Báo Hà Tĩnh - Tin tức Hà Tĩnh mới nhất, tin nhanh Hà Tĩnh 24h
Story
Kinh tế
Nông nghiệp
Lão nông kể chuyện làm giàu từ trồng nấm
Tác giả: Văn Chung
02/03/2024 05:20
Tôi tên là Nguyễn Tường (SN 1964, ở thôn Hồng Hoa, xã Đức Đồng). Gia đình tôi “bén duyên” với nghề trồng nấm từ cuối năm 2009. Thời gian đầu, do kinh tế eo hẹp nên tôi chỉ trồng nấm sò trên diện tích hơn 30m
2
và sản phẩm chủ yếu được bán ở chợ.
Trải qua thời gian xây dựng và phát triển, hiện cơ sở đã mở rộng diện tích lên 600m
2
. Mô hình được đầu tư xây dựng kiên cố, thoáng mát, đảm bảo các tiêu chuẩn về kỹ thuật.
Những năm đầu, tôi chọn hướng đi “lấy ngắn nuôi dài”, mỗi năm chỉ trồng vài nghìn bịch nấm sò. Trong hành trình khởi nghiệp, tôi đã nhiều lần vấp váp, tổn thất do thiếu vốn, không có kinh nghiệm và chưa làm chủ được khoa học kỹ thuật, quy trình sản xuất.
Tuy vậy, sau mỗi lần thất bại, tôi lại đứng lên, mạnh dạn vay vốn, đầu tư công sức, tiếp tục học hỏi để phát triển sản xuất. Đến nay, nhờ kiên trì học hỏi, miệt mài nghiên cứu, tôi đã đứng vững với nghề trồng nấm.
Hiện tại, cơ sở đang chủ yếu trồng nấm sò, với diện tích gần 500m
2
, số còn lại là mộc nhĩ và nấm linh chi. Để cây nấm có điều kiện sinh trưởng tốt nhất, trước mỗi mùa vụ, tôi thuê 5 - 6 nhân công đảm nhận các công việc như đóng phôi, treo nấm, chăm sóc cây.
Nấm là loại cây trồng rất nhạy cảm với các yếu tố môi trường như: nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng... nên tôi luôn chú trọng việc theo dõi, khắc chế các yếu tố bất lợi. Đối với mỗi loại nấm sẽ có thời gian sinh trưởng và phát triển khác nhau, như mộc nhĩ từ lúc cấy giống cho đến khi thu hoạch mất khoảng hơn 3 tháng, nấm linh chi là 5 tháng, còn nấm sò 4 tháng.
Từ khi bắt tay vào trồng nấm, vợ tôi (bà Lê Thị Hà, SN 1974) là người luôn ủng hộ, đồng hành. Gắn bó với nghề trồng nấm đã hơn 13 năm, đến nay, vợ chồng tôi đã hiểu hết mọi đặc tính của cây. Để nấm đạt chất lượng tốt, sản lượng cao, quan trọng nhất là khâu chọn giống, rồi đến cách ủ nguồn nguyên liệu. Nguyên liệu phải được lựa chọn kĩ càng, sạch sẽ thì chất lượng nấm mới đạt và năng suất cao hơn.
Ngoài ra, cần tuân thủ nghiêm ngặt quy trình tưới nước sạch, vệ sinh nhà xưởng hằng ngày. Để nấm sinh trưởng và phát triển tốt, vợ chồng tôi đã lắp đặt hệ thống giàn phun nước bán tự động, giúp cho việc điều chỉnh độ ẩm thuận tiện hơn. Nhờ vậy, sản phẩm cung cấp ra thị trường luôn đảm bảo yếu tố ngon, sạch và an toàn cho sức khoẻ.
“Ăn ngủ cùng nấm” là câu mà vợ chồng tôi vẫn thường hay nói về nhau sau mỗi ngày làm việc chăm chỉ. Chúng tôi gắn bó với cây nấm từ khi còn hai bàn tay trắng. Nhờ cây nấm mà gia đình đã thoát nghèo, vươn lên trở thành hộ khá và được chính quyền biểu dương, ghi nhận.
Đều đặn mỗi ngày, vợ chồng tôi luôn thay nhau kiểm tra sự phát triển của nấm, theo dõi quá trình sinh trưởng để kịp thời phát hiện các yếu tố gây hại. Đồng thời, thực hiện việc thu hoạch theo đúng thời gian.
Nấm mộc nhĩ rất thích hợp trồng trong thời tiết nóng ẩm, hiện tôi đang chuẩn bị phôi để trồng trong mùa hè này. Việc trồng nấm cũng gặp không ít khó khăn do thời tiết, nhất là ruồi, muỗi ký sinh đẻ trứng phá hoại phôi hay nhiễm bệnh mốc xanh, nấm hồng...
Vì thế, ngoài đòi hỏi có kỹ thuật tốt, người trồng phải kiên trì, thường xuyên tưới nước với lượng vừa đủ, khu nhà xưởng bảo đảm sạch sẽ, không có các yếu tố gây bệnh.
Sau thành công với nấm sò, nấm mộc nhĩ, cơ sở của tôi cũng đang thử nghiệm trồng nấm linh chi. Đây là lứa nấm linh chi đầu tiên mà gia đình tôi trồng và đã bắt đầu cho thu hoạch.
Hy vọng, với sự chăm sóc kỹ lưỡng, 300 bịch nấm linh chi này sẽ phát triển tốt và được khách hàng đón nhận rộng rãi.
Với chất lượng đạt chuẩn, quy trình sản xuất sạch đã giúp thương hiệu nấm của gia đình đạt chuẩn OCOP 3 sao vào cuối năm 2023. Hiện, các sản phẩm của gia đình không chỉ tiêu thụ trong tỉnh mà còn vươn ra các tỉnh, thành.
Bình quân mỗi năm, gia đình cung cấp ra thị trường hơn 15 tấn nấm các loại nhưng chủ yếu là nấm sò. Hiện giá bán của nấm sò tươi là 40 nghìn đồng/kg, mộc nhĩ là 250 nghìn đồng/kg, còn nấm linh chi là 2 triệu đồng/kg. Giá bán ổn định đã giúp gia đình đạt doanh thu trên 600 triệu đồng/năm, sau khi trừ chi phí thu lãi gần 300 triệu đồng.
Từ sự thành công này, thời gian tới, vợ chồng tôi sẽ mở rộng quy mô sản xuất, đặc biệt là nấm linh chi và mộc nhĩ. Đồng thời, mạnh dạn đầu tư thêm các máy móc hiện đại nhằm chế biến sâu các sản phẩm để vừa tăng thu nhập, tạo việc làm cho con em địa phương, vừa góp phần đưa sản phẩm nấm “Made in Đức Thọ” vươn xa.
Có thể bạn quan tâm
Phát huy hiệu quả hoạt động khuyến nông tại Hà Tĩnh
"Đặc sản" Hà Tĩnh vào vụ Tết
Tuân thủ lịch thời vụ, sử dụng bộ giống chất lượng cho vụ xuân 2025
Nông dân Thạch Hà rộn ràng xuống đồng chăm rau, củ, hoa phục vụ tết
Loại cây lọt top 50 trái cây đặc sản nổi tiếng Việt Nam "bén đất" Vũ Quang
Lần đầu tiên trồng thành công cây niễng trên đất lúa kém hiệu quả
Rộn ràng mùa lúa mới
Nông dân Hương Khê sản xuất linh hoạt, bám đuổi tiến độ vụ đông