
Sáng nay 8/5, Chánh án TAND Tối cao Lê Minh Trí cho biết việc sắp xếp như dự thảo đáp ứng yêu cầu sắp xếp, tinh gọn bộ máy TAND bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới.
Sau sắp xếp, tổ chức hệ thống tòa án theo thẩm quyền xét xử gồm ba cấp: Tòa án nhân dân tối cao, cấp tỉnh, cấp khu vực. Cùng với đó, dự luật chuyển các TAND sơ thẩm chuyên biệt thành các tòa chuyên trách trong TAND khu vực.
Dự luật cũng bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn phúc thẩm các vụ án hình sự của TAND cấp tỉnh bị kháng cáo, kháng nghị; bổ sung quy định trong cơ cấu tổ chức của TAND Tối cao có các tòa phúc thẩm TAND Tối cao. Việc quy định phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ của các tòa phúc thẩm TAND Tối cao theo đề nghị của Chánh án TAND Tối cao được đề xuất giao Ủy ban Thường vụ.
TAND Tối cao cũng đề nghị tăng số lượng thẩm phán TAND Tối cao từ 13-17 người lên tối đa 27 người. Việc này bảo đảm đủ nguồn nhân lực giải quyết kịp thời, chất lượng với khối lượng công việc giám đốc thẩm, tái thẩm của TAND Tối cao tiếp nhận từ TAND cấp cao.
Thẩm tra, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp tán thành quy định về tổ chức bộ máy, nhiệm vụ, quyền hạn của TAND và các vấn đề liên quan sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của TAND theo mô hình ba cấp.
Tuy nhiên, các chính sách trong dự thảo khi được thông qua sẽ khiến số lượng vụ việc giám đốc thẩm, tái thẩm thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND Tối cao trong thời gian tới là khá lớn. Cùng với giải pháp về nâng cao chất lượng xét xử, năng lực cho cán bộ, thẩm phán, cơ quan thẩm tra đề nghị đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác tòa án.
Ủy ban này cũng kiến nghị nghiên cứu, sửa đổi quy định về giám đốc thẩm, nhất là điều kiện nộp đơn đề nghị giám đốc thẩm, căn cứ kháng nghị, tránh việc lạm dụng thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm để khiếu nại tràn lan, không có điểm dừng, dồn việc lên TAND Tối cao.
Sáng cùng ngày, Quốc hội cũng nghe tờ trình Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức VKSND. Theo dự thảo, số lượng kiểm sát viên VKSND Tối cao được đề xuất tăng từ 19 lên 27 người. Việc này để bảo đảm nhân lực thực hiện nhiệm vụ công tố, kiểm sát xét xử với hoạt động của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao.
Nhằm thể chế hóa các chủ trương của Đảng về tinh gọn bộ máy, dự thảo đề xuất tổ chức hệ thống Viện kiểm sát từ 4 cấp (VKSND Tối cao, cấp cao, cấp tỉnh và cấp huyện) thành 3 cấp (VKSND Tối cao, cấp tỉnh, cấp khu vực; Viện kiểm sát quân sự các cấp).

Ủy ban Pháp luật và Tư pháp đồng tình với việc hệ thống VKSND có ba cấp, gồm: VKSND Tối cao, VKSND cấp tỉnh và VKSND khu vực; kết thúc hoạt động của VKSND cấp cao và VKSND cấp huyện.
Việc đề xuất bỏ quy định hiện hành về thi nâng ngạch kiểm sát viên mà chỉ quy định việc bổ nhiệm kiểm sát viên lần đầu phải qua kỳ thi tuyển chọn được đa số thành viên cơ quan thẩm tra đồng tình, do khắc phục thực trạng tổ chức nhiều kỳ thi nâng ngạch kiểm sát viên, gây tốn kém thời gian, chi phí.
Tuy nhiên, việc nâng ngạch kiểm sát viên là vấn đề quan trọng, liên quan đến nguồn lực bảo đảm và yêu cầu kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ. Cơ quan chủ trì soạn thảo cần bổ sung quy định giao Ủy ban Thường vụ quy định việc nâng ngạch kiểm sát viên.
Ngoài ra, cơ quan soạn thảo làm rõ lý do của việc bỏ quy định đại diện lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là thành viên Hội đồng thi tuyển chọn kiểm sát viên, trong khi đây là một trong những cơ chế để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện trách nhiệm giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước.