Đoàn thể

Nữ giám đốc “đa năng”

Đam mê nghiên cứu khoa học, thành công trong lĩnh vực kinh doanh, tích cực hỗ trợ chị em phụ nữ khởi nghiệp và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, đời sống, chị Dương Thị Ngân (SN 1973) - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ Hà Tĩnh được biết đến là một người phụ nữ “đa năng”.

Nữ giám đốc “đa năng”
Nữ giám đốc “đa năng”

Tốt nghiệp Khoa Sinh học - Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường Đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội) năm 1994, chị Dương Thị Ngân về nhận công tác tại Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Hà Tĩnh. Một thời gian ngắn sau đó, chị được phân công về Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN (Sở KH&CN).

Nữ giám đốc “đa năng”

Chị Dương Thị Ngân trao đổi với cán bộ kỹ thuật của trung tâm về quy trình lên men để sản xuất các chế phẩm vi sinh.

Nữ giám đốc “đa năng”

Gần 30 năm gắn bó với trung tâm cũng là ngần ấy thời gian chị dành trọn sức trẻ, tài năng, tâm huyết của mình cho niềm đam mê nghiên cứu khoa học và ứng dụng các thành tựu khoa vào đời sống thực tiễn. Cùng với các đồng nghiệp, chị Ngân đã chủ trì 2 đề tài nghiên cứu KH&CN cấp quốc gia, 3 dự án cấp bộ, 4 dự án thuộc chương trình do các tổ chức phi chính phủ hỗ trợ, 3 đề tài khoa học cấp tỉnh cùng nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, công tác quản lý...

Nữ giám đốc “đa năng”

Chị Ngân chia sẻ: “Tôi quan niệm đã bỏ công sức, tâm huyết nghiên cứu khoa học và cho ra đời sáng kiến là phải ứng dụng được vào thực tiễn. Do đó, quá trình nghiên cứu của chúng tôi luôn bắt nguồn từ thực tế đời sống của người dân, địa phương, doanh nghiệp”. Cũng chính vì quan điểm đó mà chị Ngân và đồng nghiệp luôn thâm nhập thực tế, tìm hiểu những hạn chế trong quá trình sản xuất, đời sống của người dân để cho ra đời những sáng kiến có tính ứng dụng cao nhất.

Với đề tài “Đồng bộ hóa quản lý và kỹ thuật trong thu gom, phân loại xử lý rác thải và nước thải sinh hoạt”, các cán bộ của trung tâm đã góp phần vào thành quả chung của tỉnh nhà. Đề tài đã được Hội đồng KH&CN tỉnh nghiệm thu đánh giá đạt loại xuất sắc năm 2020; Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương đánh giá cao. Hiện nay, việc thu gom, phân loại xử lý nước thải, rác sinh hoạt đã trở thành một trong những tiêu chí cứng trong bộ tiêu chí xây dựng tỉnh NTM giai đoạn 2021-2025.

Nữ giám đốc “đa năng”

Năm 2014, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN Hà Tĩnh chuyển đổi mô hình hoạt động sang cơ chế tự chủ, tự trang trải 100% kinh phí chi thường xuyên. Điều này đồng nghĩa với việc các nhà khoa học không còn đơn thuần làm nhiệm vụ nghiên cứu nữa mà phải bước chân vào thương trường. Đây là một thách thức vô cùng lớn đối với cán bộ, nhân viên của trung tâm khi hàng chục năm trời họ đã quá quen thuộc với mô hình “bao cấp”.

Nữ giám đốc “đa năng”

Chị Ngân kiểm tra nuôi cấy mô các giống phong lan trong phòng thí nghiệm.

“Muốn thay đổi được cái cũ thì đầu tiên phải thay đổi về tư duy. Ban Giám đốc trung tâm đã khơi dậy sự năng động, sáng tạo trong đội ngũ cán bộ, nhân viên bằng việc cơ cấu lại tổ chức, thành lập bộ phận kinh doanh. Cùng với đó, tăng cường kết nối các chương trình, dự án, tìm hiểu thị trường KH&CN ở địa phương, nắm bắt nhu cầu ứng dụng của người dân trong đời sống, sản xuất” - chị Ngân chia sẻ.

Dù đã làm cuộc “cách mạng về tư duy” nhưng để bắt tay vào làm kinh tế quả thật không phải dễ. Các công trình nghiên cứu giờ đây phải là các sản phẩm cụ thể gắn với nhu cầu của thị trường, ứng dụng hiệu quả vào sản xuất, đời sống nhưng chi phí phải rẻ, dễ dàng sử dụng nên đòi hỏi tính nhanh nhạy, bắt kịp xu hướng.

Nữ giám đốc “đa năng”

Hà Tĩnh có nhiều xã ven biển với số lượng lớn hộ dân làm nghề sản xuất nước mắm truyền thống nhưng chủ yếu quy mô nhỏ, chu kỳ sản xuất kéo dài, tốn nhân công, ô nhiễm môi trường. Hơn nữa, điều kiện thời tiết ở Hà Tĩnh không thuận lợi khiến nguy cơ hư hỏng cao, sản phẩm thu được thấp, chất lượng không ổn định.

Nữ giám đốc “đa năng”

Nhận thấy đây là một lĩnh vực tiềm năng để “đầu tư”, chị Ngân và đội ngũ cán bộ kỹ thuật của trung tâm đã dày công nghiên cứu đề tài “Hệ thống bể ổn nhiệt bổ sung sử dụng năng lượng mặt trời và nguồn năng lượng điện kết hợp náo đảo tự động trong sản xuất” năm 2017. Công trình nghiên cứu thành công, khắc phục được những hạn chế của phương thức sản xuất nước mắm truyền thống, giúp bà con ngư dân rút ngắn thời gian chế biến từ 18 tháng xuống còn 8-9 tháng/vụ; giảm 90% nhân công; gia tăng sản lượng lên 100 lít/tấn cá; chất lượng nước mắm thơm ngon, màu sắc đẹp. Hiện sáng chế này được ứng dụng rộng rãi trên địa bàn Hà Tĩnh và đã chuyển giao công nghệ cho các tỉnh: Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Quảng Trị…

Nữ giám đốc “đa năng”

Chị Dương Thị Ngân giới thiệu các sản phẩm OCOP do trung tâm hỗ trợ công nghệ, tư vấn cho các mô hình kinh tế, trong đó phần lớn là các mô hình do phụ nữ làm chủ.

Nữ giám đốc “đa năng”

Chế phẩm vi sinh xử lý chất thải chăn nuôi do trung tâm nghiên cứu và sản xuất.

Ngoài ra, chị Ngân đã cùng tập thể trung tâm nghiên cứu sản xuất thành công trên 10 loại chế phẩm sinh học ứng dụng rộng rãi trong các lĩnh vực như: chế biến thủy, hải sản; trồng cây ăn quả; xử lý môi trường chăn nuôi, môi trường sống...

Việc chuyển giao công nghệ và bán các sản phẩm từ sáng kiến kỹ thuật mang lại doanh thu khoảng 15 tỷ đồng mỗi năm cho trung tâm. “Đây là kết quả từ sự nỗ lực không mệt mỏi của tập thể cán bộ, nhân viên khi vừa nghiên cứu khoa học, vừa làm kinh tế. Chúng tôi đã thành công với mục tiêu chuyển đổi cơ chế hoạt động sang hướng tự chủ hoàn toàn” - nữ giám đốc chia sẻ.

Nữ giám đốc “đa năng”

Với mong muốn đưa phụ nữ đến gần hơn với những tiến bộ của khoa học, cải thiện vị thế của chị em trong gia đình và xã hội, chị Ngân đã khởi xướng quá trình hợp tác giữa trung tâm với Hội LHPN tỉnh trong hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế. Thực hiện mục tiêu đó, trung tâm đã mở các lớp tập huấn chuyển giao công nghệ trong sản xuất, chế biến, kết nối thị trường; phát hiện, bồi dưỡng ý tưởng và hỗ trợ chị em biến ý tưởng thành hiện thực; vận động chị em tích cực ứng dụng công nghệ vào SXKD. Thời gian đầu, nhiều chị em còn e ngại nhưng bằng sự kiên trì, nhiệt tình và thấu hiểu, họ đã thuyết phục được chị em tích cực tham gia.

Nữ giám đốc “đa năng”

Năm 2019, ý tưởng SXKD chế phẩm sinh học hạn chế phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp được trung tâm phối hợp Hội LHPN tỉnh triển khai thành công. Ý tưởng này đã xuất sắc vượt qua 800 ý tưởng trên toàn quốc, lọt vào top 16 ý tưởng đạt giải thưởng “Sáng tạo trong lĩnh vực biến đổi khí hậu” do Trung tâm Đổi mới sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu Việt Nam (VCIC) tổ chức.

Đến nay, đã có khoảng 30 mô hình kinh tế do phụ nữ làm chủ trên toàn tỉnh được trung tâm tư vấn, hỗ trợ công nghệ; nhiều mô hình đã mở rộng thị trường, tạo thêm nhiều sản phẩm mang thương hiệu của phụ nữ.

Nữ giám đốc “đa năng”

Mô hình sử dụng năng lượng mặt trời và nguồn năng lượng điện, kết hợp náo đảo tự động trong sản xuất nước mắm. Ảnh tư liệu

Bà Lê Thị Khương - Giám đốc HTX Phú Khương (xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh) - một trong những doanh nghiệp thành công với việc ứng dụng KH&CN vào sản xuất chia sẻ: “Bằng hiệu quả trong quá trình thử nghiệm, chị Ngân đã thuyết phục được tôi lựa chọn ứng dụng KH&CN rộng rãi vào quá trình sản xuất nước mắm. Quyết định đó không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn nâng cao được thương hiệu, vị thế của chúng tôi trên thị trường”.

Nữ giám đốc “đa năng”

Trung tâm trang bị thiết bị xử lý nước nhiễm phèn và Asen cung cấp nước sạch sinh hoạt cho chị em phụ nữ xã Thạch Ngọc, huyện Thạch Hà. Ảnh tư liệu

Trung tâm cũng thành lập bộ phận tư vấn OCOP cho các mô hình kinh tế, trong đó phần lớn do phụ nữ làm chủ. Cụ thể là hỗ trợ các đơn vị thiết kế logo, tem nhãn, cải tiến công nghệ, quảng bá sản phẩm...

Nữ giám đốc “đa năng”

Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nguyễn Thị Việt Hà cho biết: “Khởi nghiệp phát triển kinh tế song hành với bảo vệ môi trường và ứng dụng KH&CN là xu hướng tất yếu. Chị Dương Thị Ngân không chỉ có nhiều thành tích cao trong chuyên môn mà còn tích cực làm “cầu nối” đưa KH&CN đến với chị em, góp phần nâng cao vị thế, vai trò của phụ nữ Hà Tĩnh trong gia đình và xã hội”.

Với những thành tích và đóng góp quan trọng, chị Dương Thị Ngân đã được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen, đạt giải thưởng sáng tạo của Ngân hàng Thế giới, bằng khen chương trình “75 nghìn sáng kiến của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam” cùng nhiều phần thưởng của các cấp, ngành. Chị cũng vinh dự là một trong những đại biểu của Hà Tĩnh tham dự Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII (nhiệm kỳ 2022-2027) sẽ được tổ chức từ ngày 9-11/3/2022 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Hà Nội.

thiết kế: huy tùng

Đọc thêm

Sáp nhập liên đoàn lao động cấp huyện

Sáp nhập liên đoàn lao động cấp huyện

Việc sáp nhập Liên đoàn Lao động huyện Lộc Hà (cũ) và Liên đoàn Lao động huyện Thạch Hà nhằm đảm bảo chất lượng, hiệu quả hoạt động, góp phần xây dựng Công đoàn Hà Tĩnh vững mạnh.