Báo Hà Tĩnh - Tin tức Hà Tĩnh mới nhất, tin nhanh Hà Tĩnh 24h
Story
Kinh tế
Nông nghiệp
Theo chân “vua” bẫy cáy ở Nghi Xuân
Tác giả: Hữu Trung
09/04/2024 08:31
Tôi là Nguyễn Văn Minh (57 tuổi), sinh ra và lớn lên ở thôn 2, xã Xuân Lam, huyện Nghi Xuân. Nghề chính của tôi là “săn” rươi, bẫy cáy đã hơn 15 năm nay. Nhờ “lộc trời”, gia đình tôi đã trở nên khá giả.
Thời điểm này đang vào mùa “săn” cáy. Khi mặt trời chưa “ló”, tôi đã có mặt tại cánh đồng rươi bên dòng sông Lam để bẫy cáy.
Dụng cụ bắt cáy cũng khá đơn giản, chỉ là những vỏ chai, ống nhựa phế thải cắt vát một phần trên, chỉ lấy nửa dưới để làm ống mồi nhử cáy. Mồi săn cáy là hỗn hợp cám gạo và ruốc hôi. Sau khi trộn đều với nhau, dùng cây tre nhỏ quệt một lớp mỏng chừng 1/3 miệng ống để dụ cáy vào ăn.
Để có thể bắt được cáy, tôi phải chuẩn bị đồ nghề từ 4h sáng. Mỗi ngày, tôi mang theo từ 700 - 800 ống mồi đi xe máy cách nhà chừng 1 km ra vị trí đặt bẫy.
Do cáy khá nhát, hễ có động là bò vào hang, nên việc bắt chúng cũng không mấy dễ dàng. Ngoài đảm bảo chất lượng ống mồi, cần lựa chọn chân ruộng lắm hang hốc, gần mương lớn, giáp sông Lam thường có nhiều cáy để đặt bẫy. Mỗi ngày phải tìm vị trí đặt khác nhau thì xác suất được cáy mới cao.
Ống mồi đặt cách nhau tầm hơn 1m, liên tục thành những dãy dài dọc bờ lạch, chân ruộng. Sau khi đặt ống mồi, tôi có thể về nhà hoặc đi làm việc khác.
Mùa hè chính là mùa cáy. Đây là nghề cho nguồn thu nhập khá cao nên nhiều người trong xã cũng đi “săn” cáy. Tuy nhiên, bẫy được nhiều hay ít còn phụ thuộc vào kinh nghiệm của mỗi người.
Khi trên đồng yên tĩnh, vắng người, cáy ở các chân ruộng sẽ ra khỏi hang, bò vào ống mồi và mắc kẹt trong đó không thể thoát ra ngoài.
Vài tiếng đồng hồ sau, tôi quay lại thu hoạch. Bắt cáy không tốn kém về chi phí nhưng cũng khá vất vả vì phải “đội nắng, lội đồng”. Bẫy đặt chỗ nào phải nhớ thu đủ số lượng mới đem lại thu nhập cao.
Nghề bắt cáy bắt đầu từ tháng 4 cho đến tháng 7 hằng năm. Thời điểm này, cáy được bán với giá 50 nghìn đồng/kg, mang lại thu nhập khá cao cho gia đình tôi.
Vợ tôi là Lê Thị Phương (52 tuổi) - người “trợ thủ” đắc lực. Hằng ngày, bà giúp tôi từ việc chuẩn bị thính bẫy, tưới nước cho ống nhựa trước khi đặt bẫy, đến công đoạn thu hoạch, bán cáy…
Do có nhiều kinh nghiệm cùng với sự cần cù, chịu khó nên tôi được người dân ở đây gọi là “vua” bẫy cáy bởi sản lượng lúc nào cũng được nhiều nhất xã. Bình quân mỗi ngày, tôi thu hoạch từ 20-25 kg cáy, thu về hơn 1 triệu đồng.
Sau khi thu “chiến lợi phẩm”, tôi đem bán cáy tươi tại điểm thu mua ngay trên địa bàn thuộc thôn 1, xã Xuân Lam do ông Nguyễn Đình Cường làm chủ. Chỉ tính một tuần, tôi đã nhập cho cơ sở này gần 2 tạ cáy, thu về cả chục triệu đồng.
Không chỉ rươi, cáy cũng là nguồn lợi tự nhiên quý giá, “lộc trời” của người dân ven sông Lam. Thịt cáy ngọt nên có thể nấu canh, làm mắm ăn quanh năm, bởi vậy, nhu cầu tiêu thụ cáy ngày càng tăng mạnh. Nghề bẫy cáy không chỉ làm giàu cho gia đình tôi mà còn giúp nhiều hộ dân xã Xuân Lam có thêm thu nhập, trang trải cuộc sống.
Tin liên quan
Vui như... "săn" cáy đêm hè
Chủ đề
Nông nghiệp, nông thôn và nông dân
Có thể bạn quan tâm
Nông dân Hương Sơn "bắt tay" doanh nghiệp nuôi lợn sạch
Cam Khe Mây có loại 90.000 đồng/kg, nông dân Hà Tĩnh mừng khấp khởi
Nông dân Hương Sơn giảm nghèo bền vững từ cây cam bù
Hà Tĩnh phấn đấu gieo cấy hơn 59.000 ha lúa xuân 2025
Huyện miền núi Hà Tĩnh "làm giàu" hơn 4.300 ha rừng tự nhiên
Nông dân Đức Thọ liên kết doanh nghiệp trồng sắn cao sản
Người đàn ông "gieo duyên" cây húng quế trên đất Kỳ Tân
Thị xã Kỳ Anh đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án nước sạch