Hòa cùng nhịp độ phát triển của cả nước, năm 2019, Hà Tĩnh gặt hái nhiều thành công trên các lĩnh vực, tạo tiền đề thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ năm 2020. Nhân dịp đón xuân mới Canh Tý, đồng chí Lê Đình Sơn - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã có cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Hà Tĩnh.
P.V: Thưa đồng chí Bí thư Tỉnh ủy! 2019 là năm Hà Tĩnh có những khó khăn do thiên tai, dịch bệnh… Nhưng, tiếp đà tăng trưởng của các năm trước, tỉnh nhà đã gặt hái nhiều thành công và phát triển mọi mặt. Trước thềm xuân mới, xin đồng chí đánh giá tổng quát về những kết quả đạt được của năm qua cùng các nhiệm vụ trọng tâm sẽ thực hiện trong năm 2020?
Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn: Năm 2019, Hà Tĩnh tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng (đạt 10,99%), thu ngân sách đạt kế hoạch đề ra, một số chỉ tiêu vượt kế hoạch. Đặc biệt, năm này, chúng ta đạt rất cao chỉ tiêu nông thôn mới, không chỉ về đích trước 2 năm so với mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII mà còn đạt tỷ lệ gấp 1,5 lần số xã đạt chuẩn, với chất lượng cao hơn về hạ tầng, khu dân cư kiểu mẫu.
Công tác giảm nghèo đạt được kết quả rõ nét, cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,53%, gần bằng tỷ lệ bình quân cả nước. Chính sách an sinh xã hội được bảo đảm. Cải cách hành chính tiếp tục được đẩy mạnh. Hợp tác đối ngoại phát huy hiệu quả.
Quốc phòng - an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội đảm bảo. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế. Chính vì vậy, đời sống vật chất, tinh thần của người dân và niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, với cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục được nâng lên.
Thừa ủy quyền Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Tĩnh đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, giai đoạn 2016-2020 (ngày 19/10/2019). Ảnh: Thanh Hoài
Đạt được kết quả đó là nhờ trước hết, tỉnh đã nhất quán giữ vững quan điểm về chiến lược phát triển, tiếp tục thực hiện 3 khâu đột phá của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, trong đó, phát triển Khu kinh tế Vũng Áng là động lực. Đầu tư phát triển toàn diện nông nghiệp, nông dân và nông thôn mới gắn với đô thị văn minh. Quan tâm các vấn đề an sinh xã hội và môi trường.
Quá trình lãnh đạo, chỉ đạo chọn việc trọng tâm, trọng điểm, tháo gỡ nút thắt, “điểm nghẽn” cho doanh nghiệp và nhà đầu tư. Tiếp tục phát huy dân chủ, đoàn kết, thống nhất, giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương, đặc biệt là trong công tác cán bộ; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng.
Đồng chí Trần Quốc Vượng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng cùng đoàn công tác khảo sát tại Khu kinh tế Vũng Áng và Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa nhân chuyến thăm và làm việc tại Hà Tĩnh (tháng 12/2019). Ảnh: Thanh Hoài
2020 là năm “về đích” nhiệm kỳ 2015 - 2020. Tuy vậy, phía trước con đường phát triển của tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, đó là: Biến đổi khí hậu, dịch bệnh, các tiềm ẩn về an ninh trật tự; tập trung chỉ đạo các xã mới đi vào hoạt động ổn định sau sắp xếp các đơn vị hành chính; chuẩn bị mọi mặt để tổ chức đại hội Đảng các cấp.
Mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra rất nặng nề. Nếu chúng ta không có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt để tháo gỡ những lực cản phát triển thì khó đạt mục tiêu như kỳ vọng. Do đó, ngay từ cuối năm 2019, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo rà soát, đánh giá toàn diện, khách quan kết quả 4 năm thực hiện nghị quyết đại hội, đồng thời nhìn thẳng sự thật về những tồn tại, vướng mắc như: Thu hút nguồn lực, xác định cải cách hành chính là nhiệm vụ đột phá, các vấn đề tồn đọng kéo dài. Từ đó, đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển năm 2020 với quyết tâm cao, nỗ lực lớn nhất để đạt kết quả cao nhất.
Theo đó, sẽ tập trung phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp theo chính sách đã ban hành. Tích cực thu hút đầu tư lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp sau thép. Phát huy hiệu quả các dự án công nghiệp đã đi vào hoạt động. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án công nghiệp đang triển khai. Xây dựng chiến lược phát triển hạ tầng giao thông, nhất là hạ tầng giao thông trọng yếu, kết nối đô thị - nông thôn, trên cơ sở đó tiếp tục phát triển mạnh hành lang phía Đông của tỉnh gắn với trục dọc ven biển, hành lang quốc lộ 1A, kết nối các trục ngang, tạo động lực phát triển mới. Đồng thời, quan tâm phát triển bền vững khu vực phía Tây, gắn với đảm bảo an sinh xã hội.
Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng; khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất bằng hình thức cho thuê đất, liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân để phát triển nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, sản xuất theo chương trình mỗi xã một sản phẩm; chú trọng ứng dụng công nghệ cao để phát triển nông nghiệp hiệu quả cao, bền vững.
Tập trung tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng giảm hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ hộ gia đình, tăng quy mô trang trại, công nghiệp, đảm bảo môi trường, an toàn dịch bệnh, nâng cao thu nhập cho người dân.
Nông thôn mới Tượng Sơn (Thạch Hà). Ảnh: Huy Tùng
Quyết liệt thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững. Xây dựng Đề án tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 với giải pháp đồng bộ, khả thi, trong đó, phải ưu tiên phát triển sản xuất, xây dựng hạ tầng kết nối nông thôn - đô thị, nâng cao đời sống nhân dân. Có chính sách đặc thù cho các huyện, xã khó khăn để không có địa phương nào bị bỏ lại phía sau trong nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí, các xã đã đạt chuẩn, hướng đến nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Tập trung cải cách hành chính, xác định đây là khâu đột phá, tháo gỡ rào cản, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi. Tăng cường phân công, phân cấp gắn với kiểm tra, giám sát, đảm bảo kỷ luật, kỷ cương. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các dự án đã có chủ trương đầu tư để tạo động lực mới, dư địa tăng trưởng mới; coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, thường xuyên của các cấp, ngành.
P.V: Nhiệm vụ năm 2020 rất nặng nề như Bí thư Tỉnh ủy vừa trao đổi. Ngoài ra, năm này tỉnh nhà còn thực hiện 2 nhiệm vụ rất hệ trọng là ổn định việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã và tổ chức đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025. Xin Bí thư Tỉnh ủy trao đổi thêm về 2 nội dung này?
Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn: Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã đã được chủ động chuẩn bị kỹ lưỡng từ việc quán triệt các chủ trương, nghị quyết của trung ương, cụ thể hóa thành các kết luận, quy định, hướng dẫn, cơ chế, chính sách của tỉnh và được nhân dân đồng thuận cao.
Các đơn vị hành chính cấp xã mới đi vào hoạt động kể từ ngày 1/1/2020 theo Nghị quyết 819/NQ-UBTVQH14 ngày 21/11/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Vấn đề đặt ra là làm sao để khi vào hoạt động, các đơn vị hành chính mới phải vận hành thông suốt hơn, chọn được đội ngũ cán bộ có phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ, tổ chức bộ máy phải mạnh hơn, đảm bảo ổn định, kinh tế phát triển, phục vụ nhân dân tốt hơn và đời sống nhân dân, niềm tin của nhân dân cao hơn.
Đây là nhiệm vụ rất trọng tâm. Do đó, sau sáp nhập xã là phải tiếp tục tăng cường công tác xây dựng Đảng; kế thừa, phát huy những kết quả, kinh nghiệm của các xã cũ; sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để phát triển. Trước mắt, phải chuẩn bị tốt về mọi mặt để tổ chức đại hội đảng bộ các đơn vị này thành công theo kế hoạch đề ra.
Hiện nay, tỉnh đang tập trung chuẩn bị Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, trong đó có nội dung xây dựng báo cáo chính trị. Quá trình xây dựng văn kiện được chuẩn bị kỹ lưỡng, bám sát các chủ trương, nghị quyết của Trung ương, tình hình thực tiễn của tỉnh, học tập kinh nghiệm các tỉnh bạn, tranh thủ ý kiến của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành Trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học, các đồng chí cán bộ lão thành, xin ý kiến rộng rãi trong cán bộ, đảng viên, nhân dân để báo cáo chính trị thực sự là sản phẩm trí tuệ của toàn Đảng bộ, nhân dân, trở thành quyết tâm chính trị của toàn Đảng, toàn dân.
Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn trò chuyện với người dân xã mới Tân Lâm Hương (Thạch Hà) ngay sau khi tổ chức công bố thành lập xã, thành lập đảng bộ (ngày 1/1/2020). Ảnh: Thùy Dương
Tập trung chuẩn bị đề án nhân sự đại hội. Rà soát, bổ sung quy hoạch, sắp xếp cán bộ trước một bước gắn với chuẩn bị nhân sự đại hội. Quá trình thực hiện phải đánh giá cán bộ thật khách quan, theo hướng đa chiều, xuyên suốt, bằng sản phẩm cụ thể. Nét mới lần này là Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ có đánh giá cụ thể từng đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và các đồng chí thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý; đồng thời, sẽ thành lập tổ khảo sát cán bộ trong toàn tỉnh để giúp Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh chọn đúng cán bộ. Để làm được điều đó phải xây dựng quy trình chặt chẽ, công khai, minh bạch, công tâm, dứt khoát sàng lọc kỹ để chọn đúng cán bộ thực đức, thực tài; thực hiện nghiêm việc kiểm soát quyền lực theo Quy định số 205-QĐ/TW ngày 19/12/2019 của Bộ Chính trị, kiên quyết loại trừ cán bộ chạy chức, chạy quyền. Những người có dấu hiệu chạy chức, chạy quyền và trách nhiệm thấp thì nhất quyết không dùng. Trên tinh thần này, tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá cán bộ ở một số địa phương để có phương án tốt nhất và không lo thiếu cán bộ.
Cùng với đó, phát động các phong trào thi đua, thực hiện đạt kết quả cao nhất trên các lĩnh vực để không vì tổ chức đại hội Đảng mà ảnh hưởng việc thực hiện các mục tiêu KT-XH.
P.V: Thưa Bí thư Tỉnh ủy, trên cơ sở thực tiễn tình hình KT-XH thời gian qua, Hà Tĩnh sẽ phát triển theo định hướng nào trong 5 năm và những năm tới?
Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn: Dự thảo văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần này gắn với đánh giá 30 năm tái lập tỉnh (1991 - 2020), đây cũng là khoảng thời gian chúng ta thực hiện đường lối đổi mới của Đảng. Hiện nay, tỉnh cũng đang tập trung cao để hoàn thiện trong quý I/2020 việc rà soát, điều chỉnh “Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020; lập Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”.
Trên cơ sở đó, xác định mục tiêu, chỉ tiêu, khâu đột phá, chương trình trọng điểm, nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp cụ thể đến năm 2025 và định hướng chiến lược đến năm 2030 để phù hợp với chiến lược phát triển của đất nước vào thời điểm tỉnh ta kỷ niệm 200 năm thành lập. Tiếp tục phấn đấu đưa Hà Tĩnh phát triển nhanh, bền vững theo hướng công nghiệp hiện đại, đến năm 2025, GRDP bình quân đầu người cao hơn cả nước, đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người trên 7.000 USD.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh và đoàn công tác Trung ương tham quan dự án thí điểm nhà ở xã hội tại phường Thạch Linh (thành phố Hà Tĩnh).
Để thực hiện các mục tiêu đó, Hà Tĩnh xác định 3 khâu đột phá: Đẩy mạnh cải cách hành chính; đầu tư phát triển hạ tầng đồng bộ, trọng tâm là hạ tầng giao thông trọng yếu, hạ tầng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, thúc đẩy phát triển kinh tế số; xây dựng nguồn nhân lực và chiến lược cán bộ; phát huy sức mạnh văn hóa Xứ Nghệ, khát vọng con người Hà Tĩnh, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ hiện đại, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động và đời sống người dân.
Trên cơ sở đó, cụ thể hóa thành 5 chương trình trọng điểm: Cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phấn đấu đến năm 2025, tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn nông thôn mới; đầu tư xây dựng các trục giao thông trọng yếu, hình thành các trục phát triển dọc ven biển từ Cửa Hội - Vũng Áng và đường 1A gắn kết các trục phát triển ngang từ các đô thị ven biển; phát triển hạ tầng logistics, chuyển đổi số; hình thành mới thị xã phía Bắc của tỉnh và xây dựng TP Hà Tĩnh, TX Kỳ Anh từng bước trở thành chính quyền điện tử, đô thị thông minh; đầu tư kết cấu hạ tầng Khu kinh tế Vũng Áng thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế của tỉnh và khu vực; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế số, đổi mới sáng tạo, đưa khoa học - công nghệ vào sản xuất. Đồng thời trong nhiệm kỳ 2020-2025, dự kiến sẽ tập trung 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm trên các lĩnh vực KT-XH, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.
Toàn cảnh Khu kinh tế Vũng Áng.
Cùng với nhiệm vụ phát triển KT-XH là trung tâm, tiếp tục đặc biệt coi trọng công tác xây dựng đi đôi với chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII. Trong đó, xây dựng chiến lược cán bộ, nhất là cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đến năm 2030, tầm nhìn 2040 đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong từng thời kỳ được xác định là một nhiệm vụ đột phá.
Trước mắt, sẽ xây dựng đề án đưa cán bộ trẻ có triển vọng về cơ sở để rèn luyện trong thực tiễn, gắn với đào tạo cán bộ; đồng thời, đưa cán bộ biên phòng tham gia cấp ủy ở một số địa bàn xã trọng yếu, khó khăn. Tiếp tục đẩy mạnh công tác chính trị tư tưởng; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phòng chống tham nhũng; thực hiện nghiêm quy chế dân chủ, chú trọng công tác dân vận, đặc biệt là dân vận chính quyền; tăng cường đoàn kết toàn dân, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Năm nay, đón Tết cổ truyền của dân tộc đúng vào dịp Đảng ta tròn 90 mùa xuân, Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh kỷ niệm 90 năm thành lập. Tôi tin tưởng, phát huy truyền thống của quê hương, đất nước, truyền thống vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh, toàn thể nhân dân, cán bộ, đảng viên trong tỉnh với khí thế mới, quyết tâm cao, tiếp tục đoàn kết, thống nhất, chung sức, đồng lòng, xây dựng quê hương Hà Tĩnh ngày càng giàu đẹp, văn minh.
P.V: Trân trọng cảm ơn đồng chí Bí thư Tỉnh ủy!
Ảnh: P.V
thiết kế: huy tùng