Giữ gìn nét đẹp truyền thống của lễ hội

Giữ gìn nét đẹp truyền thống của lễ hội

Giống như nhiều quốc gia thuộc nền văn minh lúa nước, Việt Nam có nhiều lễ hội, tập trung chủ yếu vào mùa xuân - mùa khí hậu ôn hòa, vạn vật sinh sôi và cũng là mùa nông nhàn. Nhịp sống nông nghiệp hàng ngàn năm đã sản sinh và bồi đắp hàng ngàn lễ hội khắp mọi miền đất nước. Theo thống kê của Bộ VH-TT&DL, Việt Nam hiện có 7.966 lễ hội lớn nhỏ.

Giữ gìn nét đẹp truyền thống của lễ hội

Nói về lễ hội văn hóa truyền thống, Nhà nghiên cứu văn hóa Thái Kim Đỉnh lúc sinh thời thường nhấn mạnh tính chất cộng cảm của lễ hội. Từ nhận định của ông, tôi hiểu rằng, lễ hội sản sinh khi con người có nhu cầu giao hòa với thiên nhiên, đất trời, hưởng thụ khí trời ấm áp và được bày tỏ tình cảm với nhau, được thỏa mãn những thú vui làm cho họ sảng khoái và lạc quan, được nguyện cầu những điều tốt đẹp cho bản thân và gia đình. Lễ hội, vì vậy thường gắn với các danh lam thắng cảnh, các di tích lịch sử văn hóa và phong tục của từng vùng quê cùng các hoạt động tập thể quy mô lớn, thu hút đông đảo người dân tham gia. Bên cạnh yếu tố “lễ” không thể thiếu thì tính chất “hội”, tức vui chơi, vãn cảnh, thưởng ngoạn thiên nhiên, nhất là với giới trẻ rất được chú trọng.

Giữ gìn nét đẹp truyền thống của lễ hội

Lễ hội giúp người dân bồi đắp đời sống tinh thần, là không gian gắn kết cộng đồng và thể hiện đặc trưng văn hóa của từng vùng miền. Ảnh: Trần Chung

Hà Tĩnh là tỉnh có khá nhiều lễ hội văn hóa, tính chất vùng miền, nghề nghiệp và tâm linh rất rõ rệt. Theo thời gian, các lễ hội truyền thống đã bị mai một do sự tác động của nhiều yếu tố lịch sử. Hiện tại, Hà Tĩnh chỉ còn trên 70 lễ hội, trong đó có 12 lễ hội lớn được tổ chức hàng năm (8 lễ hội dân gian truyền thống, 2 lễ hội tôn giáo, 2 lễ hội mới là khai trương mùa du lịch biển hàng năm và Chiến thắng Đồng Lộc). Trong số 70 lễ hội nói trên thì có 47 lễ hội diễn ra vào mùa xuân.

Giữ gìn nét đẹp truyền thống của lễ hội

Do đặc thù của các miền quê ven sông, lễ hội đua thuyền truyền thống được tổ chức ở nhiều địa phương, nhất là vào dịp đầu năm như Đức Thọ, Hồng Lĩnh… thu hút rất đông người tham gia. Khu vực đồng bằng, thành thị ngày trước có các hội chợ tỉnh, hội cờ người, cờ thẻ v.v... nay hội chợ tỉnh không còn, chỉ còn một số địa phương tổ chức hội cờ người, cờ thẻ. Các lễ hội chùa, đền như chùa Hương Tích, đền Chiêu Trưng Đại vương Lê Khôi… thu hút hàng nghìn người tham dự, không chỉ là để cầu cúng mà còn để vui chơi, thưởng ngoạn. Ban tổ chức vì vậy mà bên cạnh việc tổ chức phần lễ thì rất chú trọng các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, vui chơi.

Giữ gìn nét đẹp truyền thống của lễ hội

Việt Nam là một quốc gia đa tôn giáo, nhiều tín ngưỡng nên có nhiều lễ hội tôn giáo như lễ hội chùa Hương, chùa Thầy, chùa Bái Đính, chùa Tây Phương… của các tăng ni theo Phật giáo; lễ hội Noel, lễ Phục sinh của các giáo dân thờ Thiên Chúa. Nhưng nhiều nhất có lẽ vẫn là các lễ hội tôn vinh các vị thánh, thần ở các đền, miếu. Như nhiều nước châu Á, người Việt tin rằng có thần linh ở trong trời đất nên có nhiều lễ hội cúng tế thần linh ban mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, mọi sự hanh thông. Với đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ôn cố tri tân”, người Việt cũng tin rằng, linh hồn các vị anh hùng dân tộc, người có công với nước, với dân làng đã được hiển thánh sẽ luôn ở bên cạnh để phù hộ độ trì cho mình. Chính vì vậy mà mùa xuân, năm hết tết đến là dịp để họ bày tỏ lòng thành kính tri ân với Quốc tổ, các bậc thánh, thần, đi cùng là các lễ cầu quốc thái dân an, cầu tài, giải hạn như: Lễ hội đền Hùng, đền Trần, Bà Chúa Kho…

Giữ gìn nét đẹp truyền thống của lễ hội

Đền Chế Thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu (Kỳ Ninh, TX Kỳ Anh). Ảnh: Khôi Nguyễn

Giữ gìn nét đẹp truyền thống của lễ hội

Thắp nến tri ân 10 TNXP Ngã ba Đồng Lộc (ảnh 1); Đông đảo du khách thập phương tại chùa Hương Tích (ảnh 2); Đền Võ Miếu là địa điểm tâm linh của người dân Hà Tĩnh (ảnh 3); Đền Chợ Củi (Xuân Hồng, Nghi Xuân) tấp nập du khách thập phương tới dâng hương cầu tài, cầu lộc (ảnh 4). Ảnh: PV

Ở Hà Tĩnh thì có lễ đền Chế Thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu (đền Bà Hải), đền Chợ Củi, đền Nen, đền Bà Chúa Lộc Truông Bát, Khu mộ 10 nữ Anh hùng ở Ngã ba Đồng Lộc, đền Võ Miếu (Tân Giang - TP Hà Tĩnh) v.v... Việc cúng tế Đức Phật, các vị nhiên thần, nhân thần, các anh hùng liệt sỹ có công với nước, với dân và cầu cho gia đạo một năm mới an lành, hạnh phúc âu cũng là hợp với tâm tư, ước nguyện của hàng triệu người Việt. Đó cũng chính là nét văn hóa của người Á Đông. Nếu mọi việc diễn ra trong văn minh, thanh lịch, không bị xô bồ, biến tướng thì sẽ là một sinh hoạt văn hóa làm giàu có thêm đời sống tinh thần của người Việt Nam và về phương diện du lịch, tạo nên những sản phẩm hấp dẫn du khách.

Giữ gìn nét đẹp truyền thống của lễ hội

Ngày trước, khi đời sống, thu nhập của người dân còn thấp, người tham gia lễ hội đền, chùa thực hiện các nghi lễ và vật phẩm cúng khá đơn giản, chủ yếu là “lễ bạc, lòng thành”. Ngày nay, “phú quý sinh lễ nghĩa”, người đi lễ đông hơn, vật phẩm cúng tế nhiều và đa dạng. Các nghi lễ khá rườm rà, dài dòng, lời khấn “có văn có vần”, từ lễ cầu an, dâng sao giải hạn đến xóc thẻ xin xăm, xin các bùa hộ mệnh, hộ xe, cầu tài, cầu lộc, cầu quan, cầu tự v.v...

Giữ gìn nét đẹp truyền thống của lễ hội

Chùa thờ Phật ở Tokyo, không ngột ngạt khói hương, không mẩu rác thải.

Ở một số nước châu Á như Nhật Bản cũng có các nghi lễ này nhưng được thực hiện rất văn minh. Do công tác quản lý và ý thức của người dân Nhật Bản tốt nên mọi việc thắp hương, khấn nguyện, tung đồng xu, xóc thẻ xin xăm… ở các chùa Tokyo, Kyoto mà tôi có dịp viếng thăm đều diễn ra trong trật tự. Nếu đông người thì phải xếp hàng, lời khấn cũng chỉ thầm thì, không to giọng để át cả người khác. Và tất cả đều do người đi lễ tự làm, không qua thầy lễ. Mỗi người đốt một cây hương dài hơn điếu thuốc lá và rất ít khói, xong cho vào lò lửa lớn ngoài sân. Không ai vứt cọng rác nào dù bất kỳ ở nơi đâu.

Giữ gìn nét đẹp truyền thống của lễ hội

Cảnh tranh cướp tại lễ hội Giằng Bông (Hoài Đức, Hà Nội). Ảnh internet

Thời gian gần đây, vào mùa lễ hội, tại không ít địa chỉ tâm linh ở nước ta đã diễn ra những hình ảnh nhốn nháo, xô bồ, phản cảm như cướp lộc đêm khai ấn đền Trần, tranh nhau xin lộc, vay lộc đền Bà Chúa Kho, cướp lộc hoa tre tại lễ hội Thánh Gióng… Người ta giẫm đạp lên nhau, tranh cướp các vật phẩm mà họ tin là sẽ giúp họ may mắn, giàu có, đổi đời. Sự ấu trĩ ấy một phần do nhận thức thấp kém, bản chất “tham, sân, si” của người đi lễ, một phần do công tác quản lý yếu kém của các ban quản lý, ban tổ chức mà báo chí đã lên án. Đó là chưa nói đến công tác vệ sinh môi trường, quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn giao thông… Hà Tĩnh tuy là địa phương ít xảy ra những hình ảnh phản cảm nhưng việc thắp hương quá nhiều, hành lễ không theo thứ tự, “hối lộ thần linh” bằng tiền lẻ, mất vệ sinh môi trường, an toàn cháy nổ... vẫn diễn ra ở một số địa chỉ di tích.

Giữ gìn nét đẹp truyền thống của lễ hội

Nhiều đền, chùa ở Hà Tĩnh vẫn còn tồn tại những hình ảnh phản cảm cần dẹp bỏ. Ảnh tư liệu

Mùa lễ hội đang đến gần, mong sao các cấp, ngành, đặc biệt là ngành VH-TT&DL và các địa phương cần siết chặt công tác quản lý, tăng cường công tác tuyên truyền quảng bá để mỗi người dân nâng cao ý thức trách nhiệm gìn giữ nét đẹp truyền thống của lễ hội, làm cho lễ hội thực sự là của người dân, do nhân dân sáng tạo và là chủ thể hưởng thụ.

ảnh: PV - CTV

thiết kế: huy tùng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast