Như một lời hò hẹn, tháng 5 về trên khắp mọi miền quê Hà Tĩnh, hoa sen lại đua nở, tỏa hương, mang theo tấm lòng tưởng nhớ thành kính, tri ân thiết tha của muôn người dân quê hương núi Hồng, sông La dành cho Bác Hồ kính yêu. Trong hành trình tìm về cội nguồn của bát ngát hương sen, tôi may mắn được gặp Thiếu tá Nguyễn Ngân - nguyên Chính trị viên Tiểu đoàn 927 (QK4), đang sinh sống tại thôn Hòa Sơn, xã Cẩm Thịnh (Cẩm Xuyên). Dù tuổi đã cao, nhưng khi nhắc về ký ức những ngày tham gia cách mạng, chiến đấu trong quân ngũ và đặc biệt là kỷ niệm được gặp Bác Hồ, ánh mắt ông vẫn sáng lên rạo rực. Ông Ngân bày tỏ: “Cả một đời đi theo cách mạng, lập nhiều chiến công nhưng hạnh phúc lớn nhất của tôi là được gặp Bác Hồ, báo công với Bác, được Người khen ngợi, dặn dò…”.
Ông Nguyễn Ngân sinh năm 1923, tại xã Nguyễn Đình Liễn, nay là xã Cẩm Thịnh, huyện Cẩm Xuyên, trong một gia đình nông dân. Lớn lên trong hoàn cảnh đất nước lầm than dưới áp bức, bóc lột của thực dân Pháp và chế độ phong kiến Nam Triều, người thanh niên Nguyễn Ngân đã sớm giác ngộ cách mạng. Ông bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng lúc 18 tuổi, trong một tổ chức thanh niên yêu nước tại địa phương.
Ông Nguyễn Ngân bên những kỷ vật gặp Bác và huân huy chương do Nhà nước trao tặng.
Ngày 17/8/1945, sau khi cùng Nhân dân Cẩm Xuyên vùng lên khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi, ông Ngân được tổ chức bầu làm đội trưởng dân quân tự vệ của xã Cẩm Thịnh. Quá trình phấn đấu rèn luyện tốt, vào ngày 28/2/1948, ông vinh dự được kết nạp vào Đảng. Năm 1950, ông nhập ngũ và được bố trí chiến đấu tại Đại đội C610 (thuộc Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh) tham gia nhiều trận đánh ở chiến trường Quảng Trị. Từ tháng 8/1955 đến tháng 6/1969, ông Ngân được điều đến chiến đấu tại Tiểu đoàn 927 (Quân khu 4), giữ nhiều vai trò quan trọng, như: Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Tiểu đoàn - trực tiếp tham gia chỉ huy đội quân tình nguyện giúp giải phóng nước bạn Lào. Trong thời gian này, Tiểu đoàn 927 đã thực hiện nhiều trận đánh, lập nhiều chiến công vang dội, như: trận Bản Khèn (Hạ Lào), giải phóng tỉnh Bolykhămxay (Trung Lào)… Tháng 5/1969, ông Nguyễn Ngân được Quân khu 4 trao tặng danh hiệu chiến sỹ thi đua quyết thắng và được đại diện đơn vị ra Hà Nội báo công với Bác Hồ.
Đoàn đại biểu anh hùng LLVT Quân khu 4 gặp và trò chuyện cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Hà Nội tháng 5/1969. Ảnh tư liệu
Cuối năm 1969-1970, ông được cử đi học tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, sau đó về công tác tại Ban Tuyên huấn Quân khu 4. Năm 1971, ông về làm Chính trị viên, cụm A1, Tiểu đoàn D48 Hà Tĩnh, sau đó là Chủ nhiệm Chính trị Bộ CHQS Hà Tĩnh. Tháng 2/1976, Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh sáp nhập với Nghệ An thành Bộ CHQS Nghệ Tĩnh - lúc này ông Ngân là cán bộ phụ trách công tác chính trị của Bộ CHQS tỉnh Nghệ Tĩnh và 1 năm sau ông về nghỉ hưu tại địa phương.
Với nhiều thành tích cá nhân và lãnh đạo tập thể, ông Nguyễn Ngân được Nhà nước Việt Nam và nước bạn Lào tặng nhiều huân, huy chương, như: chiến sỹ quyết thắng, chiến sỹ thi đua 3 năm liền (1967 - 1969), các huân chương kháng chiến hạng nhất, huân chương chiến công hạng nhất…
Ông Nguyễn Ngân (ngoài cùng bên phải) thăm D19 đơn vị nữ pháo cao xạ anh hùng chiến đấu tại Ngã ba Đồng Lộc năm 1972 (ảnh trên). Ông Nguyễn Ngân (hàng đứng, thứ 3 từ phải qua) chụp ảnh cùng Đoàn đại biểu anh hùng LLVT Quân khu 4 trước nhà khách Chính phủ tháng 5/1969 (ảnh dưới). Ảnh tư liệu
“Dù đến nay đã 53 năm trôi qua nhưng ông nội tôi vẫn cất giữ cẩn thận những kỷ vật về ngày được gặp Bác Hồ, xem đó như báu vật, phải đến dịp đặc biệt như ngày sinh nhật Bác, ông mới mang ra cho mọi người cùng xem” - ông Nguyễn Văn Phúc (50 tuổi, cháu nội ông Nguyễn Ngân) cho biết khi chúng tôi được ông Nguyễn Ngân cho xem những “báu vật” của mình.
...
Bức ảnh Bác Hồ cùng Đoàn đại biểu LLVT Quân khu 4 được đăng trên trang nhất Báo Quân đội Nhân dân số 19/5/1969 và Báo Quân khu 4 tháng 10/1990 (ông Ngân đứng hàng sau, thứ 2 từ phải sang).
Bên những bức ảnh chụp chung với Bác, huy hiệu Bác trao tặng được bảo quản chu đáo, có cái còn gần như mới, ông Ngân bồi hồi nhớ lại: “Đó là một ngày tháng 5/1969, cận kề ngày sinh nhật Bác Hồ. Đoàn đại biểu anh hùng, đơn vị anh hùng, dũng sỹ LLVT Quân khu 4 gồm 31 người được ra Trung ương báo cáo thành tích với Bộ Chính trị. Trong kế hoạch ban đầu, chúng tôi sẽ được gặp Bác và Đại tướng Võ Nguyên Giáp nên ai nấy đều hồ hởi mong chờ. Tuy nhiên, buổi tối trước hôm diễn ra cuộc gặp, một đồng chí trong ban tổ chức đến bảo: Bác bận tiếp khách là đại sứ nước ngoài nên không thể đến được. Nghe tin chúng tôi ai cũng có phần hụt hẫng. Thế nhưng, sáng sớm hôm đó, Bác Hồ đột ngột xuất hiện trong niềm vui vỡ òa của chúng tôi”.
Là 1 trong 9 đại biểu vinh dự đại diện cho đoàn đại biểu anh hùng, đơn vị anh hùng LLVT Quân khu 4 báo cáo thành tích với Bác, ông Nguyễn Ngân vẫn còn ghi nhớ rất rõ khung cảnh lúc ấy và hình ảnh về Người. “Đứng trên bục báo cáo nhìn về phía đại biểu, bắt gặp ánh mắt trìu mến của Bác Hồ, tôi vô cùng xúc động và hồi hộp nhưng sau vài giây, tôi cảm thấy như có nguồn năng lượng từ Người truyền qua mình, cổ vũ tôi bình tĩnh và dõng dạc báo cáo những thành tích mà bản thân và đơn vị đã giành được. Cho đến khi tiếng vỗ tay của khán phòng cất lên, tôi kịp nhìn rõ hơn dung mạo của Người. Sau ánh mắt hiền từ dành cho tôi, Bác giữ nụ cười hiền hậu quay sang các đại biểu vừa vỗ tay, như kêu gọi mọi người biểu dương, động viên thêm…”, ông Nguyễn Ngân tự hào kể.
Phải dịp đặc biệt ông Ngân mới cho con cháu và mọi người cùng ngắm lại những kỷ vật mà mình gìn giữ.
Ngoài những điều đó, ông Ngân còn rưng rưng khi kể lại ấn tượng của ông ở phần cuối hội nghị. Lúc ấy, Bác đã chào mọi người để về nhưng rồi Người quay lại ân cần dặn dò: “Những phần quà Bộ Chính trị chuẩn bị mời các cô, chú nếu không ăn hết thì chia phần mang về… Nhưng!... (Bác dừng lại nhìn mọi người mỉm cười)… nước thì không được chia đâu nhé”. Mọi người vui vẻ đồng thanh: “Vâng ạ”! “Dù không nói nhưng chúng tôi đều tự hiểu, lúc đó đất nước còn chia cắt, Bác ngầm dặn dò mỗi chiến sỹ, đồng bào cả nước đoàn kết hơn nữa để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Sau đó không lâu, khi Bác ra đi, chúng tôi càng xúc động biết rằng, thời điểm chúng tôi gặp Bác, sức khỏe Người đã rất yếu nhưng vì chiến sỹ, vì Nhân dân, Bác đã cố gắng đến để kịp thời động viên chúng tôi. Đó là sự quan tâm lớn, tình yêu lớn mà Bác đã dành cho đoàn đại biểu chúng tôi nói riêng và toàn thể chiến sỹ, đồng bào Quân khu 4 nói chung” - ông Nguyễn Ngân xúc động chia sẻ.
Bộ sưu tập kỷ vật về Bác Hồ và huân huy chương ông Nguyễn Ngân được Nhà nước phong tặng.
Tấm huy hiệu Bác tặng năm 1969 và Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng là tài sản quý giá hơn cả vàng bạc đối với cụ Nguyễn Ngân.
Gần nửa thế kỷ (trước 1945 - 1977) cống hiến cho sự nghiệp cách mạng dân tộc, trường chinh qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, năm 1977, Thiếu tá Nguyễn Ngân về hưu. Tuy vậy, ông vẫn không ngừng tiếp tục tham gia công tác xã hội địa phương với nhiều vai trò như: Ủy viên Ủy ban MTTQ xã, Trưởng ban Hưu trí, Chủ tịch Hội CCB xã, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Cẩm Thịnh… Năm 1995, khi tuổi cao sức yếu, ông Ngân mới thôi đảm nhận các vai trò công tác xã hội. Tuy nhiên, từ đó đến nay, ông vẫn thường xuyên tham gia sinh hoạt tại Chi bộ thôn Hòa Sơn, tích cực tham gia vận động con cháu và quần chúng nhân dân thực hiện các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước và xây dựng NTM. Nhân dịp kỷ niệm 92 năm thành lập Đảng (3/2/1930 - 3/2/2022), ông Nguyễn Ngân có thêm vinh dự khi được Nhà nước trao tặng Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng.
Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch UBND xã Cẩm Thịnh Nguyễn Hữu Thịnh xem bức ảnh ông Nguyễn Ngân chụp cùng Bác Hồ.
...
Ông Nguyễn Hữu Thịnh - Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch UBND xã Cẩm Thịnh cho biết: “Cụ Nguyễn Ngân là một đảng viên lão thành không chỉ có nhiều đóng góp cho đất nước trong cuộc Cách mạng tháng Tám, 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ mà còn cả trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước thời gian qua. Chính quyền và Nhân dân Cẩm Thịnh xem cụ là “linh hồn” trong các hoạt động chính trị xã hội địa phương, là tài sản, vốn quý, “rường cột” để phát huy tinh thần cách mạng, xây dựng quê hương, xây dựng nông thôn mới hiện nay”.
Niềm vinh dự được gặp Bác Hồ và tấm gương cuộc đời nỗ lực cống hiến của Thiếu tá Nguyễn Ngân cũng là câu chuyện truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ xã Cẩm Thịnh nói riêng và huyện Cẩm Xuyên nói chung không ngừng nỗ lực phấn đấu.
Câu chuyện về cuộc đời tham gia cách mạng và được gặp Bác Hồ của ông Nguyễn Ngân tiếp thêm động lực cho thế hệ trẻ phấn đấu rèn luyện. Trong ảnh: Ông Ngân trò chuyện với các bạn trẻ ở xã Cẩm Thịnh.
...
Phó Bí thư Đoàn xã Cẩm Thịnh Nguyễn Thị Trang bày tỏ: “Từ nhỏ, tôi đã được nghe cụ Ngân kể về chuyện cụ được gặp Bác Hồ và được xem những kỷ vật mà cụ gìn giữ. Niềm tự hào trong ánh mắt, lời kể và những cống hiến trong cuộc đời của cụ Ngân đã truyền cảm hứng cho tôi một cách mạnh mẽ. Từ câu chuyện của cụ, là một đảng viên trẻ, một đoàn viên thanh niên, tôi tự nhận thức vai trò của mình, phải luôn nỗ lực phấn đấu và cống hiến để xứng đáng với những công lao mà các thế hệ đi trước đã đóng góp cho đất nước”.
Một góc NTM thôn Hòa Sơn - xã Cẩm Thịnh - Cẩm Xuyên.
Tạm biệt cụ Nguyễn Ngân trong một trưa chớm hè, trời nắng nhẹ, trên những con đường quê thảm nhựa, những hàng rào xanh mướt mắt của làng quê nông thôn mới Cẩm Thịnh, tôi nghe thoang thoảng hương sen đang vào mùa. Nghĩ về ngày sinh nhật Bác đang cận kề, tôi hình dung trong tâm trí mình về những đóa sen hồng tươi thắm dâng lên Người. Và hơn hết, tôi nghĩ đến biết bao lớp người Hà Tĩnh quê hương nói riêng và người con đất Việt nói chung đã và đang không ngừng phấn đấu, cống hiến tô đắp thêm sự hùng cường cho non sông, đất nước. Họ là những đóa sen vươn lên mạnh mẽ, tỏa hương thơm ngát dưới ánh mặt trời của Đảng và tình thương bao la, lời dạy ân cần của Bác Hồ - Đài sen vĩ đại của dân tộc Việt Nam.