
Kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 đã khép lại với dư âm đầy đẹp đẽ của niềm tin yêu và hy vọng trong lòng người Hà Tĩnh. Lòng yêu nước, tự hào dân tộc trở thành cội nguồn sức mạnh để người dân vững niềm tin, quyết tâm hoàn thành những mục tiêu phía trước.

HÒA CÙNG NIỀM VUI THỐNG NHẤT
Khi các hoạt động kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) khép lại cũng là lúc trong ký ức của người dân Hà Tĩnh lại đầy thêm thật nhiều kỷ niệm, thật nhiều cảm xúc... Tất cả đều tấu lên khúc tráng ca về tình yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đều khơi dậy và thắp sáng những khát vọng dựng xây, kiến thiết đất nước trong nghĩ suy của các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ.




Trong những ngày tháng Tư lịch sử, niềm vui, niềm tự hào về những chiến công lừng lẫy của cha ông, về chiến thắng lịch sử mùa xuân năm 1975 của dân tộc đã được các thế hệ người Hà Tĩnh lan tỏa bằng nhiều hình thức. Trong đó, rộn ràng nhất, sôi nổi nhất, sinh động nhất, phải kể đến các hoạt động của tuổi trẻ. Họ đã dùng ngôn ngữ của thời đại để “vẽ” nên một tinh thần mới của lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc; họ đã dùng những cảm xúc thời đại để bày tỏ lòng biết ơn, tri ân tới các thế hệ cha ông. Trên mạng xã hội, hàng loạt “chiến dịch yêu nước online” được triển khai với nhiều trend như: check-in địa chỉ đỏ, nói lời tri ân, chụp ảnh cùng cờ Tổ quốc, thực hiện nhiều reels cảm động tại các khu di tích lịch sử, cách mạng trên nền các ca khúc cách mạng mà lan tỏa trên nhiều nền tảng mạng xã hội như: facebook, tiktok, zalo, instagram…



Có thể nói, chưa bao giờ trên khắp nẻo quê hương lại rực đỏ màu cờ Tổ quốc, thắm tươi màu cờ giải phóng… như những ngày tháng Tư lịch sử vừa qua. Từ các sân trường, công sở, quán xá đến các tư gia, từ các chuyến xe ra Bắc, vào Nam đến những chiếc xe gia đình đều gắn cờ, biểu ngữ. Tất cả khiến trong lòng người dậy lên tinh thần dân tộc, dậy lên tình cảm gắn kết, tự hào về những thành quả của cha ông. Những hình ảnh đó cũng khiến các em nhỏ phải tìm hiểu ý nghĩa của các lá cờ, ý nghĩa của ngày 30/4 và hơn thế nữa là tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp của những con người làm nên lịch sử. Như hôm vừa rồi, con gái tôi đã nhờ mẹ trả lời cho ý nghĩa của lá cờ giải phóng, đòi mẹ mua cho bằng được cuốn hồi ký của bà Nguyễn Thị Bình, cuốn sách viết về người tình báo đặc biệt Phạm Xuân Ẩn, người phi công huyền thoại Nguyễn Văn Bảy… Những nhu cầu kiến thức đó chứng tỏ sự lan tỏa mạnh mẽ từ những hành động yêu nước, nó cũng chứng minh sự chuyển tiếp về lòng yêu nước đầy vững bền giữa các thế hệ…



Hòa cùng niềm vui của đất nước, những ngày vừa qua cũng ghi dấu những hình thức về nguồn đầy sáng tạo, xúc động trên quê hương Hà Tĩnh. Cùng với các hoạt động dâng hương, gặp mặt CCB, cựu TNXP, tặng quà các mẹ Việt Nam anh hùng, thân nhân các liệt sỹ của các địa phương, các trường học cũng tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa giúp học sinh nhớ nguồn, hiểu sử. Thông qua các hoạt động như: tham quan các khu di tích lịch sử, xem phim tư liệu, đọc và giới thiệu các cuốn sách lịch sử, viết, vẽ tranh theo chủ đề, thi sáng tạo video clip về đề tài lịch sử, chơi gameshow về kiến thức lịch sử, diễn kịch, đóng vai các nhân vật lịch sử… các em học sinh đã được tiếp cận kiến thức lịch sử một cách sinh động. Qua đó, khắc sâu lòng biết ơn, lòng tự hào và tinh thần yêu nước.



Đặc biệt hơn cả là sự lựa chọn điểm đến TP Hồ Chí Minh của nhiều CCB, nhiều gia đình trong kỳ nghỉ lễ vừa qua. Họ đã chọn địa danh ghi dấu thời khắc lịch sử trọng đại của dân tộc để được tri ân, để được kết nối với quá khứ, để được tiếp năng lượng hướng tới tương lai. Chị Nguyễn Thị Hoa ở thị trấn Phố Châu (Hương Sơn) chia sẻ: “Đặt mục tiêu từ năm ngoái, năm nay, tôi đã được đặt chân lên thành phố mang tên Bác trong dịp 30/4. Tôi đã được đứng trước Dinh Độc Lập, cầm trên tay lá cờ đỏ sao vàng để ghi lại những cảm xúc của mình; đã được xem lễ diễu binh, diễu hành đầy thiêng liêng. Tôi muốn bằng cách đó để tri ân các thế hệ cha chú trong gia đình tôi - những người đã đóng góp công sức cho ngày giải phóng, cũng là để giáo dục con cháu tôi về đạo lý uống nước nhớ nguồn”.
Hòa cùng niềm vui của dân tộc cũng là cách để người Hà Tĩnh khẳng định bản lĩnh mới. Đó là sự tiếp nối truyền thống bằng tư duy thời đại với trái tim tràn đầy lòng yêu nước, với đôi tay kiến tạo và tinh thần vươn lên không ngừng.
SẴN SÀNG CHO CHẶNG ĐƯỜNG MỚI
Diễn văn của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước chỉ rõ: “Nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng với những thành tựu vĩ đại đã đạt được, chúng ta đang đứng trước khởi điểm lịch sử mới để đưa đất nước vươn mình, cất cánh, “sánh vai với các cường quốc năm châu”. Để hiện thực hóa khát vọng xây dựng nước Việt Nam “hơn mười ngày nay”, chúng ta cần phải giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực, phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh của đất nước để thúc đẩy mạnh mẽ phát triển KT-XH”. Diễn văn cũng nhấn mạnh: “Năm 2025, phấn đấu tăng trưởng kinh tế đạt từ 8% trở lên và đạt hai con số trong giai đoạn 2026-2030”. Lời của Tổng Bí thư cũng chính là khát vọng, là ý chí của muôn dân.

Trên hành trình cùng đất nước “vươn mình”, Hà Tĩnh cũng đã và đang có những quyết sách đầy quyết liệt. Năm 2025, ngoài chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế từ 8%, Hà Tĩnh còn đặt ra nhiều chỉ tiêu có tính phấn đấu cao như: tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên 50.000 tỷ đồng, GRDP trên đầu người đạt 93 triệu đồng, thu ngân sách đạt 17.800 tỷ đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm 0,5-0,6%... Và Chỉ thị số 57-CT/TU về tổ chức phong trào thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng vừa được ban hành đã chứng minh những quyết tâm mới của Hà Tĩnh. Trong đó, những mục tiêu trọng tâm thi đua được chỉ rõ chính là kim chỉ nam để toàn dân thắp lên niềm hy vọng mới, nhất là trong thực hiện thắng lợi các mục tiêu về tình hình KT-XH, về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, xây dựng chính quyền 2 cấp.

CHÚNG TÔI BIẾT RẰNG, VIỆC HOÀN THÀNH NHIỆM VỤ CŨNG CHÍNH LÀ ĐANG ĐÓNG GÓP VÀO PHONG TRÀO THI ĐUA CỦA TOÀN CÔNG TY, CỦA TOÀN TỈNH NHẰM CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ TỈNH LẦN THỨ XX
Chẳng những thế mà trong những ngày nghỉ lễ, hàng nghìn kỹ sư, công nhân, người lao động vẫn miệt mài làm việc để duy trì tiến độ hoạt động của các công trường, nhà máy ở Khu kinh tế Vũng Áng, đường cao tốc Bắc Nam, các công trình xây dựng NTM; hàng trăm kỹ sư trong những nhà máy ở các khu công nghiệp trên toàn tỉnh. Anh Lê Quang Vinh (SN 1973) - Công nhân lái máy (Bộ phận bốc xếp), Công ty CP Cảng quốc tế Lào - Việt chia sẻ: “Sự kiện cầu cảng số 3 được chính thức mở cửa khai thác ngay trước thềm kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước đã tạo động lực, niềm tin cho công nhân chúng tôi. Chính vì thế, dẫu phải làm việc xuyên lễ, tôi và đồng nghiệp vẫn rất hăng hái, phấn khởi. Chúng tôi biết rằng, việc hoàn thành nhiệm vụ cũng chính là đang đóng góp vào phong trào thi đua của toàn công ty, của toàn tỉnh nhằm chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX”.




Trong kỳ nghỉ lễ vừa qua, ngoài niềm vui chung của dân tộc, người Hà Tĩnh còn có niềm vui riêng khi Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã năm 2025 đã được Bộ Nội vụ trình Chính phủ phê duyệt. Đó chính là động lực để các địa phương trong tỉnh sẵn sàng tinh thần để sau khi đề án được phê duyệt, trên cơ sở chỉ đạo của tỉnh, sẽ đề xuất sắp xếp tổ chức bộ máy, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động tại đơn vị hành chính mới. Đó cũng là động lực để đội ngũ cán bộ, đảng viên sẵn sàng hy sinh vì mục tiêu chung
Tinh thần thi đua, lập thành tích trên chặng đường mới đã hiện lên thật rõ nét trong những khởi động ở công sở, nhà máy, trên những công trình, ruộng đồng, bờ bãi… trong ngày làm việc chính thức đầu tiên sau kỳ nghỉ. Từ mạch nguồn truyền thống của dân tộc, người Hà Tĩnh lại tiếp tục dệt thêu khát vọng bằng những hành động cụ thể. Mỗi bước đi hôm nay là tiền đề cho một Hà Tĩnh phát triển mạnh mẽ, bền vững trong tương lai.
NỘI DUNG: ANH HOÀI
ẢNH: PV & NGUỒN ZNEWS
THIẾT KẾ: HUY TÙNG