Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trên mọi miền Tổ quốc có nhiều chiến công hiển hách, trong đó Ngã ba Đồng Lộc đã đi vào huyền thoại, tô thắm những trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam.
Video: Khu di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt Ngã ba Đồng Lộc.
Ngã ba Đồng Lộc nằm trên giao điểm huyết mạch giao thông chi viện sức người, sức của từ miền Bắc vào chiến trường miền Nam. Từ những năm 1964-1972, nơi đây bị máy bay Mỹ đánh phá liên tục, trở thành “tọa độ lửa”. Đỉnh điểm từ tháng 4 - 10/1968, Ngã ba Đồng Lộc phải hứng chịu gần 1.900 lượt ném bom với hơn 50.000 quả bom các loại; ước tính, mỗi mét vuông đất nơi đây gánh chịu ít nhất 3 quả bom tấn. Ác liệt nhất là ngày 15/7/1968, có tới 103 lần máy bay Mỹ đánh phá, rải xuống hơn 800 quả bom.
Lực lượng TNXP san lấp hố bom tại chiến trường Đồng Lộc. Ảnh tư liệu.
Với tinh thần “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” và tình cảm thiêng liêng “tất cả vì miền Nam ruột thịt”, trong mưa bom, bão đạn, quân, dân Hà Tĩnh và các lực lượng ngày đêm vẫn kiên cường bám trụ, chiến đấu dũng cảm, mưu trí với quyết tâm sắt đá “sống bám cầu, bám đường, chết kiên cường, dũng cảm”, “đường chưa thông không tiếc xương, tiếc máu”, “địch phá một, ta làm mười”; bảo đảm thông đường cho phương tiện, hàng hóa, vũ khí và các lực lượng chi viện cho tiền tuyến miền Nam. Trong 5 tháng của năm 1968, lực lượng của ta đã bắn rơi 14 máy bay Mỹ; trong tháng 7/1968, đã phá 1.780 quả bom các loại, đóng góp trên 974.300 ngày công để lấp hố bom, bạt núi, san đường.
Trong gian khổ, hy sinh đã ngời sáng các tấm gương Anh hùng Lực lượng vũ trang: La Thị Tám, Nguyễn Tiến Tuẩn, Vương Đình Nhỏ, Uông Xuân Lý, Nguyễn Xuân Lứ, Võ Triều Chung; Anh hùng Lao động Nguyễn Tri Ân và nhiều tên tuổi khác… Tiêu biểu cho tinh thần chiến đấu, hy sinh tại “tọa độ chết” Ngã ba Đồng Lộc là gương nghĩa liệt của 10 nữ anh hùng TNXP Tiểu đội 4, Đại đội 552, Tổng đội TNXP 55 Hà Tĩnh. Các chị đã mãi mãi nằm lại nơi này vào ngày 24/7/1968 khi tuổi đời mới mười tám, đôi mươi, khi mà “Ngày bom vùi tóc tai bết đất/ Nằm xuống mộ rồi, mái đầu chưa gội được” (Vương Trọng).
Anh hùng Nguyễn Tri Ân (ngoài cùng bên trái), anh hùng La Thị Tám (thứ 3 từ trái sang), anh hùng Uông Xuân Lý (thứ 3 từ phải sang) cùng các cựu thanh niên xung phong Hà Tĩnh: Lương Thị Tuệ, Lê Thị Nhị, Lê Thị Hồng, Nguyễn Thị Bé và nhà thơ Yến Thanh gặp gỡ tại Ngã ba Đồng Lộc. Ảnh: Huy Tùng
Chiến thắng Đồng Lộc là chiến thắng của ngọn cờ cách mạng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, của đường lối kháng chiến trường kỳ, toàn dân, toàn diện, phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại của Đảng ta; góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, đỉnh cao là đại thắng mùa xuân năm 1975, thống nhất đất nước. Ngã ba Đồng Lộc đã trở thành bất tử, sừng sững một biểu tượng sáng ngời về tình yêu Tổ quốc, tô thắm truyền thống ngàn năm dựng nước, giữ nước của dân tộc ta; làm rạng danh quê hương Hà Tĩnh - vùng địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống yêu nước, văn hóa, cách mạng. Những tấm gương quên mình vì Tổ quốc, sự hy sinh cao cả của các anh hùng liệt sĩ mãi được khắc ghi, là niềm tự hào, cổ vũ, động viên các thế hệ người Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thực hiện lời căn dặn của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn trong chuyến về thăm Đồng Lộc năm 1969: “Sau chiến tranh phải làm cho Đồng Lộc xanh tươi”, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc đã được đầu tư xây dựng. Năm 1989, Ngã ba Đồng Lộc được xếp hạng Khu di tích lịch sử cấp quốc gia; năm 2013, được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận Khu di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt. Khu di tích trở thành “địa chỉ đỏ” quen thuộc, là một trong những nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ người dân Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ. Xã Đồng Lộc (nay là thị trấn Đồng Lộc) đang nỗ lực vươn mình xây dựng đô thị văn minh.
Đồng Lộc xanh tươi. Ảnh: P.V
Phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang của quê hương, trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã không ngừng nỗ lực vươn lên, biến chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong các cuộc kháng chiến chống kẻ thù xâm lược thành ý chí, sức mạnh đoàn kết và sáng tạo trong xây dựng, kiến thiết quê hương.
Những năm gần đây, Hà Tĩnh gặp nhiều khó khăn do tình hình thế giới diễn biến phức tạp; tác động của thiên tai, nhất là trận lũ lịch sử cuối năm 2020, đại dịch COVID-19… Nhưng với sự quan tâm, giúp đỡ của Trung ương, ý chí quyết tâm, chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, Hà Tĩnh đã giành được kết quả khá trên các lĩnh vực.
Kinh tế phục hồi tích cực với mức tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2023 đạt khoảng 5%. Quy mô nền kinh tế đạt gần 100 nghìn tỷ đồng (tăng 17.600 tỷ đồng so với đầu nhiệm kỳ), xếp thứ 3 các tỉnh Bắc Trung Bộ và thứ 30 cả nước. Tổng thu ngân sách trên địa bàn giai đoạn 2021-2023 đạt trên 50.700 tỷ đồng, gấp 1,7 lần giai đoạn 2016-2018; 6 tháng đầu năm 2023, thu ngân sách đạt 9.000 tỷ đồng. Tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ chiếm 85% trong cơ cấu kinh tế. Các sản phẩm công nghiệp chủ lực như điện, thép đóng góp đáng kể cho ngành công nghiệp cả nước. Tốc độ tăng trưởng bình quân lĩnh vực nông nghiệp đạt 2,5%/năm. Chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn được hình thành, phát triển tại nhiều địa phương. Lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch phục hồi tích cực; tốc độ tăng trưởng bình quân toàn ngành giai đoạn 2021-2023 đạt 6,7%.
Thu hút đầu tư có nhiều khởi sắc. Các dự án công nghiệp lớn đã và đang được triển khai như: Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 2, Nhà máy Sản xuất Pin VINES của Tập đoàn Vingroup, Nhà máy Bia Hà Nội - Nghệ Tĩnh, Dự án đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Vinhomes Vũng Áng... Tại hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 gắn với xúc tiến đầu tư, tỉnh đã trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho 14 nhà đầu tư với 15 dự án có tổng vốn hơn 9.600 tỷ đồng, ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư với 25 nhà đầu tư với 33 dự án quy mô gần 220 nghìn tỷ đồng. Đến nay, toàn tỉnh có gần 1.500 dự án, trong đó có 1.400 dự án trong nước tổng vốn đầu tư hơn 137 nghìn tỷ đồng và 68 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư 16 tỷ USD; là một trong 10 tỉnh có vốn đầu tư FDI lớn nhất cả nước. Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Hà Tĩnh được triển khai theo tiến độ, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2025.
Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 mở ra nhiều cơ hội phát triển mới cho Hà Tĩnh. Ảnh: Huy Tùng
Cùng với phát triển kinh tế, Hà Tĩnh luôn chú trọng công tác bảo tồn, khai thác, phát huy các giá trị văn hóa, tạo động lực phát triển KT-XH. Đến nay, Hà Tĩnh có dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; Ca trù là di sản phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp; có 3 di sản là Mộc bản Trường học Phúc Giang, Hoàng Hoa sứ trình đồ và Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu được ghi danh di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Thể thao thành tích cao tiếp tục được đầu tư, giành nhiều huy chương cấp quốc gia, khu vực và thế giới. Giáo dục - đào tạo tiếp tục nằm trong tốp đầu cả nước. Công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân được chú trọng. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 45 triệu đồng/năm, tăng 5,6 triệu đồng/năm so với năm 2020.
Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Hoàng Đạo Cương trao bằng chứng nhận Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu là Di sản tư liệu Chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: Giang Nam
Các cấp, ngành thường xuyên quan tâm, chăm lo công tác an sinh xã hội; chính sách đối với người có công với cách mạng được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Nửa nhiệm kỳ qua, tỉnh đã huy động xã hội hóa được hàng nghìn tỷ đồng, xây dựng 58 nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh trú bão, lũ; hơn 4 nghìn nhà ở kiên cố cho người có công, hộ nghèo, hộ bị ảnh hưởng do thiên tai; đang triển khai xây dựng hơn 1.000 nhà ở cho các hộ khó khăn và xây dựng các điểm trường vượt lũ trên địa bàn từ nguồn kêu gọi hỗ trợ của Bộ Công an và các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm; hỗ trợ 220 em học sinh đạt điểm cao, gặp hoàn cảnh khó khăn đi học đại học, bình quân mỗi em từ 80-150 triệu đồng; các đoàn thể đỡ đầu 3.500 trẻ em mồ côi.
Nửa nhiệm kỳ qua, tỉnh đã huy động xã hội hóa được hàng ngàn tỷ đồng, xây dựng 58 nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh, trú bão lũ. Ảnh: Vũ Viễn
Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định. Hà Tĩnh là tỉnh thứ 2 hoàn thành cấp căn cước cho 100% công dân đủ điều kiện trên địa bàn; tích cực triển khai thực hiện Đề án 06 của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia. Năm 2022, xếp hạng chuyển đổi số của Hà Tĩnh tăng 22 bậc, đứng thứ 37 cả nước.
Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được tăng cường, ngày càng đi vào chiều sâu; nội bộ đoàn kết, thống nhất. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành 15 nghị quyết và nhiều chủ trương, kết luận để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025. Các chủ trương, nghị quyết của Đảng được triển khai kịp thời, hiệu quả; thường xuyên chú trọng việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với các giải pháp ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Phát huy truyền thống yêu nước và khí phách chiến thắng Đồng Lộc, trong thời gian tới, Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm:
Thường xuyên tăng cường, chăm lo công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức Đảng và công tác quản lý của chính quyền các cấp hiệu lực, hiệu quả, chuyên nghiệp, minh bạch, thân thiện, phục vụ Nhân dân, doanh nghiệp. Tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận rộng rãi trong Nhân dân.
Tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao trách nhiệm, đạo đức công vụ trong đội ngũ cán bộ các cấp. Tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Chú trọng, thực hiện tốt công tác đối thoại, tiếp công dân, giải quyết dứt điểm các tồn đọng. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân. Chuẩn bị kỹ lưỡng các phương án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo lộ trình và phù hợp thực tiễn.
Triển khai đồng bộ Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; hoàn chỉnh các quy hoạch vùng, ngành. Tiếp tục tập trung phát triển 4 ngành trọng điểm (công nghiệp luyện thép, công nghiệp hỗ trợ, chế tạo sau thép và sản xuất điện; nông, lâm nghiệp và thủy sản; dịch vụ logistics; du lịch); 3 trung tâm đô thị (trung tâm đô thị xung quanh TP Hà Tĩnh; trung tâm đô thị phía Bắc gắn với TX Hồng Lĩnh; trung tâm đô thị phía Nam với hạt nhân là TX Kỳ Anh gắn với Khu kinh tế Vũng Áng); 3 hành lang kinh tế (hành lang đồng bằng ven biển gắn với quốc lộ 1A, cao tốc Bắc - Nam và đường ven biển; hành lang dọc quốc lộ 8; hành lang phía Tây gắn với đường Hồ Chí Minh; 1 trung tâm động lực -Khu kinh tế Vũng Áng với hạt nhân là Khu liên hợp gang thép Formosa, cụm cảng nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương).
Phân vùng không gian liên huyện theo Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh.
Xây dựng Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo trở thành trung tâm logistics trên giao điểm giữa trục đường Hồ Chí Minh và hành lang kinh tế Đông - Tây. Huy động nguồn lực xây dựng TP Hà Tĩnh, TX Hồng Lĩnh, TX Kỳ Anh, kết nối các chuỗi đô thị dọc quốc lộ 1, đường ven biển, quốc lộ 8, đường Hồ Chí Minh. Mở rộng không gian đô thị và địa giới hành chính TP Hà Tĩnh trở thành một trong những đô thị trung tâm của vùng Bắc Trung Bộ.
Tiếp tục hoàn thiện hệ thống hạ tầng đồng bộ, nhất là các trục giao thông trọng yếu nội tỉnh, đường bộ cao tốc Bắc - Nam, hạ tầng các đô thị TP Hà Tĩnh, TX Kỳ Anh, TX Hồng Lĩnh, hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, hạ tầng số.
Tập trung cao thực hiện Đề án “Thí điểm xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn nông thôn mới, giai đoạn 2021-2025. Tiếp tục thực hiện việc dồn điền, đổi thửa, tập trung, tích tụ ruộng đất, tạo điều kiện để các doanh nghiệp hợp tác, đầu tư các mô hình nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, tăng năng suất, giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản.
Tùng Ảnh (Đức Thọ) – 1 trong 2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu đầu tiên của Hà Tĩnh vẫn giữ được nét làng quê truyền thống với hàng rào xanh. Ảnh tư liệu của: Thanh Hoài.
Khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế trên lĩnh vực du lịch, nhất là du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa. Tập trung thu hút đầu tư, phát triển du lịch, dịch vụ dọc ven biển. Hỗ trợ, đồng hành với các nhà đầu tư để triển khai một số dự án khu đô thị, du lịch ven biển có quy mô lớn, hiện đại tại các huyện Nghi Xuân, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, TX Kỳ Anh.
Chú trọng phát triển toàn diện lĩnh vực văn hóa - xã hội. Phát huy các giá trị di sản văn hóa, phẩm chất nghĩa tình, đoàn kết, chịu thương chịu khó vượt lên hoàn cảnh, hiếu học... của người Hà Tĩnh trong thời kỳ mới; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong gia đình, dòng họ, làng xã, trường học, công sở, doanh nghiệp, tạo sức mạnh nội sinh để phát triển KT-XH.
Thường xuyên chăm lo công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động; chăm lo chế độ, chính sách cho các thương - bệnh binh, thân nhân gia đình liệt sĩ, những người có công với cách mạng. Quan tâm huy động nguồn lực thực hiện các chương trình an sinh xã hội, nhất là hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, các đối tượng chính sách; nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp; hỗ trợ học sinh gặp hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập, nuôi dưỡng lý tưởng cao đẹp, đóng góp cho quê hương, đất nước.
Tăng cường các giải pháp đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Chủ động nắm chắc, dự báo tình hình; xử lý nghiêm các phần tử cơ hội chính trị, cực đoan, phản động, lợi dụng kích động, chia rẽ khối đoàn kết toàn dân. Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; giữ vững quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo ổn định để phát triển bền vững.
Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng thăm hỏi, trò chuyện với các cựu TNXP Hà Tĩnh. Ảnh: Anh Thùy
Kỷ niệm 55 năm Chiến thắng Đồng Lộc là dịp để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Hà Tĩnh tiếp tục tri ân sâu sắc đối với đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, lực lượng TNXP và các lực lượng đã cống hiến, hy sinh cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc; khơi dậy niềm tự hào về truyền thống yêu nước nồng nàn, truyền thống văn hóa của con người Hà Tĩnh, củng cố khối đoàn kết toàn dân, chung sức, chung lòng, vượt qua mọi khó khăn, quyết tâm đưa tỉnh nhà trở thành một trong những cực phát triển của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, đến năm 2025 đạt chuẩn tỉnh nông thôn mới, đến năm 2030 trở thành tỉnh khá của cả nước.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh