Xây dựng Đảng

Anh cover PC.jpg
Tit bai 3.jpg

Chấm dứt tình trạng thôn, tổ dân phố “trắng” đảng viên và chi bộ sinh hoạt ghép là nhiệm vụ còn nhiều khó khăn, song, dù khó đến mấy cũng phải làm. Để hoàn thành mục tiêu đặt ra, trước tiên phải xác định rõ căn nguyên, xây dựng được lộ trình và đề ra giải pháp thiết thực, căn cơ, đồng bộ, với sự vào cuộc tích cực, quyết liệt của các cấp ủy Đảng và cả hệ thống chính trị.

Unit Đỏ.png
Title Page (2).jpg

Hơn 20 năm nay, ông Mai Xuân Vị - Trưởng thôn Đông Yên 1, xã Kỳ Lợi (TX Kỳ Anh) luôn là “đầu tàu” gương mẫu, sống tốt đời đẹp đạo, được cấp ủy, chính quyền địa phương tin tưởng, tín nhiệm; nhiều lần được các cấp, ngành tuyên dương, khen thưởng và định hướng bồi dưỡng kết nạp Đảng. Tuy nhiên, theo ông Vị, “dù biết con đường vào Đảng luôn rộng mở cơ hội với mọi quần chúng ưu tú, không phân biệt người đó thuộc dân tộc hay tôn giáo nào, nhưng bản thân tôi có những khó khăn riêng, chưa có điều kiện phấn đấu đứng vào hàng ngũ của Đảng”.

2-m.jpg
Dù có nhiều cống hiến nhưng vì các nguyên nhân khác nhau nên ông Mai Xuân Vị (bên phải) - Trưởng thôn Đông Yên 1 (xã Kỳ Lợi) không vào Đảng.

Không chỉ ở thôn Đông Yên, lâu nay, đối với các thôn “trắng” hoặc ít đảng viên, các cấp ủy luôn ưu tiên kết nạp đảng viên là người đang tham gia hoạt động trong các tổ chức, đoàn thể của thôn. Tuy nhiên, trong hơn 1.200 người công giáo, người dân tộc thiểu số đang là cán bộ bán chuyên trách ở xã, cán bộ thôn, bản thì hiện chỉ mới có hơn 3% là đảng viên...

Bí thư Đảng ủy xã Kỳ Lợi Bùi Đức Trình trao đổi về những khó khăn trong công tác kết nạp đảng viên, xóa chi bộ sinh hoạt ghép ở các thôn vùng giáo trên địa bàn xã.
Front.jpg

Ông Nguyễn Tiến Dần - Bí thư Đảng ủy xã Thạch Kim (Lộc Hà) cho biết: “Địa phương hiện có 11 cán bộ cấp thôn là người theo đạo Công giáo nhưng không có ai là đảng viên. Mặc dù đã có nhiều giải pháp nhưng kết quả vẫn chưa được như mong đợi”. Ông Trần Quốc T. (75 tuổi, 40 năm tuổi Đảng - đảng viên vùng giáo Chi bộ Bình Mỹ) ở thôn Văn Thịnh, xã Xuân Lộc (Can Lộc) cho rằng: “Lớp trẻ hiện nay, đặc biệt là trong đồng bào công giáo, không ít quần chúng có phẩm chất tốt, kiến thức sâu, nhưng chưa muốn vào Đảng bởi nhiều lý do, trong đó có phần hạn chế về mặt giác ngộ lý tưởng…”.

3b.jpg
Các chi hội trưởng chi hội phụ nữ vùng giáo ở Lộc Hà hiến kế, hiến cách để nâng cao chất lượng hoạt động, quá đó tìm kiếm nguồn lực cho Đảng.

Thực trạng “trắng”, “ghép” cũng xuất phát từ chính các đảng bộ cơ sở khi thiếu sự sâu sát, quyết liệt. Ông Đặng Văn Thành - Giám đốc Sở Công thương, nguyên Bí thư Thị ủy Kỳ Anh cho rằng: “Có lúc, có nơi, cán bộ địa phương chưa chủ động tiếp xúc với các vị linh mục, chức sắc, chức việc ở các giáo xứ, giáo họ để có sự chia sẻ và tìm được tiếng nói chung trong tuyên truyền, vận động quần chúng ưu tú vào Đảng. Mặt khác, ở nhiều địa bàn cơ sở, vẫn còn để xảy ra những tồn đọng, vướng mắc gây dư luận không tốt nên ít nhiều ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, đồng thời khó tạo được động lực để quần chúng tự nguyện phấn đấu đứng vào hàng ngũ của Đảng”.

Không chỉ khó phát triển đảng viên mới ở trong đồng bào có đạo, việc giữ được các đảng viên công giáo cũng là vấn đề cần quan tâm trong quá trình nỗ lực xóa tình trạng “trắng”, “ghép”. Ông Lê Văn Luyện - Bí thư Đảng ủy xã Kỳ Hà (TX Kỳ Anh) chia sẻ: “Xã hiện có 76% dân số là đồng bào theo đạo, 10 năm trước, Đảng bộ xã Kỳ Hà kết nạp được một nữ đảng viên là cán bộ y tế học đường của trường mầm non. Tuy nhiên, đảng viên này đã xin ra khỏi Đảng và xin nghỉ việc để đi xuất khẩu lao động. Từ đó đến nay, riêng thôn giáo toàn tòng Hải Hà không có đảng viên”.

9-m.jpg
Lãnh đạo xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh trao đổi với các cán bộ cốt cán vùng giáo Đông Yên để nắm bắt tình hình phát triển KT – XH, đảm bảo QP – AN, xây dựng NTM.
Front (3).jpg

Theo thống kê, từ năm 2014 đến nay, toàn tỉnh kết nạp được 125 đảng viên gốc giáo nhưng có đến 224 đảng viên xin nghỉ sinh hoạt hoặc từ trần nên tổng số đảng viên vùng giáo hiện nay giảm từ 703 người xuống còn 604 người. Còn ở vùng dân tộc thiểu số, việc phát triển đảng viên cũng gặp những khó khăn đặc thù. Bản Giàng 2 (xã Hương Vĩnh - Hương Khê) chỉ có 15 hộ, với 53 nhân khẩu là người dân tộc Chứt nên nguồn giới thiệu cho Đảng rất khó khăn. Ngoài ra, các tổ chức đoàn thể ở bản chưa có nên việc bồi dưỡng, giới thiệu đoàn viên, hội viên cho Đảng bồi dưỡng, kết nạp gần như không thực hiện được.

Title Page (1).jpg

Để việc xóa thôn, tổ dân phố (TDP) “trắng” đảng viên, “ghép” chi bộ mang tính bền vững, thời gian tới, các đảng bộ, chi bộ trực thuộc phải tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp mà lâu nay đã được thực hiện có hiệu quả. Đặc biệt, đối với các địa phương có cách làm hay như Hương Sơn, Lộc Hà, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Nghi Xuân... thì cấp ủy đảng các cấp tiếp tục duy trì và thực hiện linh hoạt các giải pháp, phấn đấu mỗi năm kết nạp được 3-5 đảng viên vùng giáo, dân tộc thiểu số; không để diễn ra tình trạng “tái trắng”, “tái ghép”, đồng thời chú trọng củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Đối với những nơi còn khó khăn, cần tập trung cao trong lãnh đạo, chỉ đạo, quyết liệt triển khai các giải pháp để đạt kết quả cao hơn.

10b.jpg
Do ở Bản Giàng 2 ít cư dân, trình độ dân trí và nhận thức chính trị còn hạn chế nên ngoài việc tuyên truyền, vận động đồng bào vào đảng thì cần phải thành lập, kiện toàn các tổ chức đoàn thể để tạo cơ sở thành lập chi bộ.

Tổ dân phố Tây Yên và Yên Thịnh (phường Kỳ Thịnh, TX Kỳ Anh) hàng chục năm nay không có đảng viên, không có chi bộ. Đây là trăn trở và cũng là nhiệm vụ khá nặng nề đặt ra cho Đảng bộ phường trong thời gian tới. Ông Lê Văn Bình - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy phường Kỳ Thịnh cho biết: “Đảng bộ phường đang tập trung thực hiện kế hoạch tạo nguồn, kết nạp Đảng giai đoạn 2020-2025 theo nghị quyết của Đảng ủy phường, trong đó ưu tiên cao đối với vùng giáo, vùng khó khăn. Theo đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động quần chúng; quan tâm công tác tạo nguồn gắn với bồi dưỡng quần chúng ưu tú. Bên cạnh chỉ rõ những khó khăn trong kết nạp đảng viên vùng giáo, Đảng bộ tập trung ưu tiên, vận động và tạo điều kiện cao nhất đối với các đối tượng là cán bộ xã, thôn, TDP, giáo viên, học sinh… là người công giáo trên địa bàn có cảm tình và phấn đấu vào Đảng”.

Theo ông Nguyễn Anh Ngọc - Phó Chủ tịch HĐND thị xã Kỳ Anh, nguyên Trưởng ban Tổ chức Thị ủy Kỳ Anh, qua thực tiễn công tác phát triển Đảng ở cơ sở, đối với các địa phương gặp khó trong xóa “trắng”, xóa “ghép”, càng cần phải hết sức quan tâm đến việc tạo nguồn, ươm mầm những “hạt giống”. Hướng sự quan tâm và ưu tiên các đối tượng là người có đạo đang là cán bộ, công chức, viên chức, thôn trưởng, trưởng các đoàn thể, giáo viên, học sinh cuối cấp THPT trên địa bàn… Sau khi tạo điều kiện để họ làm việc, phấn đấu, cần tổ chức kiểm tra, rà soát, đánh giá, lựa chọn những người nổi trội về tư cách đạo đức, phẩm chất, năng lực, khả năng cống hiến... để vận động và bồi dưỡng, giúp đỡ họ vào Đảng. Đồng thời, tiếp tục giúp đỡ, bồi dưỡng và giao việc để các đảng viên mới sớm thể hiện được vai trò tiên phong, tính gương mẫu, ý thức trách nhiệm của mình; từ đó, tạo sức lan tỏa để các quần chúng, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, các tổ chức trong giáo xứ, giáo họ cùng đồng lòng và tạo điều kiện để phát triển đảng viên”.

Ông Nguyễn Anh Ngọc - Phó Chủ tịch HĐND thị xã Kỳ Anh, nguyên Trưởng ban Tổ chức Thị uỷ Kỳ Anh nêu các giải pháp chính để khắc phục tình trạng thôn "trắng" đảng viên và chi bộ sinh hoạt ghép hiện nay trên địa bàn.

Là địa phương được đánh giá cao trong thực hiện các chính sách về tôn giáo của Đảng và Nhà nước, thời gian qua, huyện Lộc Hà đã từng bước tạo được khối đoàn kết, gắn bó rộng rãi giữa cấp ủy, chính quyền các cấp với các giáo xứ, giáo họ; giữa lãnh đạo các cấp với các linh mục, chức sắc, chức việc trên địa bàn; thắt chặt được tình đoàn kết, sự hòa hợp giữa “đạo” với “đời”, duy trì các tổ chức cơ sở đảng ở vùng giáo. Vậy, kinh nghiệm thực tiễn và cách làm của địa phương này là gì?

Theo ông Bùi Quang Hiếu - Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Lộc Hà, trước tiên, cấp ủy, chính quyền địa phương phải tạo được sự gần gũi, gắn bó mật thiết với linh mục và ban hành giáo trên địa bàn thông qua việc quan tâm, thăm hỏi, chung vui cùng các giáo xứ, giáo họ trong các ngày lễ trọng; luôn giữ mối liên hệ với các vị linh mục, chức sắc, chức việc... Qua đó, góp phần tháo gỡ những vướng mắc, tồn tại từ cơ sở, củng cố mối đoàn kết lương - giáo, động viên bà con công giáo “sống tốt đời, đẹp đạo”, “sống phúc âm trong lòng dân tộc”; đóng góp tích cực cho phong trào chung, đồng thời khơi dậy niềm tin, tình cảm, mong muốn được đứng vào hàng ngũ của Đảng của quần chúng.

12-(1).jpg
Lãnh đạo huyện Lộc Hà thường xuyên giữ mối liên hệ khăng khít các vị linh mục, chức sắc, chức việc trên địa bàn.

Đối với 41 xã đặc thù nằm trên 2 tuyến biên giới, ngoài sự vào cuộc của các địa phương, cần có sự đồng hành, hỗ trợ tích cực của BĐBP để vận động, bồi dưỡng và kết nạp quần chúng ưu tú vào Đảng. Đại tá Nguyễn Thái Bình - Chính ủy BĐBP Hà Tĩnh cho biết, đơn vị đã tham mưu đưa 11 chỉ huy cấp đồn tham gia cấp ủy và HĐND huyện, tăng cường 10 đảng viên có trình độ và uy tín về xã, giúp kiện toàn 55 tổ chức cơ sở đảng và 172 tổ chức đoàn thể. Cùng với phát huy hiệu quả vai trò của đảng viên về cơ sở, thời gian tới, các đồn biên phòng 2 tuyến biên giới tăng cường tuyên truyền, vận động, kèm cặp, bồi dưỡng các quần chúng ưu tú là người có đạo, người dân tộc thiểu số giới thiệu vào Đảng...

14b.jpg
14a.jpg
Thực hiện tốt chính sách tôn giáo và dân tộc của Đảng, Nhà nước gắn với đẩy mạnh phát triển KT–XH các vùng đặc thù cũng góp phần xóa thôn “trắng” đảng viên, xóa chi bộ sinh hoạt “ghép”.

Để bổ sung nguồn nhân lực cho Đảng và xây dựng tổ chức cơ sở Đảng ngày càng trong sạch vững mạnh, các cấp ủy Đảng cần tiếp tục thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác tôn giáo và dân tộc; phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế để đẩy mạnh phát triển KT-XH, cải thiện đời sống cho người dân; phát động sâu rộng các phong trào thi đua để tạo môi trường rèn luyện, bồi dưỡng nhân tố điển hình; tạo điều kiện thuận lợi nhất để đảng viên vùng giáo và vùng dân tộc có cơ hội phát triển; tập trung khắc phục các vấn đề còn tồn đọng về đất đai, bồi thường GPMB, giải quyết chế độ, chính sách để củng cố niềm tin của quần chúng nhân dân...

Cán bộ các cấp cần tăng cường bám sát địa bàn đặc thù, nắm chắc tình hình cơ sở, chủ động tháo gỡ các vướng mắc sẽ góp phần khắc phục tình trạng thôn “trắng” đảng viên, sinh hoạt “ghép”.

Cán bộ các cấp cần tăng cường bám sát địa bàn đặc thù, nắm chắc tình hình cơ sở, chủ động tháo gỡ các vướng mắc sẽ góp phần khắc phục tình trạng thôn “trắng” đảng viên, sinh hoạt “ghép”.

Bí thư Đảng ủy xã Quang Thọ (Vũ Quang) Hà Quang Yên chia sẻ những khó khăn giải pháp khắc phục tình trạng chi bộ sinh hoạt ghép và công các phát triển đảng viên vùng đặc thù.

Ông Nguyễn Như Dũng - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Tỉnh ủy cho biết: “Thời gian tới, Hà Tĩnh sẽ tập trung thực hiện tốt Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 16/6/2022 của BCH Trung ương Đảng về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở Đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới, Kế hoạch số 07-KH/TW ngày 17/8/2022 của Bộ Chính trị về thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW, Chương trình hành động số 18-CTr/TU ngày 30/9/2022 của BCH Đảng bộ tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW và Kế hoạch số 07-KH/TW... Qua đó, phấn đấu đến năm 2025, tất cả thôn, TDP trong toàn tỉnh đều có đảng viên và đến năm 2030 không còn chi bộ sinh hoạt ghép.

Front 4.jpg

“Để hoàn thành mục tiêu đó, các cấp ủy Đảng tiếp tục quán triệt sâu sắc, kịp thời các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về phát triển đảng viên gắn với nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc củng cố tổ chức Đảng và phát triển đảng viên ở vùng đặc thù. Các đảng bộ cũng phải nỗ lực hơn để tạo sự thống nhất, đồng bộ cả về nhận thức lẫn hành động và xem đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, cần được chăm lo, thực hiện xuyên suốt. Tiếp tục phát huy vai trò của chi bộ, MTTQ và các đoàn thể trong bồi dưỡng, tạo nguồn kết nạp đảng viên; chỉ đạo các tổ chức Đảng rà soát, nắm chắc tình hình, nhận diện rõ các khó khăn và vướng mắc để có biện pháp giải quyết kịp thời, phù hợp...” - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Tỉnh ủy khẳng định.

BÀI, ẢNH, VIDEO: TIẾN DŨNG - THĂNG LONG - THANH GIANG

THIẾT KẾ: KHÔI NGUYỄN

Đọc thêm

Một số nội dung, yêu cầu cụ thể về công tác nhân sự?

Một số nội dung, yêu cầu cụ thể về công tác nhân sự?

Hướng dẫn số 03-HD/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã hướng dẫn chi tiết về tiêu chuẩn, điều kiện cấp ủy viên; độ tuổi cấp ủy viên; cơ cấu, số lượng cấp ủy viên, ủy viên BTV và phó bí thư cấp ủy cấp huyện và tương đương, cấp cơ sở...
 [Đảng Cộng sản Việt Nam qua các kỳ đại hội] Đại hội lần thứ V của Đảng

[Đảng Cộng sản Việt Nam qua các kỳ đại hội] Đại hội lần thứ V của Đảng

Đại hội Đại biểu lần thứ V của Đảng diễn ra từ ngày 27 đến 31/3/1982, tại thủ đô Hà Nội, đồng chí Lê Duẩn được bầu lại làm Tổng Bí thư. Ngày 14/7/1986, Ban Chấp hành Trung ương họp phiên đặc biệt, đồng chí Trường Chinh được bầu giữ chức Tổng Bí thư thay đồng chí Lê Duẩn (từ trần ngày 10/7/1986).