Nhiều bí thư, chủ tịch huyện và xã phải “rời” ghế. Một số lượng biên chế sẽ phải tinh giản. Chế độ, chính sách sẽ được ban hành chứ không phải "trả công quên ân".
=================================
Tăng cả ngàn đơn vị huyện, xã trong 30 năm
Theo số liệu từ Bộ Nội vụ, từ năm 1986 đến năm 2016, đơn vị hành chính cấp huyện được tổ chức lại trên cơ sở chia tách. Một con số đáng suy nghĩ là trong vòng 30 năm, số đơn vị hành chính cấp huyện từ 431 đơn vị đã tăng lên 713 đơn vị (tăng 277 đơn vị). Cũng trong khoảng thời gian này, cả nước đã tăng từ 9.657 đơn vị lên 11.162 đơn vị cấp xã, tức tăng 1.505 đơn vị.
Từ khi Hiến pháp năm 2013 và Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 được ban hành cùng với Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về tiêu chuẩn đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính thì việc chia tách các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đã dừng lại ở 713 đơn vị hành chính cấp huyện và 11.162 đơn vị hành chính cấp xã cho tới thời điểm hiện nay.
Nói về bối cảnh ra đời Nghị quyết 1121 vào năm 2016, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, đó là do xuất phát từ thực tế đơn vị cấp huyện và xã tăng quá nhiều trong 3 thập kỷ và xu hướng sẽ tiếp tục tăng. Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã bàn với Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần có quy định về tiêu chí chia tách, thành lập mới đơn vị cấp huyện, xã.
Phó Chủ tịch Quôc hội Uông Chu Lưu: Đủ cơ sở pháp lý để sắp xếp xã huyện
Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được ban hành không chỉ đưa ra tiêu chí về diện tích tự nhiên, dân số, số lượng đơn vị mà còn có các yếu tố khác như truyền thống lịch sử, văn hoá, điều kiện địa lý, an ninh quốc phòng... để tính toán thành lập, điều chỉnh, chia tách đơn vị.
Nghị quyết Trung ương và Kế hoạch của Bộ Chính trị đã nói rõ. Bộ Nội vụ xây dựng Đề án triển khai Nghị quyết. Vấn đề bây giờ là bàn biện pháp triển khai thế nào cho hợp lý để đạt mục tiêu
“Tinh thần của Nghị quyết nêu tiêu chuẩn rất chặt nhưng cũng nêu rất rõ trường hợp đặc biệt, có tính đến đặc thù riêng của từng vùng, từng nơi, có khuyến khích việc nhập các đơn vị hành chính để đảm bảo quy mô lớn hơn ở nơi có đủ điều kiện” – ông Uông Chu Lưu nhấn mạnh. Chính quy định đó đã góp phần giữ ổn định các đơn vị hành chính cho đến nay.
Có thể nói, quá trình chia, tách đơn vị hành chính, ở một mức độ nhất định đã đạt được một số kết quả tích cực, thúc đẩy sự phát triển về kinh tế - xã hội, hạ tầng cơ sở được đầu tư, năng lực quản lý của bộ máy Nhà nước đã ngày càng gần dân, sát dân hơn; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội và đời sống của người dân được bảo đảm.
Tuy nhiên, việc tăng số lượng đơn vị hành chính các cấp đã dẫn đến bộ máy các cơ quan nhà nước ngày càng cồng kềnh; tăng biên chế cán bộ, công chức, viên chức. Từ đó làm tăng chi ngân sách Nhà nước.
Số lượng lớn đơn vị hành chính cũng gây ra nhiều khó khăn trong công tác lập kế hoạch, quy hoạch dài hạn, định hướng phát triển kinh tế- xã hội tầm vĩ mô, làm cho không gian phát triển bị chia cắt, manh mún, phân tán các nguồn lực. Quá trình chia tách còn gây xáo trộn đến đời sống nhân dân trong việc thay đổi giấy tờ, thủ tục, địa chỉ, nơi làm việc đối với một số lượng không nhỏ cán bộ, công chức…
Sắp xếp để phát triển
Căn cứ theo Nghị quyết 1211 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì số lượng các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã hiện nay không đạt 50% tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên, dân số là rất lớn: Cấp huyện là 259/713 đơn vị (chiếm tỷ lệ 36,33%) và cấp xã là 6.191/11.162 đơn vị (chiếm 55,46%).
Có những quận trung tâm của Hà Nội tuy không đảm bảo tiêu chuẩn về diện tích nhưng không sắp xếp lại do nhiều yếu tố đặc thù khác.
Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tỉếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” đã đề ra mục tiêu đến năm 2021 sắp xếp thu gọn hợp lý các đơn vị hành chính cấp xã chưa đạt 50% tiêu chuẩn theo quy định về quy mô dân số, diện tích tự nhiên. Và từ năm 2022 đến năm 2030 là cơ bản hoàn thành việc sắp xếp thu gọn các đơn vị hành chính cấp huyện, xã theo tiêu chuẩn quy định.
Qua quá trình lấy ý kiến thì bước đầu xác định 16 huyện và 637 xã không đủ 2 tiêu chuẩn sẽ được xem xét sắp xếp trước. Tuy nhiên, đề án sắp xếp hướng đến đảm bảo tính linh hoạt cho từng địa phương khi xem xét nhiều yếu tố khác chứ không chỉ tiêu chuẩn diện tích và dân số. Điều đó được Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình khẳng định tại Hội nghị toàn quốc góp ý dự thảo đề án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã đến năm 2021 được tổ chức tại Hà Nội vừa qua, rằng “không phải sắp xếp cơ học, máy móc”.
“Từng bước sắp xếp, kiện toàn theo quy định, khuyến khích tăng quy mô ở nơi đủ điều kiện; nâng cao năng lực quản lý điều hành và tăng cường nguồn lực cho địa phương. Sắp xếp để phát triển chứ không phải sắp xếp để yếu đi hay gây khó khăn hơn” – Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh.
Ông Trần Văn Tư – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Đồng Nai đồng tình với quan điểm cho rằng, việc chia tách đơn vị thời gian qua làm cho không gian phát triển không phù hợp, “làm cho vướng nhau, địa phương nào cũng muốn mình phát triển hơn”. Tuy nhiên, việc thực hiện sáp nhập sẽ có sự xáo trộn, tác động đến người dân và doanh nghiệp, nhất là vùng trọng điểm bị tác động lớn. Do đó, đây cũng là điểm cần tính toán.
Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn thì cho biết, về cấp huyện, tỉnh chỉ có 1 thị xã không bảo đảm cả 2 tiêu chí về diện tích và dân số. Trong số 63 xã phải nhập có 10 xã là nhập 3 xã lại một chứ không phải 2 xã và điều này cũng yêu cầu điều chỉnh mô hình thôn để đảm bảo đồng bộ.
“Quá trình tổ chức sáp nhập, một vấn đề rất thách thức là sắp xếp cán bộ. Đề án nêu có thể dư, nhưng thực ra là dư rất nhiều. 3 xã nhập 1 thực ra là dư 2/3. Bàn rất kỹ vấn đề này nếu không sẽ không thực hiện được. 3 Bí thư chỉ còn 1 Bí thư, 3 Chủ tịch giờ còn 1 Chủ tịch thì xử lý thế nào, vô cùng khó!”, ông Lê Đình Sơn băn khoăn và nêu những thách thức khác như trung tâm xã, sử dụng hạ tầng thế nào hay phải điều chỉnh các điểm khu dân cư…
Ông Trương Văn Lắm – Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM cho biết, đối chiếu tiêu chí đặt ra thì có khoảng 50% đơn vị hành chính cấp huyện và 70% đơn vị hành chính cấp xã của địa phương này phải sắp xếp theo đề án. Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM cũng đồng quan điểm cho rằng đơn vị không đủ 2 tiêu chí thì xem xét sắp xếp trước nhưng không cứng nhắc để tạo sự ổn định và đồng bộ khi tiến hành sắp xếp cả huyện, xã, thôn, tránh gây phiền hà cho người dân vì liên quan đến mọi giấy tờ.
Nhấn mạnh thời gian theo lộ trình đề án là không còn dài, ông Trương Văn Lắm đề nghị vừa hết sức khẩn trương song nên có bước đặt ra tiêu chí quy định để định hướng, từ đó địa phương có quy hoạch đơn vị hành chính. Bởi có đơn vị hành chính không đủ tiêu chí nhưng cần tính toán phục vụ yêu cầu phát triển. Quy hoạch làm nền tảng để sắp xếp với mục tiêu ổn định lâu dài.
Không “trả công quên ân”
Một trong những yêu cầu mà đề án đặt ra là chú trọng công tác đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức khi tiến hành rà soát, sắp xếp nhân sự, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức tại những đơn vị sáp nhập và được sáp nhập, bảo đảm lựa chọn được những người có phẩm chất, năng lực để đảm nhận những vị trí công việc tại những đơn vị hành chính mới. Trường hợp điều chuyển giữ chức vụ thấp hơn thì được bảo lưu phụ cấp chức vụ đến hết thời hạn bổ nhiệm.
Khi sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thì số lượng biên chế công chức, viên chức của các cơ quan, đơn vị của đơn vị hành chính cấp cấp xã mới sau khi sảp nhập, hợp nhất có thể cao hơn quy định, nhưng phải có giải pháp để bảo đảm thực hiện đúng lộ trình tinh giản biên ché đến năm 2021 theo các Nghi quyết. Quan tâm công tác đào tạo lại, giúp đỡ, hỗ trợ thích hợp"|à giải quyết thỏa đáng chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, những người hưởng phụ cấp từ n gân sách nhà nước dôi dư do sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành cấp huyện, cấp xã.
“Quá trình tổ chức sáp nhập, một vấn đề rất thách thức là sắp xếp cán bộ. Đề án nêu có thể dư, nhưng thực ra là dư rất nhiều. 3 xã nhập làm 1 thì thực ra là dư 2/3. Bàn kỹ vấn đề này nếu không sẽ không thực hiện được. 3 Bí thư chỉ còn 1 Bí thư, 3 Chủ tịch giờ còn 1 chủ tịch thì xử lý thế nào?”, Bí thư Hà Tĩnh Lê Đình Sơn đặt vấn đề. Đây cũng là điểm mà các ý kiến góp ý vào đề án đều trăn trở và đề nghị có chính sách phù hợp.
Đồng quan điểm, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Đồng Nai Trần Văn Tư đề nghị Trung ương nên quy định thống nhất về chính sách đối với số cán bộ dôi dư phải nghỉ việc, không nên để mỗi nơi ban hành quy định riêng thì tác động không tốt. Bởi mỗi giai đoạn lịch sử họ cũng có đóng góp cho sự phát triển. Họ nghỉ trước cũng là sự hy sinh cần phải trân trọng chứ không thể coi như là gạt bỏ.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình: Sắp xếp không cơ học, máy móc và có chính sách cho cán bộ dôi dư
Liên quan nhân sự, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình lưu ý khi thực thiện việc sáp nhập, chia tách phải đánh giá tác động hết sức thận trọng, phải trân trọng đối với những cán bộ, công chức, viên chức, người tham gia không chuyên trách trong thời gian qua đóng góp rất lớn cho việc củng cố hệ thống chính quyền cơ sở, giữ vững ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội.
“Phải có chế độ, chính sách rõ ràng, không phải là chuyện “vắt chanh bỏ vỏ”, hay chuyện "trả công quên ân", trọn gói trả cho như thế coi như là xong” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh và cho rằng những nhân sự này cần vận động để người ta tham gia vào củng cố hệ thống chính trị cơ sở.
Tất cả những công việc trên, theo Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, đòi hỏi công tác tuyên truyền, vận động phải thực hiện tốt để tạo sự đồng thuận cao./.
Kịp thời biểu dương những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc và phê bình những địa phương làm chưa tốt, thậm chí xem xét kỷ luật các tổ chức, cá nhân thiếu tinh thần trách nhiệm, cản trở việc thực hiện chủ trương sắp xếp.