Chuyện những người thầy không bảng đen, phấn trắng

Chuyện những người thầy không bảng đen, phấn trắng

“Anh đã bị bệnh nhân đánh bao giờ chưa?”, cán bộ trẻ cười tươi như một mặc định: “Có chứ. Ai mà chưa bị đuổi đánh thì chưa phải là cán bộ trong Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội Hà Tĩnh.

Câu trả lời tưởng như bất thường ấy lại là điều rất đỗi bình thường ở Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội Hà Tĩnh (Cẩm Xuyên). Trong môi trường ấy, những tiếng gọi “thầy – cô” vẫn cất lên nhưng chất chứa sự đắng đót và hoang dại…

Chuyện những người thầy không bảng đen, phấn trắng

Hàng rào bê tông cao ngút với dây thép gai lỉa xỉa tạo nên không gian cách biệt giữa trung tâm với thế giới bên ngoài. Đây là trung tâm vừa có chức năng giáo dục học viên cai nghiện, vừa chăm sóc, chữa trị cho bệnh nhân tâm thần với 100 học viên cai nghiện và 73 đối tượng tâm thần.

Cả không gian vắng lặng thi thoảng vang lên những tiếng cười ngờ nghệch, tiếng gào rú man dại đáng sợ của những bệnh nhân tâm thần. 73 bệnh nhân gom góp lại từ khắp nơi đều bị bệnh ở mức độ nặng và đặc biệt nặng.

Chuyện những người thầy không bảng đen, phấn trắng

Lúc cười, lúc khóc, lúc nóng giận. Khoảnh khắc cuộc sống của những bệnh nhân tâm thần bất chợt như mưa như nắng. Trong thế giới của những kiếp người này, ảo ảnh và mơ ước như “bong bóng xà phòng” cứ hiện ra rồi phút chốc tan biến.

Nhìn 63 nam bệnh nhân đủ mọi lứa tuổi xếp hàng ngay ngắn chuẩn bị đến giờ cơm trưa, y sỹ đa khoa Phạm Viết Định – cán bộ trung tâm nở nụ cười hài lòng. Với anh, từ những bệnh nhân sống theo bản năng sinh tồn lúc mới vào, qua một thời gian chăm sóc đã nghe lời thầy cô, biết chủ động đi vệ sinh, biết chào người lạ, cúi gập người khi đi trước mặt người khác là niềm vui của công việc mà anh gom góp suốt 8 năm công tác

Chuyện những người thầy không bảng đen, phấn trắng

Bệnh nhân nam đã vất vả, 10 bệnh nhân nữ ở khu nhà cuối còn phức tạp hơn bội lần. Gào rú, la hét, khóc lóc, cào cấu là thứ âm thanh hỗn tạp đặc trưng ở khu vực này. 3 nữ cán bộ thường trực tại đây là người mẹ, người chị, người bạn để vừa chăm sóc, vừa dỗ dành cho những phận đời kém may mắn.

Đa phần, trường hợp khi vào đây giống như người… rừng. Râu tóc rối bù, móng tay đen kịt, hôi hám, cán bộ phải tự tay tắm rửa, kỳ cọ, cắt tóc gọn gàng. Thế nên, vừa là y sỹ, vừa là thợ cắt tóc, làm móng, dọn vệ sinh, mỗi thứ các thầy cô ở đây đều phải biết để phục vụ bệnh nhân. Mỗi bệnh nhân nhập “trại”, những thầy cô phải theo dõi kỹ trong thời gian đầu về sinh hoạt, giờ giấc, những biểu hiện để từ đó có cách chăm sóc phù hợp.

Chuyện những người thầy không bảng đen, phấn trắng

Những ánh mắt của các “học sinh không chịu lớn” có khi sợ hãi nhưng cũng lắm khi long sòng sọc vì lên cơn; cũng có khi bẽn lẽn nhưng nhiều lần hung dữ khó quản. Những điều đó quen thuộc đến nỗi nay chỉ cần nhìn thay đổi về ánh mắt, sắc mặt là những thầy cô ở đây đã chủ động kiềm chế trước khi bệnh nhân bất ổn.

“Cô ơi, cho em được giúp cô chia phần cơm! Thầy ơi, ông Gù không chịu ăn? Thầy ơi, thầy…! những câu nói hồn nhiên ấy cứ như chim non ríu rít, ngây dại nhưng cũng nhiều niềm thương cảm.

Chuyện những người thầy không bảng đen, phấn trắng

100 học viên cai nghiện tại trung tâm là 100 mảnh đời sa ngã, trượt dài trong vòng xoáy của tệ nạn xã hội. Theo thống kê, 70% học viên vào đây mang tiền án, tiền sự và có thời gian dài sử dụng ma túy. Đang tung hoành ngoài xã hội, dù thuộc đối tượng bắt buộc hay tự nguyên nhập trại, lúc mới vào, tất cả các học viên đều có thái độ bất hợp tác, chống đối và rất hung hãn.

Việc quản lý cả trăm con người không còn lành lặn về thể chất lẫn tinh thần thực sự là một công việc khắc nghiệt đối với đội ngũ cán bộ nơi đây. “Rất nhiều học viên, trước khi vào đây, họ từng là những người “trải đời”, tất cả mánh khóe, họ còn thành thạo hơn mình. Chính vì vậy, chỉ có cách giáo dục họ, cảm hóa họ bằng chính trí tuệ và tấm lòng của mình, đối xử với họ một cách nhân văn và công tâm nhất thì họ mới nể, mới phục” - cán bộ Trung tâm Nguyễn Đình Bằng (Cẩm Xuyên) chia sẻ.

Chuyện những người thầy không bảng đen, phấn trắng

Chuyện những người thầy không bảng đen, phấn trắng

Bên cạnh các biện pháp cắt cơn, giải độc, các học viên từng bước được giáo dục sửa đổi hành vi, nhân cách thông qua quy trình học tập, rèn luyện thể lực, sinh hoạt văn hóa văn nghệ, lao động sản xuất... để giúp họ tránh xa ma túy.

Quy trình nói ra có vẻ đơn giản nhưng thực hiện được cũng lắm gian nan. Có những thời điểm các thầy phải nghiêm khắc, thiết quân luật nhưng song song với đó là những sự mềm dẻo, tâm lý, như người anh, người bạn để hiểu được tâm lý học viên để từ đó có cách cảm hóa đối với từng đối tượng.

14 năm trượt dài trong vòng xoáy của nàng tiên nâu, học viên Phan Văn C. (42 tuổi ở Lộc Hà) nhập trại dưới sự động viên của gia đình. Với anh, khó khăn nhất là giai đoạn cắt cơn cũng đã vượt qua. Đến nay, anh đã tham gia sinh hoạt, cuốc đất trồng rau, đá bóng với các học viên khác. Anh bảo “Lao vào con đường nghiện ngập, trong số chúng tôi có người đã bị gia đình từ bỏ. Ấy vậy mà, những người ngoài như các thầy cô trong trung tâm luôn đồng hành, hướng dẫn giúp chúng tôi làm lại cuộc đời”.

Chuyện những người thầy không bảng đen, phấn trắng

Những bữa cơm của các bệnh nhân tâm thần được các thầy tự tay chia phần đầy đủ

Chuyện những người thầy không bảng đen, phấn trắng

Với các thầy cô, khi một học viên ra khỏi trung tâm tái hòa nhập cộng đồng, trở thành người có ích cho xã hội đó chính là những bông hoa tri ân cho công việc lặng lẽ của mình, để những chặng đường tiếp theo có thêm động lực cùng học viên làm lại cuộc đời sau vấp ngã.

Gắn bó với những người điên, người nghiện ngập, tù tội để giúp họ sống tiếp, sống tốt là nhiệm vụ mà xã hội đã phân công cho những cán bộ, nhân viên nơi đây. Dù khó khăn, nguy hiểm thường trực nhưng với những niềm vui nhỏ nhoi từ sự tiến bộ của bệnh nhân, học viên, các thầy cô vẫn đang hằng ngày nỗ lực với nhiều sự hi sinh đáng trân trọng.

Chuyện những người thầy không bảng đen, phấn trắng

thiết kế: huy tùng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast