Người Hà Tĩnh muôn phương

Mình về Hà Tĩnh nghe em...

Mình về Hà Tĩnh nghe em...

“Có thương thì nghe anh nhủ/Mình về Hà Tĩnh nghe em/ Về nghe câu ví giặm/ Mẹ ru anh à ơ”… Những câu hát thiết tha ấy tưởng chừng như là một lời mời ngọt ngào nhưng sự thực lại là nỗi nhớ, là mong muốn trở về quê hương của một chàng trai Hà Tĩnh sống ở trời Đức hơn 20 năm qua…

Mình về Hà Tĩnh nghe em...

Vào một ban trưa tĩnh lặng, sau khi bài báo “Về trong ân tình câu hát” của tôi vừa đăng tải trên baohatinh.vn thì tôi nhận được tin nhắn: “Chào chị, em là Phạm Khánh Nam – tác giả ca khúc “Mình về Hà Tĩnh” trong bài viết của chị”. Bất ngờ và vui quá. Từ buổi nghe ca khúc “Mình về Hà Tĩnh”, tôi đã rất tò mò về tác giả. Không biết đó người Hà Tĩnh hay là người phương xa cảm mến cái tình quê Hà Tĩnh mà viết nên những câu hát đằm sâu ấy. Không ngờ lại được chính tác giả tìm đến và thú vị hơn nữa lại là đồng hương của tôi. Khánh Nam sinh năm 1987 tại miền quê Sơn Mai - Hương Sơn.

Sau “màn chào hỏi” đó, thỉnh thoảng Nam lại chủ động nhắn tin cho tôi. Khi thì hỏi về mùa màng, về thời tiết, khi lại hỏi về miền quê núi Sơn Mai yêu dấu của mình. Tôi biết, Nam nhớ nhà. Và có lẽ trong thoáng nghĩ nào đó, Nam cũng coi tôi là một nơi chốn để cậu trút vơi nỗi nhớ quê nhà mà đôi lúc, nó như dòng sông mùa thác lũ, cứ cuộn lên không thôi trong lòng. Tôi thường gửi cho Nam những bức ảnh quê hương mà tôi chụp, có khi là một chuyến đò ngang trên sông, một ngọn núi trầm mặc, một góc chợ quê, một gốc cam bù trĩu quả… Nam nhận ảnh và gửi lại những icon đầy biểu cảm thể hiện tình yêu thương, nỗi nhớ quê hương da diết…

Mình về Hà Tĩnh nghe em...

Nam nói, năm lên 10, em rời quê hương xứ sở để sang Đức định cư cùng gia đình. Đó là một buổi chiều mùa đông, thị trấn Phố Châu nơi em ở tịch liêu trong một màu mây xám ngoét.

Mình về Hà Tĩnh nghe em...

Những ngôi nhà, hàng cây nằm im lìm. Bóng dáng những người hàng xóm đưa tiễn em nhỏ bé và lặng lẽ…Tất cả đều rất buồn bã. Lúc đó, em vẫn cảm nhận được nỗi buồn của riêng mình nhưng tự trong lòng em lại có chút vui bởi em sắp được đến một chân trời mới. Sau này, khi bắt đầu cuộc sống mới ở xứ người, khi nỗi buồn ly quê “khai sinh” trong lòng, em mới thấm thía về ngày chia xa đó. Em chẳng bao giờ cắt nghĩa quê hương là gì bởi nó muôn hình vạn trạng lắm, khi rất bao quát, khi lại rất chi tiết. Đó là một cái gì đó như tế bào, như huyết mạch của cơ thể con người, thường trực nhưng không dễ nắm bắt…Và, bởi thế, càng lớn lên, lòng lại càng thương nhớ quê nhiều hơn.

Mình về Hà Tĩnh nghe em...

Trang mạng xã hội cá nhân mà Khánh Nam dùng để nói chuyện với tôi không có ảnh đại diện. Tuy nhiên, với một phong cách giao tiếp rất lịch sự, ngay từ buổi nói chuyện đầu tiên, Khánh Nam đã gửi ảnh cho tôi. Đó là một gương mặt đầy nam tính với ánh mắt hun hút buồn. Tôi đồ rằng, nếu như không sớm ly quê, đôi mắt ấy không buồn đến thế. Tất nhiên, Nam còn có nhiều nữa những bức ảnh vui vẻ trong công việc, trong giao tiếp xã hội ở Đức nhưng bức ảnh chân dung đó vẫn là bức ảnh “mặc định” về Nam trong lòng tôi.

Mình về Hà Tĩnh nghe em...
Mình về Hà Tĩnh nghe em...

Với tâm hồn đa cảm, chàng sinh viên chuyên ngành mỹ thuật Phạm Khánh Nam vừa vẽ, vừa làm thơ từ rất sớm. Sau này, cuộc đời Nam rẽ sang hướng khác trong vai trò là Tổng Biên tập tạp chí Hương Việt khi vừa 21 tuổi. Trong vai trò đó, Khánh Nam được coi là nhịp cầu nối văn hoá Việt – Đức. Giờ đây, Phạm Khánh Nam là một trong những nhân vật khá nổi tiếng trong cộng đồng người Việt ở Đức. Tuy nhiên, điều khiến tôi ấn tượng nhất ở Nam chính là, dẫu đã đi xa hơn 2 thập kỷ, Nam vẫn giữ nguyên âm sắc giọng Nghệ Tĩnh. Đúng như Nam viết: “Quê hương anh, đi mô mà nỏ nhớ/ Hà Tĩnh ơi sâu nặng ân tình”…

Mình về Hà Tĩnh nghe em...

Bài thơ “Mình về Hà Tĩnh” được Phạm Khánh Nam viết trong một buổi chiều mùa đông, khi Nam vừa hoàn thành công việc ở nhiệm sở và ngước mắt ra ngoài khung cửa sổ. Ở đó, Nam bắt gặp một màu trời hệt như màu trời hôm gia đình Nam rời quê nhà. Nỗi nhớ quê dâng ngập trong lòng thôi thúc Nam cầm bút. Và rồi những con đường, những quả đồi, vách núi, lời ru của mẹ, vị ngọt mát của cam bù, màu nước sông Ngàn Phố… cứ tràn về trên trang giấy. Chưa bao giờ Nam làm thơ nhanh đến thế. Bài thơ như mạch suối nguồn, cứ tự nhiên tuôn chảy.

Mình về Hà Tĩnh nghe em...

Sau này, bài thơ của Nam đã may mắn gặp được tâm hồn đồng điệu của nhạc sỹ Phan Huy Hà. Tứ thơ ấy được khoác lên mình chiếc áo âm nhạc đậm âm hưởng dân ca Nghệ Tĩnh nên càng được nhiều người biết đến và yêu mến. Bài thơ viết cho riêng mình giờ đã thành bài hát cho mọi người. Đó là một cảm giác rất hạnh phúc với Nam.

Ngoài phần âm nhạc được phát triển từ chất liệu dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh, ca khúc “Mình về Hà Tĩnh” sau khi ra đời còn được công chúng đón nhận bởi ca từ rất sâu sắc, chạm tới miền tâm tư, ký ức sâu kín của bao người. Không đơn thuần là sự ca ngợi vẻ đẹp sông núi, quê hương, Phạm Khánh Nam và Phan Huy Hà còn cùng nhau dẫn dắt mọi người tới những ký ức quen thuộc như bụi chuối, buồng cau, câu hát mẹ ru, bát nước chè xanh, thửa đất nứt nẻ dưới nắng hè bỏng rát… trong âm sắc tròn đầy mà níu kéo của cung la thứ.

Mình về Hà Tĩnh nghe em...

Có lẽ, chính những ân tình mộc mạc đó đã khiến tác phẩm “Mình về Hà Tĩnh” dù ra đời sau hàng loạt các ca khúc nổi tiếng về miền quê “nắng lửa mưa chan” này vẫn tìm được cho mình một chỗ đứng rất riêng. Nhiều ca sỹ đã xin phép được thể hiện tác phẩm như một sự ký thác, đánh cược về con đường đưa giọng hát của mình đến với công chúng. Nhiều Việt kiều xa quê đã cất lời bài hát ấy trên những sân khấu lớn nhỏ ở nhiều vùng đất khác nhau rồi rưng rưng trong nỗi nhớ quê nhà…Và ngay cả những người Hà Tĩnh chưa một lần đi xa cũng cất lên giai điệu ấy, ca từ ấy như một lời mời tha thiết dành cho bao bạn bè phương xa…

Mình về Hà Tĩnh nghe em...
Mình về Hà Tĩnh nghe em...

Hơn 20 năm sống, làm việc ở Đức, Phạm Khánh Nam đã nhiều lần trở lại quê nhà nhưng sau mỗi lần trở về ấy, nỗi nhớ lại càng đầy thêm. Với Nam, quê hương và những điều mộc mạc nhất, bình dị nhất vẫn luôn níu bước quay về. Vì vậy, lúc nào trong Nam cũng thôi thúc một điều: “Về đi em, về thăm dòng sông Ngàn Phố / Mùa nước nổi vẫn êm đềm như khúc hát mẹ ru...".

Ảnh: huy tùng và nhân vật cung cấp

nguồn video: hTTV

thiết kế: huy tùng

Đọc thêm

Kết nối, lan tỏa nét đẹp người Hà Tĩnh ở muôn phương

Kết nối, lan tỏa nét đẹp người Hà Tĩnh ở muôn phương

Những cuộc gặp mặt, kết nối sinh viên, thanh niên, doanh nhân quê Hà Tĩnh ở 3 miền đất nước không chỉ nối vòng tay thấm đượm nghĩa tình quê hương mà còn lan tỏa giá trị văn hóa, con người mảnh đất núi Hồng, sông La.
Người Hà Tĩnh trên quê hương Bình Thuận

Người Hà Tĩnh trên quê hương Bình Thuận

Trải qua 30 năm thành lập (1994-2024) dù ở đâu, làm việc gì, ở cương vị nào, những người con của Hà Tĩnh tại Bình Thuận cũng luôn yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ nhau trong cuộc sống.
Nhà vô địch thế vận hội Lê Văn Công: “Tôi muốn tự làm đẹp cuộc đời mình”

Nhà vô địch thế vận hội Lê Văn Công: “Tôi muốn tự làm đẹp cuộc đời mình”

Khép lại một năm thi đấu thành công, đô cử Lê Văn Công giữ vững vị thế thống trị ở hạng cân 49 kg xuyên suốt 7 kỳ ASEAN Para Games liên tiếp từ năm 2007 đến nay. Trong niềm vui đón xuân mới, người đàn ông được mệnh danh là “lực sĩ thép” đặt ra những mục tiêu tiếp tục được khẳng định mình và cống hiến cho quê hương, đất nước.
Những “cánh chim bằng” ở hai ngôi trường bách khoa nổi tiếng

Những “cánh chim bằng” ở hai ngôi trường bách khoa nổi tiếng

Trong những ngày mùa đông phương Nam nắng mưa khoan nhặt, chúng tôi đã có dịp gặp hai “cánh chim bằng” người Hà Tĩnh, là thủ lĩnh những ngôi trường bách khoa ở 2 đầu đất nước. Đó là GS.TS Lê Anh Tuấn - Chủ tịch Hội đồng Đại học Bách khoa Hà Nội và PGS.TS Mai Thanh Phong - Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh.
Tết Việt trong lòng người Hà Tĩnh xa quê

Tết Việt trong lòng người Hà Tĩnh xa quê

Tết cổ truyền luôn là dịp lễ trọng đại và thiêng liêng để những người Việt sống, lao động, học tập trên khắp thế giới nói chung và những người con Hà Tĩnh xa quê nói riêng hướng lòng mình về quê cha đất tổ.
Đón tết sớm trên Nhà giàn DK1

Đón tết sớm trên Nhà giàn DK1

Với sự có mặt của đoàn công tác Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân, không khí xuân đã rộn ràng trên khắp nhà giàn DK1/10 với những chậu quất, cành mai rực rỡ sắc vàng...