65 năm kể từ ngày Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh (15/6/1957 - 15/6/2022), trên mỗi chặng đường lịch sử, hình ảnh người Cha già thân thương, giản dị, những lời căn dặn ấm áp, muôn vàn yêu thương luôn là ngọn đuốc soi đường, cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên và Nhân dân tỉnh nhà đoàn kết, thống nhất, nỗ lực giành được những thắng lợi to lớn.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm, theo dõi từng bước trưởng thành và phát triển của phong trào cách mạng ở Hà Tĩnh. Người đã dành cho Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh những tình cảm sâu nặng và sự quan tâm đặc biệt. Những năm 1930-1931, Người đã theo dõi sát sao khí thế cách mạng sục sôi của quần chúng trong cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh. Sau Cách mạng tháng Tám, Người đã nhiều lần gửi thư, điện, viết báo, thơ biểu dương, khen ngợi khi Hà Tĩnh đạt được thành tích đi đầu phong trào “Bình dân học vụ”, kiểu mẫu trong phong trào “Thi đua ái quốc”, những tấm gương cán bộ vì Nhân dân, vì đất nước… Ngày 30/12/1949, Người đã ký lệnh tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhì cho Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh vì đã có thành tích “là một trong những tỉnh đầu tiên của cả nước hoàn thành thanh toán nạn mù chữ trên phạm vi toàn tỉnh”…
Ngày 15/6/1957, Bác Hồ và đoàn công tác Trung ương có chuyến thăm, nói chuyện với cán bộ và Nhân dân Hà Tĩnh. Ảnh tư liệu
Đặc biệt, vinh dự lớn lao đối với Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh, vào ngày 15/6/1957, Bác đã về thăm, nói chuyện với các đại biểu, cán bộ, đảng viên, ĐVTN, bộ đội và Nhân dân tỉnh nhà. Bác biểu dương Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh đã luôn tin tưởng vào Đảng, vào cách mạng; đóng góp to lớn vào công cuộc kháng chiến, kiến quốc. Bác khen về thành tích trong công tác thủy nông, về tổ đổi công, tăng gia sản xuất, về phong trào “Bình dân học vụ”; công tác giúp đỡ, chăm sóc thương binh, bệnh binh… Bác cũng thẳng thắn nêu những khuyết điểm trong cán bộ, trong Nhân dân khi có hiện tượng chưa đoàn kết, phối hợp công tác chưa tốt; ý thức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm chưa cao; thiếu ý thức giữ gìn thuần phong mỹ tục… Vào thời điểm đó, Hà Tĩnh đang tập trung khắc phục, sửa chữa những sai lầm trong cải cách ruộng đất và khắc phục hậu quả thiên tai. Bác nhắc phải cố gắng sửa sai cho tốt; chú ý tăng gia sản xuất; phát triển nông nghiệp, thương nghiệp; đắp đê, chống lụt, chống hạn, bảo vệ mùa màng; giữ gìn kỷ luật trong Đảng; thực hành dân chủ; tự phê bình và phê bình thật thà; luôn đề cao tinh thần trách nhiệm phục vụ Nhân dân.
Bác Hồ nói chuyện với đại biểu và các tầng lớp nhân dân Hà Tĩnh ngày 15/6/1957. Ảnh tư liệu
Bác nói chuyện cởi mở, tình cảm, gần gũi nhưng cũng rất thẳng thắn, sâu sắc đã giúp Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh quyết tâm kịp thời sửa chữa những sai lầm, khuyết điểm, phát huy những thành tích đã đạt được, cùng nhau đoàn kết khắc phục khó khăn, phấn đấu đưa phong trào tỉnh nhà tiếp tục tiến lên.
Hơn 9 năm sau ngày Bác về thăm Hà Tĩnh, ngày 6/7/1966, tại Phủ Chủ tịch, Bác Hồ đã trực tiếp nói chuyện với đoàn cán bộ Hà Tĩnh nhân dịp đoàn đi tham quan, học tập kỹ thuật thâm canh lúa ở tỉnh Thái Bình đến thăm Bác. Tiếp và nói chuyện với đoàn, Người đã khích lệ và mong muốn: “Hà Tĩnh phải làm sao cho tình hình nổi bật lên. Các đồng chí có làm được thế không? Làm được chứ? Miễn là lãnh đạo phải có quyết tâm, có tinh thần tự lực cánh sinh, biết lắng nghe ý kiến quần chúng…”.
Thực hiện lời dạy của Bác, trong những năm vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, các phong trào thi đua đã diễn ra sôi nổi, rộng khắp trong các địa phương, cơ quan, đơn vị, trường học. Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh đã cùng cả nước tập trung thực hiện thành công kế hoạch phát triển KT-XH 3 năm (1954-1957); kế hoạch cải tạo XHCN và phát triển kinh tế - văn hóa (1958-1960); kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965).
Bức chân dung được Bác Hồ gửi tặng ngày 19/5/1969 ghi dòng chữ: “Thân ái gửi lời khen Nhân dân và cán bộ xã Cẩm Bình đã làm tốt công tác giáo dục văn hóa” hiện vẫn đang được lưu giữ trong phòng truyền thống của xã Cẩm Bình (Cẩm Xuyên). Ảnh: Phan Trâm
Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, phát huy truyền thống quê hương Xô viết anh hùng, Hà Tĩnh đã dốc hết nhân tài, vật lực cùng với cả nước đánh đuổi đế quốc, đi đến ngày toàn thắng. Với vai trò là hậu phương của tiền tuyến lớn miền Nam và tiền tuyến của hậu phương lớn miền Bắc, Đảng bộ, quân và dân Hà Tĩnh đã nêu cao ý chí tự lực, tự cường với tinh thần “Xe chưa qua, nhà không tiếc”, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, kịp thời chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam; tham gia làm tròn nghĩa vụ quốc tế cao cả. Với những đóng góp xứng đáng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tất cả các huyện, thị xã của Hà Tĩnh đều được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Hàng chục vạn cán bộ, chiến sĩ, công nhân, nông dân, trí thức và Nhân dân được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều huân, huy chương và danh hiệu cao quý.
Núi Nài năm 1976 (ảnh 1). Nhà hát Nhân dân năm 1984, nay là Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh Hà Tĩnh (ảnh 2). Đường Phan Đình Phùng năm 1985 (ảnh 3). Ngã ba Phan Đình Phùng giao với quốc lộ 1A năm 1985 (ảnh 4). Ảnh tư liệu của Sỹ Ngọ.
Trong thời kỳ Hà Tĩnh hợp nhất với tỉnh Nghệ An, Đảng bộ Nghệ Tĩnh đã lãnh đạo Nhân dân khắc phục hậu quả chiến tranh, ổn định đời sống, phát triển sản xuất. Trải qua 3 kỳ kế hoạch xây dựng CNXH (từ năm 1976-1990), nhiều phong trào ở Hà Tĩnh phát triển lớn mạnh, tình hình KT-XH có nhiều chuyển biến đáng kể. Cơ sở vật chất, kỹ thuật trong các ngành kinh tế, nhất là trong nông nghiệp được đầu tư xây dựng, nâng cấp, trong đó điểm nhấn là công trình đại thủy nông Kẻ Gỗ - biểu tượng của sức mạnh đoàn kết, truyền thống văn hóa của vùng đất, con người Xứ Nghệ.
Cố Tổng Bí thư Đỗ Mười thăm Hà Tĩnh năm 1986. Ảnh tư liệu của Sỹ Ngọ
Qua hơn 30 năm tái lập tỉnh (từ năm 1991 đến nay), giữa bộn bề khó khăn, thiếu thốn, những lời căn dặn sâu sắc của Bác Hồ: “Cần phải đoàn kết chặt chẽ thành một khối”, “Có đoàn kết, quyết tâm, tin tưởng thì việc gì cũng làm được”, “Đảng ta không phải là Đảng làm quan mà Đảng phải chăm lo xây dựng đời sống cho dân”… đã dẫn đường cho Đảng bộ Hà Tĩnh phát huy truyền thống đoàn kết, ý chí cách mạng, khơi dậy mạnh mẽ phong trào trong quần chúng, giành được những thành tựu toàn diện trên các lĩnh vực, từng bước thoát khỏi tỉnh nghèo, nâng cao đời sống Nhân dân.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trò chuyện với cán bộ, nhân dân Hà Tĩnh trong dịp đồng chí về thăm Hà Tĩnh (tháng 12/2015). Ảnh tư liệu của Giang Nam
Hà Tĩnh đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, dựa vào dân, tập trung vào mặt trận nông nghiệp, nông thôn, nông dân để thực hiện những nhiệm vụ trọng yếu mà Bác Hồ đã lưu ý: “Phải rất chú ý tăng gia sản xuất”, “… trước hết chăm lo vụ bát, vụ mười cho tốt”. Qua tìm tòi, thử nghiệm và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, nông nghiệp Hà Tĩnh đã có những bước phát triển toàn diện và đạt nhiều kết quả quan trọng. Sản xuất nông nghiệp được cơ cấu lại và chuyển biến theo hướng sản xuất hàng hóa, liên kết theo chuỗi giá trị, đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ, gắn với thị trường tiêu thụ; phát huy tiềm năng, lợi thế vùng, miền, phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đời sống của nông dân và cư dân nông thôn được nâng cao về mọi mặt, diện mạo nông thôn mới có sự thay đổi sâu sắc theo hướng ngày càng hiện đại, văn minh.
Cảng Vũng Áng những ngày đầu xây dựng. Ảnh tư liệu của Sỹ Ngọ
Trên từng bước đường xây dựng quê hương giàu mạnh, những lời căn dặn của Bác về phát triển các lĩnh vực công nghiệp được Hà Tĩnh xác định là khâu đột phá, hiện thực hóa với những kết quả nổi bật. Kể từ ngày tái lập tỉnh, quy mô phát triển công nghiệp tăng 350 lần; thương mại, dịch vụ và du lịch không ngừng được mở rộng.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cùng các đồng chí nguyên lãnh đạo Trung ương, lãnh đạo tỉnh và chủ đầu tư nhấn nút khởi công xây dựng Nhà máy sản xuất Pin VinES của Tập đoàn Vingroup tại KKT Vũng Áng (tháng 12/2021. Ảnh: PV
Từ một tỉnh thu ngân sách, GRDP bình quân đầu người đạt rất thấp, Hà Tĩnh đã vươn lên trở thành tỉnh có quy mô kinh tế thuộc nhóm các tỉnh đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ. Tốc độ tăng trưởng GRDP duy trì ở mức cao qua các thời kỳ (giai đoạn 1991-2020 đạt 10%/năm); quy mô kinh tế tăng gấp 95 lần; GRDP bình quân đầu người tăng gấp 86 lần; thu ngân sách tăng gấp 722 lần, kim ngạch xuất khẩu tăng gấp 300 lần so với năm đầu tái lập tỉnh. Khu kinh tế Vũng Áng ra đời đã tạo động lực, thúc đẩy tăng trưởng KT-XH toàn tỉnh; Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo được hình thành, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, đối ngoại của tỉnh và cả nước. Trong xây dựng NTM, Hà Tĩnh đã có những bước đi đột phá, sáng tạo, làm thay đổi căn bản bộ mặt nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Hà Tĩnh được Thủ tướng Chính phủ chọn làm điểm xây dựng tỉnh NTM đầu tiên trong cả nước giai đoạn 2021-2025.
Lĩnh vực công nghiệp được Hà Tĩnh xác định là khâu đột phá, hiện thực hóa với những kết quả nổi bật.
Trong giai đoạn hội nhập, với nhiều cách làm quyết liệt, sáng tạo, nền kinh tế Hà Tĩnh đã có thêm cú hích quan trọng từ công tác thu hút đầu tư. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội giai đoạn 2011-2019 đạt 409 nghìn tỷ đồng, gấp 10 lần so với giai đoạn 2001-2010, bằng 236 lần so với giai đoạn 1991-2000. Đến nay, tỉnh đã thu hút gần 1.500 dự án đầu tư; trong đó: hơn 1.400 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư gần 135.000 tỷ đồng; 76 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư gần 16 tỷ USD.
Nối tiếp truyền thống vùng đất học, GD&ĐT Hà Tĩnh tiếp tục gặt hái những kết quả đáng tự hào. Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, giảm nghèo, an sinh xã hội được quan tâm, đạt nhiều kết quả quan trọng. Văn hóa, văn nghệ, thể thao có nhiều chuyển biến tích cực; công tác y tế và chăm sóc sức khỏe Nhân dân được chú trọng. Khoa học - công nghệ, thông tin truyền thông tham gia tích cực vào thực tiễn sản xuất và đời sống, thúc đẩy phát triển KT-XH; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Cụ thể hóa kịp thời, hiệu quả đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước, thường xuyên củng cố, tăng cường mối quan hệ hợp tác hữu nghị đặc biệt với các tỉnh của nước bạn Lào.
Xây dựng nông thôn mới đã làm thay đổi bộ mặt hạ tầng kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng nông thôn Hà Tĩnh. Ảnh Đình Nhất
Khắc ghi lời nhắc nhở của Người “Phải nâng cao chí khí chiến đấu, cảnh giác; mở rộng chế độ tự phê bình và phê bình, nâng cao tinh thần kỷ luật, tinh thần trách nhiệm, đẩy mạnh sản xuất, thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí”, “Đảng viên, cán bộ trong và ngoài Đảng phải một lòng một dạ phục vụ Nhân dân, phục vụ giai cấp”, Đảng bộ Hà Tĩnh luôn đặt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ hàng đầu. Củng cố, kiện toàn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính quyền các cấp. Phát huy dân chủ rộng rãi; đoàn kết, thống nhất nội bộ; siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong cán bộ, công chức, viên chức, chiến sỹ lực lượng vũ trang. Đặc biệt, Đảng bộ tỉnh đã thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII gắn với thực hiện các chỉ thị của Bộ Chính trị về học tập và làm theo Bác qua các thời kỳ. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã và đang trở thành nền nếp, ý thức tự giác, trách nhiệm trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân tỉnh nhà.
Diện mạo mới của thành phố Hà Tĩnh hôm nay. Ảnh: Nguyễn Thanh Hải
Trong bức tranh sinh động của tỉnh, TX Hà Tĩnh, nay là TP Hà Tĩnh - nơi vinh dự được đón Bác Hồ về thăm - 65 năm qua đã không ngừng vươn lên, từng bước thực hiện mục tiêu trở thành đô thị trung tâm của khu vực. Từ một đơn vị hành chính nhỏ chỉ có 2 phường, năm 2019 được công nhận đô thị loại II. Năm 2021, tăng trưởng kinh tế đạt 6,03%; tổng thu ngân sách toàn thành phố đạt 1.250 tỷ đồng. Các khu đô thị mới được đầu tư, mở rộng. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Khu lưu niệm Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh được bảo tồn, xây dựng khang trang, trở thành địa chỉ giáo dục truyền thống cách mạng và là nơi lưu giữ những ký ức, tình cảm sâu nặng của Bác Hồ dành cho Hà Tĩnh.
Khu lưu niệm Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh tại thành phố Hà Tĩnh. Ảnh: Thành Nam
Hiện nay, Hà Tĩnh đang từng bước thực hiện các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025, xây dựng Hà Tĩnh trở thành tỉnh có công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ phát triển, hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, văn hóa phát triển, xã hội tiến bộ, QP-AN đảm bảo; cải thiện toàn diện đời sống Nhân dân; đến năm 2025 tỉnh đạt chuẩn NTM, phấn đấu năm 2030 trở thành tỉnh khá của cả nước.
Tự hào với những thành quả to lớn trên hành trình thực hiện lời Bác dạy, Hà Tĩnh đang tiếp tục nắm bắt thời cơ, thuận lợi, quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức để giữ vững và phát huy những thành quả. Nhiệm vụ trọng tâm trước mắt là tiếp tục bám sát Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, các chủ trương, nghị quyết của Trung ương, của tỉnh để tiếp tục cụ thể hóa và tổ chức thực hiện quyết liệt các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.
Tỉnh ủy Hà Tĩnh vinh danh điển hình trong thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW giai đoạn 2016 - 2021. Ảnh: Thu Hà
Khơi dậy giá trị văn hóa, ý chí, khát vọng của con người Hà Tĩnh; giữ gìn, phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống nhân văn của con người Hà Tĩnh. Chú trọng xây dựng môi trường văn hóa trong gia đình, nhà trường, xã hội; xây dựng môi trường công sở lành mạnh, tạo môi trường làm việc để cán bộ cống hiến.
Bí thư Thành ủy Dương Tất Thắng và lãnh đạo Sở GD&ĐT trao thưởng cho các em đạt học sinh giỏi quốc gia năm học 2021 - 2022. Ảnh: Ngọc Loan
Tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp phục hồi, phát triển KT-XH. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã, các mô hình kinh tế hiệu quả. Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, công nghệ cao gắn với đẩy mạnh thực hiện Đề án xây dựng tỉnh đạt chuẩn NTM.
Đầu tư phát triển, chỉnh trang và nâng cao chất lượng đô thị. Triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách đặc thù để mở rộng không gian đô thị thành phố, xây dựng TP Hà Tĩnh có quy mô, kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại, thông minh, phấn đấu trở thành một trong những đô thị trung tâm vùng Bắc Trung Bộ.
Những năm qua, thiết chế văn hóa cơ sở được chú trọng đầu tư, đời sống tinh thần người dân Hà Tĩnh được nâng lên rõ nét. Ảnh: PV
Chăm lo giải quyết việc làm, đời sống cho người dân; thực hiện tốt chính sách đối với người có công, các đối tượng yếu thế, đảm bảo an sinh xã hội. Tập trung giải quyết các vụ việc tồn đọng, khiếu nại, tố cáo; đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn…
Kỷ niệm 65 năm Ngày Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh diễn ra trong thời điểm đặc biệt. Đảng bộ và Nhân dân tỉnh nhà vừa vượt qua chặng đường khó khăn của thiên tai, dịch bệnh và đang tập trung cao thực hiện các mục tiêu phát triển. Các địa phương sôi nổi thi đua; người dân phấn khởi, quyết tâm chung sức, chung lòng vì sự phát triển của tỉnh.