Emagazine

PC-CHuẩn.jpg

Những bức vẽ không đơn thuần là những bức chân dung được ký họa mà còn là những bức tượng đài sừng sững, bởi nỗi đau, sự hy sinh của các mẹ đã tạc vào dáng hình Tổ quốc bằng những nét vẽ không thể nào phai của họa sĩ Đặng Ái Việt (76 tuổi, ở TP Hồ Chí Minh).

unit-do-2468.png

Xúc động ngày trở lại Hà Tĩnh

Chẳng khác gì một cuộc “rượt đuổi”, sau những lần bắt gặp “hụt”, chúng tôi mới may mắn gặp được họa sỹ Đặng Ái Việt (tên thật là Đặng Thị Bông, SN 1948, trú ở TP Hồ Chí Minh) tại huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) khi bà đang thực hiện những phần việc trong "Hành trình nét thời gian" - vẽ chân dung các Mẹ Việt Nam anh hùng trên mọi miền đất nước.

Gọi là cuộc “rượt đuổi” bởi chẳng ai nghĩ, với chiếc xe máy Honda cũ kỹ được chất đầy hành lý, tư trang, người phụ nữ nhỏ bé ấy lại có thể di chuyển liên tục từ địa phương này sang địa phương khác trên địa bàn Hà Tĩnh nhanh đến thế.

Anh-2.jpg
Đây là lần thứ 2, họa sỹ Đặng Ái Việt đến với mảnh đất Hà Tĩnh.
Anh-3-b.jpg
ANh-3-a.jpg

Người họa sỹ già với làn da rám nắng, ánh mắt tinh anh, giọng nói tràn đầy năng lượng, phong thái thân thiện, cởi mở, giản dị trong bộ quần áo vải mềm, khoác thêm một chiếc jacket không tay màu xanh bộ đội; tóc búi cao, vấn khăn rằn quanh đầu, đậm chất người miền Tây Nam Bộ...

Nhìn chiếc xe máy nhỏ nhắn, với đầy đủ hành lý, đồ nghề, tôi càng không dám tin, nó đã đồng hành với nữ họa sỹ đã ở vào độ tuổi "xưa nay hiếm" trên hành trình xuyên Việt, chạy đua với thời gian để lưu lại hình ảnh các Mẹ Việt Nam anh hùng ở khắp dải đất hình chữ S trong cả chục năm nay.

Đây là lần thứ 2, họa sỹ Đặng Ái Việt đến với mảnh đất Hà Tĩnh. Lần đầu tiên vào năm 2010, bà đã vẽ chân dung mẹ Trần Thị Đàm (SN 1916), mẹ Lê Thị Thận (SN 1926) cùng ở huyện Can Lộc; mẹ Dương Thị Em (SN 1916, ở huyện Kỳ Anh). Nhưng nay, các mẹ đã thành người thiên cổ. Lần trở về này, bà tiếp tục với tâm nguyện đi hết các vùng quê của Hà Tĩnh, tìm gặp những mẹ còn sống để khắc họa lại chân dung. Hà Tĩnh là tỉnh thứ 49 trong hành trình xuyên Việt từ Nam ra Bắc lần thứ 2 này của bà.

Anh-4.jpg
Họa sỹ Đặng Ái Việt vẽ chân dung mẹ Trần Thị Diệu (SN 1922, trú thôn Đông Châu, xã Thạch Ngọc, huyện Thạch Hà).
Mẹ Trần Thị Diệu là bức chân dung Mẹ Việt Nam anh hùng thứ 3.146 mà họa sỹ Đặng Ái Việt đã vẽ bằng tâm huyết trong suốt gần 14 năm qua kể từ năm 2010.

Mẹ Trần Thị Diệu là bức chân dung Mẹ Việt Nam anh hùng thứ 3.146 mà họa sỹ Đặng Ái Việt đã vẽ bằng tâm huyết trong suốt gần 14 năm qua kể từ năm 2010.

Tỉ mẩn đưa từng nét cọ để hoàn thành bức chân dung mẹ Trần Thị Diệu (SN 1922, ở thôn Đông Châu, xã Thạch Ngọc, huyện Thạch Hà), họa sỹ Đặng Ái Việt rơm rớm nước mắt xúc động: “Hai người con trai của mẹ ra đi và không bao giờ trở về. Các anh đi mà chưa kịp để lại gì cho mẹ. Nhưng điều đau xót hơn, là các anh hy sinh cách nhau chỉ chưa đầy 2 tháng - vào cuối năm 1974 - thời điểm giải phóng đất nước đã đến rất gần. Nỗi đau mẹ đã phải mang theo suốt cả cuộc đời và vượt qua được nỗi đau đó là một sự phi thường. Giờ đây, với việc làm nhỏ bé của mình, tôi muốn thay mặt các anh - những người đồng đội của tôi - được sẻ chia, xoa dịu mất mát lớn lao đó của mẹ”.

Video: Hoạ sỹ Đặng Ái Việt tâm sự với mẹ Trần Thị Diệu.

Mẹ Trần Thị Diệu là bức chân dung Mẹ Việt Nam anh hùng thứ 3.146 mà họa sỹ Đặng Ái Việt đã vẽ bằng tâm huyết trong suốt gần 14 năm qua kể từ năm 2010. Trong niềm kính yêu vô bờ, họa sỹ xúc động ôm lấy mẹ Diệu, xin được đặt lên trán mẹ một nụ hôn của lòng tri ân và niềm ngưỡng vọng.

Ngắm nhìn bức chân dung với từng đường nét chân thực, sống động của mẹ, ông Phan Danh Dũng - con trai mẹ Trần Thị Diệu - chia sẻ: “Biết đến danh tiếng của họa sỹ Đặng Ái Việt từ lâu nhưng khi nghe tin bà sẽ đến tận nhà vẽ chân dung mẹ mình, chúng tôi vô cùng bất ngờ, cảm kích và xúc động. Đây thật sự là niềm động viên tinh thần lớn lao đối với mẹ, gia đình, dòng họ và anh linh các anh trai tôi - những người đã nằm lại nơi chiến trường”.

Trở lại Hà Tĩnh lần này, nữ họa sỹ cũng vô cùng xúc động bởi cơ duyên được gặp gỡ cố nhân. Khi đến TP Hà Tĩnh để tiếp tục vẽ tranh, bà không ngờ được gặp lại mẹ Trần Thị Huyến (SN 1938, ở xã Đồng Môn). Mẹ Huyến và họa sỹ Ái Việt từng quen biết nhau tại cuộc gặp mặt 300 mẹ Việt Nam anh hùng toàn quốc tổ chức tại thủ đô Hà Nội vào tháng 7/2020. Sau nhiều năm gặp lại, mẹ Huyến và họa sỹ vẫn nhận ra nhau. Hai người phụ nữ không kìm nén được cảm xúc, vỡ òa nước mắt trong vòng tay siết chặt. Bức chân dung của mẹ Huyến đã được nữ họa sỹ hoàn thành trong niềm vui ngày tái ngộ.

Anh-6.jpg
Trở lại Hà Tĩnh lần này, nữ họa sỹ cũng vô cùng xúc động bởi cơ duyên được gặp lại mẹ Trần Thị Huyến (SN 1938, ở xã Đồng Môn).

Họa sỹ Ái Việt chia sẻ: “Đến Hà Tĩnh vào những ngày nắng cháy da, bỏng rát thịt nhưng những câu chuyện cuộc đời của các mẹ, những cơ duyên gặp gỡ khiến tôi có thêm tinh thần, sức khỏe để tiếp tục cuộc hành trình này và hoàn thành tâm nguyện cuộc đời mình”.

Những “món nợ” không tên

Anh-10.jpg
Họa sĩ Đặng Ái Việt (Đặng Thị Bông) sinh năm 1948, ở xã Tân Bình, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.

Họa sĩ Đặng Ái Việt (Đặng Thị Bông) sinh năm 1948, ở xã Tân Bình, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Mang trong mình tình yêu nghệ thuật, sự hồn hậu, mộc mạc của mảnh đất và con người quê hương nhưng họa sỹ Đặng Ái Việt lại có một cuộc đời hết sức sôi nổi. Năm 1963 - khi mới 15 tuổi, bà đã trở thành diễn viên Đoàn Văn công tỉnh Mỹ Tho (một phần của tỉnh Tiền Giang ngày nay), phục vụ chiến đấu tại chiến trường miền Nam. Ở tuổi 18, bà được phong danh hiệu "Dũng sỹ diệt Mỹ" và "Dũng sỹ diệt cơ giới". Bà được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng tháng 3/1969, tại chiến trường Tây Ninh.

Năm 1964, bà tham gia lớp học hội họa được tổ chức tại căn cứ Trung ương Cục Miền Nam. Từ đó, những bức ký họa chiến tranh ra đời và được ký dưới nghệ danh Đặng Ái Việt. Bà đã vẽ ngay trên chiến hào, giữa khói lửa đạn bom; vẽ trong những đêm hành quân với một tâm hồn rạo rực và đầy nhiệt huyết. Đó là những bức ký họa đẫm máu và nước mắt. Sau giải phóng, bà tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh (năm 1981) và dành trọn vẹn 20 năm giảng dạy tại ngôi trường này.

Có lẽ, đi qua những năm tháng khói lửa, chứng kiến sự hy sinh của đồng đội trên các chiến trường đã khiến họa sỹ Đặng Ái Việt luôn ám ảnh và đồng cảm với nỗi đau của những người mẹ có con đã hy sinh trong chiến tranh. Thế nên, khi nghỉ hưu, bà đã ấp ủ tâm nguyện thực hiện công trình lớn của cuộc đời mình với tên gọi “Nét vẽ tri ân”. Đó là hành trình rong ruổi đến các tỉnh, thành trên cả nước bằng xe máy để vẽ lại chân dung của các Mẹ Việt Nam anh hùng còn sống.

Anh-94.jpg
Anh-93.jpg
Anh-92.jpg
Anh-91.jpg

Các bức tranh vẽ chân dung Bà mẹ Việt Nam anh hùng do hoạ sỹ Ái Việt vẽ.

Không ít người đã ngăn cản, “lời ra tiếng vào” khi biết đến ý định của bà và cũng ít ai tin, ở cái tuổi xế chiều, nữ họa sỹ này còn có thể làm được điều “không tưởng” đó. Thế nhưng, trái tim luôn mách bảo và thôi thúc bà phải lên đường, như những vần thơ bà viết: “Ta vẫn là kẻ lãng du, nợ đời chưa dứt. Nợ không tên là nợ cuộc đời…”. Và ngày 19/2/2010, bà chính thức bắt đầu cuộc viễn du khắp mọi miền đất nước cùng với người bạn đồng hành là chiếc xe máy Chaly cũ để gồng gánh “món nợ không tên”.

Full-1.jpg

Từ tháng 2/2010 - 6/2012, bà đã rong ruổi qua 63 tỉnh, thành trên cả nước và vẽ chân dung 863 Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Bà đi nhiều đến nỗi, chiếc xe Chaly qua bao phen hỏng hóc rồi tàn tạ và cuối cùng nó cũng “thua cuộc” trước sức đi dẻo dai của chủ nhân. Chiếc xe đó đã nằm trong Bảo tàng Hội Phụ nữ Việt Nam với con số ghi trên đồng hồ đo là 39.000km cùng với những bức chân dung mà họa sỹ đã vẽ.

Anh-1.jpg
Họa sĩ Đặng Ái Việt khởi hành ngày 19-2-2010 bằng chiếc xe máy nhỏ (Charly). (Ảnh: vietnam.vnanet.vn)

Đến năm 2013, khi Chính phủ ban hành Nghị định 56/2013/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà Mẹ Việt Nam anh hùng”, họa sỹ Ái Việt đã quyết định tiếp tục chuyến đi lần thứ hai với tên gọi “Hành trình nét thời gian” bằng chiếc xe Honda 81 để đến với những người mẹ anh hùng mà bà chưa kịp vẽ và những người mẹ mới được trao tặng danh hiệu. Chiếc xe này phục vụ bà trên hành trình xuyên Việt và cũng phải dừng lại với con số 59.000 km.

Đến đầu năm 2023, chiếc xe máy hiệu Honda Halim màu đỏ được bà chọn làm người đồng hành thứ 3. Chỉ mới hơn một năm rưỡi nhưng xe và người cũng đã kịp ghi dấu trên 16.000 km chiều dài đất nước.

An-dung.jpg
Lãnh đạo huyện Đức Thọ cùng hoạ sỹ chụp ảnh lưu niệm với Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Ngụ (SN 1917 ở xã Tân Dân).

Hơn 10 năm qua, trên những chiếc xe máy nhỏ, bà vẫn rong ruổi để hoàn thành công trình lớn của cuộc đời mình. Với tài năng và tâm huyết hiếm có, đến nay, bà đã vẽ được gần 3.200 bức chân dung Mẹ Việt Nam anh hùng trên cả nước.

Những con số trên hành trình vạn dặm của một người phụ nữ đã bước sang tuổi 76 có lẽ khiến bất cứ ai cũng phải nghiêng mình thán phục. Điều gì đã làm nên sức mạnh phi thường đó, có lẽ như bà nói, chính là “mệnh lệnh từ trái tim”. Với bà, được gặp một bà mẹ anh hùng nào còn sống để vẽ là một ơn huệ mà ông trời ban cho.

Họa sỹ Ái Việt trò chuyện cùng mẹ Võ Thị Ngoéc (108 tuổi) ở xã An Dũng, huyện Đức Thọ.

Họa sỹ Ái Việt trò chuyện cùng mẹ Võ Thị Ngoéc (108 tuổi) ở xã An Dũng, huyện Đức Thọ.

Anh-7a.jpg
 Anh-7b.jpg
 Anh-7c.jpg
7d.jpg
Chân dung Mẹ Việt Nam anh hùng Võ Thị Ngoéc (SN 1916, ở xã An Dũng, huyện Đức Thọ) - người nhiều tuổi nhất (108 tuổi) mà hoạ sỹ Đặng Ái Việt vẽ trong đợt này.

“Trong chuyến trở lại Hà Tĩnh lần này, tôi đã liên hệ với chính quyền và cơ quan chức năng địa phương từ ngày 20/6/2024 - khi đang vẽ các mẹ ở tỉnh Lâm Đồng. Khi đó, cán bộ Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh cung cấp cho tôi danh sách và địa chỉ của 21 mẹ còn sống trên địa bàn. Vậy mà, chỉ hơn một tuần sau, khi tôi chạm đất Hà Tĩnh - ngày 28/6 - thì danh sách chỉ còn lại 20 mẹ. Có một người mẹ đã không thể đợi tôi mà vội vàng về thế giới bên kia. Chính vì những mối duyên bị bỏ lỡ như vậy nên tôi luôn xem mỗi hành trình vẽ chân dung là một chiến dịch, là một cuộc chạy đua nghiệt ngã với thời gian” - nữ họa sỹ nghẹn ngào, đôi mắt bà xa xăm, mờ đục tựa hồ như day dứt, như luyến tiếc, như tự trách mình vì đã bỏ lỡ một điều gì đó lớn lao, thiêng liêng.

Người họa sỹ già vuốt lại phẳng phiu, nâng niu những bức vẽ đã hoàn thành, có xác nhận của chính quyền các địa phương nơi bà đến rồi cất cẩn thận vào chiếc hộp đựng tranh. Đó không đơn thuần là những bức chân dung được ký họa mà còn là những bức tượng đài sừng sững, bởi nỗi đau, sự hy sinh của các mẹ đã tạc vào dáng hình đất nước, dáng hình Tổ quốc bằng những nét vẽ không thể nào phai.

Video: Ông Nguyễn Thanh Suyền (con trai Mẹ Việt Nam anh hùng Võ Thị Ngoéc) cảm ơn tấm lòng của hoạ sỹ Đặng Ái Việt.
Chia tay Hà Tĩnh, chiếc xe máy lao vút đi trong cái nắng như đổ lửa của trưa hè tháng 7 tiếp tục với “Hành trình nét thời gian”, đến với các tỉnh, thành phía Bắc.

Chia tay Hà Tĩnh, chiếc xe máy lao vút đi trong cái nắng như đổ lửa của trưa hè tháng 7 tiếp tục với “Hành trình nét thời gian”, đến với các tỉnh, thành phía Bắc.

Đường ta đi không tính bằng kilomet.

Mưa chào, nắng đón, gió đường xa.

Vận tốc vận hành là nhịp đập trái tim ta.

Tổ quốc Việt Nam nơi đâu cũng là nhà.

Là quê hương của mẹ!

Thanh 2
HỌA SĨ ĐẶNG ÁI VIỆT

Chiếc xe máy lao vút đi trong cái nắng như đổ lửa của trưa hè tháng 7. Người phụ nữ kiên cường ấy lại tiếp tục với “Hành trình nét thời gian”, đến với các tỉnh, thành phía Bắc để kịp mang tranh dự triển lãm nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ sẽ được tổ chức tại thủ đô Hà Nội vào ngày 25/7/2024. Nhìn bóng chiếc xe màu đỏ và người họa sỹ khuất dần trên cung đường vắng, tôi như còn nghe văng vẳng đâu đây những vần thơ đầy nhiệt huyết của bà: Đường ta đi không tính bằng kilomet. Mưa chào, nắng đón, gió đường xa. Vận tốc vận hành là nhịp đập trái tim ta. Tổ quốc Việt Nam nơi đâu cũng là nhà. Là quê hương của mẹ!

Bài, ảnh, video: Kiều Minh - Nam Giang

THIẾT KẾ: THANH HÀ

Đọc thêm