Đoàn thể

Đám cưới “mùa dịch”: Niềm riêng giữa tình chung

Chưa bao giờ, những đám cưới ở Hà Tĩnh lại diễn ra gọn nhẹ và ấm áp như thế. Cũng chưa bao giờ có nhiều lễ thành hôn hoãn thời gian tổ chức đến thế. Và kèm theo đó là những câu chuyện cảm động về sự hy sinh hạnh phúc riêng cho lợi ích chung của xã hội…

Đám cưới “mùa dịch”: Niềm riêng giữa tình chung

“Sau này, khi nhớ lại quãng thời gian cả nước cùng nhau chống dịch Covid-19, chắc hẳn nhiều người sẽ còn nhắc mãi về kỷ niệm xúc động của những đám cưới trong mùa dịch”, anh Đặng Quốc Vũ - Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh đoàn Hà Tĩnh chia sẻ.

Đã chứng kiến rất nhiều cảm xúc của các bậc sinh thành đến các cô dâu, chú rể khi quyết định hoãn lại ngày vui của mình, anh Đặng Quốc Vũ cùng đội ngũ cán bộ đoàn các cấp đều có chung một tâm trạng ngậm ngùi. Dù rằng, họ đã nhận được sự hỗ trợ, chia sẻ tích cực của nhiều gia đình, hoàn thành tốt nhiệm vụ chung.

Đám cưới “mùa dịch”: Niềm riêng giữa tình chung

Những tấm thiệp đã được gửi đi, nay được hồi lại, những tấm ảnh cưới rạng ngời lẽ ra đã được treo lên đầy trang trọng, nay đành chờ một dịp khác. Những lo toan, tất bật cho mâm cỗ rồi đây lại phải tính toán lại một lần nữa. Đặc biệt, niềm hân hoan được thành hôn, được chúc phúc của bao đôi lứa cũng vì việc chung mà đành gác lại. Những lấn cấn, lo lắng, băn khoăn, tất cả đều trở nên nhẹ nhàng sau quyết định hoãn đám cưới, chờ hết dịch sẽ tổ chức.

Dù không phải là trường hợp hoãn đám cưới đầu tiên của cả tỉnh nhưng quyết định hoãn đám cưới của gia đình chủ rể Văn Nam ở tổ dân phố 11, thị trấn Thạch Hà vào ngày 17/3 đã khiến cả cộng đồng cảm động. Trước đó, chú rể Văn Nam đã đăng ảnh cưới lên Facebook cá nhân và vui mừng thông báo với anh em, bạn bè gần xa về lễ cưới sẽ được tổ chức vào ngày 18/3. Rạp đã dựng, bàn ghế, mâm cỗ đã sửa soạn, ấy thế mà, chỉ cách một ngày, gia đình chú rể Văn Nam đã bàn bạc với gia đình cô dâu Bảo Ngọc (tổ dân phố 1 - thị trấn Thạch Hà) thống nhất hoãn đám cưới chờ qua đợt dịch mới tổ chức.

Đám cưới “mùa dịch”: Niềm riêng giữa tình chung

Theo văn hóa truyền thống, việc hoãn đám cưới là điều kiêng kị. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh hiện nay, những quyết định đó đều nhận được sự đồng tình của họ hàng, bà con lối xóm. Nhận được sự chia sẻ của tất cả khách mời ở xa khi họ vui vẻ hủy bỏ mọi kế hoạch đã định để về dự đám cưới. Chắc hẳn, sau sự tiếc nuối, những người quyết định hoãn đám cưới đều cảm thấy hạnh phúc vì mình đã làm một việc vô cùng ý nghĩa, đó là hy sinh tình riêng cho việc chung của xã hội, của đất nước. Đó chẳng phải là một biểu hiện cao cả của nghĩa đồng bào, của tình yêu nước thẳm sâu trong tâm hồn người Việt hay sao?!

Đám cưới “mùa dịch”: Niềm riêng giữa tình chung

Các cấp bộ đoàn toàn tỉnh tuyên truyền động viên các hộ gia đình, ĐVTN thực hiện cưới văn minh, đảm bảo các yêu cầu phòng dịch.

Những ngày tháng chiến đấu với dịch bệnh chắc hẳn sẽ còn dài. Sẽ còn rất nhiều những câu chuyện cảm động được người ta nhắc mãi bằng sự cảm phục, bằng tình cảm ấm nồng. Như câu chuyện của gia đình anh Đinh Xuân Thắng ở tổ dân phố 9, thị trấn Phố Châu (Hương Sơn) là một ví dụ. Gả con gái cho một gia đình ở một tỉnh phía Bắc, lẽ ra sau lễ ăn hỏi thì nhà trai phải vào rước dâu. Tuy nhiên, trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, anh Thắng quyết định không yêu cầu nhà trai vào đón dâu nữa, anh cũng không tổ chức đoàn đưa dâu như đã định mà lặng lẽ thu xếp một mình anh đưa con gái ra Bắc. Chấp nhận bỏ qua mọi thủ tục và chọn cách ít rủi ro nhất cho mọi người. Đó là sự hy sinh tình riêng vì cộng đồng rất cao cả mà bất kỳ ai biết về câu chuyện này cũng bùi ngùi xúc động.

Đám cưới “mùa dịch”: Niềm riêng giữa tình chung

Đám cưới “mùa dịch”: Niềm riêng giữa tình chung

Đó là tâm sự rất thành thật của chú rể Văn Bằng ở thôn Phú Yên, xã Hương Xuân (Hương Khê) trước giờ rước dâu sáng 17/3. Sau lần hoãn đám cưới hồi tháng 10/2019, anh Văn Bằng đã hẹn ước với người yêu Võ Hằng (đang công tác tại Sài Gòn) tháng 3/2020 sẽ về quê làm đám cưới. Tưởng như lần này sẽ trọn vẹn hơn khi cả hai gia đình đều đã lo chu toàn mọi việc và hơn 1.000 khách mời từ Hà Nội, Sài Gòn và một số tỉnh thành cũng đã sửa soạn để về Hà Tĩnh dự đám cưới của đôi bạn trẻ.

Tuy nhiên, đúng thời điểm hai bên gia đình ấn định ngày cưới thì dịch Covid-19 lại chuyển sang giai đoạn phức tạp. Khi trở về từ đất nước Philippines, chú rể Văn Bằng đã được cán bộ đoàn các cấp gặp gỡ, tuyên truyền, vận động về chủ trương chung. Với tinh thần hợp tác, anh Bằng đã chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng.

Đám cưới “mùa dịch”: Niềm riêng giữa tình chung

Đoàn viên thanh niên huyện Hương Khê cùng gia đình chú rể Văn Bằng (xã Hương Xuân) giúp khách mời rửa tay sát khuẩn.

Anh Bằng cho biết: “Do nắm rõ tình hình công việc của tôi nên các cán bộ đoàn không vận động tôi hoãn đám cưới mà chỉ vận động thu gọn, tổ chức nội bộ. Thú thực là tôi không thể nghỉ việc ở Philippines thêm nữa chứ nếu nghỉ được tôi cũng tình nguyện hoãn đám cưới”.

Đám cưới của chú rể Văn Bằng và cô dâu Võ Hằng đã diễn ra trong không khí ấm áp của người thân hai họ và hàng xóm, láng giềng. Trước và trong đám cưới, Tỉnh đoàn, Huyện đoàn và Đoàn xã đều cắt cử cán bộ đến tổ chức phun diệt khuẩn, tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện rửa tay sát khuẩn. Chính vì thế, tất cả khách mời đều bước vào lễ thành hôn với tâm lý rất thoải mái, nhiệt tình.

Đám cưới “mùa dịch”: Niềm riêng giữa tình chung

Ông Nguyễn Văn Thắng - chú ruột của chú rể còn đùa với chúng tôi rằng, đây là đám cưới đặc biệt nhất trong họ tộc từ trước đến nay. Cũng là cách để các cháu nhớ hơn về ngày trọng đại của cuộc đời mình - một ngày không chỉ có ý nghĩa với riêng mình, với gia đình mà còn có ý nghĩa với cộng đồng. Ông cũng cho rằng, đây chính là bài học sâu sắc về trách nhiệm của mỗi công dân đối với quê hương, đất nước.

Cũng với lý do làm việc ở nước ngoài, không thể trì hoãn nên đám cưới của anh Văn Sang và chị Hoàng Thanh ở thôn Yên Sơn, xã Kỳ Đồng (huyện Kỳ Anh) vẫn được tiến hành trong nội tộc. Chị Hoàng Thanh là cán bộ đoàn xã nên tình nguyện thực hiện chủ trương chung về tổ chức đám cưới trong mùa dịch. Chị nói: “Tôi mong chờ và sửa soạn cho đám cưới này từ rất lâu rồi nhưng thật không may lại rơi vào thời điểm dịch bệnh bùng phát. Hai bên gia đình cũng hiểu rõ tình hình và thống nhất mời chung họ hàng tại một địa điểm, không tổ chức rình rang”.

Đám cưới “mùa dịch”: Niềm riêng giữa tình chung

Đám cưới của anh Sang và chị Thanh từ chỗ hơn 1.000 khách đã giảm xuống còn gần 400 khách là họ hàng hai bên nội ngoại. Chính quyền địa phương, các đoàn thể đều đã chung tay giúp đỡ trong công tác tổ chức, việc đảm bảo các điều kiện vệ sinh… Điều quan trọng nhất là đám cưới đã diễn ra rất trọn vẹn với đầy đủ các thủ tục và những người đến dự đều với tâm lý thoải mái, nhiệt tình. Chị Thanh cũng lạc quan cho rằng, đám cưới của mình rất độc đáo và biết đâu sau này lại trở thành mô hình đám cưới văn minh, tiết kiệm cho nhiều người học tập.

Đám cưới “mùa dịch”: Niềm riêng giữa tình chung

thiết kế: huy tùng

Chủ đề Phòng chống dịch Covid-19

Đọc thêm

Sáp nhập liên đoàn lao động cấp huyện

Sáp nhập liên đoàn lao động cấp huyện

Việc sáp nhập Liên đoàn Lao động huyện Lộc Hà (cũ) và Liên đoàn Lao động huyện Thạch Hà nhằm đảm bảo chất lượng, hiệu quả hoạt động, góp phần xây dựng Công đoàn Hà Tĩnh vững mạnh.