Năm 2022, cùng với cả nước, Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh kỷ niệm năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam, kỷ niệm 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao 5/9 (1962-2022), 45 năm ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào 18/7 (1977-2022). Đây là dịp để cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể và mỗi người dân nhận thức sâu sắc tình đoàn kết hữu nghị, lâu đời, thủy chung, son sắt giữa hai dân tộc anh em, đồng chí, chung sức xây dựng hai nước ngày càng phát triển.
Là hai nước láng giềng, núi sông liền một dải, quan hệ gắn kết lâu đời Việt Nam và Lào được hình thành và hun đúc trong lịch sử dựng nước, giữ nước của hai dân tộc. Mối quan hệ son sắt, thủy chung ấy đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hản, Chủ tịch Xu-pha-nu-vông đặt nền móng, được các thế hệ lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước, Nhân dân hai nước dày công vun đắp. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Việt - Lào hai nước chúng ta/ Tình sâu hơn nước Hồng Hà - Cửu Long”. Chủ tịch Xu-pha-nu-vông cũng đã khẳng định: “Núi có thể mòn, sông có thể cạn, song tình nghĩa Lào - Việt sẽ mãi mãi vững bền hơn núi, hơn sông”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hản tại Hà Nội năm 1966. Ảnh tư liệu
Trong bài phát biểu tại lễ kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào; 45 năm ký kết Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Tình đoàn kết, hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau giữa Việt Nam và Lào là quy luật khách quan, là nhân tố có ý nghĩa sống còn của mỗi Đảng, mỗi nước; đồng thời là tài sản chung vô giá và là nền tảng để hai nước chúng ta cùng phát huy trong các giai đoạn lịch sử tiếp theo. Việt Nam và Lào không chỉ là hai nước láng giềng mà là “hai nước anh em, đồng chí”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và ông Bounthong Chitmany, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Phó Chủ tịch nước CHDCND Lào tại lễ kỷ niệm 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (5/9/1962 - 5/9/2022), 45 năm ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào, được tổ chức trọng thể tại Hà Nội. Nguồn ảnh: TTXVN
Lịch sử đã ghi lại những dấu mốc quan trọng trong xây dựng mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết gắn bó chặt chẽ giữa hai nước Việt Nam - Lào. Năm 1930, Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời đã lãnh đạo hai nước giành được chính quyền vào năm 1945. Tiếp đó, Đảng Cộng sản Đông Dương được tách ra thành 3 đảng tại mỗi nước Việt Nam, Lào và Campuchia, lãnh đạo liên minh chiến đấu, phối hợp ủng hộ lẫn nhau cả về quân sự, chính trị và ngoại giao, buộc thực dân Pháp phải ngồi vào bàn đàm phán và đi đến công nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của 3 nước tại Hội nghị Genève năm 1954. Ngày 23/7/1962, Hiệp định Genève về Lào được ký kết, công nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Lào. Ngày 5/9/1962, hai nước Việt Nam - Lào chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, thể hiện sự tiếp nối liên tục của liên minh chiến đấu Việt - Lào cũng như tinh thần đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau giữa hai dân tộc trên cả mặt trận quân sự và đối ngoại, đánh dấu cột mốc quan trọng trong lịch sử quan hệ Việt Nam - Lào.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Định trao tặng phẩm cho đại đội nữ pháo binh trong chuyến thăm hữu nghị vùng giải phóng Lào, tháng 4/1974 (ảnh 1). Liên quân Lào - Việt trong kháng chiến chống Pháp năm 1950 (ảnh 2). Chuyên gia quân sự Việt Nam với các chiến sỹ Lào (ảnh 3, 4). Ảnh tư liệu của TTXVN
Từ sau năm 1962, Nhân dân Việt Nam - Lào đã tiếp nối truyền thống, dành cho nhau sự chia sẻ sâu sắc, to lớn về vật chất lẫn tinh thần, “hạt muối cắn đôi, cọng rau bẻ nửa” để viết tiếp bản anh hùng ca về tình đoàn kết chiến đấu. Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam đã cử hàng vạn chuyên gia, cán bộ, chiến sỹ sang phối hợp, giúp đỡ và sát cánh chiến đấu cùng Nhân dân Lào. Với tình cảm đặc biệt, Đảng, Nhà nước và Nhân dân Lào đã hết lòng, hết sức hỗ trợ Việt Nam xây dựng “đường Hồ Chí Minh”, “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”... Sự giúp đỡ chí tình, chí nghĩa lẫn nhau trở thành sức mạnh to lớn, đưa sự nghiệp giải phóng dân tộc của mỗi nước đi đến thắng lợi hoàn toàn vào năm 1975. Cũng từ đó, quan hệ giữa Việt Nam và Lào bước sang trang sử mới với sự hợp tác toàn diện giữa hai quốc gia độc lập, có chủ quyền, tiếp tục cùng kề vai sát cánh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN ở mỗi nước.
Đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất BCH Trung ương Đảng Lao động Việt Nam dẫn đầu đoàn đại biểu Đảng Lao động Việt Nam, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thăm vùng giải phóng Lào, tháng 11/1973 (ảnh 1). Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng tiếp đoàn đại biểu Đảng, Chính phủ Lào do Tổng Bí thư Đảng NDCM Lào, Thủ tướng Chính phủ Cay-xỏn Phôm-vi-hản dẫn đầu, sang thăm hữu nghị Việt Nam, tháng 2/1976 (ảnh 2). Ngày 18/7/1977, tại thủ đô Vientiane, Thủ tướng Việt Nam Phạm Văn Đồng và Thủ tướng Lào Cay-xỏn Phôm-vi-hản ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác giữa hai nước Việt Nam – Lào (ảnh 3). Trong chuyến thăm hữu nghị chính thức Lào từ ngày 15 – 18/7/1977, Tổng Bí thư Lê Duẩn và Thủ tướng Phạm Văn Đồng thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ trao tặng Trung ương Đảng và Chính phủ Lào bức trướng thêu 4 câu thơ nổi tiếng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thương nhau mấy núi cũng trèo. Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua. Việt – Lào hai nước chúng ta. Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long” (ảnh 4). Ảnh tư liệu của TTXVN
Trong giai đoạn cách mạng mới, Việt Nam và Lào đã ký kết Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác ngày 18/7/1977. Đây là cơ sở chính trị, pháp lý quan trọng để hai nước không ngừng củng cố và phát triển toàn diện quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào trong thời kỳ mới. Hiệp ước đã tạo tiền đề để hai nước ký kết nhiều văn kiện và thỏa thuận hợp tác trên tất cả các lĩnh vực chính trị, QP-AN, đối ngoại, kinh tế, văn hóa - xã hội, công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước và hệ thống chính trị.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lào Phăn-khăm Vị-phả-văn trong chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 8 - 10/1. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Về hợp tác kinh tế, đến nay, Việt Nam đã đầu tư 214 dự án, đứng thứ 3 trong số các nước và vùng lãnh thổ đầu tư tại Lào. Các dự án, công trình hợp tác mang đậm dấu ấn của tình hữu nghị thủy chung, quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào không chỉ góp phần tăng cường kết nối kinh tế hai nước mà còn đóng góp vào phát triển KT-XH và hội nhập kinh tế quốc tế của mỗi nước.
Trên các lĩnh vực hợp tác QP-AN; hợp tác GD&ĐT và phát triển nguồn nhân lực, khoa học - công nghệ, môi trường, y tế, văn hóa - xã hội luôn được Đảng, Nhà nước của hai nước dành sự quan tâm đặc biệt và gặt hái nhiều kết quả quan trọng.
Cùng với bề dày truyền thống, lịch sử quan hệ hữu nghị Việt Nam - Lào, tỉnh Hà Tĩnh và các tỉnh nước bạn Lào có mối tình anh em, đồng chí, liên minh chiến đấu lâu đời, mối quan hệ hữu nghị hợp tác cùng phát triển bền vững. Hà Tĩnh có 164,488 km đường biên giới chung với hai tỉnh Bolikhămxay và Khăm Muồn. Trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc, hàng nghìn người con của Hà Tĩnh đã tham gia chiến đấu trong liên quân Việt - Lào và quân tình nguyện, chuyên gia giúp nước bạn Lào đánh đuổi quân xâm lược. Anh hùng Lê Thiệu Huy (người con quê hương xã Lâm Trung Thủy, huyện Đức Thọ, cuối năm 1945 được Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc phái giữ chức Tham mưu trưởng liên quân Việt - Lào cùng kề vai sát cánh chiến đấu với Bộ Tư lệnh Pa-thét Lào do Hoàng thân Xu-pha-nu-vông đứng đầu) đã lấy thân mình che chở cho Chủ tịch Xu-pha-nu-vông khỏi làn đạn địch trên sông Mê Kông ngày 21/3/1946. Trong thời kỳ hòa bình, các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, đảng viên và Nhân dân Hà Tĩnh luôn coi trọng mối tình gắn bó keo sơn, dày công vun đắp tình đoàn kết hữu nghị, hợp tác với các tỉnh nước bạn Lào.
Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng và đồng chí Văn Xay Phong Sả Vẳn - Bí thư, Tỉnh trưởng tỉnh Khăm Muồn (CHDCND Lào) chủ trì cuộc hội đàm cấp cao về công tác thu hút đầu tư giữa hai địa phương (tháng 7/2022). Ảnh: Dương Chiến
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải và Tiến sỹ Kong Kẹo Xay Sông Kham – Bí thư, Tỉnh trưởng tỉnh Bolikhămxay ký kết thỏa thuận hợp tác thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh giai đoạn 2022 - 2025. Ảnh: Dương Chiến
Hiện nay, quan hệ hữu nghị đặc biệt, hợp tác toàn diện giữa tỉnh Hà Tĩnh với các tỉnh Bolikhămxay, Khăm Muồn, Savannakhet, Thủ đô Viêng Chăn và các địa phương Lào không ngừng được củng cố, vun đắp. Hằng năm, các bên tổ chức các hội nghị cấp cao và ký kết nhiều biên bản ghi nhớ. Đặc biệt, năm 2022 - năm đoàn kết Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam, tỉnh Hà Tĩnh cùng các địa phương Lào đã tổ chức hội đàm, ký kết các văn bản thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2022 - 2025. Đây là những nội dung quan trọng và là cơ sở để các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể, các doanh nghiệp hai bên xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện. Đồng thời, thường xuyên cử các đoàn đại biểu cấp sở, ngành, địa phương sang hội nghị chia sẻ kinh nghiệm và tổ chức ký biên bản ghi nhớ hợp tác cụ thể từng lĩnh vực, ngành. Các hoạt động giao lưu hữu nghị Nhân dân thường xuyên được tổ chức ngày càng phong phú, đa dạng.
Hơn 13 năm qua, Công ty CP Cảng quốc tế Lào - Việt (đứng chân trên địa bàn Khu kinh tế Vũng Áng - TX Kỳ Anh) đã trở thành cầu nối cho tình hữu nghị Việt - Lào ở Hà Tĩnh. Mỗi bước phát triển của doanh nghiệp là một dấu ấn đẹp, vun dày thêm truyền thống hợp tác giữa hai nước. Ảnh: Đình Nhất - Thu Trang
Trên lĩnh vực kinh tế, dự án Cảng quốc tế Lào - Việt tại Vũng Áng (Hà Tĩnh) cùng với các dự án hợp tác nghiên cứu, xây dựng các tuyến đường bộ, đường sắt qua biên giới hai nước theo trục Đông - Tây đã và đang góp phần quan trọng giúp Lào khai thác vận tải biển và tiếp cận các tuyến hàng hải quốc tế để thực hiện mục tiêu chiến lược của Lào là phấn đấu trở thành một trung tâm hậu cần, logistics ở tiểu vùng sông Mê Kông và khu vực Đông Nam Á. Hiện tại, Hà Tĩnh có một số doanh nghiệp đầu tư tại Lào và mang lại hiệu quả kinh tế cao như: Công ty TNHH Việt - Lào đầu tư sản xuất các sản phẩm thạch cao tại tỉnh Khăm Muồn, tạo việc làm cho hàng trăm lao động, nộp ngân sách hàng chục tỷ đồng mỗi năm tại Lào; Công ty cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn đang xúc tiến triển khai các dự án khai thác và chế biến muối mỏ kali, khai thác than, tiêu thụ quặng sắt, sản xuất, chế biến gỗ dăm, viên nén gỗ và trồng rừng, chế biến sắn, tinh bột sắn và trồng sắn, thành lập công ty vận tải tại Lào với 1.000 xe ô tô. Hiện nay, kim ngạch xuất nhập khẩu của Hà Tĩnh với các địa phương Lào đạt trên 300 triệu USD. Nếu các dự án của các doanh nghiệp Hà Tĩnh đi vào hoạt động sẽ tăng kim ngạch xuất nhập khẩu, giải quyết việc làm, tăng thu ngân sách cho Lào.
Lưu học sinh Lào vui tết cổ truyền Bunpimay tại Trường Đại học Hà Tĩnh. Ảnh: Hà Nhất
Trong hợp tác lĩnh vực GD&ĐT, tỉnh Hà Tĩnh là địa phương tiếp nhận đào tạo tiếng Việt và chuyên ngành hệ đại học, cao đẳng, trung cấp và cao đẳng nghề cho cán bộ, học sinh, sinh viên các tỉnh của Lào với số lượng lớn, có những năm học đạt gần 3.000 em. Hằng năm, tỉnh hỗ trợ cấp học bổng cho hàng trăm học sinh, cán bộ của các tỉnh Bolikhămxay, Khăm Muồn, Savannakhet của Lào. Trong khuôn khổ các chương trình hợp tác, hằng năm, Hà Tĩnh đã cử các cán bộ, học sinh đi đào tạo tại Đại học Quốc gia Lào.
Hội đàm công tác bảo vệ biên giới giữa BĐBP Hà Tĩnh và Công an tỉnh Bolikhămxay. Ảnh: Tiến Dũng
Các hoạt động thiết lập quan hệ giữa các ngành, các địa phương ngày càng được tăng cường. Đến nay, có 3 đồn biên phòng của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh ký kết với Đồn Công an, Đại đội Bảo vệ biên giới hai tỉnh Bolikhămxay và Khăm Muồn. Hà Tĩnh và hai tỉnh Bolikhămxay, Khăm Muồn đã hoàn thành sớm công tác tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới; tăng cường tuần tra chung trên bộ, song phương trên tuyến biên giới với các tỉnh bạn Lào; phối hợp đấu tranh, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi xâm phạm đường biên giới, mốc quốc giới, đấu tranh phòng chống các loại tội phạm, buôn bán, vận chuyển ma túy, chống di cư tự do qua biên giới. Hợp tác, hỗ trợ tìm kiếm, cất bốc và hồi hương 800 hài cốt liệt sỹ, quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Lào về nước.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thế Dũng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Kỳ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu tại lễ đón nhận 11 hài cốt liệt sỹ, quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Lào về nước (tháng 6/2022). Ảnh: Giang Nam
Video: Đón nhận 11 hài cốt liệt sỹ hy sinh tại Lào về nước qua Cửa khẩu Cầu Treo. Thực hiện: Văn Đức
Ngành y tế Hà Tĩnh thường xuyên tổ chức khám, tư vấn, cấp phát thuốc miễn phí cho người dân khu vực biên giới tỉnh Bolikhămxay và Khăm Muồn, duy trì hoạt động khám, chữa bệnh thường xuyên cho người dân tại Bolikhămxay. Trong công tác phòng chống dịch COVID-19, Hà Tĩnh đã tích cực hỗ trợ các tỉnh Bolikhămxay, Khăm Muồn, Savannakhet và Thủ đô Viêng Chăn nguồn lực, vật tư, thiết bị y tế; tỉnh Bolikhămxay, Khăm Muồn đã hỗ trợ 5 tấn gạo và nguồn lực cho Quỹ Phòng chống COVID-19 của tỉnh Hà Tĩnh.
Hà Tĩnh đã và đang hỗ trợ hai tỉnh tiếp giáp biên giới triển khai nhiều dự án về nông nghiệp, y tế, giáo dục có ý nghĩa cả về KT-XH như: hệ thống thủy lợi huyện Nỏng Bốc, Trạm Y tế bản Mạc Phương (tỉnh Khăm Muồn); thư viện Trường THPT Xí Tha Na Xay, Bệnh xá Quân dân y (tỉnh Bolikhămxay)…
Đồn Biên phòng Sơn Hồng, Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, Đồn Biên phòng Hương Quang... thường xuyên phối hợp với Đồn Công an Cửa khẩu Nậm Pao, Đại đội Bảo vệ biên giới 252, Đại đội Bảo vệ biên giới 253 tuần tra bảo vệ đường biên giới chung.
Quân, dân Hương Sơn - Khăm Cợt tham quan, bảo vệ cột mốc biên giới chung.
Tình hình thế giới và khu vực đang có những diễn biến nhanh chóng, phức tạp và khó lường; hai Đảng, hai Nhà nước và Nhân dân hai nước tiếp tục đoàn kết, gắn bó, tăng cường hợp tác sâu hơn nữa để cùng nhau vượt qua mọi khó khăn, tiếp tục kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH; không ngừng vun đắp cho mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào. Cùng với việc thực hiện hiệu quả các thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, tỉnh Hà Tĩnh và các tỉnh của Lào tiếp tục bổ sung, hoàn thiện, cụ thể hóa thành các cơ chế, chính sách và tổ chức chỉ đạo thực hiện hiệu quả những thỏa thuận đã cam kết để bảo vệ, phát triển mối quan hệ hữu nghị lên tầm cao mới.
Hà Tĩnh và các địa phương Lào tiếp tục tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ nhận thức sâu sắc hơn nữa về truyền thống quý báu và tích cực vun đắp mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam - Lào, tỉnh Hà Tĩnh với các địa phương của Lào. Tiếp tục thúc đẩy hợp tác QP-AN ngày càng chặt chẽ, góp phần quan trọng bảo vệ và xây dựng tuyến biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và phát triển; vận động Nhân dân khu vực biên giới tích cực tham gia xây dựng tuyến biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Tăng cường hợp tác phát triển kinh tế khu vực biên giới Hà Tĩnh với các địa phương Lào, trước mắt đẩy mạnh xúc tiến thành lập Khu hợp tác kinh tế biên giới Hà Tĩnh - Bolikhămxay. Khuyến khích và tạo điều kiện cho doanh nghiệp mỗi nước đầu tư, SXKD, hợp tác vận tải hàng hóa qua tuyến đường 8 và đường 12 đến Khu kinh tế Vũng Áng và các nước trong khu vực.
Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh luôn coi trọng và gìn giữ truyền thống, tình đoàn kết anh em, đồng chí thủy chung, trong sáng của 2 nước và sẽ tiếp tục đoàn kết, gắn bó với các tỉnh nước bạn Lào để góp phần vun đắp, làm sâu sắc, bền chặt hơn nữa mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào.