
Ông Nguyễn Khắt là công dân của đất nước Triệu Voi nhưng mang dòng máu Việt, hiện đang sinh sống ở bản Thọong Pẹ, huyện Khăm Cợt, tỉnh Bolikhămxay (Lào). Tổ tiên của ông có nguồn gốc từ thôn Làng Chè, xã Sơn Kim 2 (Hương Sơn), nhưng ông nội đã sang Lào từ năm 1940. Dù mang quốc tịch Lào nhưng ông nói tiếng Việt khá tốt, mang dòng họ Nguyễn và có nhiều nét “thuần Việt” khác.
Ông Nguyễn Khắt nhớ lại: “Theo lời kể của cha, khi mới sang, được người dân tốt bụng ở bản Na Pê (huyện Khăm Cợt) cưu mang, ông nội đã ở lại khu vực biên giới này lấy vợ người Lào rồi sinh cơ lập nghiệp. Đến nay, đại gia đình tôi ở đây đã được 7 thế hệ, với khoảng 100 nóc nhà, tôi là thế hệ thứ 3”.

Mang trong mình dòng máu của con cháu Lạc Hồng nên khi mới 13 tuổi (tháng 2/1971), ông đã cùng một số thanh thiếu niên trong bản quyết định gia nhập bộ đội Pa-thét Lào (Quân đội nhân dân Lào) để đánh Mỹ và phỉ Vàng Pao. Từ 1971-1974, ông được biên chế vào bộ đội địa phương thuộc Đơn vị 17 của Ban CHQS huyện Viêng Thoong (tỉnh Bolikhămxay). Đến năm 1975, ông được điều động sang Tiểu đoàn 168 thuộc Bộ CHQS tỉnh Viêng Chăn và tham gia chiến đấu tại đơn vị này thêm 10 năm nữa.
Người cựu binh kể lại: “Trong 14 năm cầm súng, tôi và đồng đội đã cùng bộ đội Việt Nam chiến đấu rất anh dũng khắp các chiến trường và tham gia hàng chục trận đánh ác liệt với quân Mỹ, bọn phỉ. Tôi đã từng được trao tặng hàng chục huân chương, huy chương cao quý”.

Năm 1985, ông Nguyễn Khắt “giã từ vũ khí”, trở về đời thường, mưu sinh bằng đủ nghề như: làm ruộng, nuôi bò, làm máy xay xát, sửa chữa xe, bán tạp hóa... Dẫu có những thời điểm cuộc sống bộn bề khó khăn, thời hậu chiến tranh bom mìn còn sót lại đầy rẫy nguy hiểm, nhưng ông Nguyễn Khắt vẫn có 6 lần tình nguyện tham gia cùng các đội quy tập mộ liệt sỹ ở các chiến trường mà bộ đội Việt Nam từng chiến đấu. Với ông, đây không chỉ là tình đồng chí, nghĩa đồng đội, tình Việt - Lào cao cả mà còn là trách nhiệm của một người con đất Việt trước những mất mát, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng chung.

Sau ngày giải ngũ, ông Nguyễn Khắt tiếp tục tham gia công tác xã hội ở bản giáp biên Thọong Pẹ, từng có 5 năm làm trưởng bản, 9 năm làm công an bản, hiện ông đang làm trưởng ban công tác mặt trận… Dù ở cương vị nào ông cũng gương mẫu, xung kích trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, vun đắp tình đoàn kết Việt - Lào, chăm lo cho cộng đồng người Lào gốc Việt trong bản, nuôi dạy con cái nên người. Đặc biệt, ông cùng bà con dân bản đã kết nghĩa với xã Sơn Kim 1 (Hương Sơn), thường xuyên qua lại biên giới thăm thân để vừa thắt chặt tình đoàn kết Việt - Lào, vừa học hỏi kinh nghiệm sản xuất và tiếp nhận thêm những nét văn hóa mang đậm “hồn Việt”.
Ông Pà Hử Lỳ - già làng bản Thọong Pẹ nhận xét: “Ông Khắt là người có nhiều cống hiến trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng bản thời kỳ đổi mới. Ông ấy cũng là “cầu nối” của bà con gốc Việt tại bản Thọong Pẹ với cố hương (bản có hơn 400 hộ với gần 3.000 nhân khẩu, trong đó có khoảng 70% mang dòng máu Việt). Ngoài ra, ông Khắt cũng là người có uy tín cao trong cộng đồng, được bà con dân bản luôn kính trọng, tin yêu, noi gương”.

Trung tá, bác sĩ quân y Nguyễn Việt Đức - Trưởng ban Quân y BĐBP Hà Tĩnh (nguyên Trạm trưởng Trạm xá Quân dân y kết hợp Thọong Pẹ) cho biết: “Gần 14 năm công tác trên đất bạn, tôi thấy ông Nguyễn Khắt là người có trách nhiệm với cộng đồng, tư tưởng tiến bộ, uy tín cao, luôn dành tình cảm đặc biệt với BĐBP Hà Tĩnh và có nhiều đóng góp tích cực cho công cuộc bảo vệ biên giới. Ông ấy luôn là trung tâm của khối đại đoàn kết trong cộng đồng, thường xuyên cung cấp các thông tin quý báu để lực lượng chức năng của 2 nước làm tốt nhiệm vụ bảo vệ biên giới, bảo vệ cửa khẩu và thắt chặt tình quân - dân, vun đắp tình bang giao”.