Điểm đến

Linh thiêng ngôi đền cổ nơi cửa biển Hà Tĩnh

..........

Linh thiêng ngôi đền cổ nơi cửa biển Hà Tĩnh

Dẫu đã đến di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh cấp quốc gia đền Chế thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu (còn gọi là đền Bà Hải) nhiều lần nhưng lần trở lại này, tôi và người bạn đồng hành đều đong đầy cảm xúc. Tháng 3, hoa xoan tím trên triền đê lối vào ngôi đền thiêng nơi cửa biển như thầm nhắc chuyện về quý phi Nguyễn Thị Bích Châu một lòng vì nước, vì dân.

Linh thiêng ngôi đền cổ nơi cửa biển Hà Tĩnh

Theo sử sách, Chế thắng Phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu (? - 1377) tên thật là Nguyễn Cơ, tự Bích Châu, quê ở xã Bảo Lộc (Hải Hậu, Nam Định). Bà là con gái của vị đại thần họ Nguyễn rất mực thanh liêm và bà Phạm phu nhân. Từ nhỏ cho đến khi trưởng thành, bà Bích Châu được cha mẹ dạy dỗ chu đáo về văn chương, đạo lý và võ thuật, cung kiếm. Khi lớn lên xinh đẹp, thông minh, bà được vua Trần Duệ Tông tuyển vào cung, sau này phong làm quý phi và rất được nhà vua sủng ái.

Là người thông tuệ, lại luôn lo lắng cho sự an nguy xã tắc, trong bối cảnh đất nước còn nhiều rối ren, chính sự chưa yên, lòng dân bất ổn, bà Bích Châu đã dâng vua Trần Duệ Tông (1336 – 1377) bản “Kê minh thập sách” gồm 10 điều trị nước an dân, đến nay vẫn còn giá trị. Giáo sư Nguyễn Ngọc Khánh từng nhận xét: “Kê minh thập sách là của báu muôn đời. Chế thắng phu nhân là người thầy vạn thuở”.

Linh thiêng ngôi đền cổ nơi cửa biển Hà Tĩnh

Năm 1377, biên giới phía Nam Đại Việt bị giặc quấy rối, vua Trần Duệ Tông đem quân đi đánh Chiêm Thành. Khuyên ngăn vua không được, bà xin đi theo để hộ giá. Trên đường chinh phạt, do bị trúng kế của quân địch, các viên tướng của nhà vua lần lượt tử trận, khi đó bà Bích Châu đã thân chinh đứng ra chỉ huy đạo quân bảo vệ nhà vua. Không may bà bị trúng mũi tên tẩm độc, vết thương quá nặng, bà trút hơi thở vào giờ Tý, ngày 11/2/1377 (Đinh Tỵ).

Linh cữu Quý phi Bích Châu được đưa về Thăng Long theo đường biển. Tuy nhiên, đến cửa biển xã Kỳ Ninh (TX Kỳ Anh) ngày nay thì gặp mưa to gió lớn, không thể đi tiếp được, vua Trần Phế Đế (người kế vị vua Trần Duệ Tông vừa mất) liền xuống chiếu cho quan quân an táng linh cữu của bà tại đây và lập miếu để Nhân dân thờ phụng, hương khói.

Linh thiêng ngôi đền cổ nơi cửa biển Hà Tĩnh

Toàn cảnh Cửa Khẩu, xã Kỳ Ninh, TX Kỳ Anh ngày nay. Ảnh: Nguyễn Thanh Hải

Năm 1470, vua Lê Thánh Tông đi đánh giặc Chiêm Thành, đến cửa biển Kỳ Ninh phát hiện ngôi miếu, biết được câu chuyện đánh giặc của bà Bích Châu, đã đề tặng bốn chữ “Nữ trung hào kiệt” dán lên bài vị và làm lễ cầu mong hương linh quý phi trợ sức. Sau khi thắng trận trở về, vua Lê Thánh Tông hạ chiếu lập đền, cấp ruộng tế và người trông coi, sắc phong cho bà là Chế Thắng. Kể từ đó, đền được gọi là Chế thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu.

Linh thiêng ngôi đền cổ nơi cửa biển Hà Tĩnh

Những ngày lễ, tết, Đền Chế thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu đón đông đảo du khách thập phương vãn cảnh... (ảnh tư liệu của Huy Tùng)

Linh thiêng ngôi đền cổ nơi cửa biển Hà Tĩnh

... và bày tỏ tri ân công lao to lớn mà bà đã đóng góp cho đất nước.

Từ đó đến nay, trải qua hơn 600 năm, ngôi đền được nhân dân quanh năm hương khói phụng thờ. Hằng năm, vào ngày 11, 12/2 âm lịch, người dân trong vùng tổ chức làm lễ giỗ để tưởng nhớ, bày tỏ tri ân công lao to lớn mà bà đã đóng góp cho đất nước.

Linh thiêng ngôi đền cổ nơi cửa biển Hà Tĩnh

Cách quốc lộ 1 khoảng 8 km về phía Đông, Đền Chế thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu nay thuộc địa phận thôn Tam Hải 2 (xã Kỳ Ninh, TX Kỳ Anh). Đền có khuôn viên rộng 26.370 m2, tọa lạc trên một cồn cát cao bên bờ sông Vịnh, phía bên kia sông là núi Cao Vọng nằm sát cửa biển.

Đền bao gồm khu cổng chính có miếu Ông Quan Tả, nhà Quan Tả và tam quan; khu điện thờ chính Quý phi Bích Châu gồm: hạ điện, trung điện và thượng điện, được kết nối với nhau theo kiểu chữ công. Phía sau thượng điện, tương truyền có mộ của bà Nguyễn Thị Bích Châu. Phía bên trái thượng điện là nhà Sắc - nơi thờ và cất giữ các sắc phong qua các triều đại. Bên trái nhà Sắc còn có một cổng phụ nằm ở phía Tây Nam, ngay bên trái của cổng phụ là nhà Văn bia được xây dựng vào năm 2009, đây là nơi để tấm bia đá khắc “Kê minh thập sách”.

Bên cạnh ngôi đền cổ, Nhân dân và các nhà hảo tâm công đức xây dựng thêm các hạng mục khác như lầu chuông, lầu khánh, bia dẫn tích... tạo nên cảnh quan đẹp đẽ, trang nghiêm.

Linh thiêng ngôi đền cổ nơi cửa biển Hà Tĩnh

Toàn cảnh Khu di tích đền thờ Chế thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu. Ảnh: Nguyễn Thanh Hải

Năm 1991, đền thờ Chế thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu được Bộ VH-TT&DL công nhận là di tích lịch sử và danh thắng cấp Quốc gia.

Linh thiêng ngôi đền cổ nơi cửa biển Hà Tĩnh

Ghi dấu huyền tích về “Nữ trunghào kiệt”, hàng trăm năm qua, ngôi đền đã trở thành một điểm sinh hoạt văn hóa tâm linh, tín ngưỡng của người dân địa phương.

Năm nay đã 72 tuổi và có 15 năm làm công việc quản lý, chăm sóc tại đền, ông Lê Bá Khang - Phó Trưởng ban Quản lý di tích Đền Chế thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu cho biết: Từ nhỏ, những câu chuyện kể của ông bà và các bậc cao niên trong làng về công lao to lớn của bà Bích Châu đối với đất nước khiến tôi rất ngưỡng mộ. Bởi vậy, tôi luôn cảm thấy may mắn và tự hào khi được làm công việc chăm sóc hương khói tại đền. Đối với người dân xã Kỳ Ninh nói riêng và Kỳ Anh nói chung, ngôi đền trở thành nơi sinh hoạt văn hóa quen thuộc.

............

Linh thiêng ngôi đền cổ nơi cửa biển Hà Tĩnh

Những người làm nghề biển ở Kỳ Ninh đều tâm niệm quý phi Nguyễn Thị Bích Châu là vị thánh mẫu sống vì đất nước, thác xuống linh thiêng luôn vì lợi ích của dân chúng mà thương yêu phù trợ… Bởi vậy, làng biển luôn xem ngôi đền là điểm tựa tâm linh để họ chân cứng đá mềm trước sóng gió biển khơi.

Ông Lê Thái Huần (60 tuổi, ngư dân thôn Tam Hải 2, xã Kỳ Ninh) kể: nhà ông có 4 đời làm nghề biển, mỗi chuyển biển đều vào đền thành kính thắp hương để cầu xin mưa thuận gió hòa, ra khơi vào lộng đều được bình an.

Linh thiêng ngôi đền cổ nơi cửa biển Hà Tĩnh

Ngôi đền cũng là địa chỉ văn hóa thu hút sự quan tâm của thế hệ trẻ. Em Nguyễn Trần Bắc, học sinh lớp 11E (Trường THPT Thành Sen, TP Hà Tĩnh) cho biết: “Có cơ hội đến thăm đền, ấn tượng của em là ngôi đền cổ kính, phong cảnh non nước hữu tình có sông, có núi, cây cối xanh tươi. Đặc biệt, khi được nghe câu chuyện về bà Bích Châu viết “Kê minh thập sách” và ra trận đánh giặc em cảm thấy rất ngưỡng mộ và tự hào”.

Nằm trong quần thể cảnh sắc hữu tình, đền Chế thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu soi bóng bên bờ sông Vịnh hiền hòa, phía bên kia là núi Cao Vọng có cảnh đẹp nên thơ. Mặt khác, cách đền chừng hơn 1 km là bờ biển xã Kỳ Ninh với chiều dài 10 km, được đánh giá là một trong những bãi biển đẹp của Hà Tĩnh.

Linh thiêng ngôi đền cổ nơi cửa biển Hà Tĩnh

Các hoạt động văn hóa, thể thao gắn với Lễ hội Đền Chế thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu. Ảnh tư liệu của Trần Công Việt

Ông Nguyễn Văn Chung - Phó Chủ tịch UBND TX Kỳ Anh cho biết: “Triển khai Chương trình hành động của Ban Thường vụ Thị ủy Kỳ Anh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong phát triển du lịch thị xã đến năm 2025 và những năm tiếp theo, chúng tôi đã có những kế hoạch để tăng cường phát triển du lịch song song với phát triển công nghiệp hiện đại. Trong đó, Di tích lịch sử, danh thắng cấp Quốc gia Đền thờ Chế thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu là một điểm đến giàu giá trị văn hóa lịch sử, nằm trong quần thể gần bãi biển Kỳ Ninh và các cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP… đang được chúng tôi xúc tiến quảng bá, kêu gọi đầu tư để xây dựng thành khu du lịch tâm linh, sinh thái, trải nghiệm làng nghề và nghỉ dưỡng”.

........

Linh thiêng ngôi đền cổ nơi cửa biển Hà Tĩnh

Rời ngôi đền linh thiêng nơi cửa biển một chiều xuân, mây trời vấn vít trên núi Cao Vọng, quần thể di tích đền Bà Hải in bóng bên dòng sông Vịnh tạo nên khung cảnh non nước hữu tình. Với tấm lòng tôn kính, tri ân hướng về lễ giỗ lần thứ 645 của Chế thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu (1377 - 2022), chúng tôi thầm mong “viên ngọc” quý nơi cửa biển sẽ tỏa sáng hơn nữa trên hành trình trình phát triển bền vững của vùng kinh tế động lực phía Nam tỉnh nhà.

ảnh: pv-ctv

thiết kế: huy tùng

Chủ đề Di chỉ - Khảo cổ

Chủ đề Điểm du lịch Hà Tĩnh

Đọc thêm

"Viên ngọc xanh" giữa vùng thượng Kỳ Anh

"Viên ngọc xanh" giữa vùng thượng Kỳ Anh

Ẩn mình giữa những dãy núi, đồi chè Nam Sơn như một "viên ngọc xanh" lấp lánh giữa khung cảnh thiên nhiên thanh bình của miền quê nông thôn mới Kỳ Trung (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh).
Thanh bình xóm đạo miền núi Vũ Quang

Thanh bình xóm đạo miền núi Vũ Quang

Đoàn kết, chung sức đồng lòng cùng các cấp, người dân thôn giáo toàn tòng (thôn 7, xã Quang Thọ, Vũ Quang, Hà Tĩnh) đã cùng nhau xây dựng một miền quê thanh bình, đáng sống.
Những người đam mê khởi nghiệp du lịch ở Hà Tĩnh

Những người đam mê khởi nghiệp du lịch ở Hà Tĩnh

Đón nhận “luồng gió mới” từ những chủ trương chính sách của các cấp, ngành trong phát triển du lịch, gần đây, nhiều cá nhân ở Hà Tĩnh đã mạnh dạn xây dựng nhiều mô hình, sản phẩm hấp dẫn, góp phần thu hút du khách.
Chuyên gia sẵn sàng giúp Hà Tĩnh xây dựng khu bảo tồn chim hoang dã

Chuyên gia sẵn sàng giúp Hà Tĩnh xây dựng khu bảo tồn chim hoang dã

“Tôi có thể hiểu được tiếng các loài chim và đã hỗ trợ xây dựng được hơn 20 mô hình bảo tồn chim trời với hàng chục loài, tạo nên những mô hình du lịch sinh thái nổi tiếng thu hút du khách. Tôi mong muốn giúp Hà Tĩnh xây dựng mô hình này”, ông Lê Danh Cương chia sẻ.
Ấn tượng cụm dân cư sinh thái Khe Enh

Ấn tượng cụm dân cư sinh thái Khe Enh

Từ khi có cụm dân cư sinh thái, Nhân dân thôn Hợp Lý, xã Hương Minh (Vũ Quang, Hà Tĩnh) thêm đoàn kết và gắn bó với nhau hơn trong xây dựng nông thôn mới (NTM).
Nghìn năm sau nhớ Lê Khôi

Nghìn năm sau nhớ Lê Khôi

Như những con sóng biển điệp trùng, dẫu đã 578 năm trôi qua nhưng tấm lòng thành kính tri ân Chiêu Trưng Đại Vương Lê Khôi vẫn thao thiết trong lòng người Hà Tĩnh.