Vùng đất nghèo cằn cỗi, khí hậu khắc nghiệt với gió Lào như thiêu như đốt đã giúp tôi rèn ý chí của xứ Nghệ, gặp khổ không nản, gặp khó không lùi. Tôi sinh ra và lớn lên ở xã Kỳ Long, huyện Kỳ Anh (nay là phường Kỳ Long, TX Kỳ Anh). Thời đó, quê hương còn nghèo lắm, không đủ cái ăn, cái mặc huống gì nói tới việc học. Học hết lớp 2, vì gia đình không đủ tiền nên tôi phải nghỉ học giữa chừng để đi làm thuê. Năm 12 tuổi, một mình mình đi vào Gia Lai làm rẫy cà phê để phụ mẹ nuôi em ăn học. 14 tuổi lại bôn ba lên Sài Gòn mưu sinh. Cũng vào thời gian này, dù làm việc quần quật, tôi quyết chí bắt đầu lại với việc học bổ túc, học lên đại học, học song song tiếng Nhật và tiếng Anh. Giấc mơ nâng tầm thương hiệu cà phê Việt đã nhen nhóm trong tôi từ thời điểm đó.
Cà phê đến với tôi như một thứ duyên nợ trắc trở nhưng không thể xa rời. Tôi luôn mang trong mình giấc mơ lớn là muốn thay đổi cách nhìn của bạn bè thế giới về giống hạt tinh túy này của quê hương mình.
Trong thời gian đi học từ năm 2000, tôi cùng một người bạn dành tiền tự mua cà phê về rang xay, đóng bịch, bỏ mối tại các quán ở TP.HCM và các tỉnh lân cận. Nhưng do thời ấy “gu” cà phê phải tẩm và chỉ cần đen - đậm - đắng, không cần nguyên chất, nên sản phẩm chào bán ít người mua. Được 2 năm, chúng tôi dẹp tiệm. Sau này, tôi cùng với người bạn góp vốn mở Cà phê Bonsai nhưng rồi cũng không thành công.
Khi ấy, tôi trắng tay và lựa chọn tốt nhất đối với tôi là đi ra nước ngoài. Đó là thời điểm năm 2010, với vốn tiếng Nhật khá tốt, tôi quyết định nộp đơn xin việc ở Công ty Toyota Nhật Bản rồi sang Nhật làm việc.
5 năm ở Nhật, song song với công việc tại công ty ô tô, tôi bắt đầu tìm hiểu thị trường cà phê cao cấp và dành toàn bộ thời gian rảnh rỗi cho những khóa học chuyên sâu về cà phê. Năm 2015, tôi về Việt Nam và thành lập thương hiệu Shin Coffee với quyết tâm đi từ chất lượng để cải thiện vị trí áp chót bảng xếp hạng của cà phê Việt.
Bắt đầu cuộc chiến với các loại cà phê tẩm, trộn chất lượng thấp chiếm đa số trên thị trường, chúng tôi chọn một cách làm mới, đó là thay đổi tư duy người trồng, bằng cách liên kết với các hộ nông dân trồng cà phê, hướng dẫn họ chăm sóc, thu hái theo một quy trình nghiêm ngặt theo thoả thuận và thu mua với giá gần gấp đôi thị trường. Cách phơi, đóng gói, bảo quản, vận chuyển... cũng được tôi và các đồng sự có mặt trực tiếp giám sát chặt chẽ.
Chúng tôi cũng dày công khảo sát các vùng nguyên liệu khắp cả nước, chọn ra 6 vùng cho 6 hương vị cà phê đặc trưng của Việt Nam để xây dựng thương hiệu cà phê đặc sản.
Hiện nay, vùng nguyên liệu trồng cà phê mà Công ty Shin Coffee đang kiểm soát có diện tích khoảng hơn 1.100 ha, cung cấp cà phê ra thị trường trên 1.000 tấn/năm. Cà phê rang xay, hòa tan của Shin đã có mặt tại 64 tỉnh, thành cả nước và đã xuất khẩu đi các thị trường chính như: Hong Kong, Nhật Bản, Trung Quốc... Chúng tôi đang hướng tới những thị trường khó tính ở Châu Âu.
Tại Hà Tĩnh, tôi đang thực hiện việc liên kết đào tạo đội ngũ nhân lực tại đây, đồng thời cũng đang nghiên cứu thị trường để mở rộng thêm phân khúc cà phê thượng hạng.
Làm việc với nhiều bạn trẻ đang kinh doanh cà phê ở Hà Tĩnh, tôi nhận thấy nhiều bạn rất có đam mê, có đầu óc kinh doanh khá tốt, đặc biệt, luôn hướng tới mục tiêu phát triển thương hiệu cà phê Việt.
Theo tôi, để lập nghiệp, các bạn trẻ đầu tiên là phải đam mê. Bạn phải thực sự hiểu được ý nghĩa và những thách thức của công việc mình chọn làm. Nếu chưa hiểu rõ, bạn cần thâm nhập vào môi trường này để chắc chắn rằng mình có phù hợp với nó hay không. Đừng vì những hào nhoáng dễ thấy mà quên đi những thử thách vất vả phía sau. Suốt những năm mười tám hai mươi tuổi rang xay cà phê đi bỏ mối, tôi vẫn tưởng mình có đủ đam mê. Nhưng bây giờ nhìn lại, tôi mới thấy thời đó mình chẳng hiểu nó là gì. May mắn sao sau ngần ấy thất bại, tôi vẫn còn đủ nghị lực đi tìm nguồn kiến thức để bắt đầu lại. Bây giờ, tôi mới đủ tự tin để lại nói về niềm đam mê.
Tiếp đó, bạn trẻ phải chuẩn bị nguồn lực, cụ thể là vốn liếng. Hãy suy nghĩ chín chắn, làm từ việc nhỏ, tránh để thất thoát nguồn vốn.
Điểm mấu chốt là phải xây dựng quan hệ trong cộng đồng. Hãy tìm hiểu về những người cùng ngành, tạo quan hệ bạn bè, kết nối với đối tác tiềm năng. Tôi tin rằng những nguồn lực cùng “tần số” sẽ tự động nhận ra nhau. Ước mơ của bạn càng lớn, bạn sẽ kết nối được với những nguồn lực càng mạnh.
ảnh: thu trang - phong leo
thiết kế: huy tùng