Chính trị

anh-cover-pc.jpg
tit-bai-1-1351.jpg

Từ năm 2008 (khi Tập đoàn Formosa triển khai dự án tầm cỡ tại Khu kinh tế Vũng Áng) đến năm 2020 là giai đoạn có nhiều thăng trầm đối với Khu kinh tế trọng điểm quốc gia. Để đảm bảo song hành 2 mục tiêu chính: nâng tầm Khu kinh tế động lực và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị các cấp đã có nhiều chủ trương, quyết sách sát đúng cùng những giải pháp sáng tạo, quyết liệt.

unit-do-6070.png

MỞ ĐƯỜNG
PHÁT TRIỂN VÙNG KINH TẾ ĐỘNG LỰC

Vị trí địa lý đắc địa cho kết nối hạ tầng giao thông liên vùng, cộng với lợi thế đặc biệt của cụm cảng biển nước sâu Vũng Áng là tiềm năng đặc biệt mà thiên nhiên ban tặng cho vùng Đông Nam huyện Kỳ Anh (cũ). Bước ngoặt lịch sử đến với Hà Tĩnh khi ngày 3/4/2006, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 72/2006/QĐ-TTg về việc thành lập Khu kinh tế (KKT) Vũng Áng với tổng diện tích 22.781 ha, gồm 9 xã phía Nam huyện Kỳ Anh. Không lâu sau, sự xuất hiện của Tập đoàn Formosa đã góp phần hiện thực hóa khát vọng KKT Vũng Áng là thành phố công nghiệp, thương mại, du lịch, dịch vụ năng động và hiệu quả, tầm cỡ khu vực và quốc tế.

ban-do-quy-hoach-kkt-vung-ang.jpg
Bản đồ quy hoạch KKT Vũng Áng.

.................................
TRONG 2 NĂM, HÀ TĨNH ĐÃ THỰC HIỆN DI DỜI 4 XÃ (KỲ LỢI, KỲ LONG, KỲ LIÊN, KỲ PHƯƠNG) VỚI HƠN 5.000 HỘ DÂN, TRÊN 20.000 NGÔI MỘ, 56 NHÀ THỜ XỨ VÀ NHÀ THỜ HỌ…

Theo đó, cả hệ thống chính trị Hà Tĩnh bước vào “cuộc cách mạng” giải phóng mặt bằng (GPMB), di dời hàng nghìn hộ dân lên vùng TĐC. Để bàn giao 3.000 ha mặt bằng sạch cho dự án FDI lớn nhất Việt Nam - Khu liên hợp gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh do Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS) đầu tư, trong 2 năm, Hà Tĩnh đã thực hiện di dời 4 xã (Kỳ Lợi, Kỳ Long, Kỳ Liên, Kỳ Phương) với hơn 5.000 hộ dân, trên 20.000 ngôi mộ, 56 nhà thờ xứ và nhà thờ họ…

Thời điểm lịch sử đó, Hà Tĩnh đã khẩn trương bàn thảo, ban hành các cơ chế, chính sách nhằm tạo hành lang pháp lý trong quá trình thực hiện; đồng thời, tập trung tuyên truyền, kiên trì thuyết phục, vận động người dân chấp hành chủ trương, chính sách; điều chỉnh linh hoạt, vận dụng tối đa các giải pháp trong đền bù, GPMB để người dân được đảm bảo quyền lợi... Các quyết định hỗ trợ đầu tư, bồi thường, tái định cư khi nhà đầu tư thu hồi đất trên địa bàn tỉnh và chính sách áp dụng cơ chế đặc thù đối với KKT Vũng Áng của UBND tỉnh như: Quyết định số 16/2007/QĐ-UBND ngày 27/4/2007, Quyết định số 29/2008/QĐ-UBND ngày 9/9/2008, Quyết định số 07/2010/QĐ-UBND ngày 16/3/2010, Quyết định số 75/2014/QĐ-UBND ngày 3/11/2014... giúp quá trình GPMB triển khai đúng luật định, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân.

bqbht_br_qqq.jpg
bqbht_br_www.jpg
bqbht_br_anh-bo-sung-2.jpg
bqbht_br_anh-bo-sung.jpg
Các hệ thống chính trị vào cuộc vận động người dân phường Kỳ Trinh, Kỳ Lợi... (TX Kỳ Anh) nhận tiền đền bù, bàn giao mặt bằng cho các dự án tại KKT Vũng Áng. Ảnh tư liệu

"CÁC CHÍNH SÁCH ĐƯỢC TỈNH BAN HÀNH KỊP THỜI ĐÃ THÁO GỠ NHIỀU VƯỚNG MẮC; GIÚP HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ TẬP TRUNG TỐI ĐA NGUỒN LỰC ĐẨY NHANH TIẾN ĐỘ BỒI THƯỜNG, GPMB, TẠO QUỸ ĐẤT SẠCH CHO CÁC NHÀ THẦU TRIỂN KHAI DỰ ÁN ĐÚNG TIẾN ĐỘ".
...............................
Ông Nguyễn Vũ Tuấn
Chủ tịch Hội đồng bồi thường - GPMB thị xã Kỳ Anh

Ông Nguyễn Vũ Tuấn - Chủ tịch Hội đồng bồi thường - GPMB thị xã Kỳ Anh nhớ lại: “Ngày đó, các chính sách được tỉnh ban hành kịp thời đã tháo gỡ nhiều vướng mắc; giúp hệ thống chính trị tập trung tối đa nguồn lực đẩy nhanh tiến độ bồi thường, GPMB, tạo quỹ đất sạch cho các nhà thầu triển khai dự án đúng tiến độ, từ đó tạo ra cơ hội tốt để Hà Tĩnh kêu gọi và thu hút các dự án đầu tư khác. Đây cũng là cơ sở quan trọng để công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư (BT-GPMB-TĐC) được thực hiện đúng chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, đảm bảo công bằng, minh bạch”.

bqbht_br_3333.jpg
Hoạt động sản xuất thép của Formosa Hà Tĩnh. Ảnh: Thu Trang

Sau giai đoạn mở đường cho KKT Vũng Áng, ngày 30/1/2015, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 130/2015/NQ-HĐND thông qua Đề án “Điều chỉnh địa giới hành chính huyện Kỳ Anh để thành lập mới thị xã Kỳ Anh và 6 phường thuộc thị xã Kỳ Anh”, là cơ sở để Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 903/NQ-UBTVQH13 ngày 10/4/2015 về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Kỳ Anh để thành lập thị xã Kỳ Anh và 6 phường trực thuộc. Đây là bước tiến quan trọng để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tăng cường công tác quản lý Nhà nước, phát triển đô thị động lực tăng trưởng phía Nam gắn với KKT Vũng Áng. Tuy vậy, ngay sau đó, “sóng gió” bắt đầu xảy đến, nhất là sự cố môi trường biển (năm 2016) và dịch COVID-19 kéo dài (năm 2020-2022)… khiến tình hình tại KKT Vũng Áng có thời điểm diễn biến phức tạp và chìm vào trạng thái “ngủ đông”.

Tại các kỳ họp HĐND tỉnh trong thời gian đó, những nội dung, quyết sách liên quan tới KKT Vũng Áng là trọng tâm của các cuộc thảo luận, bàn bạc. Tại Nghị quyết số 153/2015/NQ-HĐND ngày 12/12/2015 về phát triển KT-XH 5 năm 2016-2020 đã nhấn mạnh nhiệm vụ đột phá: Đa dạng hóa huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; xây dựng KKT Vũng Áng sớm trở thành khu kinh tế động lực tầm cỡ quốc gia, quốc tế. Ngoài ra, các nghị quyết phát triển KT-XH hằng năm đều nhấn mạnh việc tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai và giải ngân vốn đầu tư các dự án trọng điểm tại KKT Vũng Áng.

bqbht_br_dji-0245.jpg
bqbht_br_777.jpg
bqbht_br_666.jpg
Toàn cảnh KKT Vũng Áng (ảnh trên) và hoạt động Nhà máy Pin VinES của Tập đoàn VinGroup tại KKT Vũng Áng. Ảnh: Đình Nhất - Thu Trang

Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục ưu tiên nguồn lực đầu tư hạ tầng cho KKT Vũng Áng và cụ thể hóa trong nghị quyết phân bổ thu, chi ngân sách, kế hoạch bố trí vốn đầu tư phát triển các năm. Theo số liệu từ Sở KH&ĐT, chỉ tính trong giai đoạn 2016-2020, vốn ngân sách Nhà nước bố trí đầu tư hạ tầng KKT là 441,715 tỷ đồng. Vào cuối kỳ kế hoạch 2016-2020, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 254/NQ-HĐND ngày 8/12/2020 quyết định chủ trương đầu tư và điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án đầu tư công thuộc danh mục dự kiến đầu tư trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Theo nghị quyết này, có 3 dự án hạ tầng phục vụ KKT Vũng Áng được xây dựng gồm: đường từ khu công nghiệp đa ngành đến khu công nghệ cao KKT Vũng Áng; hạ tầng kỹ thuật thiết yếu Trung tâm Logicstis tại KKT Vũng Áng (giai đoạn 1); đường vành đai phía Nam KKT Vũng Áng. Sự đầu tư có trọng tâm, trọng điểm của tỉnh là quyết sách quan trọng nhằm giúp KKT phát triển cơ sở hạ tầng theo quy hoạch, tạo thuận lợi trong thu hút các nhà đầu tư, chuẩn bị cho giai đoạn bứt phá mới.

bqbht_br_19.jpg
Tuyến đường trục ngang đi KKT Vũng Áng.

Cùng với phát triển hoạt động SX-KD, cấp ủy, chính quyền các cấp đặc biệt chú trọng công tác an sinh xã hội, hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề, giải quyết việc làm cho người dân vùng dự án. Qua quá trình khảo sát, thẩm định, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 56/2017/NQ-HĐND ngày 15/7/2017 về việc đào tạo trình độ sơ cấp, trình độ dưới 3 tháng giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh; Nghị quyết số 262/2020/NQ-HĐND ngày 8/12/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 56…

Ông Dương Tri - Trưởng phòng LĐ-TB&XH thị xã Kỳ Anh cho biết, trên cơ sở các cơ chế, chính sách của tỉnh và thị xã Kỳ Anh, hằng năm, UBND các cấp thị xã đã xây dựng và ban hành kế hoạch phù hợp với công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Giai đoạn 2015-2020, thị xã Kỳ Anh đã tổ chức đào tạo nghề cho 1.627 lao động với tổng kinh phí gần 8,2 tỷ đồng. Từ đó, giúp người dân “hấp thu” hiệu quả các chính sách, khôi phục SXKD và đảm bảo an sinh xã hội cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển.

bqbht_br_15.jpg
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh cùng Tổ đại biểu HĐND tỉnh bầu tại TX Kỳ Anh trò chuyện với bà con cử tri (tháng 11/2024). Ảnh: Thu Trang

Sự phát triển nóng về kinh tế đương nhiên sẽ tiềm ẩn rủi ro về ANTT. Đây cũng là vấn đề nổi cộm được cử tri các xã vùng dự án phản ánh tại các cuộc tiếp xúc. Do vậy, việc tuyên truyền chủ trương, chính sách, vận động toàn dân tham gia bảo vệ ANTQ, tích cực tố giác tội phạm, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh được thị xã triển khai đồng bộ. Thượng tá Trần Bình Nghĩa - Trưởng Công an thị xã Kỳ Anh cho biết: “Diễn đàn “Công an lắng nghe ý kiến Nhân dân” đã chứng minh tính hiệu quả trong công tác đảm bảo ANTT ở cơ sở; giúp mối quan hệ giữa công an với Nhân dân thêm gần gũi, nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Bên cạnh đó, các mô hình tự quản, tự phòng về ANTT như: “Phường không có ma túy”, “Tiếng kẻng an ninh”, “Doanh nghiệp an toàn về ANTT”, “Trường học an toàn về ANTT”, “Giáo họ an toàn, gia đình hòa thuận”… đã tạo được sự lan tỏa trong cộng đồng, nhờ đó, những mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ Nhân dân được giải quyết kịp thời”.

Video: Thượng tá Trần Bình Nghĩa - Trưởng Công an thị xã Kỳ Anh chia sẻ những giải pháp nhằm làm tốt công tác GPMB, di dân tái định cư trong thời gian tới.

KỊP THỜI GỠ “NÚT THẮT”,
TẠO SỰ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Trong những giai đoạn căng mình, nỗ lực tháo gỡ khó khăn, dồn sức thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, thuận lợi lớn nhất là thị xã Kỳ Anh đã nhận được sự đồng thuận trong Nhân dân. Và, trong những kết quả đạt được, cũng không thể không kể đến vai trò quan trọng của cơ quan dân cử các cấp. HĐND tỉnh, HĐND thị xã và các xã, thị trấn thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, tồn đọng liên quan đến hỗ trợ công trình xây dựng trên đất không đủ điều kiện công nhận đất ở đối với công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của các dự án trên địa bàn thị xã Kỳ Anh; bồi thường, hỗ trợ TĐC các dự án trong KKT tỉnh; thu tiền sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân tại các khu tái định cư... Những tồn đọng này được đại biểu HĐND các cấp bàn bạc, thảo luận kỹ lưỡng tại các kỳ họp để kịp thời đưa ra những cơ chế, chính sách đặc thù, giải quyết, xử lý dứt điểm các vấn đề tồn đọng.

bqbht_br_888.jpg
Gần dân, sát dân để nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người dân trong quá trình bồi thường, di dời tái định cư đã giúp hoàn thành công tác di dời chỉ sau thời gian ngắn.

Nhớ lại thời điểm năm 2013, một trong những vấn đề nóng được cử tri phản ánh tại các cuộc tiếp xúc với đại biểu HĐND tỉnh và huyện là việc chậm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN QSDĐ) cho 45 hộ dân thôn Minh Huệ, xã Kỳ Nam. Trước đó, quy hoạch chi tiết khu TĐC thôn Minh Huệ được Ban Quản lý KKT Vũng Áng phê duyệt ngày 19/5/2012. Đến ngày 29/10/2013, UBND huyện Kỳ Anh phối hợp với Ban Quản lý KKT Vũng Áng tổ chức ngày hội di dời tái định cư thôn Đông Yên, xã Kỳ Lợi về nơi ở mới tại thôn Ba Đồng (Kỳ Phương) và thôn Minh Huệ (Kỳ Nam).

trich-2.jpg

Trong quá trình bố trí TĐC, chính quyền địa phương đã tổ chức bốc thăm đất ở và vận động nộp tiền sử dụng đất để được cấp GCN QSDĐ cho 45 hộ với giá 250.000 đồng/m2. Tuy vậy, sau khi UBND tỉnh ban hành quy định bảng giá đất trên địa bàn, giá đất tại thôn Minh Huệ là 300.000 đồng/m2, vì vậy, việc cấp GCN QSDĐ cho 45 hộ TĐC phải tạm dừng. Để giải quyết bất cập này, huyện Kỳ Anh, sau đó là thị xã Kỳ Anh đã có các văn bản đề nghị các cấp, ngành. Được sự đồng ý của Thường trực HĐND tỉnh tại Văn bản số 191/HĐND ngày 15/6/2016, UBND tỉnh đã đồng ý áp dụng mức giá đất 250.000 đồng/m2 cho 45 hộ dân này. Tại Kỳ họp thứ 3 HĐND tỉnh khóa XVII ngày 15/12/2016 đã thống nhất điều chỉnh, sáp nhập 109 hộ thôn Minh Quý vào thôn Minh Huệ, lấy tên gọi là thôn Quý Huệ (xã Kỳ Nam, thị xã Kỳ Anh). Ông Nguyễn Mạnh Mầng - Bí thư Chi bộ thôn Quý Huệ xúc động: “Lễ trao GCN QSDĐ là ký ức không thể quên đối với 45 hộ dân, bởi điều đó thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với Nhân dân và cho thấy các đại biểu HĐND đã lắng nghe, thấu hiểu tiếng nói của cử tri, đề xuất giải quyết được những vấn đề bức thiết từ thực tiễn”.

5.jpg
Tổ đại biểu HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri tại TX Kỳ Anh (tháng 11/2024). Ảnh: Thu Trang
trich-3.jpg

Dẫn chứng khác về ý nghĩa của các quyết sách tháo gỡ nút thắt trong GPMB phục vụ các dự án là câu chuyện di dời, TĐC các hộ dân TDP Thắng Lợi và Nhân Thắng, phường Kỳ Phương. Năm 2011, người dân 2 TDP nói trên nhận được thông báo di dời đến khu tái định cư để triển khai dự án nhiệt điện. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, việc di dời, tái định cư chậm được thực hiện, gây ra nhiều khó khăn trong cuộc sống của Nhân dân. Nhận được kiến nghị, phản ánh của cử tri, Thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức đoàn giám sát làm việc với UBND thị xã Kỳ Anh và BQL KKT tỉnh. Vào ngày 28/3/2019, Thường trực HĐND tỉnh cũng tổ chức phiên họp thứ 30, HĐND tỉnh khóa XVII (nhiệm kỳ 2016-2021) để chất vấn, giải trình việc giải quyết tồn đọng trên địa bàn thị xã Kỳ Anh và KKT Vũng Áng. Qua đó, đề nghị địa phương xử lý dứt điểm công tác GPMB, có kế hoạch, phương án cụ thể, đảm bảo đúng tiến độ và luật định; UBND tỉnh tiếp tục theo dõi và chỉ đạo giải quyết trong thời gian nhanh nhất. Đến ngày 4/4/2019, Thường trực HĐND tỉnh có Văn bản số 128/TB-HĐND chấp thuận phương án di dời 190 hộ dân TDP Nhân Thắng và Thắng Lợi. Ngày 10/7/2020, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 219/NQ-HĐND quyết định chủ trương và điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án đầu tư công; bổ sung danh mục, hạn mức vốn dự án sử dụng ngân sách địa phương giai đoạn 2016-2020; đề cập tới quyết định chủ trương đầu tư dự án di dời, TĐC các hộ dân tổ dân phố Thắng Lợi và Nhân Thắng. Đến tháng 3/2021, 242 hộ dân đã chính thức được di dời đến nơi ở mới.

Đánh giá tác động của các nghị quyết này, ông Trần Xuân Phượng - Phó Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh (nguyên Phó Chủ tịch HĐND thị xã Kỳ Anh từ năm 2016-2024) khẳng định, đó là cơ sở pháp lý quan trọng để giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn; đồng thời bảo vệ tốt hơn quyền hợp pháp của người dân, góp phần hạn chế tình trạng khiếu kiện về đất đai, tạo sự phát triển trên địa bàn.

bqbht_br_12.jpg
Toàn cảnh tổ dân phố Nhân Thắng trên vùng tái định cư. Ảnh: Thu Trang
bqbht_br_111.jpg
bqbht_br_222.jpg
bqbht_br_333.jpg
bqbht_br_444.jpg
Lãnh đạo thị xã Kỳ Anh trò chuyện cùng các cán bộ cơ sở (ảnh 1). Người dân ở TDP Nhân Thắng, Thắng Lợi (Kỳ Phương) an vui trên vùng tái định cư mới (ảnh 2). Thế hệ trẻ trên vùng tái định cư Kỳ Lợi (ảnh 3). Nhịp sống đô thị trên khu tái định cư phường Kỳ Phương (ảnh 4).
trich-ket.jpg

Chặng đường gần 15 năm hình thành, phát triển (2006-2020), với nỗ lực của cả hệ thống chính trị tỉnh nhà cùng sự đồng thuận của người dân, KKT trọng điểm Vũng Áng đã mạnh mẽ vươn mình. Đến năm 2020, KKT Vũng Áng đã thu hút 146 dự án đầu tư; giải quyết việc làm cho hơn 16 ngàn người; thu ngân sách trên địa bàn thị xã chiếm 2/3 tổng thu ngân sách toàn tỉnh.

Ông Nguyễn Hoài Sơn - Bí thư Thị ủy, Chủ tịch HĐND thị xã Kỳ Anh khẳng định: “Thành công lớn nhất không chỉ là KKT Vũng Áng đã vượt qua gian khó, cùng với sự phát triển đô thị thị xã Kỳ Anh tạo nên vùng kinh tế động lực phía Nam tỉnh nhà, mà quan trọng là tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội tại các xã vùng KKT được giữ vững trước nhiều biến động; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Nhân dân đồng thuận, tin tưởng và kỳ vọng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với sự phát triển của KKT và thị xã Kỳ Anh trong giai đoạn mới”.

NHÓM P.V - C.T.V

(Còn nữa)

Bài 2: Cơ chế, chính sách rộng mở

Bài 2: Cơ chế, chính sách rộng mở

Giai đoạn 2020-2025, tập trung thực hiện định hướng phát triển Khu kinh tế Vũng Áng theo hướng đa ngành nghề, đa lĩnh vực, trở thành trung tâm kinh tế và đô thị phía Nam của tỉnh, Hà Tĩnh tiếp tục ban hành nhiều nghị quyết, với các cơ chế, chính sách rộng mở, tạo đòn bẩy để khu kinh tế trọng điểm mạnh mẽ vươn mình đón thời cơ mới.
Bài cuối: Huy động tổng lực để Khu kinh tế Vũng Áng rộng cửa đón thời cơ mới

Bài cuối: Huy động tổng lực để Khu kinh tế Vũng Áng rộng cửa đón thời cơ mới

Nhiều ý kiến nhận định, năm 2025 sẽ là khởi đầu giai đoạn bứt tốc của Khu kinh tế Vũng Áng khi Tập đoàn Vingroup đầu tư tổ hợp dự án công nghiệp - cảng biển - logistics. kỳ vọng những quyết sách mới từ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX nhiệm kỳ 2025-2030 cùng chiến lược phát triển từ Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Khu kinh tế Vũng Áng sẽ có thêm sự đồng hành của những cơ chế, chính sách, giải pháp mới để gánh vác vai trò đầu tàu đưa Hà Tĩnh trở thành tỉnh khá của cả nước.

Chủ đề GIẢI DIÊN HỒNG LẦN THỨ 3

Đọc thêm

Tăng cường mối quan hệ phối hợp, nâng cao hiệu quả hoạt động cơ quan dân cử

Tăng cường mối quan hệ phối hợp, nâng cao hiệu quả hoạt động cơ quan dân cử

Đồng chí Hoàng Trung Dũng - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị Đoàn ĐBQH, Thường trực HĐND tỉnh, thường trực HĐND các huyện, thành phố, thị xã tiếp tục nâng cao chất lượng tiếp xúc cử tri; thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan dân cử...
Việt Nam chọn công lý và lẽ phải

Việt Nam chọn công lý và lẽ phải

Đường lối đối ngoại của Việt Nam là chọn công lý và lẽ phải, không “chọn phe” như các thế lực thù địch, những kẻ cơ hội chính trị đã loan tin.
Hà Tĩnh khai mạc Hội báo Xuân Ất Tỵ 2025

Hà Tĩnh khai mạc Hội báo Xuân Ất Tỵ 2025

Với chủ đề "Mừng Xuân, mừng Đảng quang vinh, mừng đất nước quê hương đổi mới", Hội báo Xuân Ất Tỵ 2025 ở Hà Tĩnh đã mang đến nhiều thông điệp ý nghĩa, góp phần khẳng định vai trò của báo chí trong sự nghiệp xây dựng, phát triển quê hương, đất nước.
Mang tết ấm đến với người lao động

Mang tết ấm đến với người lao động

Với phương châm để tất cả đoàn viên, lao động đều có tết, các cấp công đoàn Hà Tĩnh đang đồng loạt triển khai hiệu quả chương trình “Tết sum vầy - Xuân ơn Đảng” 2025.
Quá trình phát triển của Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh

Quá trình phát triển của Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh

Cuối tháng 3/1930, tại bến đò Thượng Trụ (xã Thiên Lộc, Can Lộc) diễn ra hội nghị thành lập Đảng bộ lâm thời tỉnh Hà Tĩnh. Đảng bộ Hà Tĩnh ra đời đánh dấu bước ngoặt có ý nghĩa quyết định, mở ra bước phát triển mới với những thắng lợi to lớn của phong trào cách mạng tỉnh nhà.