Nữ diễn viên Hà Tĩnh vinh dự được đóng vai thân mẫu Bác Hồ

(Baohatinh.vn) - Được thể hiện vai diễn bà Hoàng Thị Loan trong bộ phim “Vầng trăng thơ ấu” sắp khởi chiếu là niềm vinh dự to lớn với nữ diễn viên trẻ quê Hà Tĩnh Ngô Lệ Quyên.

a.jpg
Poster chính thức của phim "Vầng trăng thơ ấu".

"Vầng trăng thơ ấu" là tác phẩm được Nhà nước đặt hàng Công ty cổ phần phim Giải Phóng sản xuất nhân dịp kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024); 134 năm Ngày sinh Bác Hồ (19/5/1890 - 19/5/2024) và 113 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911 - 5/6/2024).

Phim do tác giả Đặng Thị Thanh Bình viết kịch bản, Nghệ sĩ Ưu tú Hồ Ngọc Xum đạo diễn, lấy bối cảnh từ năm 1895 - 1901 khi Bác Hồ (tên thời thơ ấu là Nguyễn Sinh Cung) cùng cha mẹ là ông Nguyễn Sinh Sắc, bà Hoàng Thị Loan và anh trai Nguyễn Sinh Khiêm vào Huế lần đầu tiên.

b.jpg
Nữ diễn viên Ngô Lệ Quyên vinh dự thủ vai bà Hoàng Thị Loan (thân mẫu Bác Hồ) Ảnh: NVCC

Trong giai đoạn hơn 5 năm sống ở kinh thành Huế, Nguyễn Sinh Cung thấy được nhiều điều mới lạ. So với quê hương xứ Nghệ, Huế có nhiều nhà cửa to đẹp, nhiều cung điện uy nghiêm. Nhưng Huế cũng bộc lộ rõ rệt những mâu thuẫn giai cấp về quyền lực, an sinh. Những người Pháp thống trị nghênh ngang, hách dịch và tàn ác, những vị quan Nam triều bệ vệ trong những chiếc áo gấm, hài nhung, mũ cánh chuồn nhưng khúm núm rụt rè trước vua và trước cả người Pháp...

Còn lại phần đông người lao động chịu chung số phận đau khổ và tủi nhục. Đó là những nông dân rách rưới mà người Pháp gọi là bọn nhà quê, những phu khuân vác, cu ly kéo xe tay, trẻ em nghèo khổ, lang thang trên đường phố... Những hình ảnh đó đã in sâu vào ký ức của Nguyễn Sinh Cung.

c.jpg
Vai diễn bà Hoàng Thị Loan là cột mốc đáng nhớ trong sự nghiệp của nữ diễn viên trẻ.

Thời gian này, Nguyễn Sinh Cung cũng có cơ hội gặp gỡ rất nhiều người, từ tầng lớp quan lại cho đến những đứa trẻ cùng tuổi có xuất thân khác nhau. Đặc biệt, một biến cố lớn là bà Hoàng Thị Loan sau khi sinh người con thứ tư là Nguyễn Sinh Nhuận cộng với sự vất vả khó nhọc trước đó, đã qua đời vào ngày 10/2/1901.

Chia sẻ khi đảm nhận vai diễn bà Hoàng Thị Loan - thân mẫu Bác Hồ, nữ diễn viên trẻ Ngô Lệ Quyên cho biết: “Là một người con quê hương Hà Tĩnh được tham gia vào phim điện ảnh về tuổi thơ vị lãnh tụ của dân tộc, tôi vô cùng tự hào và hạnh phúc. Vai diễn bà Hoàng Thị Loan cũng là vai diễn điện ảnh đầu tiên trong sự nghiệp của mình nên tôi luôn cố gắng tìm hiểu về tiểu sử của bà để tái hiện rõ nét từ cách đi đứng, nói chuyện… Rất may trong quá trình quay phim tôi đã nhận được rất nhiều sự góp ý từ đạo diễn, ekip để có thể hoàn thành tốt vai diễn của mình”

d.jpg
Với nhiều cảnh quay đẹp, bộ phim hứa hẹn sẽ là tác phẩm điện ảnh không thể bỏ lỡ

Theo đạo diễn Hồ Ngọc Xum, dự án lần này khắc họa tuổi thơ của Bác Hồ là một thiếu nhi hồn nhiên với không ít trò nghịch như bao đứa trẻ khác. Ngoài việc bám sát lịch sử với phần cố vấn của các chuyên gia, phim cũng sẽ có những chi tiết hư cấu song đều dựa trên những tư liệu truyền miệng để khi xem phim, khán giả sẽ bị thuyết phục.

Bên cạnh vai diễn của nữ diễn viên Ngô Lệ Quyên, bộ phim còn có sự góp mặt của dàn diễn viên: Trần Việt Bắc, Phạm Hữu Đại, Lưu Văn An, Bạch Công Khanh, Nguyễn Ngọc Kim Ngân, Ali Quang Khải, Bùi Nguyễn Hoàng Phúc, Nguyễn Hồ Nhật Minh, Trần Đức Tuấn Hùng... Các diễn viên được chọn đa số nói được giọng Nghệ An và Huế theo yêu cầu của nhân vật. Bộ phim “Vầng trăng thơ ấu” do Mega GS và Sài Gòn Movies phát hành, dự kiến ra rạp từ ngày 17/5 tại các cụm rạp trên toàn quốc.

Ngô Lệ Quyên (SN 1992, xã Bình An, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) là diễn viên được đào tạo tại Trường Đại học Sân khấu điện ảnh Hà Nội. Cô từng tham gia các bộ phim như: Những cánh hoa trước gió, Sát thủ online, Lựa chọn cuối cùng, Phố trong làng…

Tháng 8/2020, Lệ Quyên giành huy chương vàng và giải “Diễn viên thể hiện xuất sắc hình tượng người chiến sĩ CAND” tại Liên hoan Nghệ thuật sân khấu toàn quốc về hình tượng người chiến sỹ CAND.

Chủ đề KỶ NIỆM NGÀY SINH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH

Đọc thêm

Mang câu hò, điệu ví đến muôn phương

Mang câu hò, điệu ví đến muôn phương

Với niềm đam mê mãnh liệt làn điệu ví, giặm, người Hà Tĩnh muôn phương đã không ngừng lan tỏa loại hình nghệ thuật đặc sắc này tới bạn bè trên mọi miền Tổ quốc và bè bạn quốc tế.
Người Hà Tĩnh trên quê hương Bình Thuận

Người Hà Tĩnh trên quê hương Bình Thuận

Trải qua 30 năm thành lập (1994-2024) dù ở đâu, làm việc gì, ở cương vị nào, những người con của Hà Tĩnh tại Bình Thuận cũng luôn yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ nhau trong cuộc sống.
Nhà vô địch thế vận hội Lê Văn Công: “Tôi muốn tự làm đẹp cuộc đời mình”

Nhà vô địch thế vận hội Lê Văn Công: “Tôi muốn tự làm đẹp cuộc đời mình”

Khép lại một năm thi đấu thành công, đô cử Lê Văn Công giữ vững vị thế thống trị ở hạng cân 49 kg xuyên suốt 7 kỳ ASEAN Para Games liên tiếp từ năm 2007 đến nay. Trong niềm vui đón xuân mới, người đàn ông được mệnh danh là “lực sĩ thép” đặt ra những mục tiêu tiếp tục được khẳng định mình và cống hiến cho quê hương, đất nước.
Những “cánh chim bằng” ở hai ngôi trường bách khoa nổi tiếng

Những “cánh chim bằng” ở hai ngôi trường bách khoa nổi tiếng

Trong những ngày mùa đông phương Nam nắng mưa khoan nhặt, chúng tôi đã có dịp gặp hai “cánh chim bằng” người Hà Tĩnh, là thủ lĩnh những ngôi trường bách khoa ở 2 đầu đất nước. Đó là GS.TS Lê Anh Tuấn - Chủ tịch Hội đồng Đại học Bách khoa Hà Nội và PGS.TS Mai Thanh Phong - Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh.
Tết Việt trong lòng người Hà Tĩnh xa quê

Tết Việt trong lòng người Hà Tĩnh xa quê

Tết cổ truyền luôn là dịp lễ trọng đại và thiêng liêng để những người Việt sống, lao động, học tập trên khắp thế giới nói chung và những người con Hà Tĩnh xa quê nói riêng hướng lòng mình về quê cha đất tổ.