Quốc phòng - An ninh

Những bước chân không mỏi…

Những bước chân không mỏi…

Nhường địa bàn cho dự án thủy điện Ngàn Trươi - Cẩm Trang, năm 2016, Đồn Biên phòng Hương Quang di dời vào sâu trong chân núi Giăng Màn. Nơi ấy, nếu muốn đến thì phải đi bằng xuồng máy và phải tăng bo bằng xe ô tô một quãng đường rừng khá xa. Nơi ấy, buổi ban đầu là chốn không điện lưới, không dân, không điện thoại - biệt lập với thế giới bên ngoài.

Những bước chân không mỏi…

- Nay đã có sóng điện thoại Viettel rồi, chúng tôi bây giờ là đồn “hai không” rồi đấy. Thế nhưng, tới đây, khi mực nước lòng hồ Ngàn Trươi, Cẩm Trang đạt cốt 54 thì chúng tôi lại là đồn “ba không” vì đường giao thông bộ sẽ bị nhấn chìm - người lính làm nhiệm vụ tăng bo đưa chúng tôi vào đồn chia sẻ.

Sau câu nói của người lính ấy, chúng tôi không ai nói với ai điều gì, chỉ lặng lẽ ngắm nhìn những “di tích” còn sót lại của những làng mạc, xóm thôn. Xe đưa chúng tôi đi qua những cột mốc báo mực cốt nước tương lai của lòng hồ. Rồi đây, những dấu vết này cũng sẽ chìm sâu trong lòng hồ và đường đến Đồn Hương Quang chỉ là một biển nước mênh mông.

Những bước chân không mỏi…

Đại bản doanh của Đồn Biên phòng Hương Quang hiện ra trước mắt tôi sau chừng 20 phút ngồi xe tăng bo. Khác với mường tượng ban đầu của tôi về miền biên ải, đồn có vị trí rất đẹp và được bảo vệ tuyệt đối bởi những vách núi thẳng đứng xung quanh. Tôi ngước nhìn lên những vách núi. Chưa bao giờ tôi thấy núi cao đến thế mà gần đến thế, mà “trượng phu” đến thế…

Những bước chân không mỏi…

- Đó là đường tuần tra của chúng tôi đấy! - Thượng tá Đinh Văn Minh - Chính trị viên Đồn Biên phòng Hương Quang nói khi nhìn theo ánh mắt của chúng tôi.

- Nói là đường nhưng chẳng có đường nào cả đâu. Anh em đi tuần tra chủ yếu đi theo các hướng rồi lội suối, phát cây, luồn rừng mà đi thôi - anh Minh nói tiếp.

Tôi lại ngước nhìn lên xanh thẳm núi non và tự hỏi: Núi rừng đã ấm áp mấy phần khi các anh về gần? Có lẽ cả núi rừng và con người đã xua tan đi nỗi cô quạnh trong nhau, ôm ấp, vỗ về nhau trong hoang sơ đất trời. Phải thế thì những chuyến đi xuyên rừng, bạt núi, tuần tra mốc quốc giới mới vợi bớt nỗi nhọc nhằn, mới trở về trong an toàn.

Những bước chân không mỏi…

- Dù vất vả nhưng ai chưa nhìn thấy mốc quốc giới thì chưa phải là bộ đội Hương Quang! - Trung tá Nguyễn Thế Vị - Phó Đồn trưởng chia sẻ thêm.

- Một nhiệm vụ đầy thiêng liêng, anh nhỉ?

- Đúng thế. Tôi mới lên công tác ở đồn từ tháng 9/2018 và đã cùng anh em đi tuần tra 4 chuyến rồi. Chuyến đi nào cũng ắp đầy kỷ niệm. Trước đó, tôi cũng đã từng đi tuần tra mốc quốc giới ở địa bàn khác nhưng không ở đâu các cột mốc lại xa và phải đi trong địa hình phức tạp như ở đây. Chính vì thế, mỗi lần chạm tay lên cột mốc thì đâu đó từ trong tâm tư mình vọng về tiếng đất nước, tiếng đồng bào... Và tất cả anh em ở đây đều thế, mỗi lần chạm tay vào mốc quốc giới là tình yêu Tổ quốc lại bồi đắp, đầy thêm trong tim.

Những bước chân không mỏi…

Đồn Biên phòng Hương Quang được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ 46,6 km đường biên giới với 14 mốc quốc giới nằm ở những địa hình lắm núi cao, vực sâu. Thông thường, mỗi đợt tuần tra kéo dài từ 7-9 ngày. Để hoàn thành nhiệm vụ, ngoài vũ khí trang bị, quân tư trang cá nhân, mỗi đồng chí tham gia đội tuần tra còn phải mang theo hơn 15 kg lương thực, thực phẩm. Suốt quãng thời gian đó, anh em phải trèo đèo, lội suối, cắt rừng, có khi phải mượn đường đi của đất Lào mới đến được cột mốc thiêng liêng của Tổ quốc.

Những bước chân không mỏi…

Vị trí đóng quân mới sát biên giới của những người lính biên phòng Hương Quang cũng đồng nghĩa với việc cán bộ, chiến sỹ nơi đây phải chịu thêm muôn phần cực khổ. Không chỉ thiếu thốn về cơ sở vật chất, họ còn phải sống cuộc sống nghèo nàn về tinh thần khi không có điện, không có dân.

- Các anh đã làm như thế nào trong điều kiện thiếu thốn đủ bề như thế này? - Tôi hỏi.

- Tuần tra cột mốc quốc giới là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Đồn Biên phòng Hương Quang. Trong điều kiện thông tin liên lạc chưa đảm bảo, đơn vị bố trí các tổ đội công tác từ 3-5 người, phân bố hợp lý để đảm bảo quán xuyến, nắm được tình hình địa bàn, kịp thời phát hiện, xử lý, giải quyết tốt các vụ việc xảy ra. Trong công tác tuần tra, chúng tôi còn phối hợp với cán bộ Vườn Quốc gia Vũ Quang, dân quân xã Hương Quang tuần tra biên giới, kết hợp công tác quản lý, bảo vệ rừng, Đại úy Nguyễn Ngọc Sơn - Đội trưởng Đội Vũ trang phụ trách công tác đường biên cột mốc chia sẻ.

Những bước chân không mỏi…

Lên đây mới 2 năm nhưng anh Sơn đã quá thông thuộc khu vực phụ trách của đơn vị. Có nhắm mắt anh cũng mường tượng được đường đi đến những cột mốc theo hướng đỉnh Cháy hay theo dốc Dẻ. Dù vừa đi, vừa xẻ núi, băng rừng nhưng đường đi trở nên thật quen thuộc bởi anh luôn chọn cho hành trình của mình những gốc cây, những hòn đá để làm mốc định vị.

Tôi lặng ngắm gương mặt xương xương đượm màu nắng gió của anh. Ẩn sau vẻ rắn rỏi là thần thái rất hiền từ. Ẩn sau những nếp hằn gian khổ là ánh mắt ấm áp niềm hạnh phúc. Tôi hiểu, tâm hồn những người lính đã hữu duyên với nhiệm vụ này đều nhiều lớp lang như thế. Tôi nhìn sâu vào đó và mường tượng về những ngày nắng cháy, những đêm mưa rừng lạnh lẽo. Mường tượng về những bước chân không mỏi, lặng lẽ ngược vách núi mà đi, về những giây phút rưng rưng chạm tay lên những cột mốc thiêng liêng của Tổ quốc…

Những bước chân không mỏi…

Đồn Biên phòng Hương Quang hiện nay vẫn được gọi đồn “hai không”. Tuy đóng quân ở địa bàn không dân nhưng cán bộ, chiến sỹ Đồn Hương Quang chưa bao giờ rời xa dân. Đồn có 1 tổ thường xuyên đóng ở địa bàn Hói Trùng để kịp thời phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của xã. Ngoài ra, còn giúp đỡ xã xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế, tổ chức nhiều hoạt động an sinh xã hội như: "Nâng bước em tới trường", "Tiếp lửa yêu thương"…

- Trong những dịp lễ, tết, đơn vị đều tổ chức thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách và các gia đình có công giúp đỡ bộ đội biên phòng - Thượng tá Đinh Văn Minh nói bằng niềm vui lâng lâng.

Những bước chân không mỏi…

Bất giác, trong lòng tôi cũng dậy lên những nỗi niềm rưng rưng. Phải đối mặt với biết bao khó khăn, thử thách nhưng những người lính mang quân hàm xanh nơi đây vẫn luôn giữ vững chí khí. Vẫn trọn vẹn tình quân dân và luôn nỗ lực chia sẻ với chính quyền địa phương trong thực hiện nhiệm vụ. Họ chính là những ngôi sao xanh lấp lánh, tỏa rạng trên miền biên ải nhiều gian lao, nhọc nhằn và hiểm nguy này.

thiết kế: huy tùng

Đọc thêm

Phó Thủ tướng gửi thư khen Công an huyện Thạch Hà

Phó Thủ tướng gửi thư khen Công an huyện Thạch Hà

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia Nguyễn Hoà Bình vừa gửi thư khen Công an huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh về thành tích xuất sắc triệt phá thành công đường dây buôn bán hơn 6.000 điện thoại di động giả. Trong thư Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình viết:
Chung tay bảo vệ an ninh biên giới

Chung tay bảo vệ an ninh biên giới

Dưới sự chủ trì phối hợp của Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh, các lực lượng công an, quân sự, hải quan, kiểm lâm… đã cùng vào cuộc hiệu quả chung tay bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới.
Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh triển khai công tác phòng, chống bão số 6

Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh triển khai công tác phòng, chống bão số 6

Trước diễn biến phức tạp của bão số 6, Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo ban CHQS các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị trực thuộc làm tốt công tác chuẩn bị ứng phó, góp phần hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước và Nhân dân.
“Mẹ đỡ đầu” của trẻ em không may mắn

“Mẹ đỡ đầu” của trẻ em không may mắn

Mô hình “Mẹ đỡ đầu” đối với những trẻ em mồ côi của Hội Phụ nữ Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh đã góp phần giúp các cháu vơi bớt khó khăn, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.