.....
Hương Tích tự - từ nhiều năm nay đã trở thành địa điểm linh thiêng không thể thiếu trong cuộc hành hương về cõi Phật, trong hành trình du xuân của rất nhiều người. Du khách đến để dâng hương, hành lễ, nguyện cầu cho một năm an lành và để được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của non nước, mây trời, của thiên nhiên hùng vĩ.
Theo các kết quả nghiên cứu, chùa Hương Tích được xây dựng vào khoảng thời Trần (thế kỷ XIII), là một trong những ngôi chùa lâu đời nhất Việt Nam. Cõi linh thiêng này còn gắn liền với câu chuyện công chúa Diệu Thiện tu hành đắc đạo, hóa Phật, cứu độ chúng sinh.
Không gian tâm linh tại chùa Hương.
Truyền thuyết kể lại rằng: “Vua Trang Vương nước Sở sinh hạ được ba người con gái. Khi trưởng thành, hai chị theo ý vua cha lấy chồng làm quan trong triều. Đến lượt công chúa út Diệu Thiện, vua ép gả cho viên quan võ, là một kẻ độc ác, hung tàn. Nàng phẫn chí và tìm đến cửa phật tu hành, viên quan võ đã phóng hỏa đốt chùa nhưng Diệu Thiện và các tăng ni được Phật che chở, cứu thoát. Phật lại sai Bạch Hổ bảo vệ, che chở, đem nàng sang đất Việt Thường, dừng chân ở động Hương Tích, núi Thíu Lĩnh (tức Hồng Lĩnh) dựng am tu hành. Tại đây, nàng nổi tiếng là vị sư cô từ bi bác ái.
Một góc chùa Hương Tích. Ảnh tư liệu
Giữa lúc đó, Sở Trang Vương lâm trọng bệnh, thầy thuốc khuyên phải có tròng mắt và bàn tay của một người con gái tự nguyện hiến dâng mới cứu được. Khi nghe chuyện, Diệu Thiện đã không ngần ngại móc mắt và cắt bàn tay của mình đưa cho sứ giả về cứu cha. Trang Vương khỏi bệnh, sai người đến trả ơn mới biết đó là con gái mình. Đức Phật cảm động về tấm lòng của Diệu Thiện nên đã hóa phép cho mắt nàng sáng, tay mọc lại như cũ. Diệu Thiện đã tu hành đắc đạo và hóa thành Phật Quan Âm ngàn mắt ngàn tay”.
Người dân tìm cho mình phút tĩnh lặng, bình an nơi cửa Phật
Ở chính nơi Diệu Thiện đã tu hành và hóa Phật, Nhân dân đã xây dựng thành nơi thờ tự, ngôi chùa Hương Tích ngày nay. Trải qua thăng trầm, biến đổi của thời gian, với nhiều lần trùng tu tôn tạo, dấu tích xưa của ngôi chùa cổ vẫn còn hằn những nét rêu phong cổ kính trên nền đá. Và câu chuyện huyền thoại về nàng công chúa hiếu thảo hóa Phật vẫn được dân gian lưu truyền mãi mãi. Ẩn sau sự tích ấy là những triết lý nhân văn của nhà Phật, nhắc nhở con người luôn mang cái tâm từ bi hỷ xả để đối đãi chúng sinh.
Chùa Hương Tích tọa lạc trên một trong những đỉnh núi đẹp nhất của dãy Hồng Lĩnh, nằm ở độ cao 650m so với mặt nước biển. Nơi đây, được mệnh danh là “Hoan Châu đệ nhất danh lam” - ngôi chùa đẹp nhất vùng Hoan Châu (Xứ Nghệ) và là một trong 21 thắng cảnh của nước Nam xưa. Chùa nằm sâu trong những bóng cây cao khuất, mây mù bao phủ; đường lên chùa dài gần 4.000m, được bao bọc bởi rừng cây xanh mát quanh năm.
Hương Tích tự nằm trong quần thể kiến trúc cổ gồm 3 khu vực chính là Thượng điện, đền Thiên Vương, am Thánh Mẫu xếp từ thấp đến cao tựa theo sườn núi. Ngoài 3 khu vực chính, chùa Hương Tích còn có miếu cửa rừng, trạm nghỉ Phật Bà, am Giác Phổ, khe Quỷ Khốc, thác Giải Oan, chùa Thượng, nhà thờ tổ, điện Thánh Mẫu, am Diệu Thiện, am Dược Sư, nền Trang Vương, am Bát Cảnh… Phía sau chùa là vô số tảng đá lớn, xung quanh nhiều cây cổ thụ vươn ra tỏa bóng xuống các mái chùa, tạo nên sự u tịch, trầm tư và linh thiêng… Nơi đây còn có những cảnh sắc tuyệt đẹp liên kết thành một cụm thắng cảnh gồm hàng chục di chỉ: động Tiên Nữ 36 cửa vào ra, am Phun Mây, suối Tiên Tắm...
Phong cảnh hữu tình tạo nên sự thu hút đối với khách du lịch. Ảnh: Đồng Anh
Từ quốc lộ 1 ngang qua thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, đi khoảng 5 km về hướng Đông thì tới chân núi Hồng Lĩnh. Từ đây, du khách có thể di chuyển lên chùa bằng 3 cách: đi xe điện lên núi rồi đi cáp treo; đi bộ ven triền núi đến miếu Linh Sơn rồi lên chùa; đi thuyền trên lòng hồ Nhà Đường khoảng 1,5 km tới miếu Cô lễ trình rồi lên chùa.
Cảnh sắc mê đắm lòng người đã tạo nên sức hấp dẫn khó cưỡng, để Hương Tích tự trở thành điểm đến của các thiện nam, tín nữ, của tao nhân mặc khách.
Nhờ những giá trị đặc biệt về lịch sử, cảnh quan, khảo cổ và văn hóa tâm linh, năm 1990, chùa Hương Tích được công nhận là di tích văn hóa - thắng cảnh cấp quốc gia.
.....
Người dân tuân được khuyến cáo tuân thủ quy định về phòng, chống dịch khi về với chùa Hương Tích.
.....
Anh Nguyễn Quang Huy - du khách đến từ quận Hoàng Mai, Hà Nội cho biết: “Lần đầu tiên đến với chùa Hương Tích, tôi đã ngỡ ngàng trước vẻ đẹp hoang sơ của vùng đất này. Những công trình kiến trúc cổ kính kết hợp với câu chuyện huyền bí, thấm đẫm triết lý nhà Phật khiến tâm mỗi người trở nên tĩnh tại, hướng thiện hơn”.
.....
“Trong chiến lược phát triển, huyện Can Lộc xác định, việc phát huy tiềm năng, lợi thế du lịch là một trong 3 mũi đột phá của nền kinh tế địa phương. Trong đó, chùa Hương Tích được xem là điểm nhấn quan trọng của các tour, tuyến du lịch văn hóa tâm linh, du lịch trải nghiệm trên địa bàn. Việc đánh thức tiềm năng, lợi thế này của huyện Can Lộc đang có sự chuyển động rõ nét bằng những thay đổi đáng mừng. Đó là các hoạt động quảng bá, mời gọi, thu hút nguồn lực, xúc tiến đầu tư các công trình để nâng tầm giá trị văn hóa Khu du lịch chùa Hương Tích, trở thành “đặc sản” riêng của Hà Tĩnh”, ông Nguyễn Tiến Dũng - Phó Chủ tịch UBND huyện Can Lộc chia sẻ.
Cáp treo chùa Hương. Ảnh: Đồng Anh
Giai đoạn 1 (triển khai từ cuối năm 2020 đến nay), dự án ADB với nguồn đầu tư 130 tỷ đồng được hoàn thành đã “thay áo” cho Khu du lịch chùa Hương Tích. Theo đó, nhiều hạng mục như nhà quản lý điều hành, quảng trường, đường xe điện đến ga cáp treo, bãi giữ xe, hệ thống chiếu sáng... được nâng cấp, mở rộng, tạo nên sự hoàn thiện và đồng bộ về cơ sở hạ tầng.
Song song với việc cải thiện hạ tầng du lịch, huyện cũng đã đổi mới hình thức quản lý, phối hợp với các công ty lữ hành để quảng bá, kết nối các tour, tuyến, thu hút khách du lịch đến tham quan. Từ chủ trương của huyện và mục tiêu chung là khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch của địa chỉ tâm linh, các dịch vụ kinh doanh ở chùa Hương Tích đã tạo nên sự kết nối, hỗ trợ lẫn nhau. Đó cũng là yếu tố nâng cao chất lượng, phong cách phục vụ chuyên nghiệp, khiến sức hút của chùa Hương Tích đối với du khách ngày càng lớn.
Ông Nguyễn Tiến Trình - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Lữ hành Thành Sen (TP Hà Tĩnh) cho biết: “Bắt đầu đi vào hoạt động từ đầu năm 2021, với dịch vụ trọn gói (có người dẫn đoàn, thuyết minh, hướng dẫn cách làm lễ...), Trung tâm Điều hành và hỗ trợ dịch vụ du lịch chùa Hương Tích của công ty đang được đánh giá là một hình thức chăm sóc khách hàng hấp dẫn và chất lượng. Vì thế, du khách tìm đến với dịch vụ tăng đáng kể”.
.....
Cũng từ nỗ lực quảng bá, kết nối của lãnh đạo huyện, những ngày đầu năm mới, chùa Hương Tích đã đón đoàn lãnh đạo của Công ty TNHH Cây xanh Công Minh (tỉnh Bình Phước) đến tham quan, khảo sát đầu tư tại khu du lịch tâm linh này.
Đoàn công tác Công ty TNHH Cây xanh Công Minh khảo sát đầu tư vào khu du lịch chùa Hương Tích.
Ông Nguyễn Công Minh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Cây xanh Công Minh chia sẻ: “Từ lần đầu đến dâng hương tại đây, tôi đã ấn tượng với vẻ huyền bí, linh thiêng của danh thắng này. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục khảo sát và xin ý kiến phản biện của các nhà chuyên môn trong lĩnh vực du lịch. Nếu có thể, chúng tôi sẽ đầu tư khu nghỉ dưỡng và thể thao tại đây để tăng sức hấp dẫn với dòng khách du lịch khi đến với Hoan châu đệ nhất danh lam”.
Giai đoạn này, huyện Can Lộc cũng tiếp tục phối hợp với các đơn vị tư vấn để hoàn thiện đề án tổng thể quản lý đầu tư và phát triển du lịch chùa Hương Tích. Việc hoàn thiện đề án sẽ rộng mở những cơ hội thu hút đầu tư, đẩy mạnh liên kết tour, tuyến, góp phần định vị thương hiệu du lịch văn hóa tâm linh của chùa Hương Tích trên bản đồ du lịch Việt Nam.
Ảnh & video: Thuý Ngọc - Đình nhất - ctv
thiết kế: huy tùng