Đại tá Trần Hồng (SN 1949) là nhà báo, nghệ sỹ nhiếp ảnh gắn với đề tài chiến tranh. Anh là một người con của miền đất Phương Điền (nay là xã Điền Mỹ - Hương Khê). Thanh xuân của chúng tôi đến trong hoàn cảnh chiến tranh ngày càng ác liệt. Tốt nghiệp THPT, chúng tôi nhập ngũ, lên đường cứu nước. Là học sinh xuất sắc, vào chiến trường được một năm, tôi và Trần Hồng được quân đội cử ra Bắc học đại học ngành báo chí - xuất bản. Ngay sau khi tốt nghiệp, chúng tôi đã trở thành những phóng viên chiến trường. May mắn được cùng làm việc ở Báo Quân đội nhân dân, chúng tôi “ba cùng” với những người lính thế hệ đàn anh say nghề báo. Vậy là tay máy, tay bút, tay súng - ba lô trên vai, chúng tôi hòa mình vào các đơn vị chủ lực hành quân ra trận.
Tác giả Phạm Quốc Toàn và NSNA Trần Hồng trong năm học thứ nhất tại Trường Báo chí - Xuất bản (Nay là Học viện Báo chí - Tuyên truyền) Khóa 1 / 1969-1973. Ảnh: Phan Ngọc Long
Sự nghiệp của Trần Hồng chính là hàng nghìn bức ảnh. Không chỉ ghi lại hình ảnh những người lính ở tuyến đầu, anh còn khai thác hình ảnh những người mẹ hy sinh thầm lặng ở hậu phương. Những tấm ảnh báo chí sinh động về anh Bộ đội Cụ Hồ trong mưa bom bão đạn, về mẹ được công bố rộng rãi trong và ngoài nước là bằng chứng sống động về cuộc chiến đấu anh hùng của quân và dân ta; là bằng chứng về những chuyến đi đầy tâm huyết của nhà báo Trần Hồng.
Say nghề, không ít ảnh báo chí của Trần Hồng, tự nó là những tấm ảnh nghệ thuật phản ánh cuộc sống đa dạng, đa chiều. Rất nhiều tác phẩm đã đoạt giải thưởng cao trong nhiều cuộc thi ảnh trong và ngoài nước. Độc giả cả nước đã biết đến Trần Hồng nhờ những tác phẩm đó. Đặc biệt là những tác phẩm về mẹ - chủ đề anh đã chọn là con đường xuyên suốt của mình trong nghiệp ảnh. Những bà mẹ Việt Nam anh hùng qua ống kính của anh đã bộc lộ đầy đủ chân dung về người mẹ Việt.
Trần Hồng còn khai thác khá thành công hình tượng anh Bộ đội Cụ Hồ. Dưới góc nhìn của Trần Hồng, họ là những người con yêu quý của những bà mẹ một đời chiến đấu, thầm lặng hy sinh.
Dẫu bôn ba khắp các miền quê nhưng Trần Hồng gần như dành trọn trái tim mình cho quê hương Hà Tĩnh yêu dấu, nơi chôn nhau cắt rốn của anh. Trên dải đất Lam Hồng, nơi nào cũng in đậm dấu chân nhà báo Trần Hồng. 20 tấm ảnh về những bà mẹ Hà Tĩnh tại triển lãm ảnh “Mẹ và trái tim người lính” tại Hà Nội vừa qua chính là tiếng lòng của anh đối với quê hương.
Trần Hồng đã sải bước trên mọi nẻo đường của Tổ quốc từ tuổi 18. Cung đường Trần Hồng đã đi qua là không thể đo đếm. Chỉ có lòng đam mê và tình yêu vô bờ bến dành cho Tổ quốc, cho mẹ, cho người lính mới tạo nên một nghệ sỹ, nhà báo chiến sỹ Trần Hồng đắm say như vậy.
Nghệ sỹ, nhà báo chiến sỹ Trần Hồng đã chụp và lưu giữ 2.000 tấm ảnh quý về Đại tướng Võ Nguyên Giáp và 1.800 tấm ảnh quý chân dung mẹ, 2.000 tấm ảnh về quê hương Hà Tĩnh và miền Trung. Ngoài ra, còn có hàng ngàn tấm ảnh tư liệu đặc biệt về người lính Cụ Hồ. Đó là gia tài đồ sộ mà bất kỳ người làm báo nào cũng mơ ước.
Là người được Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị tướng huyền thoại tin cậy và cho phép chụp ảnh bất cứ lúc nào, Trần Hồng đã có những tấm ảnh vô giá về Đại tướng giữa đời thường. Anh đã tổ chức 11 cuộc triển lãm ảnh ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, nhiều địa danh khác khắp 3 miền của Tổ quốc, thu hút hàng chục ngàn lượt người đến xem, trong đó có triển lãm ảnh tại Quảng Bình, quê hương của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Năm 2018, được bạn bè động viên khích lệ, nghệ sỹ, nhà báo Trần Hồng tổ chức thành công triển lãm ảnh “Mẹ Việt Nam” ở Thủ đô Warszawa - Ba Lan.
Gần đây, triển lãm ảnh “Mẹ và trái tim người lính” với 90 tấm ảnh được trưng bày từ ngày 16/10 đến 22/12/2020 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (Hà Nội) là tấm lòng rung cảm, thổn thức trong nửa thế kỷ cầm máy của anh. Trần Hồng đã ghi lại rất tinh tế những khoảnh khắc đặc biệt của mỗi bà mẹ trên mọi miền Tổ quốc; đã kể lại rất tài tình những câu chuyện cuộc đời của các mẹ bằng sự đồng cảm, rung động, kính trọng của mình.
Trần Hồng chia sẻ: “Tôi rất vui vì tác phẩm của tôi đã trở thành nguồn cảm hứng, thành chất liệu sáng tác cho nhiều loại hình văn học nghệ thuật khác. Đó là niềm hạnh phúc thứ hai của người nghệ sỹ”.
Các đại sứ quán Việt Nam tại châu Âu với những tác phẩm của NSNA Trần Hồng trong triển lãm tại Ba Lan năm 2018.
Triển lãm ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Hải Phòng, tháng 12/2020 (ảnh trái) và Triển lãm ảnh Mẹ và tâm hồn người lính tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tại Hà Nội từ tháng10 - 12/2020. |
Triển lãm ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Hải Phòng (tháng 12/2020). |
Triển lãm ảnh Mẹ và tâm hồn người lính tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tại Hà Nội (từ tháng 10 - 12/2020). |
Trần Hồng vẫn được bạn bè gọi là người đàn ông hồn nhiên bởi dẫu đã “thất thập cổ lai hy” anh vẫn sẵn sàng lên đường đến bất kỳ nơi đâu. Tôi vẫn dõi theo và thầm ngưỡng mộ niềm đam mê của anh. Có khi vừa thấy anh trên đỉnh Mã Pí Lèng, trên cao nguyên Đồng Văn, lại thoắt thấy anh tận miền Tây sông nước hoặc bình yên giữa quê nhà, trầm ngâm bên mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Không phải chuyến đi nào cũng mang đến cho anh những cảm hứng sáng tác nhưng chắc chắn sẽ neo vào tâm hồn anh những cảm xúc đẹp đẽ.
Và rồi, tôi biết, trong một khoảnh khắc nào đó, trong một chuyến đi nào đó, những cảm xúc ấy sẽ hội tụ vào một góc chụp, một câu chuyện để Trần Hồng lại kể cho tôi, cho bạn, cho cuộc đời những câu chuyện đẹp đẽ mà anh may mắn gặp gỡ…
Nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam
Ảnh: Nhiều tác giả
Thiết kế: Huy Tùng