Bà Trần Thị Nhật Tân - chuyên viên Phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương Hà Tĩnh) cho biết: “Các DN hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu đã vượt khó, nỗ lực nâng cao chất lượng, mẫu mã để các sản phẩm chủ lực của Hà Tĩnh đứng vững tại các thị trường “khó tính” như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan... đưa tổng giá trị xuất khẩu toàn tỉnh ước đạt gần 584,4 triệu USD trong 8 tháng đầu năm, tăng 33,28% so với cùng kỳ. Những con số “biết nói” trên tiếp tục khẳng định đóng góp lớn của DN hoạt động trong lĩnh vực này đến sự phát triển kinh tế toàn tỉnh”.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cùng lãnh đạo bộ, ngành trung ương dự lễ khánh thành Nhà máy gỗ MDF, HDF Thanh Thành Đạt tại cụm công nghiệp huyện Vũ Quang. Ảnh: Thanh Hoài
Liên tục dẫn đầu “bảng thành tích” xuất khẩu trong thời gian qua là Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh. Sau sự cố môi trường biển, Formosa Hà Tĩnh đã chủ động, tích cực khắc phục 53 lỗi vi phạm, xây dựng hệ thống xử lý môi trường hiện đại, đưa doanh thu liên tục tăng trưởng nhờ xuất khẩu thép, phôi thép và các phụ phẩm khác.
Theo báo cáo của Sở Công thương Hà Tĩnh, với sự hoạt động ổn định của 2 lò cao, xuất khẩu từ Formosa Hà Tĩnh ước đạt 501,35 triệu USD (chiếm tỷ trọng hơn 85,78% trong tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh). Trong đó, mặt hàng thép và phôi thép là sản phẩm xuất khẩu chủ lực, giá trị ước đạt 457,6 triệu USD.
Đặc biệt, năm nay, hoạt động xuất khẩu gạo đã có thêm những tín hiệu vui, đánh dấu bước phát triển mới của lĩnh vực xuất khẩu nông sản khi Công ty TNHH MTV KC Hà Tĩnh xuất khẩu thành công hơn 10.000 tấn gạo thương phẩm sang Lào, Trung Quốc, Thái Lan... giá trị hơn 3 triệu USD.
Giám đốc Công ty TNHH MTV KC Hà Tĩnh Nguyễn Khánh Tùng cho biết: “Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường thế giới, công ty đã đầu tư xây dựng nhà máy chế biến gạo với công suất thiết kế 20.000 tấn/năm; đồng thời, hoàn thiện các chứng chỉ quan trọng. Hiện tại, công ty đang tiếp tục tìm kiếm đối tác để xúc tiến xuất khẩu gạo sang thị trường châu Âu, trước mắt là Nga và Phần Lan”.
Từ đầu năm lại nay, nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến khá dồi dào nên hoạt động xuất khẩu thủy sản giữ mức tăng trưởng khá, đạt 3,45 triệu USD. Ảnh: Thái Oanh
Các mặt hàng xuất khẩu truyền thống cũng đều giữ được mức tăng trưởng ổn định và cao hơn cùng kỳ năm 2018 như: Thủy sản đạt 3,31 triệu USD, dăm gỗ 18,3 triệu USD, chè 2,61 triệu USD, sợi 4,55 triệu USD…
Hà Tĩnh tiếp tục có những bước tiến ấn tượng khi 8 tháng đầu năm 2019, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 1,871 tỷ USD, tăng 24,24% so với cùng kỳ. Trong đó, nhập khẩu trực tiếp từ Formosa Hà Tĩnh phục vụ hoạt động sản xuất thép, phôi thép và các phụ phẩm gần 1,6 tỷ USD, chiếm hơn 85,5% kim ngạch nhập khẩu toàn tỉnh.
Chính những bước đi vững chắc trong thời gian qua của cộng đồng DN trên địa bàn tỉnh đang trở thành động lực quan trọng để Hà Tĩnh hoàn thành các mục tiêu KT-XH trong giai đoạn “nước rút” cuối năm. Tính chung 8 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất nhập khẩu toàn tỉnh đã vượt mốc 2,5 tỷ USD. Đây là con số tăng trưởng đầy ấn tượng, là “quả ngọt” của cả quá trình đồng hành của các cấp, ngành và sự nỗ lực của cộng đồng DN. Kết quả trên sẽ là “đòn bẩy” để Hà Tĩnh hoàn thành chỉ tiêu kim ngạch xuất nhập khẩu 3,9 tỉ USD trong năm 2019.
Sản xuất sợ xuất khẩu tại Công ty CP Vinatex Hồng Lĩnh. Ảnh: Huy Tùng
Giám đốc Sở Công thương Hà Tĩnh Hoàng Văn Quảng cho biết: “Trong năm nay, xuất khẩu Hà Tĩnh sẽ tiếp tục có sự góp mặt của một số DN lớn như: Nhà máy Chế biến gỗ MDF/HDF Thanh Thành Đạt; Công ty TNHH Haivina Hàn Quốc… Đây được coi là những “làn gió mới”, góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu của tỉnh tăng trưởng.
Cùng với đó, tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường xúc tiến thương mại, tìm kiếm và mở rộng thị trường cho các sản phẩm chủ lực, nhất là thị trường mà Việt Nam đã ký kết hiệp định thương mại tự do; tạo cơ chế thông thoáng thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước vào Hà Tĩnh.
Ảnh: pV. CTV
thiết kế: huy tùng