Là một trong những địa phương có đường bờ biển dài cùng nguồn hải sản phong phú, Hà Tĩnh từ lâu đã hình thành và phát triển nhiều làng nghề ven biển, đặc biệt là nghề chế biến nước mắm truyền thống. Những năm gần đây, nhờ các chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế nông thôn, đặc biệt là chương trình OCOP, các làng nghề nước mắm đã không ngừng lớn mạnh, vừa nâng cao giá trị kinh tế vừa góp phần làm mới các sản phẩm du lịch.

Mùa hè là cao điểm du lịch biển ở Hà Tĩnh, cũng là lúc làng nghề nước mắm truyền thống tại xã, phường: Thiên Cầm, Hải Ninh, Kỳ Khang… trở thành điểm đến yêu thích của du khách, đặc biệt là các đoàn khách đến từ Hà Nội và các tỉnh phía Bắc.
Các cơ sở sản xuất nước mắm như: Luận Nghiệp (phường Hải Ninh), Phú Sáng (xã Thiên Cầm), Thu Hùng (xã Thiên Cầm), Phú Khương (xã Kỳ Xuân)... luôn nườm nượp khách du lịch tìm đến. Du khách về Hà Tĩnh không chỉ để nghỉ dưỡng mà còn tìm đến tận các cơ sở sản xuất nước mắm để tìm hiểu quy trình sản xuất, trải nghiệm không gian làng nghề và mua về những chai nước mắm nguyên chất làm quà.

Bà Hồ Thị Thu - cơ sở nước mắm Thu Hùng (xã Thiên Cầm) chia sẻ: “Vào mùa du lịch, du khách đến tham quan rất nhiều. Họ muốn tận mắt xem quy trình sản xuất, ngửi mùi thơm của nước mắm trong chum sành rồi mới quyết định mua. Mỗi ngày, chúng tôi bán ra hàng trăm lít nước mắm và còn nhận đặt hàng từ các tỉnh khác để vận chuyển đến tận nơi.”
Cũng như bà Thu, ông Hoàng Văn Minh – chủ cơ sở nước mắm Khoàn Minh (phường Hải Ninh) cho biết, cơ sở đang tập trung tăng sản lượng để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao từ khách du lịch.
Nước mắm truyền thống Hà Tĩnh hấp dẫn không chỉ bởi hương vị đậm đà mà còn bởi quy trình chế biến thủ công tỉ mỉ, kế thừa từ hàng trăm năm trước. Nguyên liệu là cá cơm tươi đánh bắt từ biển, kết hợp cùng muối trắng, được ủ chượp trong chum sành, phơi nắng tự nhiên hàng tháng trời. Phương thức này giúp giữ trọn mùi vị, màu sắc tự nhiên của nước mắm, không sử dụng chất bảo quản, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ông Trần Xuân Hùng, một du khách đến từ Thủ đô Hà Nội cho biết: “Chúng tôi đến đây xem và thấy cơ sở Thu Hùng (xã Thiên Cầm) sản xuất rất chuyên nghiệp, hợp vệ sinh, nhất là nước mắm nên mua một ít về ăn. Nếu ngon, chúng tôi sẽ giới thiệu với anh em, bạn bè khi vào Thiên Cầm”.

Sự phát triển của du lịch biển tại Hà Tĩnh trong những năm qua cũng kéo theo sự "lên hương" của các làng nghề truyền thống. Tại Thiên Cầm, bên cạnh nghỉ dưỡng và tắm biển, du khách có thêm nhiều lựa chọn trải nghiệm khi các khách sạn, nhà hàng và các làng nghề phối hợp tạo tour tuyến tham quan, mua sắm. Đặc biệt, dịch vụ xe điện được triển khai đã giúp việc di chuyển giữa khu du lịch và các cơ sở làng nghề trở nên dễ dàng, an toàn và thân thiện với môi trường. Anh Nguyễn Huy Trường – tài xế xe điện cho biết: “Mùa du lịch, mỗi ngày, tôi chở hơn 10 chuyến khách đến các làng nghề. Tôi vừa có việc làm ổn định, vừa hỗ trợ quảng bá sản phẩm địa phương”.
Được biết, nhiều sản phẩm nước mắm tại Hà Tĩnh hiện đã đạt chuẩn OCOP 3 sao, 4 sao, tạo nền tảng để các chủ cơ sở mạnh dạn tiếp cận thị trường rộng lớn hơn. Bên cạnh đó, họ cũng dần học cách tiếp thị, bán hàng online, livestream quảng bá sản phẩm và tham gia hội chợ, hội thảo xúc tiến thương mại. Đây là hướng đi tất yếu để nâng cao vị thế làng nghề và khẳng định thương hiệu nước mắm Hà Tĩnh trên bản đồ ẩm thực Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Hương Giang – Phó Giám đốc Nhà nghỉ Công an tỉnh Hà Tĩnh nhận định: “Khách du lịch ngày càng quan tâm đến trải nghiệm văn hóa, đặc biệt là những sản phẩm thủ công truyền thống. Sự liên kết giữa làng nghề và du lịch không chỉ giúp chúng tôi có thêm lượng khách mà còn lan tỏa giá trị quê hương đến với bạn bè khắp nơi”.