Một năm nhiều khó khăn, thách thức nhưng cũng không ít dấu ấn đã đi qua, Hà Tĩnh mở cánh cửa năm 2023 với niềm tin tưởng, phấn khởi và kỳ vọng. Chia sẻ với Báo Hà Tĩnh, đồng chí Hoàng Trung Dũng - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tin tưởng: “Khi truyền thống văn hóa, cách mạng và giá trị, sức mạnh con người Hà Tĩnh được phát huy, trở thành những hành động thiết thực, hiệu quả, vì sự phát triển của tỉnh nhà thì dù trở ngại, khó khăn nào chúng ta cũng sẽ vượt qua và sẽ giành được những thắng lợi to lớn hơn trên hành trình phát triển”.
• Thưa đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, năm 2022, năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025, Hà Tĩnh đã cụ thể hóa và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, chương trình trọng điểm, các đột phá chiến lược. Xin đồng chí chia sẻ về kết quả này?
• Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra 7 nhiệm vụ trọng tâm, 5 chương trình trọng điểm và 3 mũi đột phá chiến lược. 7 nhiệm vụ trọng tâm bao gồm: tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; chú trọng công tác kiểm tra, giám sát, đấu tranh phòng chống tham nhũng; chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu; xây dựng hạ tầng đồng bộ; phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục, khoa học, công nghệ, nguồn lực con người; đẩy mạnh cải cách hành chính; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc. 5 chương trình trọng điểm gồm: cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng tỉnh đạt chuẩn NTM; phát triển các tuyến giao thông chiến lược, hình thành các trục phát triển; nâng cao chất lượng đô thị; phát triển giá trị, bản sắc văn hóa, trí tuệ con người Hà Tĩnh; phát triển du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. 3 đột phá chiến lược gồm: phát triển nguồn nhân lực và xây dựng đội ngũ cán bộ; đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số; xây dựng Khu kinh tế (KKT) Vũng Áng trở thành trung tâm công nghiệp động lực.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và lãnh đạo các bộ, ngành, lãnh đạo tỉnh khảo sát khu vực biển Thạch Hải (Thạch Hà) nhân chuyến công tác tại Hà Tĩnh (ngày 11/6/2022). Ảnh: Huy Tùng.
Bám sát chương trình hành động thực hiện nghị quyết, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, BCH Đảng bộ tỉnh, BTV Tỉnh ủy đã ban hành 13 nghị quyết và nhiều chỉ thị, kết luận để cụ thể hóa các nhiệm vụ trọng yếu như: công tác cán bộ; xây dựng tỉnh NTM; tập trung, tích tụ ruộng đất; phát triển doanh nghiệp, HTX; phát triển KKT Vũng Áng; mở rộng TP Hà Tĩnh; đẩy mạnh xuất khẩu gắn với phát triển dịch vụ logistics; chuyển đổi số, cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp.
Triển khai các nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh, BTV Tỉnh ủy, HĐND tỉnh đã ban hành 80 nghị quyết, UBND tỉnh ban hành 9 đề án và nhiều chương trình, kế hoạch để triển khai tổ chức thực hiện. Sau khi các chủ trương, nghị quyết được ban hành, các cấp, ngành, địa phương, đơn vị đã xây dựng kế hoạch, lộ trình và thời gian thực hiện cụ thể; thành lập các tổ giúp việc để thực hiện các chủ trương lớn, nhiệm vụ khó. Các chủ trương, nghị quyết ban hành đã tạo được sự thống nhất, quyết tâm hành động cao trong hệ thống chính trị và sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân.
Toàn cảnh TP Hà Tĩnh nhìn từ phía Nam. Ảnh: Huy Tùng
Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Cùng với “Định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” và Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị về “Phát triển KT-XH và bảo đảm QP-AN vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” sẽ tạo cơ sở để Hà Tĩnh nỗ lực phấn đấu trở thành tỉnh phát triển của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh khá, nằm trong nhóm 20 tỉnh, thành phố có tổng sản phẩm (GRDP) cao của cả nước. Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục tập trung phát triển 4 ngành kinh tế trọng điểm: công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng; nông nghiệp; dịch vụ, du lịch; dịch vụ cảng biển và logistics; 3 trung tâm đô thị: phát triển TP Hà Tĩnh là hạt nhân và các đô thị vệ tinh; đô thị phía Bắc với hạt nhân là TX Hồng Lĩnh gắn với thị trấn Nghi Xuân, thị trấn Xuân An, thị trấn Can Lộc và thị trấn Đức Thọ; đô thị phía Nam với hạt nhân là TX Kỳ Anh gắn với KKT Vũng Áng và các vùng phụ cận; 3 hành lang kinh tế: đồng bằng ven biển cùng với quốc lộ 1 và đường ven biển; dọc đường 8 và TX Hồng Lĩnh - Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo kết nối hành lang kinh tế Đông - Tây; trung du và miền núi gắn với đường Hồ Chí Minh; 1 trung tâm động lực tăng trưởng: KKT Vũng Áng và dựa trên bốn nền tảng chính: nguồn lực và văn hóa con người Hà Tĩnh; chuyển đổi số; cơ sở hạ tầng đồng bộ; đổi mới và hoàn thiện thể chế, tạo môi trường kinh doanh hiện đại và minh bạch. Cùng với đó, tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả đề án xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn NTM theo lộ trình.
Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo. Ảnh: Đình Nhất
• P.V: Thưa đồng chí, những định hướng chiến lược nêu trên cùng với các giải pháp trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp đã giúp Hà Tĩnh đạt được kết quả như thế nào trên các lĩnh vực trong năm 2022?
• Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng: Năm 2022, tình hình thế giới và trong nước có những diễn biến mới, gây nhiều khó khăn, thách thức khó lường so với dự báo. Tuy vậy, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, các tổ chức trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, sự nỗ lực của Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, Hà Tĩnh tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ đề ra, tạo được những dấu ấn quan trọng.
Đảng bộ tỉnh tiếp tục đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, khát vọng cống hiến của cán bộ, đảng viên, phát huy dân chủ, xây dựng khối đại đoàn kết vững chắc. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được chú trọng, trọng tâm là triển khai thực hiện Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của BCH Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với các quy định về những điều đảng viên không được làm, về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu. Tiếp tục sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp thường xuyên tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của Nhân dân, kịp thời giải quyết đơn thư, khiếu nại của công dân, phần lớn các vụ việc được giải quyết ngay từ cơ sở, giảm hẳn khiếu kiện vượt cấp, đông người. Năm 2022, Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh được thành lập và đi vào hoạt động, cùng với tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đã góp phần tích cực trong công tác phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm, đảm bảo kỷ luật, kỷ cương.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và lãnh đạo các cơ quan Trung ương, tỉnh Hà Tĩnh nghe báo cáo tiến độ xây dựng dự án Nhà máy Sản xuất Pin VinES của Tập đoàn Vingroup tại Khu kinh tế Vũng Áng (ngày 31/8/2022). Ảnh: Văn Đức
Tình hình KT-XH của tỉnh năm 2022 đạt được những kết quả quan trọng. 19/26 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đã thể hiện nỗ lực, quyết tâm rất cao của cả hệ thống chính trị, trong đó, một số chỉ tiêu quan trọng như thu ngân sách đạt hơn 18.000 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 45,08 triệu đồng/kế hoạch 39 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 4%. Thu hút đầu tư có những tín hiệu tích cực; các dự án cell pin, Nhiệt điện Vũng Áng 2, Nhà máy Bia Hà Nội - Nghệ Tĩnh đi vào hoạt động, tạo động lực mới cho tăng trưởng.
Sản xuất nông nghiệp đạt kết quả khá với điểm nhấn trong công tác tập trung, tích tụ ruộng đất, bước đầu hình thành các chuỗi sản xuất sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn. Chương trình xây dựng NTM đạt kết quả khả quan, nhất là dồn sức hỗ trợ các địa phương khó khăn đạt chuẩn. Hoạt động du lịch, dịch vụ từng bước phục hồi.
Một trong những kết quả ấn tượng trong năm là lĩnh vực văn hóa - xã hội phát triển toàn diện. Các sự kiện chính trị, văn hóa lớn được tổ chức thành công; các giá trị văn hóa tiếp tục được bảo tồn, phát huy, trong đó Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu được UNESCO vinh danh là Di sản tư liệu ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cùng với dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh, Truyện Kiều - Nguyễn Du, Mộc bản trường học Phúc Giang, Hoàng Hoa sứ trình đồ đã góp phần làm giàu thêm bản sắc văn hóa, con người Hà Tĩnh. Chất lượng giáo dục toàn diện được giữ vững; giáo dục mũi nhọn đạt kết quả cao. Công tác an sinh xã hội tiếp tục được chăm lo; huy động hàng nghìn tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa khắc phục hậu quả thiên tai, hỗ trợ xây dựng nhà ở cho các gia đình có công, đối tượng chính sách, hỗ trợ học sinh gặp hoàn cảnh khó khăn học đại học. QP-AN, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; các hoạt động đối ngoại được triển khai sâu rộng, hiệu quả; tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm Năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào.
Một tài liệu văn bản hành chính do chính quyền gửi cho người dân xã Trường Lưu thuộc bộ sưu tập (ảnh 1). Đoàn công tác tỉnh Hà Tĩnh đón nhận giấy chứng nhận Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu được UNESCO vinh danh là Di sản tư liệu ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ảnh 2). Giáo sư Nguyễn Huy Mỹ giới thiệu một sắc phong trong bộ sưu tập Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu (ảnh 3).
Bên cạnh những kết quả đáng phấn khởi, nhìn lại trong năm qua, việc triển khai thực hiện nhiệm vụ vẫn còn những hạn chế. Trăn trở nhất là một số chỉ tiêu đề ra trong năm 2022 không đạt kế hoạch (tốc độ tăng trưởng kinh tế; GRDP bình quân đầu người; tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội, kim ngạch xuất khẩu; tỷ lệ chất thải rắn được phân loại, thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn; tỷ lệ dân số đô thị sử dụng nước sạch), tạo áp lực trong việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ giai đoạn 2021-2025.
• P.V: Xin đồng chí cho biết các nhiệm vụ trọng tâm để đưa KT-XH tỉnh nhà bứt phá trong năm 2023 - năm bản lề thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các cấp?
• Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng: Năm 2023 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc thực hiện kế hoạch 5 năm (2021-2025). Để thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2023 và những năm tiếp theo, BCH Đảng bộ tỉnh, BTV Tỉnh ủy sẽ tập trung nâng cao hơn nữa chất lượng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức Đảng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền. Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới theo tinh thần Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII, nhất là đổi mới phương thức lãnh đạo của BTV Tỉnh ủy đối với Ban Cán sự đảng UBND tỉnh, Đảng đoàn HĐND tỉnh và các tổ chức Đảng trực thuộc, đồng thời phát huy vai trò của các cấp ủy, tổ chức Đảng, các tổ chức trong hệ thống chính trị; chú trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền.
Phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng, tiêu cực; tập trung lực lượng, đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án, vụ việc theo nguyên tắc “Tích cực, khẩn trương, rõ đến đâu xử lý đến đó”. Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức, bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, liêm chính, trong sạch. Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức bản lĩnh chính trị vững vàng, tiên phong, gương mẫu về đạo đức và lối sống, có tính chuyên nghiệp cao, lăn xả với công việc; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu; khuyến khích và bảo vệ những cán bộ dám đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Triển khai có hiệu quả các nghị quyết của tỉnh đã ban hành gắn với Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị về “Phát triển KT-XH và bảo đảm QP-AN vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và các nghị quyết Hội nghị Trung ương 5, Hội nghị Trung ương 6. Triển khai kịp thời Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 gắn với tăng cường xúc tiến, thu hút đầu tư, đẩy nhanh các dự án trọng điểm. Tập trung giải phóng mặt bằng, tái định cư dự án đường cao tốc Bắc - Nam. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số; thúc đẩy phục hồi, phát triển sản xuất công nghiệp; duy trì ổn định sản xuất nông nghiệp, xây dựng NTM. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh ứng dụng và phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Chú trọng phát triển văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội và không ngừng cải thiện đời sống Nhân dân. Bảo đảm QP-AN, trật tự an toàn xã hội; giữ vững ổn định tình hình. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại phục vụ phát triển KT-XH.
• P.V: Trong chặng đường đi tới, nguồn lực văn hóa, sức mạnh con người Hà Tĩnh được khẳng định có vai trò hết sức to lớn. Xin đồng chí cho biết những giải pháp trọng tâm nhằm phát huy sức mạnh con người Hà Tĩnh trước những yêu cầu phát triển mới của tỉnh nhà?
• Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng: Đại hội lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của nền văn hóa và con người Việt Nam... phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất”. Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX xác định: “… Phát huy dân chủ, đoàn kết, ý chí, khát vọng, giá trị văn hóa và sức mạnh con người Hà Tĩnh… huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển nhanh, bền vững”.
Em Phan Xuân Hành (áo đỏ) - học sinh lớp 12 Hóa, Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh năm học 2021-2022 với tấm HCV Hóa học quốc tế năm 2022. Ảnh: Huy Tùng
Để văn hóa thực sự là nền tảng, động lực và mục tiêu cho sự phát triển, ở tầm vĩ mô phải đặt văn hóa ngang hàng với kinh tế, đầu tư tương xứng cho văn hóa; chú trọng bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa, nhất là các giá trị văn hóa được UNESCO vinh danh. Đặc biệt phải hết sức chú trọng xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, đó là: văn hóa gia đình, dòng họ để giữ gìn nền nếp gia phong; văn hóa làng xã để lưu giữ tình làng, nghĩa xóm; coi trọng văn hóa học đường để giáo dục nhân cách cho học sinh, vun đắp truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo; quan tâm văn hóa doanh nghiệp, đạo đức kinh doanh, chú trọng văn hóa công sở để xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tâm huyết, trách nhiệm, chuyên nghiệp, chuyên tâm cống hiến, phục vụ Nhân dân, vì lợi ích chung, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực. Thời gian qua, tỉnh hết sức quan tâm xây dựng các môi trường văn hóa, góp phần đưa văn hóa trở thành động lực nội sinh, tạo nền tảng để phát triển bền vững. Dịp kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh, 30 năm tái lập tỉnh và Hội nghị Văn hóa toàn tỉnh đã tạo được sự lan tỏa sâu rộng về truyền thống văn hóa, cách mạng của quê hương; khơi dậy ý chí, khát vọng của mỗi người dân Hà Tĩnh, góp phần đưa tỉnh nhà tiếp tục ổn định, phát triển.
Năm 2022, Hà Tĩnh tổ chức thành công Kỷ niệm 65 năm Ngày Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh và 15 năm thành lập TP Hà Tĩnh, để lại nhiều ấn tượng sâu đậm trong lòng bạn bè quốc tế, lãnh đạo Trung ương, các tỉnh bạn và Nhân dân địa phương. Ảnh: Huy Tùng - Đình Nhất
Tỉnh sẽ tập trung triển khai Đề án phát triển văn hóa Hà Tĩnh, xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, khơi dậy ý chí, khát vọng của mỗi người dân; làm cho văn hóa Hà Tĩnh phải lan tỏa hơn nữa đến bạn bè muôn phương. Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đặc biệt coi trọng giáo dục lý tưởng cách mạng, trách nhiệm xã hội, kỹ năng sống cho thế hệ trẻ. Từ đó tiếp tục phát huy, bồi đắp những phẩm chất của con người Hà Tĩnh về tinh thần yêu quê hương, đất nước, kiên cường, dũng cảm, hiếu học, chịu thương, chịu khó, nghĩa tình, thủy chung, nhân văn; luôn phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, kết nối vì cộng đồng. Tiếp tục xây dựng, phát triển nâng tầm giá trị văn hóa, phẩm chất tốt đẹp của con người Hà Tĩnh trong thời kỳ mới như: tính tổ chức, tính kỷ luật, cầu thị, khát khao đổi mới, cống hiến, xây dựng lối sống mình vì mọi người.
Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng chúc tết cán bộ, chiến sỹ Ban Chỉ huy Quân sự huyện Nghi Xuân. Ảnh: Ngọc Loan
Nhân dịp năm mới, tôi mong muốn mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức tỉnh nhà, trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng luôn gương mẫu, tận tụy, gần gũi, tôn trọng và lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân; trăn trở với cuộc sống của Nhân dân. Đối với mỗi người dân Hà Tĩnh, luôn xây đắp cho mình nhân cách, lối sống đẹp, nhân văn; đề cao dân chủ gắn với thượng tôn pháp luật; luôn có nghị lực và ý chí vươn lên, đóng góp trách nhiệm, tâm huyết cho sự phát triển của quê hương, đất nước.
Tin tưởng, khi truyền thống văn hóa, cách mạng và giá trị, sức mạnh con người Hà Tĩnh được phát huy, trở thành những hành động thiết thực, hiệu quả, vì sự phát triển của tỉnh nhà thì dù trở ngại, khó khăn nào chúng ta cũng sẽ vượt qua và Hà Tĩnh sẽ tiếp tục giành được những thắng lợi to lớn hơn trên hành trình phát triển, trở thành tỉnh khá của cả nước.
Ảnh: P.V
thiết kế: huy tùng