Một chặng đường mới lại bắt đầu trên miền quê giàu truyền thống văn hóa, cách mạng. Những thành tựu của nhiệm kỳ 2015 - 2020 chính là tiền đề,sức mạnh để Can Lộc (Hà Tĩnh) vươn xa hơn trên hành trình đổi mới, dựng xâyquê hương.
Nói về những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ 2015-2020, Bí thư Huyện ủy Nguyễn Như Dũng nhấn mạnh đến những thành quả của chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp: “Tốc độ tăng trưởng theo giá trị sản xuất bình quân hằng năm của Can Lộc trong nhiệm kỳ 2015-2020 đạt 5,7%; thu nhập bình quân đầu người ước đạt 42 triệu đồng, tăng 13,3 triệu đồng so với năm 2016. Góp phần không nhỏ vào kết quả chung đó chính là những kết quả của chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp theo chiều sâu với việc ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất”.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn trao bằng công nhận huyện NTM của Thủ tướng Chính phủ cho cán bộ và Nhân dân huyện Can Lộc (tháng 12/2019). Ảnh tư liệu
Những năm qua, bức tranh nông nghiệp của Can Lộc đã có những mảng màu rõ nét. Vùng trà sơn phát triển cây ăn quả, chăn nuôi tập trung; vùng ven đô sản xuất rau màu; vùng trung tâm sản xuất lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản. Từ những đặc thù đó, ngày càng xuất hiện nhiều nông dân tiêu biểu, dám nghĩ, dám làm. Bằng sức lao động, sự linh hoạt, sáng tạo của mình, họ đã tạo nên những giá trị mới.
Không còn sản xuất manh mún, nông dân Can Lộc tập trung xây dựng mô hình kinh tế tổng hợp. Đến nay, toàn huyện có 893 trang trại, gia trại, mô hình kinh tế, trong đó, 61 mô hình lớn, 110 mô hình vừa và 722 mô hình nhỏ. Tổng giá trị hàng hóa sản xuất đạt trên 200 tỷ đồng.
Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn cùng đoàn kiểm tra mô hình lúa nếp 98 do Công ty CP Giống cây trồng Hà Tĩnh cung cấp giống và bao tiêu sản phẩm tại xã Khánh Vĩnh Yên (6/5/2020). Ảnh: Thanh Hoài
Mật ong Trà Sơn phấn đấu xây dựng sản phẩm OCOP trong năm nay.
Viên nghệ tẩm mật ong An Tâm (thị trấn Đồng Lộc - Can Lộc) là một trong 10 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP năm 2019.
Cam Loan Việt - sản phẩm OCOP 2019.
Trong đó có nhiều mô hình nổi bật, mang lại hiệu quả kinh tế cao đang được tiếp tục nhân rộng và phát triển như: chăn nuôi lợn nái ngoại, lợn siêu nạc, bò nhốt, gia cầm; sản xuất lúa tập trung chất lượng cao; sản xuất rau, củ, quả ứng dụng công nghệ cao trong nhà lưới; tưới nhỏ giọt và thâm canh cây ăn quả… Từ đó đã dần tạo nên những thương hiệu cho nông sản như: cam và cà dừa Thượng Lộc; hành tăm Thiên Lộc, Vượng Lộc; hành lá ở Thuần Thiện…
Không chỉ có thế, người nông dân Can Lộc đang hướng đến việc nâng tầm nông sản bằng cách liên kết xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP. Chị Võ Thị Loan - Tổ trưởng Tổ hợp tác Anh Hùng 2 (thôn Anh Hùng, xã Thượng Lộc) cho hay: “Thông qua hình thức tổ hợp tác, các hộ trồng cam trong xã đã liên kết với nhau để xây dựng thương hiệu. Hiện tại, chúng tôi sản xuất theo quy trình VietGAP và năm 2019, cam của tổ hợp tác đã được công nhận là sản phẩm OCOP”.
Ông Nguyễn Thế Long - chủ nhân của khu vườn thanh long ruột đỏ ở thôn Đông Nam, xã Thiên Lộc.
Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp theo chiều sâu, hiện Can Lộc đang triển khai 6 mô hình VietGAP, đưa giống ổi Đài Loan, thanh long ruột đỏ vào địa bàn, bước đầu cho kết quả khá ở một số xã, như: Phú Lộc, Thường Nga, Thiên Lộc.
Ông Nguyễn Thế Long ở thôn Đông Nam (xã Thiên Lộc) - chủ nhân của khu vườn thanh long ruột đỏ rộng hơn 1 ha cho biết: “Với các loại cây trồng truyền thống, nhiều năm gia đình vất vả mà hiệu quả kinh tế thấp. Năm 2012, khi huyện có chủ trương, tôi cải tạo vườn tạp và mạnh dạn đưa giống thanh long ruột đỏ vào trồng. Hiện tại, gia đình có khoảng 600 gốc thanh long cho thu nhập bình quân khoảng 300 triệu đồng/năm. Sau khi mô hình thành công, rất nhiều hộ trong vùng cũng đã mạnh dạn trồng thanh long và cho thu nhập khá”.
Cùng với những thành tựu nổi bật trong kinh tế, một dấu ấn không kém phần quan trọng của Can Lộc nhiệm kỳ qua là việc được công nhận huyện NTM năm 2019 (vượt mục tiêu đặt ra 1 năm). Toàn huyện đã huy động gần 11.000 tỷ đồng để xây dựng NTM, đô thị văn minh. 34 khu dân cư kiểu mẫu, 415 vườn mẫu đã được hoàn thành trong 5 năm.
Nhân dân thôn Tây Hương, xã Tùng Lộc chỉnh trang khu dân cư kiểu mẫu.
Bên cạnh đó, thương mại, dịch vụ, du lịch tiếp tục có bước phát triển mới, tốc độ tăng trưởng đạt bình quân 18,2%/năm, chiếm tỷ trọng 24,4% trong cơ cấu kinh tế. Khu thương mại, dịch vụ Hầm Pháo (thị trấn Nghèn) thu hút 8 nhà đầu tư, góp phần giải quyết việc làm, tăng nguồn thu và tạo cảnh quan, diện mạo đô thị Nghèn.
Đặc biệt, hạ tầng Khu du lịch chùa Hương Tích, Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc được quan tâm đầu tư, tôn tạo. Huyện cũng kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, quản lý, khai thác các khu du lịch và xây dựng những sản phẩm du lịch đặc trưng. Nguồn thu từ dịch vụ và du lịch trong 5 năm qua ước đạt 270 tỷ đồng.
Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc. Ảnh: Huy Tùng
Hệ thống cáp treo chùa Hương Tích, xã Thiên Lộc (Can Lộc). Nơi được mệnh danh là “Danh lam đệ nhất Hoan Châu”.
Công tác xây dựng Đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị, Can Lộc cũng đạt nhiều thành quả. Trong đó, đáng chú ý là việc thực hiện thành công đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, tạo “cú hích” trong công tác cán bộ. Từ 23 xã, thị trấn giảm xuống còn 18 xã, thị trấn; giảm 15 thôn, xóm, khối phố; giảm 90 cán bộ, công chức, viên chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách cấp xã, Can Lộc đã sắp xếp bộ máy tinh gọn, sàng lọc, lựa chọn đội ngũ cán bộ có năng lực, tâm huyết để hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn.
Bí thư Huyện ủy Nguyễn Như Dũng chia sẻ: “Đánh giá thẳng thắn về kết quả của nhiệm kỳ qua, chúng tôi xác định: Thành công và hạn chế đều là những bài học kinh nghiệm quý báu, là cơ sở để chúng tôi đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ mới cho nhiệm kỳ tới”.
Trung tâm thị trấn Nghèn ...
và khu vực tượng đài Xô viết Nghệ Tĩnh rợp cờ, hoa chào mừng đại hội. Ảnh: Giang Nam
Trước chặng đường 5 năm (2020-2025), Can Lộc tập trung vào một số mũi đột phá như: tiếp tục chuyển đổi ruộng đất, phát triển mạnh nông nghiệp quy mô lớn, các chuỗi liên kết bền vững, khuyến khích chế biến sau thu hoạch; xây dựng hạ tầng, ưu tiên phát triển đô thị và các trung tâm thị tứ; khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, từng bước đưa dịch vụ, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; đẩy mạnh cải cách hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, thực hiện mạnh mẽ việc bố trí, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Can Lộc đang ấp ủ những khát vọng mới để vững vàng đi lên cùng sự phát triển của tỉnh, của đất nước. Hòa trong sắc xanh của cây cối, vườn tược, trong đỏ tươi ngói mới, hòa trong sự êm ả của những cánh đồng, những đồi cây trái, sự sôi động của nhiều công trình, dự án… là tình yêu, niềm tin bền bỉ của con người trên vùng quê cách mạng.
Nhiệm kỳ 2020-2025, Can Lộc đặt mục tiêu đến năm 2025 tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 400 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người trên 70 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hằng năm từ 1% đến 1,5%; phấn đấu có 95% thôn, tổ dân phố đạt tiêu chuẩn văn hóa, 88,5% hộ đạt gia đình văn hóa; có 100% xã đạt NTM nâng cao, trong đó có 3 đến 5 xã đạt NTM mới kiểu mẫu; 70% số thôn trên toàn huyện đạt tiêu chí khu dân cư kiểu mẫu; 2 thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh.
Ảnh, video: PV - CTV
thiết kế: huy tùng