Nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật cũng có nghĩa là mọi công dân đã chung sức, đồng lòng vì sự nghiệp xây dựng và hoàn thiện Nhà nước, phát huy triệt để tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc đồng thời là yếu tố quan trọng trong xây dựng nếp sống văn hóa.
Hiểu rõ giá trị ấy, hằng năm, TX Hồng Lĩnh tập trung tổ chức các hình thức phổ biến giáo dục pháp luật, trong đó hình thức phổ biến pháp luật gắn với đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, UBND phường, xã và lãnh đạo, cán bộ các cơ quan, ngành của thị xã, cán bộ phường, xã với Nhân dân ở tổ dân phố, thôn đã mang lại hiệu quả thiết thực vì vừa phổ biến pháp luật, vừa đối thoại, giải đáp pháp luật cho người dân ngay tại tổ dân phố, thôn.
Đối với TX Hồng Lĩnh, hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật được thể hiện bằng việc cán bộ và Nhân dân chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật, tình hình ANTT trên địa bàn được đảm bảo, các kiến nghị, phản ánh, đơn thư của công dân được tiếp nhận, giải quyết kịp thời, đúng quy định, các phong trào xây dựng, bảo vệ Tổ quốc được nâng cao, phong trào chỉnh trang đô thị, xây dựng nếp sống văn minh đô thị được thực hiện rộng khắp, có chiều sâu. Sự đồng thuận của Nhân dân đối với chính quyền ngày càng được nâng lên.
Một trong những chủ đề lớn được UBND thành phố tập trung triển khai trong năm 2022 đó là “Đột phá mạnh mẽ về phát triển văn hóa”. Để thực hiện chủ đề này, Phòng VHTT đã tham mưu xây dựng khung chương trình với 30 nội dung cụ thể. Trong đó, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến việc nâng cao chất lượng nếp sống văn minh đô thị; nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý Nhà nước trên lĩnh vực văn hóa, định hướng Nhân dân sống, làm việc, ứng xử có văn hóa, hướng tới xây dựng văn hóa của người Thành Sen.
Theo đó, bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, xây dựng, phát hành một số ấn phẩm có nội dung về ứng xử văn hóa, phòng cũng tham mưu rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới một số quy định, quy chế góp phần xây dựng hình ảnh người Thành Sen “năng động, trách nhiệm, văn minh, thân thiện”; phối hợp với các đơn vị liên quan ban hành và tổ chức thực hiện đề án “Nâng cao chất lượng nếp sống văn hóa - văn minh đô thị gắn với xây dựng phường đạt chuẩn văn minh đô thị kiểu mẫu, xã NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu trên địa bàn TP Hà Tĩnh”… Các quy chế, quy định cũng nêu rõ các chế tài thưởng phạt cụ thể, hy vọng sẽ góp phần thúc đẩy người dân thực hiện văn hóa ứng xử.
Từ xưa, khi lập làng, lập thôn, nội dung về xây dựng hương ước, quy ước luôn được người dân Xuân Viên coi là nhiệm vụ đầu tiên, quan trọng. Hương ước, quy ước của thôn được đưa ra bàn bạc công khai trong các buổi họp thôn, được người dân góp ý hoàn thiện, sau đó trình xã thẩm định, huyện phê duyệt rồi mới ban hành đưa vào thực hiện. Những điều hương ước quy định rất gần gũi với đời sống của người dân với nội dung về nếp sống văn hóa, ứng xử với cộng đồng, tham gia các hoạt động thôn, việc cưới, việc tang... Không chỉ vậy, nội dung hương ước, quy ước gắn liền việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”. Qua đó xóa bỏ những phong tục lạc hậu, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; xây dựng nếp sống văn hóa, ứng xử văn hóa… Hiện nay, xã Xuân Viên có 6/7 thôn đạt khu dân cư NTM kiểu mẫu, 7/7 thôn được công nhận thôn văn hóa.
Văn hóa trong cộng đồng dân cư được xây dựng bắt đầu từ chính nhân tố con người. Bởi vậy, để xây dựng văn hóa cộng đồng dân cư trước hết cần xây dựng nếp sống cho mỗi người từ lúc còn nhỏ. Thực tế cũng chỉ ra rằng, trẻ được quan tâm giáo dục hành vi văn hóa từ nhỏ sẽ đảm bảo cho quá trình phát triển toàn diện, từ đó góp phần xây dựng cộng đồng văn hóa.
Là môi trường giáo dục trẻ nhỏ, bằng những hành động, việc làm đơn giản, mỗi giáo viên mầm non chúng tôi luôn dạy các bé bắt đầu từ những hành động nhỏ như chào hỏi, nói chuyện có chủ ngữ - vị ngữ, thái độ lễ phép với người lớn, biết nói lời cảm ơn - xin lỗi, có văn hóa trong xếp hàng, biết yêu thương, giúp đỡ ông bà, bố mẹ…
Muốn giáo dục trẻ có hành vi văn hóa thì chính thầy cô, gia đình, những người sống xung quanh cũng luôn phải thực hiện hành vi chuẩn mực để làm gương cho trẻ. Trẻ có hành vi văn hóa sẽ đi đôi với hành động tích cực, tạo ra thói quen trong đời sống hằng ngày, góp phần xây dựng văn hóa học đường ngay từ cấp học đầu đời và xây dựng nếp sống văn hóa trong cộng đồng.