Người Việt tiêu thụ đồ uống có đường tăng 10 lần

(Baohatinh.vn) - Người Việt tiêu thụ lượng đồ uống có đường tăng gấp 10 lần trong 20 năm kéo theo nhiều bệnh tật mạn tính.

Người Việt tiêu thụ lượng đồ uống có đường tăng gấp 10 lần trong 20 năm kéo theo nhiều bệnh tật mạn tính, Tổ chức Y tế Thế giới đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt với loại sản phẩm này.

TS Angela Pratt, Trưởng đại diện Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, cho biết như trên tại hội thảo Tác hại của đồ uống có đường với sức khỏe và vai trò của chính sách thuế trong kiểm soát tiêu dùng, ngày 5/4.

Năm 2002, trung bình một người Việt tiêu thụ 6,04 lít đồ uống có đường. Năm 2021, con số này là 55,78 lít, tức tăng gấp 10 lần, theo khảo sát của WHO.

1-6045-1701233907.jpg
Đồ uống có đường làm tăng nguy cơ mắc đái tháo đường. Ảnh:Freepik

Đồ uống có đường, theo định nghĩa của WHO, là tất cả loại đồ uống có chứa đường tự do (đường thêm vào), gồm nước ngọt không chứa cồn có ga hoặc không có ga; nước ép trái cây rau củ, đồ uống từ trái cây rau củ dưới dạng đồ uống; chất cô đặc dạng lỏng và bột, nước có pha chế hương liệu, nước tăng lực và đồ uống cho người chơi thể thao; trà pha sẵn; cà phê pha sẵn và đồ uống sữa có pha chế hương liệu.

"Lạm dụng đồ uống có đường dẫn đến các vấn đề sức khỏe như béo phì, đái tháo đường type 2, sâu răng, tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đột quỵ, ung thư", bà Angela Pratt nói, thêm rằng tăng hoặc giảm tiêu thụ đường tự do (bất kể lượng đường là bao nhiêu) liên quan thuận chiều với thay đổi cân nặng. Ở các thành phố, cứ 4 thanh thiếu niên trong độ tuổi 15-19 thì có hơn một người bị thừa cân hoặc béo phì.

Thực tế, tỷ lệ thừa cân, béo phì đang tăng nhanh, đặc biệt là ở người trẻ tuổi, và liên quan đến hành vi ăn uống. PGS Trương Tuyết Mai, Phó Viện trưởng Dinh dưỡng quốc gia, dẫn nghiên cứu uống một lon nước ngọt/ngày trong vòng 1,5 năm sẽ tăng 60% nguy cơ thừa cân, béo phì. Còn uống nước ngọt thường xuyên 1-2 lon/ngày (hoặc nhiều hơn) thì nguy cơ mắc đái tháo đường type 2 cao hơn 26% so với người hiếm khi uống.

Trong khi đó WHO khuyến cáo trẻ từ 2 đến 18 tuổi nên hạn chế lượng đường tiêu thụ xuống dưới 25 g/ngày, giới hạn đồ uống có đường không quá 235 ml/tuần. Trẻ em dưới 2 tuổi không nên dùng bất kỳ loại thực phẩm hoặc đồ uống nào có thêm đường.

"Cần có hành động kịp thời và quyết đoán để đảo ngược những xu hướng này", bà Angela Pratt nói. Trên thế giới, biện pháp phổ biến để giảm tác hại từ đồ uống có đường là tăng giá của chúng bằng cách áp thuế. Giá tác động đến chi phí, giúp giảm lượng tiêu thụ.

Theo tính toán của WHO, nếu thuế làm tăng giá đồ uống lên 10%, mọi người sẽ uống ít hơn khoảng 11%. Họ chuyển sang đồ uống lành mạnh hơn như nước suối.

Hiện hơn 100 quốc gia đã áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các sản phẩm này.

Ngoài thuế, WHO cũng khuyến nghị áp dụng các biện pháp kiểm soát như ghi nhãn dinh dưỡng ở mặt trước đồ uống, hạn chế quảng cáo, hạn chế đồ uống có đường trong trường học, giáo dục về dinh dưỡng lành mạnh cho trẻ em và thanh thiếu niên.

Ông Nguyễn Tuấn Lâm, đại diện của WHO tại Việt Nam, đề xuất Chính phủ xem xét áp dụng thuế đồ uống có đường ở mức 20% giá bán lẻ. Mặt khác, cân nhắc đánh thuế theo hàm lượng hoặc ngưỡng đường để khuyến khích sản phẩm giảm đường.

"Các biện pháp như thế này có thể giúp làm chậm sự gia tăng tỷ lệ thừa cân và béo phì, đặc biệt ở trẻ em và giảm nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm trong các thế hệ tương lai", ông Lâm nói.

Bộ Tài chính cũng đang xây dựng dự thảo về thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường. Tham gia ý kiến, Bộ Y tế đề xuất tất cả đồ uống có đường theo định nghĩa của WHO đều cần chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, mức thuế căn cứ hàm lượng đường trong 100 ml và nên quy định ngưỡng. Hàm lượng đường trên ngưỡng này thì đánh thuế, theo nguyên tắc càng nhiều đường mức thuế càng cao. Ngược lại, dưới ngưỡng thì không phải chịu thuế. Tuy nhiên, Bộ Y tế chưa nêu rõ "ngưỡng", tức hàm lượng đường trong 100 ml đồ uống, là bao nhiêu.

Với một số sản phẩm dinh dưỡng (sữa, các sản phẩm từ sữa...) có hàm lượng đường thấp, Bộ Y tế đề xuất chưa áp thuế tiêu thụ đặc biệt.

vnexpress.net

Đọc thêm

8 kiểu tư duy khiến bạn nghèo

8 kiểu tư duy khiến bạn nghèo

Tư duy sai nghĩa là bạn nhìn thế giới qua lăng kính của sự khan hiếm và thiếu thốn, không thấy được sự phong phú và những cơ hội xung quanh mình.
Tới thời Gen Z quản cha mẹ

Tới thời Gen Z quản cha mẹ

Những đứa con từng bị cha mẹ giám sát kỹ càng giờ đây đảo ngược vai trò. Nhiều người cảm thấy khó chịu, số khác thấy đây là cách để gắn kết gia đình.
Gen Z định nghĩa lại văn hóa rượu bia

Gen Z định nghĩa lại văn hóa rượu bia

Khi bắt đầu làm bartender 20 năm trước, Zhang Yuan thường thấy khách độ tuổi 30-40 uống rượu xã giao trong công việc, nhưng nay mọi chuyện đã thay đổi.
Bao nhiêu tuổi kết hôn là phù hợp?

Bao nhiêu tuổi kết hôn là phù hợp?

Kết hôn khi quá trẻ, cả hai người đều chưa chín chắn, trưởng thành có thể dẫn đến ly hôn, nhưng chờ đợi quá lâu cũng gây ra nhiều vấn đề.
6 yếu tố nguy cơ gây ung thư ở người trẻ

6 yếu tố nguy cơ gây ung thư ở người trẻ

Hệ vi khuẩn đường ruột thay đổi, ô nhiễm không khí, vi nhựa, béo phì, uống rượu và tiêu thụ thực phẩm siêu chế biến có thể là yếu tố nguy cơ gây ung thư ở người trẻ.
8 lời khuyên ăn uống giúp sống thọ

8 lời khuyên ăn uống giúp sống thọ

Ăn đa dạng, phối hợp đạm động vật và thực vật, không ăn mặn, tiêu thụ rau quả hàng ngày, là những nguyên tắc được chuyên gia dinh dưỡng khuyên giúp sống thọ.