Emagazine

“Chất thép” của nữ Trưởng thôn Gia Thịnh

Biệt tài của Trưởng thôn Gia Thịnh - Trần Thị Hồng Nhi (xã Thanh Bình Thịnh, Đức Thọ, Hà Tĩnh) là dù khó đến mấy cũng thuyết phục bằng được người dân thay đổi tư duy, mạnh dạn nắm lấy mọi cơ hội về chính sách hỗ trợ nhằm thay đổi điều kiện sống của mỗi nhà và cho cả cộng đồng.

“Chất thép” của nữ Trưởng thôn Gia Thịnh

Sau 7 năm làm Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ, tháng 5/2020, chị Trần Thị Hồng Nhi (SN 1977) được Nhân dân tin tưởng bầu giữ chức trưởng thôn Gia Thịnh (xã Thanh Bình Thịnh).

“Chất thép” của nữ Trưởng thôn Gia Thịnh

Thôn Gia Thịnh được “khai sinh” năm 2014 trên cơ sở sáp nhập 2 thôn Liên Thịnh và Trường Thịnh (xã Đức Thịnh cũ). Địa bàn trải rộng, đông dân nhất xã với 508 hộ, 1.768 nhân khẩu, Gia Thịnh cũng là thôn duy nhất của Thanh Bình Thịnh (xã mới sáp nhập năm 2020) có bà con giáo dân, với 73 hộ.

Là thôn gặp khó khăn nhất xã, cơ sở hạ tầng điện, đường, kênh mương thủy lợi xuống cấp, cảnh quan thôn xóm bừa bộn... Gia Thịnh ngổn ngang thách thức trên con đường xây dựng nông thôn mới. Tuy vậy, nhờ những quyết sách của nữ trưởng thôn, sự vào cuộc của người dân, diện mạo làng quê Gia Thịnh nhanh chóng đổi thay.

“Chất thép” của nữ Trưởng thôn Gia Thịnh

Định kỳ mỗi tháng, nữ trưởng thôn huy động bà con nhân dân dọn dẹp vệ sinh tổng thể một lần tại khuôn viên nhà văn hóa và các tuyến đường.

“Tháng 1/2020, xã Thanh Bình Thịnh được sáp nhập từ 3 xã Đức Thanh, Đức Thịnh và Thái Yên thì tháng 5, tôi nhận vị trí Trưởng thôn Gia Thịnh. Khi đó, gia đình tôi không đồng tình vì nghĩ không dưng “mua dây buộc mình”, rằng “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, rồi lo tôi va chạm với láng giềng... Tuy vậy, khi đã nhận nhiệm vụ là tôi xác định phải có trách nhiệm với Nhân dân, với cộng đồng. Bản thân quyết lấy hiệu quả công việc làm tiêu chí phấn đấu, từ đó để mọi người thấy việc làm của mình là đúng. Dần dà rồi gia đình cũng hiểu và động viên tôi cố gắng làm tròn vai” - chị Nhi bộc bạch.

“Chất thép” của nữ Trưởng thôn Gia Thịnh

Mọi công việc chung đều được nữ trưởng thôn họp bàn với người dân và ban lãnh đạo thôn.

Gần 3 năm đảm đương nhiệm vụ, chị Trần Thị Hồng Nhi gây ấn tượng với Nhân dân khi chứng tỏ mình là một nữ trưởng thôn đầy năng lực và trách nhiệm. Mong muốn lớn nhất là nâng cao đời sống người dân nên chị xác định dù làm gì cũng phải để người dân được hưởng lợi. Chị Nhi tâm sự: “Nhà nước đã ban hành các chính sách hỗ trợ là để bớt gánh nặng cho dân, vậy không hà cớ gì mà để người dân tuột mất cơ hội. Suy nghĩ này thôi thúc tôi không được chùn bước, phải vận động tới cùng để người dân đồng thuận, thực hiện các chủ trương mới mong hấp thụ chính sách”.

“Chất thép” của nữ Trưởng thôn Gia Thịnh

Các tuyến đường trục thôn, khuôn viên nhà văn hóa được phủ xanh bằng hàng rào cây cắt tỉa gọn gàng.

Năm 2021, thôn Gia Thịnh chỉ còn 550m đường bê tông chật hẹp, việc đi lại của người dân rất bất tiện. Song, vì khúc mắc ở một số người dân chưa được tháo bỏ nên mong muốn sở hữu cung đường rộng rãi, thoáng đãng cứ bị lần lữa mãi. Chị Nhi đã thống nhất cùng cấp ủy, Ban Cán sự thôn thực hiện giải pháp “mưa dầm thấm lâu”, vận động người dân đồng thuận.

“Để vận động bà con hiến đất, ban lãnh đạo thôn phân chia theo từng khu vực, nơi dễ làm trước, chỗ khó thì mình kiên trì hơn. Có những nơi, chúng tôi phải tổ chức đến 6 cuộc họp với dân để vận động. Điều quan trọng là phải cho bà con thấy được lợi ích của chính họ khi “đường thông hè thoáng”. Hơn thế, nếu không làm sớm, khi hết thời hạn thì sẽ mất cơ hội nhận được sự hỗ trợ của chính quyền cấp trên. Vậy là đến tháng 11/2022, 19 hộ dân lương - giáo đã đồng thuận, tự nguyện hiến hơn 500m2 đất vườn để mở đường và di dời 9 cột điện vào đất của dân, trong đó có 11 hộ giáo dân hiến hơn 300m2" – chị Nhi cho hay.

“Chất thép” của nữ Trưởng thôn Gia Thịnh

Gia đình ông Nguyễn Quốc Huy đã hiến hơn 40m2 đất vườn để mở rộng đường.

Ông Nguyễn Quốc Huy - người dân thôn Gia Thịnh bày tỏ: “Cung đường đi qua nhà tôi trước chỉ rộng 2,5m, mặt đường thấp, việc kinh doanh đồ gỗ của người dân không thuận lợi. Nhờ chị Nhi “khai sáng”, rằng khi Nhà nước hỗ trợ thì mình không hợp tác, đến khi cần làm thì phải tự bỏ tiền; rằng đường hẹp thì thế nhà cũng khó đẹp, xây dựng nhà cửa phải tăng bo chở vật liệu vào càng tốn kém… Thế là, tôi quyết định hiến hơn 40m2 đất vườn, phá bỏ cổng để mở đường. Tôi hiến, bà con xung quanh làm theo, giờ đây đường sá rộng rãi, sạch đẹp, bộ mặt ở cụm dân cư thay đổi, chúng tôi lại thầm cảm ơn nữ thôn trưởng quyết đoán mà không kém phần mềm dẻo”.

Video: Ông Nguyễn Quốc Huy chia sẻ về việc hiến đất mở đường.

Khi Nhà nước có cơ chế hỗ trợ 70% kinh phí rải thảm nhựa đường giao thông, Trưởng thôn Nhi lại thành công trong công tác dân vận để 100% người dân trong vùng hưởng lợi tự nguyện đóng góp 30% chi phí. Tháng 12/2022, gần 1,5km đường bê tông xuống cấp được “khoác áo mới” trong niềm háo hức của người dân.

“Chất thép” của nữ Trưởng thôn Gia Thịnh

Thôn Gia Thịnh là địa phương đi đầu trong phong trào phá bờ thửa nhỏ hình thành ô thửa lớn của xã Thanh Bình Thịnh.

Không bỏ qua bất kỳ cơ hội nào để mang lại môi trường sống tốt đẹp và phát triển kinh tế cho người dân, chị Nhi luôn nhạy bén với những cơ chế, chính sách mới. Thời điểm năm 2021, khi phong trào phá bờ vùng, bờ thửa, xây dựng vùng sản xuất tích tụ ruộng đất rầm rộ khắp các địa phương thì thôn Gia Thịnh cũng tiên phong làm điểm trong 14 thôn của xã Thanh Bình Thịnh.

“Tích tụ ruộng đất, phá bờ thửa nhỏ hình thành ô thửa lớn là chủ trương lớn của Hà Tĩnh nhằm hướng tới nền nông nghiệp hiện đại, gia tăng giá trị trên cùng đơn vị diện tích. Thời điểm năm 2021, huyện đã ban hành chính sách hỗ trợ đến 20 triệu đồng/ha thực hiện phá bờ thửa nhỏ hình thành ô thửa lớn. Chúng tôi vui mừng vì thấy đây là cơ hội lớn cho người dân. Ban đầu không khỏi bỡ ngỡ, song, tôi cùng với cấp ủy, Ban Cán sự thôn vẫn quyết tâm thực hiện thí điểm, rồi “cầm tay chỉ việc” cho người dân thực hiện “cuộc cách mạng” trên ruộng đồng. Những mảnh ruộng “vá chằng vá đụp” được quy hoạch thành những vùng sản xuất tập trung bài bản với hơn 19ha. Qua mùa vụ hiệu quả, đến nay, người dân đã hoàn thành 100% diện tích phá bờ thửa nhỏ với hơn 30ha” - chị Nhi phấn khởi.

“Chất thép” của nữ Trưởng thôn Gia Thịnh

Nữ trưởng thôn Trần Thị Hồng Nhi luôn tận tâm, gương mẫu trong từng công việc chung của thôn.

Hi sinh vì lợi ích chung là điều mà chị Nhi đã thực hiện vẹn tròn từ khi đảm nhiệm vai trò trưởng thôn. Có thời điểm, để kịp tiến độ nhận hỗ trợ của Nhà nước cho hộ nghèo xây dựng công trình vệ sinh, đáp ứng tiêu chí nông thôn mới, chị sẵn sàng bỏ tiền túi, bỏ công sức để giúp nhiều hộ dân xây dựng công trình vệ sinh theo chuẩn mới.

Video: Chị Trần Thị Hồng Nhi chia sẻ công việc của người trưởng thôn.

Phải nỗ lực tận dụng mọi cơ hội thì cấp ủy, chính quyền và người dân thôn Gia Thịnh mới có thể “chạm đích” khu dân cư kiểu mẫu. Bởi vậy, chị “không cho phép” những việc làm có thể ảnh hưởng tới thành tích chung của thôn, trong đó phải kể đến tình trạng xả rác “trộm” của một bộ phận người dân.

“Chất thép” của nữ Trưởng thôn Gia Thịnh

Công tác quản lý theo từng tổ, các đầu việc chung của thôn được chị ghi chép đầy đủ, rõ ràng.

“Khi mới nhận nhiệm vụ trưởng thôn, để chấn chỉnh nạn vứt rác không đúng quy định, tôi nhiều lần phải hóa trang thành người dân đi làm đồng, dân buôn chạy chợ… nhằm nắm chứng cứ và tìm thủ phạm… Qua những ngày “làm thám tử”, nhiều người có thói quen vứt rác bữa bãi bị phát hiện. Từ bằng chứng cụ thể cùng sự nhắc nhở, răn đe của tôi và Ban Cán sự thôn, nạn vứt rác đã không còn. Hai bãi rác tự phát trong thôn cũng được dẹp bỏ để đảm bảo việc xây dựng nông thôn mới” - chị Nhi nhớ lại.

“Chất thép” của nữ Trưởng thôn Gia Thịnh

Xây dựng nông thôn mới là mục tiêu xuyên suốt nhằm nâng cao đời sống người dân. Tuy vậy, với nguồn lực đóng góp của người dân nông thôn còn hạn chế, nữ Trưởng thôn Gia Thịnh đã vạch rõ đường đi. Theo đó, bên cạnh, huy động nội lực thì việc kêu gọi xã hội hóa sẽ đóng vai trò then chốt, giúp hóa giải khó khăn về nguồn lực.

“Chất thép” của nữ Trưởng thôn Gia Thịnh

Năm 2015, nhà văn hóa thôn Gia Thịnh được xây dựng. Trải qua quá trình sử dụng, các hạng mục xuống cấp, khuôn viên nhếch nhác. Để về đích khu dân cư kiểu mẫu, việc tôn tạo, sửa chữa nhà văn hóa theo hướng tiện ích, tạo không gian sinh hoạt văn hóa cho Nhân dân là việc làm tất yếu. Khi nội lực có hạn, Trưởng thôn Nhi linh hoạt kêu gọi con em xa quê hỗ trợ kinh phí. Thế là, người có ít góp ít, người có nhiều đóng nhiều, trong thời gian ngắn, thôn Gia Thịnh thu về hơn 200 triệu đồng.

Có tiền, chị cùng Ban Cán sự thôn họp bàn, quy hoạch lại khuôn viên bài bản. Người dân đóng góp ngày công xây dựng nhà vệ sinh đạt chuẩn, chỉnh trang lại khuôn viên; các thiết chế văn hóa được sắm sửa, sân bóng được xây dựng. Để tạo điểm nhấn nông thôn xanh sạch, thân thiện, trưởng thôn hô hào trồng hàng rào xanh bao quanh nhà văn hóa và phủ xanh hơn 2.000m tại các tuyến đường.

“Chất thép” của nữ Trưởng thôn Gia Thịnh

Đi trên cung đường của tổ tự quản 12 (thôn Gia Thịnh) với không gian thoáng đãng, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi thay. Trước đây, nhắc đến tổ tự quản 12 là nỗi ám ảnh về một vùng ao tù nước đọng với hàng loạt túp lều được các hộ dân sống xung quanh dựng lên để nuôi gà vịt, nấu nướng. Cảnh quan môi trường ô nhiễm, nhếch nhác, người dân không được tận hưởng không gian trong lành vốn có của làng quê.

Dù việc cải tạo cảnh quan đã được những người đi trước quan tâm, song, chưa thể thực hiện vì chưa gặp được tiếng nói chung với người dân. Từ khi giữ vai trò là trưởng thôn, chị Trần Thị Hồng Nhi đã đau đáu, quyết tâm xóa bỏ ao tù nước đọng, xây dựng miền quê đáng sống. Chị đứng ra kết nối, kêu gọi con em xa quê đóng góp kinh phí nhằm tạo nguồn lực xã hội hóa. Hơn 200 xe đất đã được huy động để san lấp 3 ao tù nước đọng từ nguồn hỗ trợ của người dân và con em. Chị còn bền bỉ vận động người dân xóa bỏ lều trại, xây dựng “hồ điều hòa” cộng đồng.

“Chất thép” của nữ Trưởng thôn Gia Thịnh

Bà Bùi Thị Ngụ vui mừng với cảnh quan môi trường được cải tạo xanh sạch đẹp.

Bà Bùi Thị Ngụ - người dân ở tổ tự quản 12 không giấu nổi niềm vui: “Nhà sống gần khu vực ao tù nước đọng, trước đây, chúng tôi phải sống chung với mùi hôi thối, cảnh quan nhếch nhác, mất vệ sinh. Sự quyết liệt, trách nhiệm của của Ban Cán sự thôn và cá nhân đồng chí trưởng thôn đã mang đến không gian sống sạch sẽ, trở thành điểm vui chơi, nơi tập thể dục cho người dân mỗi ngày”.

Trên địa bàn có Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh - đền Gia Thịnh, trải qua thời gian, nhiều hạng mục đã xuống cấp nghiêm trọng. Trong vai trò là “thuyền trưởng”, chị Nhi đã vận động “các mạnh thường quân” đóng góp hơn 200 triệu đồng để kịp thời tu bổ, tôn tạo đền. Tháng 2/2021, đền Gia Thịnh được nâng cao nền sân, lát gạch block, sơn sửa mới…, bà con khấn phởi khi công trình tâm linh, nơi chứa đựng những giá trị lịch sử vô giá trở nên khang trang, vững chãi hơn.

“Chất thép” của nữ Trưởng thôn Gia Thịnh

Từ nguồn lực xã hội hóa hơn 200 triệu đồng, đền Gia Thịnh được tôn tạo, nâng cấp vào tháng 2/2021.

Ông Nguyễn Khắc Chiến – Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Bình Thịnh tự hào: “Trưởng thôn Bùi Thị Hồng Nhi dám nghĩ, dám làm, có năng lực công tác, biết nắm bắt thời cơ, là người có công lớn trong việc thay đổi diện mạo thôn Gia Thịnh. Từ một đơn vị khó khăn với đặc thù địa bàn rộng, đông dân cư nhưng Gia Thịnh đã luôn “đi trước, đón đầu” trong các phong trào, trong thực hiện các chính sách, chủ trương lớn như: phá bờ vùng bờ thửa, rải thảm đường bê tông…, tạo cơ sở để xã sớm về đích nông thôn mới nâng cao”.

Video: Ông Nguyễn Khắc Chiến nhận xét về nữ trưởng thôn Trần Thị Hồng Nhi.

Không phải ngẫu nhiên mà những người làm việc thôn, việc xóm được ví von là “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”. Với nguồn phụ cấp hạn hẹp, trong khi “gánh” khối lượng công việc lớn, phải chịu không ít va chạm, có khi còn là lời đàm tiếu, nếu không đủ tâm huyết, trách nhiệm thì không mấy ai mặn mà.

Với trưởng thôn Nhi, mục tiêu sau cùng luôn là lợi ích cộng đồng nên chị dặn lòng phải tận tâm, gương mẫu, “cho dân thấy” được lợi ích thì mới mong dân tin yêu, đồng thuận, đưa Gia Thịnh thành miền quê đáng sống.

Thiết kế: Công Ngọc

Chủ đề Xây dựng nông thôn mới

Đọc thêm

Đổi thay trên vùng đất Kỳ Hoa

Đổi thay trên vùng đất Kỳ Hoa

Suốt chặng đường lịch sử 70 năm xây dựng và phát triển, Đảng bộ và Nhân dân xã Kỳ Hoa (TX Kỳ Anh, Hà Tĩnh) luôn đoàn kết, sáng tạo, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Đà Nẵng tiếp tục dẫn đầu bảng xếp hạng ICT Index

Đà Nẵng tiếp tục dẫn đầu bảng xếp hạng ICT Index

Năm 2024 là năm thứ 14 liên tiếp thành phố Đà Nẵng dẫn đầu bảng xếp hạng ICT Index. Đây là nỗ lực rất lớn của chính quyền thành phố Đà Nẵng trong phát triển cơ sở hạ tầng, ứng dụng công nghệ thông tin vào vận hành, kết nối hạ tầng số.
Chính phủ bãi bỏ 10 nghị định

Chính phủ bãi bỏ 10 nghị định

Chính phủ ban hành Nghị định số 107/2024/NĐ-CP ngày 20/8/2024 bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ.
Chuyên gia "hiến kế" để Hà Tĩnh tăng trưởng xanh và phát triển bền vững

Chuyên gia "hiến kế" để Hà Tĩnh tăng trưởng xanh và phát triển bền vững

Tại hội thảo "Hà Tĩnh chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh để phát triển bền vững, thịnh vượng và an toàn trong bối cảnh mới”, các chuyên gia đã phân tích các luận cứ khoa học và thực tiễn, bổ sung những giải pháp mang tính đặc thù, vượt trội trong tạo động lực nhằm thúc đẩy tăng trưởng xanh cho Hà Tĩnh.