Dẫu không phải là dòng sông quê hương, không phải là bến sông neo buộc tuổi đời thơ ấu nhưng bến sông Thọ Tường (Đức Thọ) vẫn thường trực trong nỗi nhớ của tôi từ ngày đầu gặp gỡ. Đó là một bến sông trầm mặc trên dòng sông La đầy thi vị trong thơ ca. Cho tới tận bây giờ tôi cũng không bao giờ quên được con đường đất quanh co u tịch từ thị trấn ra ngôi làng nhoài ra bến sông ấy. Không thể quên được buổi sáng đầy nắng khi tôi một mình đến tìm hiểu về làng chài ấy. Và gió, cơ man là gió từ bến sông thổi vào những căn nhà vừa mới dựng, thổi vào luỹ tre cong cong nơi rìa làng, thổi vào những gương mặt ngư dân còn nguyên vẻ khắc khổ của những năm tháng lênh đênh không nhà, không cửa.
Ảnh: Khánh Thành
Với tôi, bến sông dưới chân cầu Thọ Tường thuộc tổ dân phố 6 thị trấn Đức Thọ là một bến đỗ kỳ lạ bởi trên dặm dài lênh đênh sông nước, qua bao bến bờ của những làng mạc ven sông, hàng chục ngư dân Quảng Bình lại cùng lựa chọn nơi đây làm chỗ dừng chân. Và như một định mệnh của đời người, của lịch sử, những hộ dân vạn chài đã lần lượt được được chính quyền địa phương tạo điều kiện, cấp đất cho họ an cư lâu dài. Họ sinh con đẻ cái rồi con cái họ lại kết duyên với người bản địa, tiếp tục gắn bó với sóng nước La Giang.
Từng làm tổ trưởng tổ dân phố 6 trong giai đoạn 1997 – 2006, ông Nguyễn Tiến Long gần như chứng kiến toàn bộ cuộc “di cư” đặc biệt đó. Vào chừng đầu năm 1998, khi cái đói, cái nghèo còn đeo bám những con thuyền vạn chài, khi vùng ven sông quanh năm ngập trong lũ lụt này mới chỉ lác đác vài ngôi nhà của dân bản địa thì xuất hiện 2 con thuyền của gia đình ông Hoàng Văn Tự và ông Phạm Văn Thuỷ là ngư dân Quảng Bình phiêu dạt ra đây. Người dân Đức Thọ vốn hiền lành và hiếu khách, không chỉ dễ dàng chấp nhận sự có mặt của họ mà còn tạo mọi điều kiện giúp đỡ trong cuộc sống. Thiếu ăn cho ăn, thiếu mặc cho mặc, khi đau ốm bệnh tật thì cưu mang đùm bọc như người làng, người xóm. Cảm nhận được tình yêu thương trìu mến của dân làng, dần dần con cháu của ông Tự, ông Thuỷ cũng kéo nhau ra sinh cơ lập nghiệp ở bến sông này.
Ảnh: Khánh Thành
Khi con số hộ vạn chài “định cư” ở đây lên đến hàng chục, cuộc sống lại nheo nhóc, không ổn định thì các bậc trưởng lão như ông Thuỷ, ông Tự bắt đầu làm đơn xin được cấp đất lên bờ sinh sống. Cảm thương những phận đời lênh đênh, nghèo khổ, cảm mến cái tình tha thiết của những người tha phương cầu thực, chính quyền thị trấn Đức Thọ đã xem xét và lần lượt cấp đất cho họ lên bờ.
Hôm nay, khi tôi trở lại làng chài này thì ông Hoàng Văn Tự đã về bên kia thế giới còn ông Phạm Văn Thuỷ cũng đã quay trở về Quảng Bình sinh sống. Thế nhưng, con cái của các ông vẫn ở lại đây, lập gia đình và vẫn mưu sinh bằng cái nghề các ông để lại. Trong buổi trưa yên bình trên con đường rợp bóng tre ven sông ấy, tôi đã gặp Phạm Văn Cần con trai thứ của ông Phạm Văn Thuỷ. Cần theo cha mẹ ra ở đây đã hơn 20 năm, chừng ấy thời gian là đã quá đủ cho một cuộc gắn bó, đủ để một người hoà nết ăn, nết ở của mình với một miền quê xa lạ. Hơn thế nữa, trong 20 năm ấy, Cần đã kịp lấy một cô vợ người bản địa và lần lượt sinh 4 người con. Bây giờ thì vợ chồng Cần đã cất được nhà cửa khang trang, hàng ngày vẫn bám theo con nước để mưu sinh. Cần nói, dòng sông La luôn ưu ái dân vạn chài, chỉ cần vợ chồng hoà thuận, chăm chỉ thì cuộc sống cũng khấm khá.
Ảnh: Huy Tùng
Nhìn những đứa con của Cần chạy nhảy nô đùa cùng những đứa bé trong xóm bên những dãy lưới bố mẹ chúng phơi phong, nhìn những bóng dáng phụ nữ lặng lẽ chuẩn bị ngư cụ cho chuyến đánh bắt buổi tối, một cảm giác bình yên, thân thương choáng ngợp lòng tôi. Tôi hiểu rằng, sông La với dòng chảy hiền hoà, mát ngọt từ bao đời đã bồi đắp cho cư dân ven sông những đức tính quý báu. Họ không chỉ cần cụ làm lụng còn dễ dàng sẻ chia, dễ dàng yêu thương đồng loại. Mềm mại và quấn quýt như nước với mạn thuyền. Bởi thế mà ngư dân Quảng Bình mới neo lại đây, sáng chiều ngụp lặn trên sông nước. Để chính họ cũng không hiểu tự bao giờ, mạch nguồn ngọt ngào ấy đã thấm quyện trong huyết quản họ. Cho họ cảm giác như mình được sinh ra từ chính miền quê sông nước này để có nghĩa vụ phải sống trọn vẹn với nó.
Ảnh: Thiện Chân
Bất kỳ lúc nào nghĩ về dòng sông quê hương, tôi cũng nghĩ về những câu thơ của Tế Hanh: “Quê hương tôi có con sông xanh biếc/Nước gương trong soi tóc những hàng tre/ Tâm hồn tôi là một buổi trưa hè/ Tỏa nắng xuống dòng sông lấp loáng”. Những ai may mắn được lớn lên bên những dòng sông hẳn sẽ được gặp lại mình trong đó và không thôi nhung nhớ dòng chảy của quê hương. Cho đến tận bây giờ, tôi cũng không lý giải được vì sao dòng sông quê tôi lại mang tên Ngàn Phố, chỉ biết rằng, ký ức mà tôi có với dòng sông ấy, với bến sông làng tôi thì chẳng phố bao giờ, chỉ ngăn ngắt một màu quê. Bình yên và hồn hậu.
Ảnh: Nguyễn Thanh Hải
Đó là những tinh sương nằm trong căn phòng có khung cửa sổ mở ra bến sông lắng nghe tiếng lịch xịch neo buộc của những chuyến đò ngang. Đó là những trưa hè chang chang nắng đi câu cá, câu tôm trên những bến đá. Là những chiều ngụp lặn, trêu đùa những đứa bé vạn chài dong thuyền qua bến. Sông đã cấp nước cho ruộng đồng bờ bãi, cho ngô lúa lên xanh. Sông cũng đã nuôi dưỡng tâm hồn, tắm mát tuổi thơ cho bao bậc nhân tài trí dũng của đất nước. Những tên người, tên làng sinh ra từ sông, được sông nuôi dưỡng đã theo dòng chảy mãi, chảy vào lịch sử, văn hoá của quê hương, đất nước và chảy tới vô cùng trong vũ trụ vô thuỷ vô chung.
Sau này, trên muôn nẻo thiên lý, tôi còn được gặp gỡ rất nhiều dòng sông chở nặng ân tình khiến tâm tư luôn thao thiết nhớ. Đó là một Bạch Đằng lừng lẫy trong lịch sử với chiến thắng của Ngô Quyền. Đó là dòng Vàm Lũng (Cà Mau), ghi dấu tích con tàu Phương Đông 1 do anh hùng Bông Văn Dĩa làm thuyền trưởng mang theo 30 tấn vũ khí từ miền Bắc cập bến an toàn (16/10/1962), khai thông đường Hồ Chí Minh trên biển huyền thoại. Đó là dòng sông Thạch Hãn nơi tuổi 20 của một thế hệ đã hoá thành sóng nước, “vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm”. Là dòng Lam với bến Lách hiên ngang hứng chịu hàng ngàn tấn bom đạn, hàng trăm quả thuỷ lôi, pháo sáng của giặc Mỹ giữ cho huyết mạch giao thông ra tiền tuyến được thông suốt….
Những dòng sông đã ghi dấu tên tuổi của nó vào văn hoá, lịch sử đất nước, vào tâm tư con người theo sứ mệnh và cách riêng của nó. Dẫu bình dị hay hào hùng, dẫu lớn hay nhỏ, nông hay sâu vẫn vỗ mãi vào lòng người những lớp lang kỷ niệm. Để trong những khoảnh khắc ồn ã hay những khoảng lặng bình yên, giữa khúc quanh cuộc sống hay bằng phẳng đường đời ta đều thao thiết nhớ về những ân nghĩa của dòng trôi…
Ảnh: đậu bình - nguyễn thanh hải
huy tùng - khánh thành - thiện chân
thiết kế: huy tùng
Ảnh: Nguyễn Thanh Hải