Xây dựng Đảng

Một lòng theo Đảng

Theo chân cán bộ xã, chúng tôi tìm đến căn nhà nhỏ của ông Nguyễn Đình Huy (tên thường gọi là cố Huân - SN 1927) ở thôn Yên Trung, xã Tân Lâm Hương (Thạch Hà). Mái tóc trắng như cước, khuôn mặt cương nghị nhưng nụ cười rất tươi tắn, ấm áp, cụ kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời hoạt động cách mạng, những gian khổ, hy sinh của thế hệ mình.

Ông Huy sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo khó. Nhà đông con, nghèo đói, cha mất sớm, từ nhỏ ông đã phải đi ở đợ cho nhiều nhà trong vùng để có cái ăn. Từng chứng kiến nạn đói năm 1945 cướp đi sinh mạng của nhiều thành viên trong gia đình, họ hàng, làng xóm, ông càng nuôi ý chí phải ra đi, góp sức mình giành độc lập, tự do cho Tổ quốc.

Một lòng theo Đảng

Chân dung ông Nguyễn Đình Huy thời trẻ cùng những trang hồi ký ghi lại những ngày tháng gian khổ vào sinh ra tử của ông và đồng đội.

Năm 1950, hưởng ứng phong trào thanh niên tòng quân, ông hăng hái gia nhập quân đội. Sau 2 tháng huấn luyện, ông được về địa phương dự bị chờ lệnh. Cuối năm 1952, ông lấy vợ nhưng chỉ 3 tháng sau ngày cưới, ông được điều động bổ sung cho Trung đoàn 101 (thuộc Sư đoàn 325). Rồi ông đi biền biệt theo những trận đánh, đến năm 1959, vợ ông mất mà hai người vẫn chưa kịp có với nhau đứa con nào.

Đơn vị của ông ngày đó làm nhiệm vụ nghi binh địch tại mặt trận Trung Lào, Thượng Lào để phối hợp các đơn vị khác phục vụ cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Ông đã cùng đồng đội tham gia nhiều trận chiến ác liệt tại các chiến trường Hạ Lào, Đông Bắc Campuchia. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, đơn vị của ông rút về đóng quân tại Quảng Bình, củng cố lực lượng chính quy sẵn sàng đánh Mỹ.

Cuối năm 1955, ông vinh dự được kết nạp Đảng. “Đó là dấu mốc quan trọng đối với cuộc đời những người lính trên chiến trường như tôi. Khi đứng vào hàng ngũ của Đảng, chúng tôi mang theo niềm tự hào, trách nhiệm trong mỗi trận đánh, mỗi bước đường hành quân. Cũng từ giây phút đó, tôi đã nguyện suốt đời đi theo lý tưởng của Đảng, theo Bác Hồ kính yêu” - ông Huy nhớ lại.

Một lòng theo Đảng

Ông Nguyễn Đình Huy rưng rưng nhớ lại ký ức những năm tháng hoạt động cách mạng.

Tháng 12/1962, ông được về phép và lập gia đình cùng người vợ thứ hai. Trong một lần về phép ngắn ngủi, ông bà sinh được người con trai. Tháng 10/1964, khi con trai tròn một tháng tuổi thì ông Huy có lệnh điều động từ nơi đóng quân Quảng Bình để vào chiến trường miền Nam. Ông cùng đồng đội tham gia nhiều trận chiến ác liệt tại chiến trường các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên...

Tháng 2/1967, khi đang hoạt động ở Bình Định, ông cùng một người đồng đội không may bị giặc bắt sống. Chúng đưa các ông về nhà tù Pleiku (Gia Lai), rồi chuyển vào xà lim Sài Gòn và đày ra nhà tù Phú Quốc sau 1 tháng giam giữ ở đất liền. Đã gần 60 năm trôi qua nhưng ông Huy vẫn không khỏi bồi hồi khi nhớ lại những chuỗi ngày đen tối, đọa đày trong chốn “địa ngục trần gian”. Nhà tù Phú Quốc vốn nổi tiếng với những đòn tra tấn dã man, tàn bạo. Ông Huy và đồng đội nhiều lần bị chúng đánh đập, kẹp chân tay, đóng đinh vào đầu gối, nhốt vào chuồng cọp...

.

Một lòng theo Đảng

Ông Nguyễn Đình Huy trò chuyện về những ngày tháng chiến tranh gian khổ với cán bộ và thế hệ trẻ xã Tân Lâm Hương (Thạch Hà).

“Ở khu trại của chúng tôi, hằng ngày, tù nhân được chúng phát cho một ít gạo để tự nấu cơm. Nhưng vì nước nấu cơm rất bẩn, hôi tanh, khi nấu lên không thể ăn được nên tôi nghĩ ra cách rang gạo cho thơm để ăn. Bị giám thị phát hiện, chúng quy cho tôi tội rang gạo làm lương thực dự trữ để vượt ngục và bắt nhốt vào phòng biệt giam tra tấn. Chúng đánh đập tôi trong nhiều giờ liền, cứ ngất đi rồi lại tỉnh. Hai bàn chân tôi bị đánh đến dập nát, xương cánh tay phải bị gãy, thương tích đầy mình. Sau đó, chúng bỏ tôi vào thùng phuy phơi nắng 3 ngày đêm. Lúc đó, tôi nghĩ mình không thể qua khỏi, chấp nhận cái chết đến nhưng trong tâm vẫn đau đáu nỗi niềm vì đất nước chưa hòa bình, lời hẹn ngày độc lập trở về với vợ con chưa trọn. Nhờ đồng đội tuyệt thực, đấu tranh phản đối, sau 7 ngày giam giữ và tra trấn, chúng mới chấp nhận yêu sách và đưa tôi về khu giam giữ tập trung”.

Những trận đòn khiến ông “sống không bằng chết” để đến giờ nhớ lại, đôi mắt ông vẫn rưng rưng. Nhìn những vết thương còn in hằn trên cánh tay, đôi chân già nua của ông, chúng tôi thật sự nghẹn ngào xen lẫn niềm cảm phục, biết ơn sâu sắc.

Một lòng theo Đảng

Ông Huy sống tuổi già vui vầy cùng con cháu.

Hơn 10 năm ông vào chiến trường rồi bị đày ra nhà tù Phú Quốc cũng là chừng ấy thời gian gia đình biệt tin, nhưng vợ ông vẫn một lòng chờ đợi với một niềm tin sắt son rằng hết chiến tranh, ông sẽ về. Và tình yêu, niềm tin đó đã được đền đáp xứng đáng. Tháng 3/1973, sau khi Hiệp định Paris được ký kết, ông Huy cùng các đồng đội được trao trả về miền Bắc an dưỡng. Một năm sau, ông phục viên trở về quê hương. Ông tham gia nhiều vị trí công tác như hợp tác xã, công an viên, tích cực với hoạt động phong trào xây dựng quê hương...

Với những cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, ông vinh dự được tặng thưởng: Huy chương chống Pháp; Huân chương Kháng chiến hạng Nhất; 3 Huân chương Giải phóng miền Nam; Huy hiệu Cựu chiến binh; nhiều bằng khen của đơn vị...

Một lòng theo Đảng

Những danh hiệu cao quý mà Đảng và Nhà nước trao tặng để tri ân công lao của ông Nguyễn Đình Huy .

Đoàn tụ gia đình, ông bà sinh thêm được 4 người con. Khi tuổi đã cao, dù nghỉ công tác xã hội nhưng với uy tín của mình, ông vẫn được dân làng tín nhiệm giao việc hương ước, tế lễ trong những ngày hội, lễ tết. Vợ chồng ông sống vui vầy tuổi già khi có 5 người con (2 trai, 3 gái), 11 người cháu và 4 chắt. Nhiều năm liền, gia đình ông đều đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” ở địa phương. Năm 2020, vợ mất, ông sống một mình trong căn nhà nhỏ nhưng vẫn được con cháu hằng ngày chăm sóc, cơm nước.

Năm nay, ông Huy đã bước sang tuổi 97 - độ tuổi xưa nay hiếm nhưng vẫn rất minh mẫn, hoạt bát. Để con cháu biết rõ hơn về cuộc đời hoạt động cách mạng, những ngày tháng gian khổ vào sinh ra tử của mình và đồng đội, cũng như giáo dục thế hệ sau về truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, ông đã viết hồi ký cuộc đời mình.

Một lòng theo Đảng

Dù đã 97 tuổi, cụ Huy vẫn còn rất minh mẫn, cụ viết hồi ký về cuộc đời mình để lưu giữ cho con cháu biết về cuộc đời gian khổ nhưng vinh quang của mình.

“Cuốn sổ này phải lưu lại trăm năm cho các cháu nội, ngoại biết tiểu sử tóm tắt của cố Huân. Ngọt bùi cũng lắm, đắng cay cũng nhiều!” - dòng đầu tiên trong cuốn hồi ký là lời nhắc nhở cháu con, thế hệ trẻ gìn giữ lịch sử cho mai sau. Cuốn hồi ký tuy không dài nhưng ghi chép lại những dấu mốc lịch sử quan trọng trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ của dân tộc; những trận đánh, những sự hy sinh anh dũng, cống hiến hết mình cho lý tưởng cao đẹp.

Cầm trên tay cuốn hồi ký, chị Nguyễn Thị Nguyệt - Phó Bí thư Đoàn Thanh niên xã Tân Lâm Hương chia sẻ: “Những câu chuyện của các nhân chứng sống như cụ Huy luôn là nguồn tư liệu quý cho thế hệ trẻ, bởi nếu không được nghe kể lại, chắc rằng họ không thể mường tượng được thế hệ cha ông mình đã hy sinh, cống hiến biết nhường nào. Đó cũng là động lực để chúng tôi phát huy trách nhiệm, nỗ lực cống hiến sức trẻ, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp”.

Một lòng theo Đảng

Xuân này, Ông Nguyễn Đình Huy đón thêm niềm vinh dự lớn khi được trao tặng Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng.

Ông Huy trầm ngâm: “Tôi viết hồi ký không phải để khơi lại mất mát, đau thương của chiến tranh bởi quá khứ nên khép lại để hướng tới tương lai. Tuy nhiên, tôi vẫn nhắc nhở cháu con, nhắc nhở thế hệ sau rằng, khép lại quá khứ nhưng tuyệt đối không được quên quá khứ, không được quên máu xương của bao người đã nằm xuống, để từ đó có trách nhiệm hơn với quê hương, với đất nước”.

Một lòng theo Đảng

Với ông, màu cờ Tổ quốc qúy giá biết nhường nào, bởi nó thấm máu của biết bao người chiến sỹ, đảng viên kiên trung như ông.

Trong cái nắng hanh hao của ngày đông, ông Huy mang lá cờ đỏ sao vàng ra treo trước ngõ. Hình ảnh đó khiến lòng tôi bỗng thấy bồi hồi đến lạ. Tôi hiểu rằng, với ông, màu cờ ấy quý giá biết nhường nào bởi nó thấm máu của biết bao chiến sĩ, đảng viên kiên trung như ông. Xuân này, ông đón thêm niềm vinh dự lớn lao khi được trao tặng Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng. Và tôi tin, trong niềm hân hoan chào đón những mùa xuân mới, người dân cả nước nói chung, Hà Tĩnh nói riêng không bao giờ quên sự hy sinh to lớn của các thế hệ cha anh.

BÀI, ẢNH, VIDEO: KIỀU MINH

THIẾT KẾ: NGUYỄN HUY

Chủ đề Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Chủ đề BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG

Đọc thêm

Hương Sơn tinh gọn được 13 tổ chức cơ sở đảng

Hương Sơn tinh gọn được 13 tổ chức cơ sở đảng

Từ năm 2017 đến nay, Hương Sơn (Hà Tĩnh) đã rà soát, sắp xếp lại các tổ chức cơ sở đảng, bố trí cán bộ kiêm nhiệm phù hợp với năng lực của từng người nên tạo được sự đồng thuận cao.
Hà Tĩnh chú trọng việc tiếp xúc, đối thoại của người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền với Nhân dân

Hà Tĩnh chú trọng việc tiếp xúc, đối thoại của người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền với Nhân dân

Thực hiện các văn bản của Trung ương, của tỉnh, thời gian qua, các cấp ở Hà Tĩnh đã thường xuyên quan tâm công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo, đặc biệt là công tác tiếp xúc, đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền với Nhân dân.
60 năm giữ trọn lời thề sắt son với Đảng

60 năm giữ trọn lời thề sắt son với Đảng

60 năm qua, vợ chồng đảng viên lão thành Nguyễn Hồng Tiến và Nguyễn Thị Nhung ở phường Kỳ Trinh (TX Kỳ Anh - Hà Tĩnh) luôn một lòng sắt son với Đảng, gương mẫu trong mọi phong trào, hoạt động của địa phương.
Thông cáo báo chí Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

Thông cáo báo chí Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã cơ bản thống nhất nguyên tắc, mục tiêu, yêu cầu, tiến độ tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW và một số nội dung gợi ý, định hướng để các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị trực thuộc Trung ương nghiên cứu, đề xuất sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Nỗ lực đạt kết quả cao nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2024 và cả nhiệm kỳ

Nỗ lực đạt kết quả cao nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2024 và cả nhiệm kỳ

Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng đề nghị Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh rà soát mục tiêu, chỉ tiêu KT-XH năm 2024 và các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025; đề ra phương hướng, nhiệm vụ, nỗ lực để đạt kết quả cao nhất chỉ tiêu nhiệm vụ của năm và cả nhiệm kỳ.