Lúa gặt rồi còn để lại rơm thơm…
Lúa gặt rồi còn để lại rơm thơm…
Lúa gặt rồi còn để lại rơm thơm…
Lúa gặt rồi còn để lại rơm thơm…

Gặp rơm, hình ảnh đầu tiên mà tôi nhớ đến chính là cảnh những người đàn ông lực điền ở ngôi làng quê nội nhào đất với rơm để xây nhà. Suýt soát chừng ba thập kỷ trước, làng quê tôi chủ yếu là nhà tranh vách đất, chỉ nhà nào có điều kiện kinh tế một chút mới có nhà gỗ. Tuy vậy, căn bếp và các công trình phụ thì vẫn là nhà tranh vách đất. Bởi vậy, việc trữ rơm sau mùa gặt không chỉ để đun nấu hay làm thức ăn cho trâu bò mà còn để xây nhà.

Lúa gặt rồi còn để lại rơm thơm…

Ảnh: Huy Tùng

Rơm được cất dành để xây nhà là loại rơm được chọn lựa, thông thường sẽ là rơm lúa nếp, có độ dẻo cao và sợi rơm phải khoẻ, vàng óng. Người ta sẽ cất rơm bằng việc xây rơm thành từng cây giữa vườn và lợp mái che bằng lá cọ để bảo vệ rơm. Để chuẩn bị cho việc xây nhà, người quê tôi sẽ chặt tre và ngâm xuống ao để tạo độ bền, tránh mối mọt cho bức tường. Sau khi tre ngâm đủ độ, người ta vớt lên phơi khô rồi đan làm khung. Sau đó sẽ dỡ rơm và bắt đầu nhào với đất và nước ra một loại nguyên liệu đặc quánh rồi đem trát vào khung tre đã được dựng sẵn. Bức tường đất được nhào kỹ, khi khô sẽ có màu vàng óng của đất và mùi thơm đặc trưng của rơm.

Lúa gặt rồi còn để lại rơm thơm…

Ảnh: Nguyễn Thanh Hải

Bức tường ấy, mùi thơm ấy đã gắn bó với tôi suốt những năm tháng tuổi thơ được gửi về quê nội. Đến tận bây giờ, khi những ngôi nhà tranh vách đất ở quê tôi đã hoàn toàn “tuyệt chủng” tôi vẫn không thể quên được âm thanh phát ra từ những đôi chân lực điền nhào đất, nhào rơm. Tôi vẫn không thể quên được không khí dịu mát trong những ngôi nhà tranh vách đất giữa tiết trời mùa hè oi bức. Và, tôi nhớ chúng bạn của tôi, những đứa trẻ quê nghèo chân chất, đôi mắt trong veo nấp sau những bức vách chơi trò trốn tìm. Nhớ những gương mặt lấp ló sau ô cửa sổ bé tý trên vách đất, chờ bà đi ngủ để trốn ra ngoài dãi nắng cùng mấy đứa bạn đang thập thò ngoài ngõ. Những đứa trẻ quê ngày ấy giờ đã bước đi trên vạn nẻo phố thị phồn hoa, đã quay về làng xây cho mẹ cha những ngôi nhà bê tông cốt thép vững chắc nhưng chắc hẳn sống mũi sẽ cay cay mỗi khi nghĩ về rơm rạ…

Lúa gặt rồi còn để lại rơm thơm…

Cữ này, chắc hẳn người làng tôi cũng đã gặt xong và bắt đầu phơi phong rơm lúa. Những đường xóm, ngõ thôn sẽ đầy rơm và vấn vít hương lúa mới. Trẻ con trong làng sẽ ra chạy nhảy, ném rơm lên không trung và nhắm mắt cho rơm phủ lên tóc tai, quần áo rồi răng rắc cười. Trong khi chờ rơm khô, người đàn ông trong gia đình sẽ dọn một góc vườn cao ráo, chôn vài ba cái cọc tre xuống để chuẩn bị xây rơm cất trữ cho mùa đông. Nhà nào nuôi càng nhiều gia súc thì càng xây nhiều cây rơm dự trữ, vừa làm thức ăn vừa ủ ấm cho gia súc trong mùa đông. Cây rơm cũng chính là biểu hiện của tính cách cần cù, chịu khó, biết dành dụm của người nông dân Việt Nam…

Cây rơm nơi góc vườn, nói một cách hoa văn còn là nơi khởi nguồn của rất nhiều kỷ niệm. Đó chính là nơi lũ trẻ con chúng tôi thoả thích chơi trò trốn tìm. Có đứa trốn kỹ quá, ngủ quên trong hốc nhỏ của cây rơm suốt cả ban trưa mà mơ màng ngỡ mình đang bay trên đồng lúa vàng thơm ngát, đến lúc bạn tìm ra thì mắt còn nhắm mà miệng cứ mỉm cười.

Lúa gặt rồi còn để lại rơm thơm…

Ảnh: Huy Tùng - Khánh Thành

Cây rơm còn là nơi mẹ giấu quả mít vừa ương để ủ cho chín mềm, lên hương thơm nức. Là nơi, mỗi ngày tôi chạy qua chạy lại không biết bao lần, có khi để rút một ôm vào cho bà đun nấu, có khi là để ông bện những cái thảm kê lên ghế ngồi cho đỡ lạnh…

Lúa gặt rồi còn để lại rơm thơm…

Ảnh: Minh Lý

Nhà thơ Nguyễn Ngọc Phú từng có những câu thơ rất hay về cây rơm: “Cây rơm không có lá/ Nở một giấc mơ vàng/ Cọng rơm gầy gò quá/ Nuôi chín bao mùa màng”. Đó là cái nhìn rất tinh tế và nhân hậu. Bởi thân rơm khi đã dâng hết vị ngọt ngon nuôi dưỡng mùa màng sẽ trở về trong đời sống người nông dân bằng dáng vẻ xơ xác, gầy gò. Tuy nhiên, ẩn sâu trong nó vẫn là những nồng đượm, thơm tho. Chẳng những thế mà hơi ấm từ những con cúi bện bằng rơm ông làm cho tôi đi xin lửa bên nhà hàng xóm vẫn như còn lan toả trong lòng tay mỗi khi gặp lại mùa rơm. Chẳng những thế mà bao nhiêu căn bếp của bà của mẹ vẫn ấm nồng ngọn lửa trong những ngày rét mướt… Và trong những chập chờn thương nhớ của những đứa con ly hương, một bếp lửa ấm nồng mùi rơm rạ vẫn luôn hiện lên cùng bao kỷ niệm thân thương một thời tuổi nhỏ…

Lúa gặt rồi còn để lại rơm thơm…

Ảnh: Khánh Thành

Chiều hôm, khi ánh mặt trời đã chín đỏ, tôi dừng xe bên cánh đồng vừa gặt. Lác đác, những đống lửa đốt rạ vừa bén lên khói xanh um. Mặc cho ai lên án về hoạt động đốt rạ, mặc cho ai khó chịu với mùi khói rạ trên đồng, đứa con lớn lên từ đồng đất như tôi vẫn thấy thích thú với mùi khói đốt đồng ấy.

Lúa gặt rồi còn để lại rơm thơm…

Đâu đó, trên những đám ruộng khô, bên vệ đường thôn xóm, người nông dân vẫn miệt mài xốc rơm dọn cất. Mùi khói rạ, mùi thơm thoang thoảng của rơm vừa khô, dáng vẻ kiên cường của người nông dân khi xốc rơm chất lên xe dưới ánh nắng chiều… khiến tôi cảm thấy cuộc sống thật bình yên và đáng trân trọng biết bao. Nhìn những xe rơm nối nhau theo chân người nông dân về nhà và đâu đó trong những ngôi làng, thấp thoáng những cây rơm vàng óng đã được xây lên vậm vạp, tôi như thấy được sự no đủ của mùa màng toả lan trước mắt. Bất giác, một cảm giác biết ơn ruộng đồng, biết ơn rơm rạ dâng ngập lòng tôi.

Lúa gặt rồi còn để lại rơm thơm…

Ảnh: Khánh Thành

Tôi thấy mình thật may mắn khi sống ở phố mà vẫn có thể dễ dàng gặp lại mùa gặt, dễ dàng tận hưởng mùi hương đồng nội. Và trong những mùa lúa mới, giữa hương thơm rơm rạ, những câu thơ từng đọc được ở đâu đó bỗng dội về: “Bếp lửa chiều lên khói/ Thơm mùi rơm rạ quê/ Cả mùi cơm gạo mới/ Như rủ rê ta về”. Hẳn rồi, những bước chân ra đi từ làng chắc chắn sẽ luôn thao thiết trở về trong hương lúa hương rơm, trong tình yêu thiết tha dành cho đồng ruộng…

Ảnh: nguyễn thanh hải, huy tùng - khánh thành - minh lý

thiết kế: huy tùng

Chủ đề NGƯỜI HÀ TĨNH

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast