Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Hồng Oanh - một đời rong ruổi cùng câu hát dân ca
Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Hồng Oanh - một đời rong ruổi cùng câu hát dân ca
Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Hồng Oanh - một đời rong ruổi cùng câu hát dân ca

Video: Trích đoạn Nghệ nhân Nhân dân Hồng Oanh hát thơ Kiều.

Chân tình, mộc mạc, thân thương và gần gũi như người o, người mẹ là ấn tượng của tôi về Nghệ nhân Nhân dân (NNND) Nguyễn Hồng Oanh (hiện sống tại TP Hồ Chí Minh). Bà bày tỏ: “Về Hà Tĩnh, tôi muốn mọi người gọi mình là o. Trong văn hóa ứng xử của người xứ Nghệ chúng ta, o là cách gọi của những mối quan hệ rất gần gũi, thân thuộc. Dù xa quê đến nay gần nửa đời người nhưng tâm thức của o chưa rời quê mình nửa bước. Văn hóa của ông cha là cội rễ để o bám chặt, nương tựa và trưởng thành mỗi ngày”.

Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Hồng Oanh - một đời rong ruổi cùng câu hát dân ca

NNND Nguyễn Hồng Oanh (tên khai sinh là Nguyễn Hồng Vanh) sinh năm 1955, tại xã Thạch Liên, huyện Thạch Hà. Bà là con thứ 3 trong một gia đình có 8 người con, nhiều đời làm thầy thuốc chữa bệnh cứu người. Bố bà từng công tác tại Hội Đông y huyện Thạch Hà, mẹ là một nông dân, cả hai đều yêu thích, say mê dân ca ví, giặm và Truyện Kiều. Nhờ đó, tuổi thơ bà đã được bồi đắp, tưới tắm trong không gian văn hóa dân gian. “O lớn lên trong câu ví, giặm của bà, của mẹ, học làm người trong những câu Kiều cha ngâm dưới trăng khuya. Sau này, khi chứng kiến cảnh đau thương của đất nước trong chiến tranh, sự hy sinh, mất mát của đồng bào, chiến sỹ ngay trên quê hương mình, o càng thấm thía hơn giá trị của văn hóa truyền thống. Năm 1968, gia đình o là nơi nuôi dưỡng hàng chục bà con Vĩnh Linh (Quảng Trị) sơ tán ngay tại hầm trú ẩn của gia đình. Địch đã dội bom xuống khiến bố o và nhiều người bị thương nặng… Nhưng dẫu ác liệt bao nhiêu, người dân nơi đây vẫn kiên cường đấu tranh chống giặc. O hiểu rằng, cội rễ văn hóa cha ông đã trở thành sức mạnh ý chí để người dân Hà Tĩnh đứng lên” - NNND Hồng Oanh tâm sự.

Năm 1974, sau khi tốt nghiệp THPT tại Trường THPT Lý Tự Trọng, bà Hồng Oanh đi học ngành thống kê, ngành chính sách tiền lương và về làm kế toán tại UBND huyện Thạch Hà. Năm 1981, bà lấy chồng người Thạch Lạc - là một chiến sỹ giải phóng quân, sau đó theo chồng vào miền Nam (tỉnh Tiền Giang) công tác. Năm 1989, bà cùng 2 người con (1 gái, 1 trai) lên TP Hồ Chí Minh lập nghiệp. Về TP Hồ Chí Minh, chỉ một thời gian ngắn sau khi ổn định cuộc sống, bà Hồng Oanh bắt đầu tham gia công tác xã hội, sinh hoạt ở nhiều CLB và đem tiếng hát của mình cùng những câu hò, điệu ví đến với người dân TP Hồ Chí Minh. Trong suốt những năm tháng ấy, điều bà mong mỏi nhất vẫn là thành lập 1 CLB dân ca ví, giặm. Sau khi UNESCO chính thức công nhận dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (năm 2014) và bà được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú (năm 2015) thì động lực thành lập CLB càng thêm mạnh mẽ. Năm 2016, với sự ủng hộ của Hội Đồng hương Nghệ Tĩnh ở TP Hồ Chí Minh và một doanh nghiệp, CLB Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh phía Nam ra đời.

Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Hồng Oanh - một đời rong ruổi cùng câu hát dân ca

Nghệ nhân Hồng Oanh (thứ 4 từ trái sang) tại lễ ra mắt “Câu lạc bộ Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh phía Nam” ngày 17/9/2016 tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu

Dưới sự dẫn dắt của Nghệ nhân Hồng Oanh, CLB nhanh chóng đi vào hoạt động hiệu quả, được Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh (HTV), Đài Tiếng nói Nhân dân TP Hồ Chí Minh (VOH) thường xuyên mời tham gia các chương trình lớn, tạo sức lan tỏa rộng rãi phong trào nghe và hát dân ca ví, giặm ở thành phố mang tên Bác. Với 35 thành viên là các nghệ nhân đến từ Nghệ An, Hà Tĩnh và các vùng miền khác, sau 6 năm thành lập, CLB vẫn duy trì hoạt động đều đặn mỗi tuần 1 lần. Ngoài các chương trình của các đài truyền hình, phát thanh, trung bình mỗi tháng, CLB thực hiện 2 chương trình dân ca ví, giặm biểu diễn tại các sự kiện trong thành phố…

Video: Trích tiết mục "Trọn tình ví, giặm" do CLB Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh phía Nam thể hiện. Nguồn: Youtube CLB

Song song với dân ca ví, giặm, từ năm 2000, nghệ nhân Hồng Oanh đã sáng tạo thể nghiệm một thể loại mới, đó là hát thơ Kiều theo phong cách 3 miền, sau này là hát thơ để biểu diễn trên sân khấu. Điều này được xem là 1 hình thức diễn xướng mới mẻ, hấp dẫn khi những câu thơ Kiều được thể hiện bằng những làn điệu như: hát then Tây Bắc, hát quan họ Bắc Ninh, hát ca trù, dân ca Bình Trị Thiên, hò bài chòi, đờn ca tài tử… Cố Giáo sư Trần Văn Khê, người thầy của bà trong một lần trả lời phỏng vấn HTV đã công nhận, khen ngợi về sự sáng tạo của bà trong việc lan tỏa giá trị, ý nghĩa của thơ Kiều đến các tầng lớp nhân dân.

Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Hồng Oanh - một đời rong ruổi cùng câu hát dân ca

Nghệ nhân Hồng Oanh dâng tập thơ “Đường về xứ Nghệ” do bà đồng chủ biên lên tủ sách tại nhà thờ Nguyễn Du ở Khu sinh thái Green (ảnh 1). Nghệ nhân Hồng Oanh biểu diễn trong đêm hát thơ Kiều do Văn phòng đại diện Hội Kiều học Việt Nam tại Hà Tĩnh tổ chức dịp vừa qua (ảnh 2). Tiết mục Trò Kiều tại chương trình Thơ Kiều qua các làn điệu ví giặm do nghệ nhân Hồng Oanh đạo diễn (ảnh 3). Nghệ nhân Hồng Oanh hát thơ Kiều cùng các hội viên Hội Kiều học Hà Tĩnh (ảnh 4).

Cùng với thực hiện hàng chục chương trình dân ca ví, giặm, Nghệ nhân Hồng Oanh cũng đã tổ chức sản xuất 1 bộ CD hát thơ Kiều bằng phong cách 3 miền, do bà và các nghệ nhân nổi tiếng trong cả nước tham gia thể hiện. Hiện bà là hội viên Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh, đã xuất bản 4 tập thơ, 1 cuốn sách về lễ hội. Đặc biệt, bà đã tự bỏ tiền để chủ biên và xuất bản tập thơ Đường về xứ Nghệ (xuyên suốt chiều dài lịch sử từ thế kỷ XIII đến nay), dày 2.000 trang, với khoảng 1.800 bài thơ của trên 600 tác giả tiêu biểu là người Nghệ An, Hà Tĩnh.

Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Hồng Oanh - một đời rong ruổi cùng câu hát dân ca

Với những đóng góp to lớn cho văn hóa dân gian, tháng 9/2022, bà được phong tặng danh hiệu NNND. Mùa xuân này, dù đã sắp bước vào tuổi “xưa nay hiếm” nhưng NNND Hồng Oanh vẫn miệt mài với công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân gian. Bà tự gọi mình là “o nông dân chân đất đi tìm kho báu văn hóa của cha ông”. Năm 2022, bà đã dành gần 3 tháng để cùng ê kíp HTV thực hiện ý tưởng “Đi tìm kho báu dân gian”; cùng ê kíp về Hà Tĩnh, đến khắp các địa phương gặp các nghệ nhân dân ca ví, giặm, trò Kiều… để khai thác những tư liệu quý mà các nghệ nhân nắm giữ. Bà cũng đã xây dựng kế hoạch tổ chức chương trình hát thơ Kiều ở Hà Tĩnh để biểu diễn nhân dịp Ngày Thơ Việt Nam tới (15 tháng Giêng).

.....

Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Hồng Oanh - một đời rong ruổi cùng câu hát dân ca

Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Hồng Oanh - một đời rong ruổi cùng câu hát dân ca

“Rất nhiều thế hệ trong gia đình o đã vịn vào câu hát mà vươn lên, đã vịn vào di sản của cha ông để lại mà nuôi dưỡng, bồi đắp những mạch nguồn mới. Đó cũng là điều thôi thúc o không ngừng đi tìm và lan tỏa “kho báu” văn hóa của dân tộc. Và, điều mong mỏi lớn nhất của o lúc này là làm thế nào để đưa dân ca ví, giặm, thơ Kiều vào trong các trường học nhằm lan tỏa mạnh mẽ hơn đến thế hệ trẻ” - NNND Hồng Oanh bày tỏ.

Mùa xuân, quanh chỗ chúng tôi ngồi, hoa cỏ như đang biếc xanh hơn, tiếng hót của bầy chim trong vườn cũng như đầy hoan ca. Tôi nhìn sâu vào đôi mắt o Oanh, ở đó có sự đượm nồng của câu hát cha ông, có ngọn lửa say mê của người nghệ nhân một đời tâm huyết bảo tồn và gìn giữ văn hóa truyền thống, có khát vọng vươn lên không ngừng của một người con Nghệ Tĩnh bôn ba nơi quê người… O Oanh dẫu đã gần “thất thập” nhưng tâm hồn vẫn cứ như mùa xuân trong câu hát, mãi mãi tươi xanh và đậm đà tình nghĩa…

ảnh, video: thiên vỹ & tư liệu

thiết kế: huy tùng

Chủ đề LỄ HỘI XUÂN QUÝ MÃO 2023

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast