Chăm lo xây dựng tổ chức Đảng, phát triển đảng viên gắn với nhân rộng các điển hình tiên tiến trong đồng bào dân tộc thiểu số đã mang lại nhiều kết quả quan trọng, giúp chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước thấm sâu vào cuộc sống nơi biên cương. Dù vậy, công tác này vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế, cần các biện pháp, giải pháp đồng bộ, hiệu quả.
TThôn Kim Quang, xã Quang Thọ (Vũ Quang) chỉ có 52 hộ/270 khẩu người Lào nhưng Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ này vẫn mạnh dạn đặt chỉ tiêu kết nạp 2 - 4 đảng viên người dân tộc thiểu số. 2 năm qua, ở đây đã có thêm 2 đảng viên mới và năm nay đã bồi dưỡng 1 quần chúng ưu tú để cuối năm kết nạp. Nhờ chú trọng công tác phát triển đảng viên nên dù ở thôn Kim Quang, người Lào chỉ chiếm ½ dân số nhưng tỷ lệ đảng viên người dân tộc rất ấn tượng với gần 88% (có 7/8 người).
Toàn cảnh thôn Kim Quang, xã Quang Thọ (Vũ Quang).
Đảng viên Bùi Văn Bính (người dân tộc Lào) ở thôn Kim Quang cho biết: “Tôi từng có 15 năm cống hiến cho công tác xã hội, song, vì hoàn cảnh gia đình, nỗi lo sinh kế phải bỏ dở công việc và tạm gác lại ước mơ được kết nạp Đảng. Gần đây, nhờ được Đảng bộ xã khuyến khích, cấp ủy thôn bồi dưỡng, chi hội nông dân tạo điều kiện... nên tôi đã tích cực tham gia hoạt động đoàn thể, có nhiều cống hiến cho phong trào nông dân. Tháng 9/2022, tôi vinh dự được kết nạp Đảng và mới được tin tưởng giao làm Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Kim Quang. Giờ đây, tôi có thể cống hiến nhiều hơn cho tập thể, làm được nhiều việc có ích hơn cho xóm làng”.
Cùng với quan tâm số lượng, chất lượng đảng viên luôn được coi trọng. Anh Vi Xuân Hường - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Kim Quang cho biết: “Cả 7 đảng viên người dân tộc thiểu số đang là những người đứng đầu cấp ủy, trưởng ban công tác mặt trận thôn, đứng đầu hoặc tham gia BCH các đoàn thể. Cùng với tích cực tham gia công tác xã hội, đi đầu trong các phong trào thi đua, họ còn là điển hình phát triển kinh tế, làm vườn mẫu, nuôi dạy con cái, xây dựng gia đình hạnh phúc... Sự đóng góp và trưởng thành của các đảng viên người dân tộc được xem là những minh chứng sống động, thuyết phục để tuyên truyền, vận động các quần chúng có chí hướng đứng vào hàng ngũ của Đảng trong thời gian tới”.
Chi bộ Trường THCS&THPT dân tộc nội trú Hà Tĩnh kết nạp đảng viên cho học sinh lớp 12 là người dân tộc thiểu số.
Kết nạp đảng viên mới trong đồng bào dân tộc Chứt ở bản Rào Tre (ảnh tư liệu).
Theo thống kê, toàn huyện miền núi Hương Khê hiện có 20 dân tộc thiểu số sinh sống với gần 300 hộ/1.020 nhân khẩu. Từ năm 2021 - 2022, huyện đã kết nạp được 12 đảng viên, nâng tổng số đảng viên người dân tộc lên 30 đồng chí. Nhiều chi bộ ở đây có số đảng viên dân tộc đông như: bản Rào Tre (xã Hương Liên) với 9 đảng viên người dân tộc/tổng số 10 đảng viên của chi bộ; bản Phú Lâm (xã Phú Gia) 10 đảng viên người dân tộc/tổng số 21 đảng viên của chi bộ; ở Bắc Lĩnh - Lòi Sim (xã Hương Trạch) có 9 đảng viên người dân tộc/tổng số 19 đảng viên của chi bộ.
Trong nhiệm kỳ này, trên địa bàn Hương Khê có 3 đảng viên người dân tộc thiểu số tham gia BCH đảng bộ xã, 3 đảng viên tham gia HĐND cấp xã, những người còn lại đều là nòng cốt trong các tổ chức đoàn thể ở xã hoặc thôn. Đây cũng là địa phương có số đảng viên người dân tộc thiểu số là điển hình tiên tiến trong các lĩnh vực nhiều nhất tỉnh.
Hà Tĩnh hiện có 32 dân tộc thiểu số với khoảng 650 hộ/hơn 2.500 nhân khẩu (nhiều nhất là Mán 154 hộ/455 nhân khẩu, Lào 153 hộ/551 nhân khẩu, Mường 152 hộ/gần 600 nhân khẩu, Nùng 57 hộ/239 nhân khẩu, Chứt 44 hộ/156 nhân khẩu...), sống chủ yếu ở Hương Khê, Vũ Quang, Hương Sơn. Công tác phát triển đảng viên gắn với xây dựng các nhân tố điển hình trong đồng bào dân tộc ngày càng được quan tâm, chăm lo hơn. Toàn tỉnh đang có 82 đảng viên người dân tộc; riêng 2 năm gần đây kết nạp được 17 người, năm nay dự kiến có thêm 9 - 10 người; phấn đấu đến năm 2025 sẽ có trên 100 đảng viên là người dân tộc thiểu số.
Anh Cao Viết Sơn, người dân tộc Mường ở xã Hương Trạch là một trong những cán bộ quân sự xã giỏi nhất toàn tỉnh.
Bí thư Chi bộ kiêm trưởng thôn Kim Quang Vi Xuân Hường (người Lào) hướng dẫn bà con người Lào trong thôn xây dựng vườn mẫu.
Già làng người Lào ở thôn Làng Chè, xã Sơn Kim 2 cung cấp thông tin cho BĐBP.
Đại tá Nguyễn Thái Bình - Phó Chính ủy Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh cho biết: “Đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh ta có vai trò rất quan trọng vì họ sinh sống ngay sát biên giới Việt - Lào, ở những vùng khó khăn về KT-XH, trọng yếu về quốc phòng, nhạy cảm về an ninh, có mối quan hệ gần gũi hoặc thân tộc với cư dân nước bạn... Do đó, Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh đã cùng cấp ủy, chính quyền địa phương luôn chăm lo phát triển đảng viên, xây dựng các điển hình uy tín để góp phần tạo sức mạnh đồng bộ trong bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, xây dựng “thế trận biên phòng toàn dân”, vun đắp tình lân bang, bảo vệ khối đại đoàn kết, thúc đẩy KT-XH phát triển”..
Những năm gần đây, dù rất cố gắng nhưng công tác phát triển đảng viên gắn với xây dựng điển hình trong đồng bào dân tộc Mường ở bản Lòi Sim (xã Hương Trạch) vẫn rất khó khăn. Từ năm 20 20 đến nay, ở đây mới chỉ lựa chọn được 1 hội viên phụ nữ làm kinh tế giỏi để bồi dưỡng cho Đảng. Nguyên nhân chính xuất phát từ nguồn nhân lực dự bị cho Đảng trong cộng đồng ít, chưa đủ tiêu chuẩn kết nạp.
Chị Nguyễn Thị Như Thoan - Bí thư Chi đoàn bản Lòi Sim thông tin: “Chi đoàn có 10 đoàn viên người dân tộc thì hơn một nửa đang đi học. Dù rất cố gắng nhưng nguồn giới thiệu đi học cảm tình Đảng hằng năm gần như không có. Chúng tôi phải trông chờ vào các đoàn viên đang đi học, nhưng khi học xong các bạn thường sẽ thoát ly, làm ăn xa”.
Lãnh đạo Ban Tổ chức Huyện ủy Hương Khê về tận thôn bản để soát xét, nắm bắt tình hình kết nạp đảng viên người dân tộc ở Hương Trạch.
Thanh niên là đối tượng chính để phát triển Đảng và xây dựng điển hình tiên tiến. Tuy nhiên, trong xu thế chung, đại đa số thanh niên con em đồng bào dân tộc thiểu số cũng đi làm ăn xa, không thường xuyên ở địa bàn nên kết quả kết nạp Đảng khá khiêm tốn. Còn phát triển Đảng trong các đoàn viên, hội viên ở các tổ chức đoàn thể khác cũng không ngoại lệ vì sinh kế, áp lực cuộc sống gia đình.
Cũng vì khó khăn trong phát triển Đảng nên ở bản Giàng 2, xã Hương Vĩnh (Hương Khê) hiện đang trống đảng viên, không có tổ chức cơ sở Đảng. Theo lãnh đạo xã, bản có 16/53 nhân khẩu là người Lào sinh sống, trong đó chỉ có 5 - 7 thanh niên, các đoàn thể gần như không hoạt động. Bà con ở đây chưa thực sự tiến bộ, canh tác lúa nước thiếu hiệu quả, có đất lâm nghiệp giao nhưng không sản xuất, nguồn sống chủ yếu dựa vào trợ cấp của Nhà nước nên cuộc sống đang rất khó khăn. Trong bản không có nhiều người cầu tiến. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là bà con ở đây suốt năm quanh quẩn nơi “sơn cùng núi tận”, nhận thức hạn chế, trong cộng đồng thiếu tính thi đua, cùng với đó là sự cam chịu, tự ti của đồng bào...
Đoàn viên thanh niên ít, hội viên không nhiều, hoạt động các tổ chức đoàn thể chưa thực sự nổi bật nên ở bản Rào Tre khó tìm nhân tố điển hình bồi dưỡng cho Đảng.
Tại xã Quang Thọ (Vũ Quang), ông Hà Văn Yên - Bí thư Đảng ủy xã cho hay: “Mặc dù đã có những kết quả được đánh giá cao nhưng công tác quản lý, tạo nguồn, bồi dưỡng, kết nạp đảng viên là người dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều trăn trở. Nguyên nhân là do một bộ phận quần chúng ở các thôn, bản còn hạn chế về nhận thức, hiểu biết chính trị, chưa tích cực tham gia các hoạt động phong trào. Cùng đó là một số thanh niên người dân tộc thiểu số còn mang tâm lý tự ti, thiếu ý thức phấn đấu...”.
“Nguyên nhân của những hạn chế, vướng mắc trong công tác phát triển đảng viên dân tộc thiểu số hiện nay đến từ việc khó khăn về KT-XH, trình độ dân trí không đồng đều. Ngoài ra, có những lúc, những nơi, các tổ chức cơ sở Đảng, đoàn thể nơi có đồng bào dân tộc thiểu số chưa thực sự quyết liệt trong nhiệm vụ phát triển đảng viên; việc phát hiện, bồi dưỡng, phân công theo dõi, giúp đỡ, giác ngộ lý tưởng cho quần chúng chưa thực sự tốt; một số cán bộ làm công tác Đảng ở thôn, bản chưa nắm hết quy trình trong công tác phát triển đảng viên, chưa biết cách xây dựng các điển hình tiên tiến...”, ông Lê Nhật Lệ - Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Hương Sơn cho hay.
Các đảng viên nòng cốt (đều là người dân tộc) ở thôn Kim Quang, xã Quang Thọ (Vũ Quang) trao đổi kế hoạch vận động nhân dân ra quân chỉnh trang thôn xóm.
Thực trạng trên là nguyên nhân dẫn đến số lượng đảng viên người dân tộc thiểu số hằng năm được kết nạp khá khiêm tốn. Riêng 2 năm gần đây, số đảng viên người dân tộc thiểu số được kết nạp lần lượt là 9 (năm 2021) và 8 (năm 2022). Hiện nay, số đảng viên người dân tộc trên tổng số đảng viên toàn tỉnh khá thấp với 82/99.738 đảng viên (chiếm 0,08%); tỷ lệ đảng viên trên dân số đồng bào dân tộc là 82 đảng viên/khoảng 2.500 nhân khẩu (chỉ đạt 3,3%), thấp hơn mặt bằng chung của tỉnh là 99.738 đảng viên/1.302.558 nhân khẩu (đạt 7,7%).
Dù đã khá quyết liệt nhưng hiện nay, Chi bộ thôn Công Thương (xã Sơn Kim 1, Hương Sơn) cũng chỉ có 3/24 đảng viên là người dân tộc Mán, Tày, Mường. Vì nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có khâu tổ chức, tuyên truyền, vận động, khuyến khích đoàn viên, hội viên kết nạp Đảng nên mấy năm gần đây không có thêm đảng viên người dân tộc.
Trước thực tế đó, ông Nguyễn Thế Hùng - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Công Thương cho biết: “Sắp tới, chúng tôi sẽ tập trung củng cố các tổ chức đoàn thể gắn phát động phong trào thi đua yêu nước, tổ chức các hoạt động văn hóa - xã hội, đẩy mạnh xây dựng NTM và các phong trào hành động cách mạng khác ở thôn xóm. Qua đó, giúp các tổ chức đoàn thể nâng cao chất lượng hoạt động, phát huy được vai trò trong tập hợp, động viên đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tham gia; từ đó, tạo cơ hội để phát hiện, bồi dưỡng những nhân tố đi đầu, những người ưu tú nhất cho Đảng”.
BĐBP Hà Tĩnh xuống địa bàn có đồng bào dân tộc sinh sống nắm bắt tình hình kết hợp với thăm hỏi, động viên bà con chăm lo sản xuất, chung tay bảo vệ biên giới.
Lực lượng biên phòng 2 nước Việt - Lào và huyện Hương Sơn tổ chức tuyên tuyền, động viên cư dân biên giới khu vực và đồng bào dân tộc ở Hương Sơn chấp hành pháp luật, chung tay bảo vệ biên giới, vun đắp tình hữu nghị đặc biệt.
Ông Trần Văn Hải - Bí thư Đảng ủy xã Sơn Kim 1 chia sẻ: “Trên địa bàn có 120 hộ/286 nhân khẩu đồng bào dân tộc thiểu số nhưng số đảng viên chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vì vậy, chúng tôi tiếp tục tập trung tuyên truyền, vận động, lựa chọn các nhân tố nòng cốt trong các tổ chức đoàn thể để phát triển đảng viên người dân tộc. Ngoài ra, Đảng ủy cũng sẽ làm tốt công tác phát triển đảng viên gắn với đào tạo, quy hoạch nguồn cán bộ là người dân tộc thiểu số để họ có thể trực tiếp phụ trách, lãnh đạo, chỉ đạo các nhiệm vụ tại thôn, bản và làm cán bộ nguồn cho xã”.
Chia sẻ cách làm của một địa bàn vừa tìm được hướng tháo gỡ khó khăn sau nhiều năm giẫm chân tại chỗ trong công tác phát triển Đảng, ông Ngô Văn Sơn - Bí thư Chi bộ thôn Phú Lâm (xã Phú Gia, Hương Khê) cho biết: “Năm 2022, chi bộ kết nạp được một đảng viên mới và hiện đang có thêm một quần chúng đã học xong lớp cảm tình Đảng. Kết quả này là nhờ gần đây, chúng tôi đã tập trung thực hiện tốt các chính sách về dân tộc gắn với đẩy mạnh phát triển sản xuất nên bà con có việc làm ổn định, thu nhập đạt 46 triệu đồng/người/năm, thôn không còn hộ nghèo. Bản thân tôi cũng đã trực tiếp hỗ trợ đồng bào về cây giống, con giống, kinh nghiệm để làm ăn hiệu quả hơn. Khi bà con có sinh kế tốt, hạ tầng cơ sở khang trang, thôn xóm tươi đẹp, thanh bình thì không còn ý định ly hương. Đây được xem là yếu tố rất quan trọng để đảm bảo “nguồn” cũng như thực hiện công tác phát triển đảng viên hiệu quả”.
Ông Ngô Văn Sơn - Bí thư Chi bộ thôn Phú Lâm (xã Phú Gia, huyện Hương Khê) hướng dẫn đồng bào dân tộc Lào phát triển kinh tế nông hộ.
Để làm tốt công tác phát triển đảng viên gắn với xây dựng điển hình tiên tiến trong đồng bào dân tộc, ông Trần Phúc Anh - Bí thư Đảng ủy xã Hương Liên (Hương Khê) đề xuất: “Cấp trên cần nghiên cứu, xem xét các biện pháp, giải pháp hỗ trợ cơ sở như: tăng cường tập huấn, đào tạo cho đảng viên người dân tộc đang giữ các chức vụ ở thôn, bản về kỹ năng làm việc, nhận thức chính trị; xây dựng đội ngũ đảng viên trẻ để có lực lượng kế cận, giảm làm thay; có chính sách đặc thù, tăng chế độ phụ cấp đối với người dân tộc trực tiếp tham gia công việc ở bản. Ngoài ra, cấp trên cũng cần ưu tiên thêm các nguồn lực để giúp đồng bào dân tộc khắc phục các vấn đề khó khăn nhất như: nâng cấp nhà ở, tổ chức các lễ hội và hoạt động văn hóa, khôi phục trang phục, phục hồi bản ngữ, đẩy lùi các tệ nạn xã hội, chấm dứt tình trạng hôn nhân cận huyết, chăm sóc tốt cho phụ nữ và trẻ em...”.
Đảng viên, cựu binh Vi Xuân Cảnh (thôn Kim Quang, xã Quang Thọ, huyện Vũ Quang) giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng để thế hệ sau không ngừng học tập, rèn luyện, cống hiến.
Ở phạm vi toàn huyện, bà Từ Thị Hòa - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Hương Khê cho hay: “Chúng tôi sẽ tập trung nâng cao nhận thức cho cấp ủy, cán bộ, đảng viên về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc phát triển Đảng là người dân tộc thiểu số. Các cấp ủy Đảng cũng sẽ tăng cường giáo dục, bồi dưỡng lý luận chính trị cho bà con dân tộc thiểu số để tạo nguồn và xây dựng kế hoạch, giải pháp phát triển đảng viên sát tình hình thực tế. Ngoài ra, địa phương cũng sẽ đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ để phát huy vai trò, sứ mệnh của các tổ chức cơ sở Đảng và mỗi đảng viên trong việc phát triển nguồn lực cho Đảng”.
Đảng viên người dân tộc thiểu số ở Hương Khê trao đổi kinh nghiệm phát triển sản xuất gắn với tham gia bảo vệ QP-AN vùng trọng yếu.
Theo Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Trần Đình Trung, thời gian qua, Hà Tĩnh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo để thực hiện tốt công tác phát triển đảng viên gắn với xây dựng điển hình tiên tiến trong đồng bào dân tộc thiểu số và đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
“Để bồi dưỡng, bổ sung cho Đảng một nguồn sinh lực mới chất lượng từ đồng bào dân tộc thiểu số, thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung chỉ đạo, lãnh đạo nghiêm túc, kịp thời bằng các biện pháp hữu hiệu, giải pháp căn cơ và đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở. Đặc biệt, Hà Tĩnh sẽ chú trọng đến các giải pháp như: thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước để chăm lo toàn diện cho đồng bào dân tộc; xây dựng các chương trình phát triển KT-XH, đảm bảo an sinh xã hội ở những vùng khó khăn, nơi có đồng bào dân tộc sinh sống để bà con ổn định sinh kế, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống; chăm lo xây dựng tổ chức cơ sở Đảng gắn với nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, hiệu quả hoạt động của các tổ chức đoàn thể ở cơ sở để tạo môi trường thuận lợi, lành mạnh cho phát triển đảng viên và xây dựng các điển hình có sức lan tỏa...” - Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy nhấn mạnh.
THIẾT KẾ & KỸ THUẬT: XUÂN KHOA
>> Bài 1: Người đảng viên dân tộc Tày 30 năm cống hiến nơi biên viễn
>> Bài 2: Niềm tự hào của đồng bào Mường ở bản Lòi Sim
>> Bài 3: Chuyện “chi bộ gia đình” dân tộc Chứt ở bản Rào Tre