Hà Tĩnh triển khai nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2021 gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự đoàn kết, thống nhất, quyết tâm cao, nỗ lực lớn trong chỉ đạo, điều hành, có thể khẳng định kết quả đạt được là khá tích cực. Dẫu còn có một số chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch nhưng Hà Tĩnh cơ bản đáp ứng những nhiệm vụ then chốt, giữ vững sự ổn định và tiếp tục tạo động lực lớn để phát triển.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh và đại diện chủ đầu tư nhấn nút khởi công Dự án Nhà máy Sản xuất Pin VinES tại Khu kinh tế Vũng Áng.
Kết quả quan trọng và có tính nền tảng trong năm qua là Hà Tĩnh đã chủ động, quyết liệt, linh hoạt và sáng tạo để ứng phó, kiểm soát nhiều đợt dịch phức tạp. Từ đầu tháng 6 đến cuối năm 2021, Hà Tĩnh phát hiện nhiều ca bệnh mới, lây lan, bùng phát ở nhiều địa phương.
Trước tình hình đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã kịp thời kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh; chủ động chỉ đạo theo dõi, đánh giá đúng tình hình, ứng phó kịp thời, triển khai mạnh mẽ các biện pháp phòng chống, không để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng.
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải chỉ đạo công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại huyện Hương Sơn.
Đồng thời, khẩn trương vận hành các bệnh viện, cơ sở y tế để thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19; tổ chức tốt các khu cách ly tập trung; thực hiện cách ly F1 tại nhà, thí điểm điều trị F0 không triệu chứng tại nhà; rà soát, quản lý chặt chẽ người và phương tiện di chuyển đến/về trên địa bàn; chủ động các phương án cách ly an toàn công dân trở về từ miền Nam; đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin phòng COVID-19.
Thành công trong cuộc chiến chống dịch đầy cam go của Hà Tĩnh năm qua được tạo nên bởi sức mạnh tổng hợp từ sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt, nhân văn của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp; sự chủ động, sáng tạo của các địa phương, đơn vị; tinh thần xung kích, quên mình vì sức khỏe cộng đồng của ngành y tế, các lực lượng vũ trang và đội ngũ cán bộ nơi tuyến đầu; vai trò của cán bộ thôn, tổ dân phố, tổ liên gia, tổ giám sát và tuyên truyền phòng chống COVID-19 trong cộng đồng ở các khu dân cư…
Trước những khó khăn của đại dịch, truyền thống văn hóa con người Hà Tĩnh, tinh thần đoàn kết, nhân văn, tương thân, tương ái lại được phát huy mạnh mẽ.
Sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sức mạnh của lòng dân đã hội tụ, phát huy để Hà Tĩnh chủ động kiểm soát tốt tình hình, khẩn trương khống chế và đẩy lùi dịch bệnh. Nhờ đó, chúng ta đã đạt được mục tiêu quan trọng là bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân, ngăn dịch xâm nhập vào các khu, cụm công nghiệp, duy trì các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, giúp cuộc sống của người dân diễn ra bình thường, tạo nền tảng, động lực để thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT-XH.
Trước những khó khăn của đại dịch, truyền thống văn hóa con người Hà Tĩnh, tinh thần đoàn kết, nhân văn, tương thân tương ái được phát huy mạnh mẽ. Chúng ta đã tiếp nhận trên 137 tỷ đồng và hiện vật ủng hộ phòng chống dịch thông qua MTTQ các cấp; quyên góp 1.300 tấn lương thực cho người dân các tỉnh vùng dịch phía Nam; tổ chức đón gần 2.700 công dân hồi hương; cử các đoàn cán bộ y tế hỗ trợ tỉnh Nghệ An và Bình Dương chống dịch.
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải kiểm tra tại Cụm công nghiệp Cẩm Xuyên.
Bài học “dĩ bất biến, ứng vạn biến” được đúc kết sâu sắc trong một năm toàn tỉnh dồn sức chống dịch COVID-19. Điều “bất biến” là đặt mục tiêu cao nhất bảo vệ tính mạng, sức khỏe của Nhân dân; “ứng vạn biến” là trong điều kiện của dịch bệnh có phương pháp, cách tổ chức phòng chống dịch và phát triển KT-XH linh hoạt, phù hợp, hiệu quả…
Với tinh thần đó, Hà Tĩnh tiếp tục “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” theo Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ kịp thời người dân và doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, lấy lại đà tăng trưởng.
Ngày 12/12/2021, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Hà Tĩnh phấn khởi đón Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng nhiều đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương về dự lễ khởi công dự án Nhà máy Sản xuất Pin VinES của Tập đoàn Vingroup với số vốn đầu tư giai đoạn 1 hơn 4.000 tỷ đồng. Đây là dự án khởi đầu của Tổ hợp công nghiệp ô tô, tạo nền móng để Khu kinh tế Vũng Áng tiếp tục phát triển, từng bước trở thành trung tâm công nghiệp sản xuất ô tô, nâng tầm thương hiệu ô tô quốc gia đối với cả khu vực và thế giới.
Cũng trong quý IV/2021, Dự án Nhiệt điện Vũng Áng II với số vốn đăng ký 2,5 tỷ USD đã phát lệnh khởi công cho tổng thầu EPC thực hiện công tác thi công xây dựng, góp phần vào thành công chung trong thu hút đầu tư của tỉnh với 55 dự án (54 dự án đầu tư trong nước có tổng số vốn đăng ký trên 15.000 tỷ đồng, 1 dự án đầu tư nước ngoài có tổng số vốn đăng ký 2,5 tỷ USD).
Kết quả này tiếp tục minh chứng cho nỗ lực thu hút, kêu gọi đầu tư của tỉnh, sự vào cuộc hỗ trợ nhà đầu tư trong xử lý hồ sơ, thủ tục của các sở, ngành, địa phương và đặc biệt, Nhân dân trong vùng dự án, với ý thức và trách nhiệm rất cao, đã và đang tạo điều kiện thuận lợi cho công tác bàn giao mặt bằng để dự án sớm được triển khai.
Công tác cải cách hành chính của tỉnh tiếp tục có những bước tiến đáng ghi nhận.
Bên cạnh đó, công tác cải cách hành chính của tỉnh tiếp tục có những bước tiến đáng ghi nhận khi Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2020 xếp thứ 21 cả nước (là thứ hạng cao nhất tỉnh đạt được trong 5 năm gần đây); Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2020 xếp thứ 5 cả nước (dẫn đầu 6 tỉnh Bắc Trung Bộ); Chỉ số đo lường sự hài lòng của tổ chức, cá nhân năm 2020 (SIPAS) xếp thứ 11 cả nước; Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) của tỉnh năm 2020 xếp thứ 16/63 tỉnh, thành…
Một dấu ấn nữa trong bức tranh kinh tế năm 2021 của Hà Tĩnh là sản xuất công nghiệp lấy lại đà tăng trưởng, tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế, đóng góp 4,46 điểm % trong mức tăng trưởng chung GRDP 5,02% (xếp thứ 32/63 tỉnh, thành phố và đứng thứ 4 khu vực Bắc Trung Bộ).
Sản xuất công nghiệp lấy lại đà tăng trưởng.
Công nghiệp tăng trưởng kéo theo kim ngạch xuất nhập khẩu đều tăng mạnh so với năm trước (xuất khẩu đạt 2,3 tỷ USD, tăng 68,3%; nhập khẩu đạt 3,4 tỷ USD, tăng 79,23%). Bên cạnh sản phẩm chủ lực là thép (đạt 5,4 triệu tấn, tăng 22,8%), nhiều sản phẩm công nghiệp truyền thống khác cũng có mức tăng trưởng đáng kể như: bia (đạt 59 triệu lít, tăng 11%), sợi (đạt 7.200 tấn, tăng 11%); điện thương phẩm (đạt 1,2 tỷ kWh, tăng 8,8%)…
Kết quả thu ngân sách trong bối cảnh có nhiều khó khăn đã khẳng định sự ổn định của kinh tế Hà Tĩnh. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đến hết năm 2021 đạt 16.915 tỷ đồng, bằng 163,2% dự toán Trung ương giao, bằng 138,9% dự toán HĐND tỉnh giao; trong đó: thu nội địa đạt 9.316 tỷ đồng, bằng 180% so với dự toán Trung ương giao, bằng 133% dự toán HĐND tỉnh giao (tiền sử dụng đất đạt 3.800 tỷ đồng, bằng 237,4% dự toán HĐND tỉnh giao; thuế phí và thu khác ngân sách đạt 5.516 tỷ đồng, bằng 138,2% dự toán Trung ương giao, bằng 102% dự toán HĐND tỉnh giao); thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 7.599 tỷ đồng, bằng 146,7% dự toán Trung ương và HĐND tỉnh giao.
Nông nghiệp tiếp tục giành thắng lợi với mức tăng trưởng 3,78%.
Trong bối cảnh khó khăn của dịch COVID-19, lĩnh vực nông nghiệp tiếp tục là điểm sáng với mức tăng trưởng 3,78%. Giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích ước đạt trên 93 triệu đồng/ha là một trong những chỉ tiêu phát triển của năm hoàn thành kế hoạch.
Cây ăn quả (cam, bưởi Phúc Trạch) có tổng sản lượng ước đạt trên 87.800 tấn (tăng 19% so với năm 2020). Lúa vụ xuân, vụ hè thu được mùa, năng suất và sản lượng đạt mức cao nhất từ trước đến nay (năng suất đạt trên 55,33 tạ/ha, tăng 3,92 tạ/ha so với năm 2020; sản lượng đạt trên 58,05 vạn tấn, tăng hơn 4,6 vạn tấn)…
Đẩy mạnh chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp, mở rộng thị trường tiêu thụ cho nông sản Hà Tĩnh.
Việc kết nối tiêu thụ hàng hóa nông nghiệp thông qua chuyển đổi số bước đầu mang lại những kết quả đáng phấn khởi, nhiều loại nông sản của tỉnh đã có mặt trên các sàn thương mại điện tử lớn toàn quốc.
Đặc biệt, để thúc đẩy tiêu thụ khi thị trường bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, trong năm, UBND tỉnh cùng các đơn vị liên quan đã 2 lần tổ chức thành công hội nghị trực tuyến ở hàng trăm điểm cầu toàn quốc để kết nối, xúc tiến hỗ trợ sản phẩm bưởi Phúc Trạch và cam của người dân Hà Tĩnh.
Hoạt động này cũng tạo nền tảng để người sản xuất tăng cường ứng dụng công nghệ số, hoàn thiện hơn quy trình sản xuất đảm bảo chất lượng, đáp ứng xu hướng tiêu dùng mới.
Nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới của tỉnh tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực.
Có một số thời điểm, hoạt động xây dựng NTM bị ảnh hưởng do dịch bệnh COVID-19, thế nhưng, tinh thần “chỉ có khởi đầu, không có kết thúc” vẫn luôn thường trực trong mỗi người dân và chính quyền các cấp.
Bằng những cách làm sáng tạo, thích ứng linh hoạt trong điều kiện phòng chống dịch, nhiệm vụ xây dựng NTM của tỉnh tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực. Trong năm, đề án “Thí điểm xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn NTM” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành nghị quyết và được tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt, hiệu quả.
Cẩm Xuyên đón nhận bằng công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
Các huyện Vũ Quang, Cẩm Xuyên được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM; huyện Hương Sơn, Lộc Hà đang được Trung ương xem xét công nhận huyện đạt chuẩn NTM. Toàn tỉnh có thêm 20 xã hoàn thành các tiêu chí NTM nâng cao, 2 xã hoàn thành các tiêu chí NTM kiểu mẫu…
Song song với duy trì, phục hồi, phát triển kinh tế, các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được quan tâm, đặc biệt là chú trọng, chăm lo đời sống của Nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội. Chất lượng giáo dục toàn diện được giữ vững, chất lượng giáo dục đại trà ổn định.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu và Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Kỳ chúc mừng các em học sinh được trao học bổng từ Quỹ Hỗ trợ học sinh đạt điểm cao, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vào học đại học.
Trong năm 2021, những chủ trương, chính sách về xã hội được nảy sinh từ gian khó đã làm giàu thêm tinh thần đoàn kết, keo sơn của dân tộc ta như: phát động chương trình “Sóng và máy tính cho em” nhằm hỗ trợ 12.664 thiết bị học tập cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn học trực tuyến; thành lập Quỹ Hỗ trợ học sinh đạt điểm cao, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vào đại học, tiếp nhận số tiền hỗ trợ gần 16 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa, đã có 137 em được hỗ trợ trong suốt quá trình học đại học.
Công tác lao động việc làm và chăm lo đời sống người dân tiếp tục được các cấp, ngành, địa phương chú trọng. Triển khai kịp thời Nghị quyết 68/NQ-CP và Nghị quyết 116/NQ-CP của Chính phủ hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, đã có hơn 162 nghìn lượt đối tượng được hỗ trợ, tổng kinh phí gần 196 tỷ đồng. Hà Tĩnh đã và đang tiến hành khảo sát, xây dựng chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động trở về địa phương do ảnh hưởng của dịch COVID-19 với gần 23.000 lao động trở về nơi cư trú có nhu cầu tìm kiếm việc làm và lập nghiệp…
Hà Tĩnh đã triển khai xây dựng 41 nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh trú bão lũ với kinh phí xã hội hóa gần 300 tỷ đồng
Việc triển khai Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 18/11/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa XVIII về khắc phục hậu quả thiên tai tiếp tục được đẩy mạnh, xây dựng gần 3.500 nhà ở kiên cố cho người có công, hộ gặp hoàn cảnh khó khăn, hộ bị ảnh hưởng thiên tai và 41 nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh trú bão lũ với kinh phí xã hội hóa gần 300 tỷ đồng.
Khép lại một năm nhiều thử thách, bản lĩnh của Hà Tĩnh tiếp tục được hun đúc, rèn giũa. Dù còn một số chỉ tiêu chưa hoàn thành nhưng đây cũng là dịp để chúng ta nhìn lại, rút kinh nghiệm nhiều hơn cũng như hoạch định được chiến lược, cách làm hợp lý, quyết liệt, hiệu quả hơn cho hành trình mới trong năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, kế hoạch phát triển 5 năm 2021-2025.
Tại nhiều chương trình nghị sự cuối năm 2021, mục tiêu của năm mới đã được xác định rõ, trọng tâm là: phục hồi kinh tế, thích ứng linh hoạt, an toàn với dịch COVID-19. Giữ vững ổn định sản xuất nông nghiệp; tiếp tục tập trung cao chỉ đạo xây dựng NTM. Phát triển công nghiệp gắn kết chặt chẽ với bảo vệ môi trường, thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ.
Phục hồi và phát huy tiềm năng phát triển khu vực du lịch, dịch vụ. Hoàn thiện cơ chế, chính sách đầu tư; tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường chuyển đổi số. Quan tâm phát triển văn hóa, xã hội; tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân.
Phục hồi và phát huy tiềm năng phát triển khu vực du lịch, dịch vụ.
Để hiện thực hóa những mục tiêu ấy, với sự tâm huyết, trách nhiệm, đồng thuận cao của cả hệ thống chính trị, các giải pháp thực hiện căn cơ, đúng trọng tâm, trọng điểm đã hoạch định và yêu cầu triển khai thực hiện ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm mới.
Theo đó, tiếp tục thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng chống dịch COVID-19, vừa phục hồi, phát triển KT-XH. Xây dựng chương trình hành động, kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp bằng việc triển khai có hiệu quả nghị quyết về tập trung, tích tụ ruộng đất; chú trọng cải tiến quy trình kỹ thuật canh tác, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ và tiếp tục thực hiện chuyển đổi số thực chất, hiệu quả trong sản xuất và truy xuất nguồn gốc các sản phẩm…
Tập trung cao thực hiện đề án “Thí điểm xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn NTM”; quan tâm phát triển kinh tế nông thôn tổng hợp, phát triển các ngành nghề mới, gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn; đẩy mạnh kinh tế số; nâng cao chất lượng và chiều sâu các khu dân cư đạt chuẩn, vườn mẫu gắn với phát triển du lịch sinh thái, du lịch làng xã NTM; xây dựng các mô hình khu dân cư, xã thông minh…
Hà Tĩnh tiếp tục triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển container qua cảng Vũng Áng.
Tích cực thu hút đầu tư lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và ngành công nghiệp sau thép, khuyến khích phát triển sản xuất công nghiệp theo chiều sâu; tiếp tục chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ các dự án; tổ chức thực hiện tốt đề án đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu gắn với phát triển dịch vụ logistics giai đoạn 2021-2025. Triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển container và đối tượng có hàng hóa vận chuyển bằng container qua cảng Vũng Áng…
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã. Chú trọng phát triển toàn diện, hài hòa các lĩnh vực văn hóa - xã hội, chăm lo đời sống cho Nhân dân. Bảo đảm QP-AN, giữ vững trật tự, an toàn xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế; làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, tạo đồng thuận xã hội…
Nhìn lại hành trình vượt khó trong năm 2021 để thấy, thành công nhất Hà Tĩnh đạt được là giữ vững sự ổn định, đảm bảo đời sống Nhân dân. Đó không chỉ khẳng định sự bình yên của vùng đất nặng nghĩa tình, mà còn là nền tảng để Hà Tĩnh tự tin, vững vàng thực hiện các nhiệm vụ năm 2022 và những năm tiếp theo.
Tin rằng, với sự đoàn kết, đồng lòng của hệ thống chính trị và toàn thể Nhân dân, những khó khăn chỉ càng nhân thêm quyết tâm để Hà Tĩnh sớm hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, trở thành tỉnh NTM giai đoạn 2021-2025, phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh khá của cả nước.