Bộ trưởng Tài chính: Cần đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt 'càng sớm càng tốt'

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho rằng phải đánh thuế nước ngọt sớm hơn, không thể để thế hệ con em tới khi bị béo phì, nhiễm bệnh mới có biện pháp ngăn ngừa.

Quan điểm này được Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng nêu khi giải trình trước Quốc hội dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), ngày 9/5.

Theo dự thảo, nước giải khát có hàm lượng đường trên 5 gram một 100 ml (nước ngọt) phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt từ năm 2027 - tức lùi một năm so với dự kiến trước đây. Mức thuế áp trong năm đầu tiên là 8%, sau đó tăng lên 10% từ 2028.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết quá trình soạn thảo, lấy ý kiến Bộ này nhận được nhiều ý kiến trái chiều việc áp thuế hay không với nước ngọt. Ông khẳng định có căn cứ rõ ràng để quyết định áp thuế với nước ngọt.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo Việt Nam, một trong số quốc gia tiêu thụ nước ngọt ngày càng lớn, nguy cơ béo phì cao, cần "đánh thuế càng sớm, càng cao càng tốt với nước giải khát có đường".

"Cá nhân tôi cũng cho rằng phải đánh thuế nước ngọt sớm hơn, không thể để thế hệ con em tới khi bị béo phì, nhiễm bệnh tật rồi mới có biện pháp ngăn ngừa", Bộ trưởng Thắng nói.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng giải trình tại phiên thảo luận dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), ngày 9/5. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng giải trình tại phiên thảo luận dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), ngày 9/5. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội

Ông Thắng nói thêm theo số liệu của WHO, mỗi người Việt tiêu thụ khoảng 46,5% đường tự do một ngày, phần lớn trong số này đến từ nước giải khát có đường. Đây là nguyên nhân gây béo phì, thừa cân. Tổ chức này khuyến nghị Việt Nam áp thuế tối thiểu 20% với nước ngọt.

Thảo luận trước đó, ông Phạm Văn Hòa (đại biểu tỉnh Đồng Tháp) cho rằng cần cân nhắc kỹ và có lộ trình hợp lý hơn khi áp thuế với nước ngọt. Theo ông, lập luận được Chính phủ đưa ra để áp thuế này là để ngăn nguy cơ béo phì ở trẻ em, nhưng thực tế có nhiều sản phẩm dẫn tới bệnh lý này, không chỉ nước ngọt.

"Hiện nhiều người 'mê' nhất là trà sữa, cả trẻ em, người lớn. Nhiều loại thực phẩm, bánh ngọt, kẹo... được bán tràn lan ở các quán ăn vỉa hè, chứ không chỉ nước ngọt. Nếu thu thì các sản phẩm khác có đường cũng phải thu, ví dụ bánh kẹo ngọt hơn nước ngọt lại không chịu thuế", ông Hòa nói, cho rằng cơ quan soạn thảo cần tính toán để có lộ trình thu thuế đặc biệt với nước ngọt hợp lý hơn.

Ông Phạm Văn Hòa, đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp phát biểu tại phiên thảo luận ngày 9/5. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội
Ông Phạm Văn Hòa, đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp phát biểu tại phiên thảo luận ngày 9/5. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội

Hiện 107 quốc gia trên thế giới, riêng khu vực ASEAN có 7 nước đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt. Tại báo cáo giải trình, tiếp thu dự luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nêu quan điểm lộ trình áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt từ năm 2027, mức 8%. Từ 2028, thuế với mặt hàng này tăng lên 10%.

Ông Trần Văn Khải, đại biểu chuyên trách Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng cho rằng việc áp thuế 10% với nước ngọt là chưa hợp lý, có thể gây tác động ngoài mong muốn khi các sản phẩm tự nhiên (nước dừa, nước trái cây) có thể bị đánh đồng với nước ngọt có gas.

"200.000 nông dân trồng dừa và hàng trăm doanh nghiệp chế biến lo lắng sản phẩm nước dừa chế biến của họ có bị coi là nước giải khát chịu thuế hay không. Việc áp cùng mức thuế 10% như nước ngọt là chưa phù hợp, ảnh hưởng xấu đến sản xuất nông nghiệp", ông lo ngại.

Thay vì áp thuế, ông cho rằng cần kết hợp các giải pháp như tăng truyền thông về dinh dưỡng để thay đổi hành vi tiêu dùng, vì thuế 10% "có thể quá thấp để tác động tới sức khỏe cộng đồng".

Đại biểu chuyên trách tại Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị lùi thời điểm áp thuế với nước ngọt tới 2027, với mức khởi điểm 5-8% trong năm đầu. Sau đó mức thuế suất có thể tăng lên 10%, giúp doanh nghiệp có thời gian thích ứng và cải tiến công thức giảm đường.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Việt Nga - Phó đoàn đại biểu tỉnh Hải Dương ủng hộ việc đánh thuế đặc biệt với nước ngọt như tại dự thảo luật. Ngoài tăng thu ngân sách, việc áp thuế mặt hàng này còn định hướng tiêu dùng, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và thúc đẩy doanh nghiệp cải tiến sản phẩm lành mạnh hơn.

Thực tế, nhiều nước như Thái Lan, Philippines, Anh, Mexico... đã áp thuế với đồ uống có đường và giảm tiêu dùng sản phẩm có đường cao, tăng nhận thức về dinh dưỡng và thêm nguồn lực tài chính cho các chương trình y tế dự phòng.

Tuy vậy, bà Nga đề nghị dự luật quy định rõ hơn ngưỡng đường từ 5 gram một 100 ml trở lên theo tiêu chuẩn Việt Nam để tránh áp dụng tràn lan với các sản phẩm có lợi sức khoẻ (sữa, nước trái cây nguyên chất).

"Điều này giúp chính sách thuế hướng trúng vào nhóm sản phẩm cần điều chỉnh mà không ảnh hưởng tiêu cực đến các ngành sản xuất thực phẩm lành mạnh", bà nói thêm.

Quốc hội sẽ biểu quyết, thông qua dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) ngày 13/6.

vnexpress.net

Đọc thêm

Khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV

Khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV chính thức khai mạc vào sáng 5/5. Đây là kỳ họp có nhiều nội dung quan trọng, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII - Hội nghị lịch sử, bàn về những quyết sách lịch sử trong giai đoạn cách mạng mới của nước ta, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Sắp xếp ĐVHC cấp xã ở Hà Tĩnh: Lắng nghe góp ý của Nhân dân, kịp thời điều chỉnh phù hợp

Sắp xếp ĐVHC cấp xã ở Hà Tĩnh: Lắng nghe góp ý của Nhân dân, kịp thời điều chỉnh phù hợp

Hà Tĩnh vừa hoàn thành việc lấy ý kiến Nhân dân về Đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã năm 2025 với tỷ lệ đồng tình cao hơn 98,8%. Điều đó không chỉ cho thấy đề án được chuẩn bị công phu, đảm bảo chất lượng mà còn thể hiện tinh thần tâm huyết, trách nhiệm của người dân trước thời cơ, vận hội mới của quê hương, đất nước.
Sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã - sẵn sàng cho sự phát triển mới

Sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã - sẵn sàng cho sự phát triển mới

Hà Tĩnh đã hoàn tất việc lấy ý kiến cử tri và nhân dân về dự thảo phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã. Quá trình lấy ý kiến một lần nữa cho thấy sự đồng tình cao về chủ trương sắp xếp cũng như sự quan tâm đặc biệt với những vấn đề như tên gọi đơn vị mới hay trung tâm hành chính sau sắp xếp…