Chính trị

pc.png

Tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (Hội nghị Đối ngoại toàn quốc lần đầu tiên) được tổ chức vào ngày 14/12/2021, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá "chúng ta đã xây dựng nên một trường phái đối ngoại và ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo của Thời đại Hồ Chí Minh, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”, “gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển” (“Thân gầy guộc, lá mong manh, mà sao nên lũy, nên thành tre ơi!”), thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam. Đó là: Mềm mại, khôn khéo, nhưng rất kiên cường, quyết liệt; linh hoạt, sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, kiên định, can trường trước mọi thử thách, khó khăn vì độc lập dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân. Đoàn kết, nhân ái, nhưng kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia-dân tộc. Biết nhu, biết cương; biết thời, biết thế; biết mình, biết người; biết tiến, biết thoái, “tùy cơ ứng biến”, “lạt mềm buộc chặt".

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nêu rõ trường phái đối ngoại và ngoại giao mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam" đó được xây dựng dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong hơn 90 năm qua, “trên cơ sở vận dụng sáng tạo những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin, kế thừa và phát huy truyền thống, bản sắc đối ngoại, ngoại giao và văn hóa dân tộc, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới và tư tưởng tiến bộ của thời đại”.

hoi-nghi-ngoai-giao-1500x843.jpg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc, ngày 14/12/2021. (Ảnh: TTXVN)

Để hiểu thêm về tư tưởng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về trường phái đối ngoại, ngoại giao mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam", cũng cần tiếp tục nghiên cứu các tư tưởng và ý kiến của đồng chí Tổng Bí thư trong các bài viết, bài phát biểu không chỉ về đối ngoại, ngoại giao mà cả trong nhiều lĩnh vực khác và qua sự chỉ đạo, trực tiếp tham gia các hoạt động đối ngoại của đồng chí Tổng Bí thư. Cũng với tinh thần đó, vừa qua, Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Ngoại giao và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã phối hợp xuất bản cuốn sách "Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Trong khuôn khổ của bài viết này, tôi sẽ tập trung trao đổi về một số nội dung của trường phái đối ngoại, ngoại giao Việt Nam đã góp phần quan trọng vào công cuộc dựng nước và giữ nước, nâng cao vị thế quốc tế của đất nước.

1. Trong bài phát biểu tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc năm 2021, khi đề cập trường phái đối ngoại, ngoại giao Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Như chúng ta đều biết, bất kỳ quốc gia, dân tộc nào trong quá trình hình thành và phát triển của mình cũng đều phải xử lý hai vấn đề cơ bản là đối nội và đối ngoại. Thực tế lịch sử của dân tộc ta cho thấy đối ngoại có tầm quan trọng riêng, nhất là do vị trí địa lý của đất nước có tầm quan trọng chiến lược trong khu vực và cả trên thế giới, luôn thu hút sự quan tâm của nhiều nước, trong đó có các nước lớn.

Đất nước Việt Nam kéo dài từ bắc xuống nam, hẹp từ đông sang tây, toàn bộ chiều dài bắc-nam đó lại mở ra biển. Các đặc điểm địa lý đó cũng tạo thêm những khó khăn cho việc phòng thủ đất nước và khiến các thế lực bên ngoài thêm suy tính có thể dễ dàng thôn tính đất nước ta. Theo đó, các thế hệ người Việt luôn xác định dựng nước luôn đi đôi với giữ nước.

ho-chi-minh-1500x1136.jpg
Ngày 19/9/1954, trong buổi gặp mặt, nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn Quân Tiên Phong trước khi về tiếp quản Thủ đô Hà Nội, tại khu di tích Đền Hùng, Bác Hồ căn dặn: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. (Ảnh: Hochiminh.vn)

Từ rất sớm, cách đây hàng nghìn năm, trên đất Việt đã hình thành nền văn hóa riêng, nổi bật là Văn hóa Đông Sơn (từ khoảng đầu thế kỷ VIII trước Công Nguyên đến thế kỷ II sau Công nguyên) ảnh hưởng rộng lớn đến Nam Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á, sớm phát triển kinh tế trồng trọt, săn bắt, đánh cá, chăn nuôi rồi nghề thủ công. Dân tộc Việt Nam đã sớm xây dựng nhà nước Văn Lang vào thời kỳ phát triển rực rỡ của văn hóa Đông Sơn. Ngay từ thuở đầu dựng nước, dân tộc ta đã phải chống ngoại xâm, như thể hiện qua câu chuyện về Thánh Gióng ở làng Phù Đổng (Gia Lâm, Hà Nội) chống giặc Ân.

Trong quan hệ với bên ngoài, dân tộc Việt Nam tự hào, hiên ngang khẳng định rõ ràng nền độc lập, ý chí bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của mình, như lời thơ thần của Lý Thường Kiệt khi chống ngoại xâm:

Sông núi nước Nam vua Nam ở,

Rành rành định phận ở sách trời,

Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm,

Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.

Nhà nước ở đất Việt lấy lòng dân là sức mạnh to lớn nhất của dân tộc. Đó là tư tưởng như Trần Hưng Đạo đã nói: Khoan sức dân là kế dài lâu, là thượng sách giữ nước. Trần Hưng Đạo cũng khẳng định về tầm quan trọng của quan hệ với bên ngoài: Hòa mục là đạo là việc rất hay trong việc trị nước hành binh… hòa ở ngoài biên thì ít phải dùng binh, hòa ở ngoài biên thì không sợ báo động. Dân tộc Việt Nam lấy trí, nhân, chính nghĩa làm sức mạnh và trọng hòa hiếu, theo lời của Nguyễn Trãi là “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn; Lấy trí nhân mà thay cường bạo!” và “Dập tắt muôn đời lửa chiến tranh; Mở nền muôn thuở thái bình!”. Theo tư tưởng đó, quân và dân đất Việt đã cấp thuyền, cấp xe ngựa cho bại quân xâm lược về nước như Nguyễn Trãi đã tuyên là “Thần vũ chẳng giết hại, thể lòng trời ta mở đường hiếu sinh”. Để giữ cái chính yếu là độc lập và giang sơn, các triều đình ở đất Việt có thể sẵn sàng linh hoạt rất cao về đối ngoại.

Để giữ cái chính yếu là độc lập và giang sơn, các triều đình ở đất Việt có thể sẵn sàng linh hoạt rất cao về đối ngoại.

----------------

Lê Hoài Trung, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương

Nhờ sớm coi trọng và tích cực, linh hoạt vận dụng đối ngoại, ngoại giao, các thế hệ người Việt tạo được những thời kỳ bình an cho xây dựng đất nước, thêm vũ khí lợi hại khi phải chống ngoại xâm, khẳng định bản sắc và nâng cao vị thế của dân tộc.

cac-dan-toc-1000x563.jpg
Sắc màu các dân tộc Việt Nam. (Ảnh: Baochinhphu.vn)

2. Chủ nghĩa Mác-Lênin được Chủ tịch Hồ Chí Minh khi đó với tên Nguyễn Ái Quốc truyền bá vào Việt Nam đã mở ra thế giới quan và những phương pháp phù hợp với thời đại mới, kết hợp với phong trào công nhân và phong trào yêu nước tạo ra sức mạnh cách mạng tổng hợp to lớn dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam thực hiện các mục tiêu của nhân dân Việt Nam là xóa bỏ ách thống trị của thực dân, phong kiến, giành và bảo vệ độc lập dân tộc.

Trong những năm tháng đi tìm con đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc đã tranh thủ sự ủng hộ quốc tế thông qua quan hệ với các chính đảng và nhân dân thế giới để giới thiệu và vận động sự ủng hộ của thế giới đối với phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam. Đầu năm 1945, Người phân tích “dùng binh giỏi nhất, là đánh bằng mưu. Thứ hai là đánh bằng ngoại giao. Thứ ba mới là đánh bằng binh". Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta xác định ngoại giao là một mặt trận trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đầy cam go, bao gồm cả đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân để hình thành phong trào nhân dân thế giới ủng hộ nhân dân Việt Nam.

ho_chi_minh_va_hoa_binh-1500x1176.jpg
Nhân dân Ba Lan nồng nhiệt đón chào Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tháng 7/1957. (Nguồn: Trang tin điện tử Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh)

Đảng ta thường xuyên đánh giá tình hình quốc tế để xác định những thuận lợi và khó khăn, đặt cách mạng Việt Nam và sự nghiệp của dân tộc trong mối quan hệ tác động qua lại với cách mạng thế giới và những xu hướng quốc tế, từ đó đề ra đường lối phù hợp. Cách đề cập đó phù hợp với những luận điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin về sự mở rộng ra phạm vi toàn thế giới của chủ nghĩa tư bản và lực lượng sản xuất, tính chất quốc tế của giai cấp vô sản và luận điểm của Lênin về vị trí của cuộc đấu tranh của nhân dân ở các nước thuộc địa.

Điển hình của việc Đảng ta vận dụng chủ nghĩa Mác-Lênin trong đối ngoại thể hiện ở việc vận dụng phương pháp luận triết học Mác-Lênin để đánh giá và giải quyết các vấn đề đặt ra. Cụ thể, theo các nguyên lý cơ bản của triết học Mác-Lênin, cần xem xét các tình hình, sự kiện quốc tế trong mối liên hệ và luôn vận động, phát triển. Các quy luật cơ bản và các cặp phạm trù của phép biện chứng duy vật giúp hiểu nguồn gốc, cách thức, khuynh hướng vận động, biến đổi của tình hình, các đối tượng, sự việc và cách thức tác động vào quá trình vận động đó.

Đảng ta thường xuyên đánh giá tình hình quốc tế để xác định những thuận lợi và khó khăn, đặt cách mạng Việt Nam và sự nghiệp của dân tộc trong mối quan hệ tác động qua lại với cách mạng thế giới và những xu hướng quốc tế, từ đó đề ra đường lối phù hợp.

--------------

Lê Hoài Trung, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương

Cũng đặc biệt quan trọng, đối ngoại, ngoại giao Việt Nam luôn coi trọng phát huy tư tưởng Hồ Chí Minh. Tư tưởng của Người là kết tinh của sự kết hợp giữa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, những thành quả Đông-Tây, chủ nghĩa Mác-Lênin và trí tuệ, nhân cách một vĩ nhân. Những tư tưởng của Người là định hướng có ý nghĩa hàng đầu trong công tác đối ngoại, thể hiện ở các quan điểm về độc lập tự chủ trong đường lối đối ngoại, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại, hòa bình, hữu nghị với tất cả các dân tộc, vun đắp quan hệ với các nước láng giềng anh em, coi trọng quan hệ với các nước lớn, dành sự đồng cảm đặc biệt đối với nhân dân các dân tộc bị áp bức, thuộc địa và ủng hộ phong trào cộng sản, công nhân quốc tế. Phương pháp, tác phong của Người là những bài học quý báu về ngoại giao tâm công, dĩ bất biến, ứng vạn biến, tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo, dự báo và nắm bắt thời cơ, xử lý hài hòa lợi ích quốc gia dân tộc với chủ nghĩa quốc tế vô sản, lợi ích chung của cộng đồng quốc tế.

chu-tich-hcm-1-1500x1000.png
Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Bí thư thứ nhất Lê Duẩn dự Đại hội lần thứ XXII của Đảng Cộng sản Liên Xô, năm 1961. (Ảnh: TTXVN)

3. Qua lãnh đạo việc thực hiện thành công đường lối đối ngoại đúng đắn, Đảng ta đã tranh thủ được sự ủng hộ của phong trào cộng sản, công nhân quốc tế đứng đầu là Đảng Cộng sản Liên Xô, sự giúp đỡ của Đảng Cộng sản Trung Quốc, tinh thần đoàn kết của các dân tộc thuộc địa và tranh thủ thời cơ vào lúc kết thúc của Chiến tranh Thế giới thứ hai để lãnh đạo dân tộc giành lại độc lập, thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào năm 1945 khi Đảng ta mới chỉ có 5.000 đảng viên. Đối ngoại, ngoại giao đã đóng góp đặc biệt quan trọng vào việc kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại để dân tộc ta giành những thắng lợi vĩ đại trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, bảo vệ độc lập và thống nhất nước nhà. Nhiều chủ trương, biện pháp đối ngoại, ngoại giao hiệu quả đã được triển khai như vừa đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc, vừa bảo vệ hòa bình thế giới, đoàn kết giữa các nước xã hội chủ nghĩa, tận dụng mâu thuẫn trong hàng ngũ đối phương, vừa đánh vừa đàm, giành thắng lợi từng bước.

Những truyền thống, bản sắc và vai trò của đối ngoại, ngoại giao tiếp tục thể hiện mạnh mẽ và phát triển qua những đóng góp lớn vào việc tranh thủ sự ủng hộ quốc tế để khắc phục những hậu quả nặng nề của chiến tranh sau khi nước nhà thống nhất vào năm 1975, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, phá bao vây, cấm vận và công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng tại Đại hội VI (1986). Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại và Việt Nam là bạn với tất cả các nước càng được nhận thức sâu sắc và tích cực phát huy. Những nguyên tắc bao trùm đối với công tác đối ngoại là bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia-dân tộc và sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất của Đảng. Những phát triển mới, sự sáng tạo, đa dạng và linh hoạt là đường lối đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại, quan điểm “đối tác, đối tượng”, Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, kết hợp chặt chẽ giữa quốc phòng, an ninh, đối ngoại, thúc đẩy ngoại giao phục vụ kinh tế, ngoại giao văn hóa, thông tin đối ngoại và công tác người Việt Nam ở nước ngoài.

tbt-nguyen-phu-trong-2560x1439.png
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu chào mừng tại Lễ khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37. (Ảnh: TTXVN)

4. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó những vị trí lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước và nhiều cương vị quan trọng khác. Đồng chí cũng là nhà lý luận có uy tín cao ở trong nước và quốc tế, chủ trì và tham gia nhiều hoạt động quan trọng của đất nước. Từ sự thấm nhuần chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng và vận dụng trong thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo, đồng chí Tổng Bí thư đã có nhiều đóng góp, dấu ấn quan trọng trong công tác đối ngoại, xây dựng và trực tiếp đúc rút mang tầm lý luận về trường phái đối ngoại, ngoại giao mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”.

Đồng chí Tổng Bí thư hết sức coi trọng vai trò và vị trí của công tác đối ngoại. Như đã nêu trên, đồng chí khẳng định đối nội và đối ngoại luôn là hai vấn đề cơ bản của các nước, và “đối ngoại ngày nay không chỉ là sự nối tiếp của chính sách đối nội, mà còn là một động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của các quốc gia, dân tộc”.

Trong các phát biểu và chỉ đạo công tác, đồng chí Tổng Bí thư luôn nhắc phải đặt công việc trong bối cảnh của tình hình, xem xét một cách toàn diện, chủ động, không để bị động, bất ngờ. Đồng chí đặc biệt quan tâm đến công tác tham mưu chiến lược, dự báo tình hình và việc đổi mới trong công tác lý luận, nhấn mạnh “lý luận phải vươn lên dẫn đường và đồng hành với thực tiễn”, “phải có tầm nhìn vượt trước”, và “chú ý nghiên cứu những vấn đề mới về lý luận của thế giới; các vấn đề mới do thực tiễn đặt ra”. Ngay từ năm 2011, đồng chí đã chỉ ra: “Nhìn sâu và nhìn xa hơn, có thể thấy nền kinh tế thế giới đang trải qua một quá trình cơ cấu lại… Về chính trị, thế giới cũng đang trải qua sự thay đổi không kém phần quan trọng, trong đó sức mạnh và vị thế các quốc gia đang chuyển dịch".

tbt-nguyen-phu-trong-tiep-tap-can-binh-1500x842.jpg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thân mật mời Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự tiệc trà, ngày 12/12/2023. (Ảnh: TTXVN)

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có nhiều đóng góp, dấu ấn quan trọng trong công tác đối ngoại, xây dựng và trực tiếp đúc rút mang tầm lý luận về trường phái đối ngoại, ngoại giao mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”.

--------

Lê Hoài Trung, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương

Khi xem xét các vấn đề đối ngoại và chỉ đạo phương hướng, nội dung các hoạt động đối ngoại, đồng chí Tổng Bí thư luôn nhắc việc phải bảo đảm đường lối, quan điểm, nguyên tắc. Trong nhiều dịp, đồng chí nhấn mạnh “nếu sai về đường lối thì đều sẽ thất bại” và phân tích về những sai lầm đường lối đã dẫn đến những tổn thất to lớn cho cách mạng ở một số nước và những khó khăn, kể cả bất lợi chiến lược đối với một số nước ở khu vực.

Đồng chí Tổng Bí thư luôn quán triệt với cán bộ về đường lối đối ngoại của Đảng là độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia-dân tộc. Đồng chí coi trọng việc xây dựng sức mạnh mềm của Việt Nam, trong đó có việc phát huy vai trò của luật pháp quốc tế, những giá trị văn hóa, ngoại giao truyền thống của Việt Nam, những tư tưởng phổ biến, tiến bộ của nhân loại, chú ý tìm những điểm đồng, nêu cao tính nhân văn, chính nghĩa và đạo lý, pháp lý trong quan hệ quốc tế để thuyết phục, tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân thế giới. Đồng chí yêu cầu nghiên cứu các vấn đề thuộc lợi ích cốt lõi, mang tầm của thế giới và “chúng ta cần xây dựng vị thế và tâm thế mới của Việt Nam trong ứng xử và xử lý mối quan hệ với các nước, song phương cũng như đa phương". Theo đó, ba trụ cột đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân cùng tất cả các lực lượng triển khai tích cực, hiệu quả đường lối, chủ trương đối ngoại của Đảng.

tong_bi_thu_nguyen_phu_trong_hoi_dam_voi_tong_thong_hoa_ky_joe_biden-1500x925.jpg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, ngày 10/9/2023. (Ảnh: TTXVN)

Đảng ta đã đánh giá những đóng góp quan trọng của công tác đối ngoại dưới sự lãnh đạo của Đảng, góp phần vào sự nghiệp chung của đất nước và những thành tựu nổi bật về đối ngoại trong thành tựu chung qua nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết của Đại hội XIII. Qua những thành tựu đó, chính giới, các nhà nghiên cứu và truyền thông quốc tế cũng ngày càng quan tâm, ghi nhận trường phái đối ngoại, ngoại giao mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”. Để nhận thức sâu sắc, đầy đủ hơn và phát huy ngày càng tốt hơn, hiệu quả hơn trường phái đối ngoại, ngoại giao đó đòi hỏi việc tiếp tục nghiên cứu nhiều vấn đề về lý luận, thực tiễn, những tư tưởng cùng thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo và hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Nhà nước ta về đối ngoại, ngoại giao Việt Nam qua cả chiều dài của lịch sử, trong mối liên hệ với những phát triển của lý luận và những thay đổi của khu vực, thế giới.

nhandan.vn

Đọc thêm

Bài cuối: Huy động tổng lực để Khu kinh tế Vũng Áng rộng cửa đón thời cơ mới

Bài cuối: Huy động tổng lực để Khu kinh tế Vũng Áng rộng cửa đón thời cơ mới

Nhiều ý kiến nhận định, năm 2025 sẽ là khởi đầu giai đoạn bứt tốc của Khu kinh tế Vũng Áng khi Tập đoàn Vingroup đầu tư tổ hợp dự án công nghiệp - cảng biển - logistics. kỳ vọng những quyết sách mới từ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX nhiệm kỳ 2025-2030 cùng chiến lược phát triển từ Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Khu kinh tế Vũng Áng sẽ có thêm sự đồng hành của những cơ chế, chính sách, giải pháp mới để gánh vác vai trò đầu tàu đưa Hà Tĩnh trở thành tỉnh khá của cả nước.
Nỗ lực đạt kết quả cao nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2024 và cả nhiệm kỳ

Nỗ lực đạt kết quả cao nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2024 và cả nhiệm kỳ

Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng đề nghị Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh rà soát mục tiêu, chỉ tiêu KT-XH năm 2024 và các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025; đề ra phương hướng, nhiệm vụ, nỗ lực để đạt kết quả cao nhất chỉ tiêu nhiệm vụ của năm và cả nhiệm kỳ.
Bài 2: Cơ chế, chính sách rộng mở

Bài 2: Cơ chế, chính sách rộng mở

Giai đoạn 2020-2025, tập trung thực hiện định hướng phát triển Khu kinh tế Vũng Áng theo hướng đa ngành nghề, đa lĩnh vực, trở thành trung tâm kinh tế và đô thị phía Nam của tỉnh, Hà Tĩnh tiếp tục ban hành nhiều nghị quyết, với các cơ chế, chính sách rộng mở, tạo đòn bẩy để khu kinh tế trọng điểm mạnh mẽ vươn mình đón thời cơ mới.
Tinh gọn bộ máy các cơ quan của Quốc hội

Tinh gọn bộ máy các cơ quan của Quốc hội

Tổ chức bộ máy tại các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ và Văn phòng Quốc hội sẽ tiếp tục được sắp xếp với mục tiêu tinh gọn, hoạt động hiệu quả.
Lãnh đạo tỉnh chúc mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam

Lãnh đạo tỉnh chúc mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh mong muốn các thầy cô giáo luôn phát huy trí tuệ, tâm huyết, tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh.
Bài 1: Khơi động lực bứt phá, tạo đồng thuận để phát triển bền vững

Bài 1: Khơi động lực bứt phá, tạo đồng thuận để phát triển bền vững

Từ năm 2008 (khi Tập đoàn Formosa triển khai dự án tầm cỡ tại Khu kinh tế Vũng Áng) đến năm 2020 là giai đoạn có nhiều thăng trầm đối với khu kinh tế trọng điểm quốc gia. Để đảm bảo song hành 2 mục tiêu chính: nâng tầm khu kinh tế động lực và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị các cấp ở Hà Tĩnh đã có nhiều chủ trương, quyết sách sát đúng cùng những giải pháp sáng tạo, quyết liệt.
Vang mãi bài ca kết đoàn...

Vang mãi bài ca kết đoàn...

Hình thành và phát triển trong quá trình chinh phục thiên nhiên và đấu tranh dựng nước, giữ nước, tinh thần đoàn kết đã trở thành một giá trị văn hóa truyền thống quý báu của dân tộc ta. Ở các thời kỳ lịch sử, truyền thống đó tuy có những biểu hiện khác nhau nhưng luôn là sức mạnh vô địch, đưa đất nước Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thách thức, giành được những thắng lợi vẻ vang.
Ấm áp, nghĩa tình Ngày hội Đại đoàn kết

Ấm áp, nghĩa tình Ngày hội Đại đoàn kết

Hòa trong không khí của Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, các khu dân cư ở Hà Tĩnh đang tích cực tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa, góp phần gắn kết cộng đồng.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy đánh giá tình hình kinh tế - xã hội năm 2024

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đánh giá tình hình kinh tế - xã hội năm 2024

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thế Dũng đề nghị Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo rà soát mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh nhiệm kỳ 2020-2025, các nghị quyết chuyên đề, nỗ lực để đạt kết quả cao nhất các chỉ tiêu nhiệm vụ cả nhiệm kỳ.