Những rào chắn bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Hà Tĩnh

Những rào chắn bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Hà Tĩnh

Khi hàng hóa và cách thức cung cấp ngày càng đa dạng thì người tiêu dùng (NTD) cũng phải đối mặt với nhiều nguy cơ bị xâm phạm quyền lợi. Thời gian qua, cùng với sự đồng hành của các cơ quan chức năng, NTD Hà Tĩnh cũng đã chủ động lên tiếng bảo vệ mình.

Những rào chắn bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Hà Tĩnh

Những tác động khách quan trong thời gian gần đây khiến thị trường hàng hóa liên tục bị xáo trộn. Khi “dư chấn” về dịch tả lợn châu Phi chưa kịp lắng thì dịch Covid-19 lan rộng, tác động đến thị trường. Chúng tôi đã từng chứng kiến cảnh chen lấn, chờ đợi để mua được một hộp khẩu trang y tế hay một chai nước rửa tay - vốn dĩ là những mặt hàng rất thông dụng. Thậm chí, NTD phải chấp nhận trả mức giá gấp cả chục lần so với giá trị thực.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Tĩnh Nguyễn Đình Khoa cho biết: “Trong giai đoạn hiện nay, Cục QLTT Hà Tĩnh tăng cường lực lượng cao nhất để đảm bảo bình ổn thị trường nội tỉnh, đặc biệt là xử lý và ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm về giá, chất lượng sản phẩm, dấu hiệu găm hàng, đầu cơ hàng hóa trong mùa dịch Covid-19. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tích cực phối hợp với các đoàn liên ngành, thường xuyên thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch chung và một số kế hoạch đột xuất nhằm đảm bảo ổn định thị trường”.

Những rào chắn bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Hà Tĩnh

Bên cạnh công khai số điện thoại đường dây nóng, Cục QLTT Hà Tĩnh cũng sử dụng tối đa các kênh tiếp nhận thông tin, phân công cán bộ trực 24/24h cả ngày lễ và ngày thường. Chỉ trong 10 ngày cao điểm của đợt ra quân (31/1 - 12/2), Cục QLTT đã kiểm tra 263 lượt cửa hàng kinh doanh thuốc và thiết bị y tế trên địa bàn toàn tỉnh. Qua kiểm tra, đã phát hiện và xử lý 12 vụ vi phạm, xử phạt hành chính 45,25 triệu đồng.

Trên mặt trận chống hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại còn có tổng lực các lực lượng công an nhân dân, hải quan, thuế... cùng hợp sức, trở thành “lá chắn” thép bảo vệ NTD. Con số 245 vụ vi phạm bị xử lý với tổng mức phạt hơn 610 triệu đồng trong quý I/2020 tuy không phải là con số vượt trội so với cùng kỳ năm 2019 nhưng lại đáng chú ý bởi trong số đó chủ yếu là những vụ việc trên địa bàn. Trong đó, các cơ quan chức năng đã tập trung mũi nhọn vào những vấn đề nóng, liên quan trực tiếp đến quyền lợi của NTD.

Những rào chắn bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Hà Tĩnh

Vụ việc Cục QLTT Hà Tĩnh xử phạt nhà thuốc số 11 (số 28 Nguyễn Công Trứ - TP Hà Tĩnh) của dược sỹ Ngô Thị Bảo Ngọc với hành vi bán thuốc cao hơn giá niêm yết hồi giữa tháng 2 vừa qua đã minh chứng cho hiệu quả từ sự lên tiếng của NTD. Sau khi thông tin xử phạt nhà thuốc này được đăng tải rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhiều khách hàng đã cùng đồng loạt bày tỏ sự phản đối. Và nhà thuốc này đã phải chịu một tổn thất lớn hơn nhiều số tiền phạt, đó chính là mất niềm tin của NTD.

Cũng trong đợt cao điểm “cháy” mặt hàng y tế, trước tình trạng một số quầy thuốc găm hàng, tăng giá, cùng với việc chủ động gọi vào đường dây nóng của Cục QLTT, nhiều NTD đã đồng loạt kêu gọi cộng đồng gọi tên, lên án và tẩy chay những cửa hàng vi phạm.

Những rào chắn bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Hà Tĩnh

Trước đó, trong cao điểm giá thịt lợn do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, trên mạng xã hội, NTD cũng đã cùng tạo nên “làn sóng” đấu tranh chống “đội giá” trong khắp cả nước. Điều này không chỉ tác động đến việc thực thi nhiệm vụ của các ngành chức năng mà còn góp phần thay đổi các chủ trương, chính sách về bình ổn giá của Chính phủ. Dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT đã ban hành 5 văn bản gửi các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp đề nghị phối hợp bình ổn giá thịt lợn dịp cuối năm.

Rõ ràng, sự phản ánh của NTD với các cơ quan chức năng đã tạo nên những chuyển biến tích cực trong thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ quyền của họ. Từ nguồn thông tin của người dân, các ngành chức năng đã bắt giữ, ngăn chặn hàng loạt vụ sản xuất, buôn bán thực phẩm độc hại.

Bà Nguyễn Thị Loan (phường Nguyễn Du - TP Hà Tĩnh) cho biết: “Khi NTD đồng loạt lên tiếng thì các hành vi xâm phạm quyền lợi của khách hàng cũng sẽ được tiếp nhận nhanh chóng hơn. Chính vì thế, thay vì ngại ngùng, từ nay, tôi sẽ tích cực tìm hiểu và sử dụng nhiều hơn quyền của mình”.

Những rào chắn bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Hà Tĩnh

Về mặt luật pháp, NTD được yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết. Tuy nhiên, do lực lượng của các cơ quan chức năng mỏng và vướng mắc trong công tác giám định nên đến nay, việc bảo vệ quyền lợi của NTD chưa được triệt để.

Theo Phó Cục trưởng Cục QLTT Nguyễn Đình Khoa: “Hiện nay, khó khăn nhất chính là công tác giám định. Nếu muốn xử lý hàng hóa vi phạm phải tổ chức lấy mẫu giám định, trong khi đó, việc giám định rất phức tạp. Một sản phẩm có thể cần tới 20 chỉ tiêu giám định, hơn nữa, thời gian chờ kết quả giám định kéo dài (trung bình 10 ngày/1 mẫu) cũng gây tâm lý mỏi mệt, chán nản cho NTD khiến họ không muốn sử dụng quyền của mình”.

Những rào chắn bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Hà Tĩnh

Một vấn đề gây khó khăn nữa là khi khiếu nại, khiếu kiện, NTD thường không có tang vật chứng minh nên lực lượng chức năng không thể xử lý. Thực tế đó cũng chỉ ra nhiệm vụ tập trung tuyên truyền về kỹ năng khiếu kiện, khiếu nại đối với NTD. Có như thế thì quyền của NTD mới được sử dụng triệt để. Trong khi đó, Hội Bảo vệ quyền lợi NTD Hà Tĩnh lại thiếu sự chủ động trong việc nắm bắt thông tin trên thị trường. Hầu như các hoạt động của hội đều chờ đợi sự phản ánh của NTD và việc giải quyết các vụ việc cũng thiếu tính triệt để.

Ông Trần Hữu Hạnh - Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi NTD Hà Tĩnh cho biết: “Để khắc phục những “lỗ hổng” trong việc đồng hành cùng NTD, tới đây, chúng tôi sẽ chủ động khảo sát thị trường, nắm bắt thông tin xã hội, thành lập đường dây nóng để nhận thông tin kịp thời hơn. Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí để tuyên truyền mạnh mẽ hơn nữa về quyền lợi và trách nhiệm của NTD cũng như trách nhiệm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh đối với khách hàng”.

Như vậy, để bảo vệ quyền lợi của NTD triệt để hơn, cần hơn nữa sự “cộng hưởng” giữa nỗ lực của các cơ quan chức năng với hành động của mỗi NTD. Bên cạnh đó, tiếp tục lấp đầy các “lỗ hổng” trong cơ chế, chính sách; huy động nhiều lực lượng cùng tham gia giám sát, bảo vệ quyền NTD; tăng chế tài xử phạt đối với tổ chức, cá nhân vi phạm…

video: hoài oanh - thiên vỹ

thiết kế: huy tùng

Chủ đề Thị trường, Thương mại - Dịch vụ

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast