho mình. Đối với họ, công việc này có thể đánh đổi cả tính mạng.
Mưa lớn khiến quần áo các anh chị ướt sũng nhưng vẫn phải bám hiện trường một cách liên tục, để có kết quả chính xác nhất.
Mùa mưa lũ, dòng sông Ngàn Phố với những cuộn sóng đỏ ngầu dâng cao rồi đổ quật tạo thành những cuồng xoáy sâu thẳm như muốn nuốt chửng bất kể thứ gì. Từ những người không phải sinh ra ở vùng sông nước, các anh, chị buộc phải trở thành những “tay chèo” siêu hạng trên sông để cho ra những bản tin cảnh báo về lũ lụt chính xác, góp phần giảm bớt thiệt hại do thiên tai gây ra.
“Đã chọn ngành KTTV để lập nghiệp thì ai cũng biết phải chịu nhiều gian khổ, nhất là về công tác tại các trạm miền núi biên giới. Vì thế mọi người đều xác định sướng hay khổ cũng vì nghề...”- anh Phạm Hữu Ngãi bộc bạch.
Dụng cụ đo lưu lượng dòng chảy trên sông được bọc trong một chiếc vali trắng gọi là máy lưu tốc kế. Được các anh chị bảo quản hết sức cẩn thận, chỉ khi lên thuyền mới mở để sử dụng.
Nước sông lên nhanh, công việc cứ thế gấp rút hơn từng giây, từng phút. Sau khi cùng nhau chuẩn bị đồ đạc, thiết bị, 3 anh chị trên thuyền lại tách ra mỗi người làm một nhiệm vụ khác, còn 1 người sẽ đứng trên bờ để đo lượng nước. Ngoài việc đo 7 yếu tố cơ bản như mực nước, nhiệt độ nước, nhiệt độ không khí, tốc độ dòng nước, lưu lượng mưa, lưu lượng nước, phù sa... họ còn phải đo thêm các yếu tố phụ khi cần thiết.
Thuần thục từng thao tác, người đánh hướng lái thuyền, người ghi chép, người quay ròng rọc gắn dụng cụ đo độ phù sa, lưu lượng nước thả xuống sông... ai cũng tất bật vào việc để thực hiện xong sớm nhiệm vụ.
Anh Ngãi chia sẻ: "Bão lũ về là phải đo liên tục mới biết độ chính xác của mực nước ở dòng sông. Chỉ cần sai một con số là gây thiệt hại lớn ở vùng hạ lưu".
Đây là “con cá sắt”- máy đo lưu lượng nước. Với trọng lượng 25kg, 35kg, 50kg, 80kg tùy thuộc vào tốc độ dòng nước thì sẽ sử dụng mỗi con cá khác nhau. Đợt mưa lớn này các anh chị phải sử dụng “con cá sắt” 80kg để giữ thăng bằng máy mới có thể đo đúng kỹ thuật. Thuyền đến vị trí điểm đo nào sẽ thả cá xuống và bắt đầu đo.
Trên thuyền sẽ có bộ chỉ thị đọc kết quả tốc độ dòng chảy. Máy chỉ đo một lần không lưu kết quả nên bắt buộc các quan trắc viên phải ghi các thông số bằng giấy bút.
Trạm trưởng Lê Thị Hà là người nhận nhiệm vụ ghi chép số liệu. Trời mưa lớn lại ngồi chênh vênh giữa sóng nước chảy cuồn cuộn, chị phải bọc cuốn sổ ghi chép vào một túi nilong. Ghé tạm vào đoạn thuyền có mái che, chị phải nhanh chóng kết hợp với số liệu đo đạc được cùng thao tác tính toán các con số chính xác để nhanh chóng báo về Đài Khí tượng thủy văn tỉnh về tình hình lũ lụt trên sông.
Con thuyền sắt nặng nề di chuyển trên từng điểm đo dưới dòng nước đục ngầu. Có lúc thuyền xuôi theo dòng nước, có lúc lại quay ngang, lúc dừng hẳn. Vì không phải thuyền máy nên hoàn toàn phải sử dụng các tay chèo. Ai cũng thuần thục các kỹ năng để thay phiên, hỗ trợ nhau. Thậm chí, họ phải biết bơi lội để vừa thực hiện nhiệm vụ vừa tránh những nguy hiểm từ những lần “đo lũ” trên sông.
“Chúng tôi dù bất kỳ thời gian nào trong ngày, sáng sớm hay nửa đêm đều phải dong thuyền ra giữa dòng nước lũ để thực hiện nhiệm vụ. Buổi ngày đo nước đã vất vả nên buổi đêm làm công việc này còn khắc nghiệt hơn. Mỗi người chỉ có thêm một chiếc đèn pin trên đầu để thấy đường còn lại mọi thứ vẫn thực hiện y nguyên như cũ. Nhiều khi nước sông dâng cao, chúng tôi phải bơi ra sông để leo lên thuyền, còn khi nước xuống, thuyền mắc cạn mọi người lại phải xuống lội phù sa để đẩy thuyền. Cứ vậy, mỗi người một nhiệm vụ, thi thoảng lại hỗ trợ nhau để công việc đỡ vất vả” - chị Hà tâm sự.
Thuyền vừa đến giữa sông thì bất chợt quan trắc viên Đình Tuấn hô lớn: “Có nhành cây vướng vào cá sắt rồi!”. Mọi người lại tất bật hơn để hỗ trợ anh Tuấn gỡ rác ra khỏi thiết bị đo. Đối với họ, “ác mộng” chính là những lần cây cối, rác thải đâm vào thuyền khiến thuyền chao đảo, vô cùng nguy hiểm.
Chính vì vậy, người chèo thuyền phải bình tĩnh, xử lý thật nhanh để giữ thuyền. Chỉ một chút sơ sẩy là có thể xảy ra tai nạn nên người được giao nhiệm vụ chèo thuyền cần hết sức cảnh giác. Trong đêm tối, công việc lại trở nên nguy hiểm hơn khiến các anh chị phải “gan dạ, vững tay” để hoàn thành nhiệm vụ.
Anh Tuấn chia sẻ: “Sông Ngàn Phố nước lên nhanh, xuống nhanh, lại là con sông đầu nguồn nên một lượng lớn cây cối, rác thải đổ về. Củi gộc, cây to chắn ngang dọc dòng sông. Chỉ cần một sơ suất nhỏ là bỏ mạng. Sau một lần đo đạc mực nước là anh em ai cũng mệt nhoài, vì chống chèo thuyền trên lũ”.
Giữa mênh mông biển nước giữa dòng Ngàn Phố, tính mạng của những con người làm nghề thủy văn chỉ neo bằng một sợi cáp bắc ngang qua con sông.
“Năm 2016, nước lũ dâng cao, thuyền đi đo về gần vào chỗ neo thì bị rác quấn chân vịt cùng nước chảy xiết, chèo thuyền không xử lý kịp dẫn đến lật thuyền, may mắn không một ai bị thương” - Anh Ngãi nhớ lại về một sự cố không thể nào quên khi thực hiện nhiệm vụ.
Hỗ trợ các anh chị từ trên bờ, công việc của quan trắc viên Nguyễn Trần Linh Chi (SN 1996, quê quán Can Lộc, Hà Tĩnh) cũng không kém phần vất vả. Nhiệm vụ của cô là cứ 1 tiếng lại ra sông đo mực nước một lần. Sau mỗi lần quan trắc, cô lại dùng bút chì để chấm giá trị mực nước lên biểu đồ đường quá trình mực nước theo thời gian để lưu vết lại.
Mỗi tháng sẽ có một biểu đồ. Thời tiết ngày càng khắc nghiệt và bất thường. Tại Hương Sơn, chỉ trong vòng tháng 10/2020 đã có 3 cơn lũ dâng lên trên sông Ngàn Phố.
Nhiệm vụ của Linh Chi còn là ghi chép vào sổ sách, thông tin đến Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, của khu vực Bắc Trung Bộ về các số liệu đo được trong ngày để dự báo tình hình lũ lụt, cung cấp những thông số kịp thời để thông báo đến cho người dân được nắm bắt.
Cô gái nhỏ nhắn tâm sự: “Từ bỏ TP Hồ Chí Minh để về công tác tại Trạm Thủy văn Sơn Diệm, em còn chẳng biết son môi là gì vì làm việc sông nước suốt ngày. Gắn với sổ sách, bút chì, thước đo, nhiệt kế... ở nơi xa xôi thế này nhưng em vẫn thấy hạnh phúc vì được các anh chị trong trạm quan tâm, hỗ trợ, động viên rất nhiều trong chuyên môn, công việc”.
Đều là người ở quê hương khác đến, rời xa vợ con, gia đình, các quan trắc viên ở Trạm Thủy văn Sơn Diệm mùa lũ chẳng có một lần về thăm nhà. Anh Đình Tuấn vừa lên chức bố được 3 tháng nhưng cũng chỉ nhìn con qua những cuộc gọi video. Rồi anh Ngãi, Linh Chi và cả Trạm trưởng Lê Thị Hà cũng vậy, đều chỉ được hỏi han sức khỏe, tình hình nhà cửa, gia đình qua những cuộc điện thoại vội vã. Trong căn phòng làm việc cũ kỹ, các anh chị còn phải kê thêm vài tấm ván để vừa ghé lưng nghỉ trưa vừa thuận tiện cho việc trực mùa lũ.
Những lúc mưa to, gió lớn ập vào, mọi người tìm nơi tránh trú an toàn thì những nhân viên quan trắc phải lao ra khỏi nhà, đội mưa, hứng gió để thu thập số liệu, kịp thời cảnh báo sớm, góp phần đem lại an toàn cho mọi người trước những cơn cuồng nộ của thiên tai. Điều đó đã gắn họ - từ những người ở nơi khác đến trở thành một cư dân sống, sinh hoạt, làm việc cùng những người dân trên vùng đất Sơn Diệm. Dù có lúc công việc thầm lặng của họ chưa được mọi người quan tâm, để ý nhưng chị Hà, anh Tuấn, anh Ngãi, Linh Chi vẫn lặng thầm cống hiến như những người lính canh giữ những biến chuyển thiên nhiên mưa, gió, bão, lũ... vì cuộc sống bình yên cho mọi người.