Mười năm, học một bài chưa thuộc!

Một trong hai bài học VFF rút tỉa sau thất bại ở SEA Games 2013 là các cầu thủ tập trung quá dài.

VFF mổ xẻ thất bại của U23 Việt Nam ở SEA Games 27

Tập trung quá dài cũng là nguyên nhân được VFF mổ xẻ từ thất bại của đội tuyển cách nay 10 năm, ở AFF Cup 2004 mà chúng ta phải dừng bước ngay từ vòng bảng với tư cách là đồng chủ nhà.

Mười năm ấy, VFF không đổi về chức năng quản lý và điều hành bóng đá Việt Nam, còn hầu hết bộ máy hôm nay cũng từng trực tiếp nếm trải và được học bài học “tập trung quá dài” ấy ở các cương vị khác nhau.

Tổng thư ký Phạm Ngọc Viễn của mười năm trước giờ đây dù sang Công ty Cổ phần bóng đá VPF nhưng chính danh ông vẫn là Phó Chủ tịch VFF.

Trưởng ban Thông tin truyền thông của chục năm trước và là phiên dịch cho HLV Tavares ở AFF Cup 2004, ông Nguyễn Lân Trung đến nay vẫn là người phụ trách phát ngôn của VFF với cương vị cao hơn là Phó Chủ tịch.

Ông trưởng đoàn của đội U23 bị cách chức trước thềm SEA Games, Trương Hải Tùng cũng là một chuyên viên ở Liên đoàn cách nay chục năm, dù cho ngày ấy ông chỉ làm mảng bóng đá nữ.

Chủ tịch Hội đồng HLV Nguyễn Sỹ Hiển của hôm nay cũng là người đã ăn nằm ở dề với đội tuyển 2004 trong vai trò Trưởng đoàn.

Trưởng ban Tiếp thị tài trợ của VFF khoá III, ông Lê Hùng Dũng giờ là Phó Chủ tịch rồi vừa lên làm Quyền Chủ tịch.

Ông Nguyễn Trọng Hỷ, người vừa trả lại chức Chủ tịch cho VFF, dù năm 2004 vẫn còn ngồi ở Tổng cục TDTT, nhưng khi ông bắt đầu lãnh đạo Liên đoàn (2005) cũng là thời điểm những bài học của năm 2004 được rút tỉa để tránh lao vào vết xe đổ.

Chung quy lại, ngoại trừ ông Tổng thư ký kiêm trưởng đoàn ở SEA Games Ngô Lê Bằng, hầu hết những người đang nằm trong bộ máy quản lý lẫn điều hành của VFF hôm nay đều đã được học bài học cay đắng ấy từ giai đoạn đầu.

Thế nên không chỉ học một lần. SEA Games 2007 ở Thái Lan, đội U23 Việt Nam dưới quyền của ông Alfred Riedl đã chơi bạc nhược dù cho đó là một thế hệ cầu thủ tài năng và có thừa kinh nghiệm như Công Vinh, Vũ Phong, Thanh Bình... Nguyên nhân cốt lõi nằm ở sự quá tải, sức ì quá lớn, không đạt được trạng thái hưng phấn do các cầu thủ tập trung quá dài (gần nửa năm). Một so sánh giản đơn: Vẫn những cầu thủ ấy và vẫn HLV ấy, họ đã chơi tưng bừng ở vòng loại Olympic Bắc Kinh trước đó ít tháng khi chưa phải hứng chịu những mặt trái của phương thức tập trung dài hạn.

Bài học ấy chỉ được cất vào ngăn kéo trong quãng thời gian 2008-2010, khi ông Calisto với năng lực (sự hiểu biết về bóng đá Việt Nam) và sự thần kỳ (đội tuyển bỗng lột xác hoàn toàn từ sau vòng bảng để vô địch AFF Cup 2008) đã giải quyết các vấn đề của một đội tuyển ăn ở tập trung dài ngày.

Bài học ấy cũng chỉ được xem nhẹ trong năm 2011, ở SEA Games 26 trên đất Indonesia, do VFF phạm phải một sai lầm khác được đẩy lên như là nguyên nhân chí mạng khi HLV Falko Goetz không tương xứng với cái mác của một HLV đến từ Bundesliga (giải VĐQG Đức).

Và bài học ấy cũng thấp thoáng trong thất bại của ĐTVN năm 2012 khi HLV trưởng lúc ấy, ông Phan Thanh Hùng có hơn ba tháng tập trung cùng các cầu thủ. Thất bại ở Thái Lan năm ngoái có thể một phần do thay máu đội tuyển, trong khi truyền thông thích thú khai thác chuyện lục đục nội bộ sau các biểu hiện bất mãn của Công Vinh, nhưng rõ ràng là thành tích đi xuống theo thời gian và đỉnh điểm của nó là việc đội tuyển thua cả Philippines 0-1.

Vòng luẩn quẩn

Câu hỏi đặt ra là tại sao một bài học chục năm vẫn không thuộc? Và vì sao một phương thức tập trung xây dựng đội tuyển thực ra đã được áp dụng từ những năm đầu 1990 có nhiều bất ổn như thế vẫn không bị xoá sổ?

Hai mươi năm trước, khi bóng đá Việt Nam tái hội nhập với khu vực, việc tập trung đội tuyển dài ngày được cho là cần thiết bởi trình độ cầu thủ, đặc biệt là về tư duy chiến thuật có nhiều hạn chế trong khi các HLV ngoại lại mang tới những quan điểm chiến thuật từ châu Âu.

Mặt khác, sự phát triển hạn chế lúc ấy trên khía cạnh thu nhập, thương mại, giá trị cầu thủ còn thấp khiến cho tất cả coi việc tập trung ấy như là một quá trình lao động duy nhất để có thể cải thiện thu nhập.

Kết quả là các đội tuyển lúc ấy đã tạo nên những giải đấu lịch sử dù cho họ chỉ vào tới trận chung kết (SEA Games 1995, Tiger Cup 1998).

Phương cách này vẫn hiệu quả cho tới SEA Games 2003, khi bóng đá Việt Nam chưa bị đẩy sang một ngã rẽ mới, thương mại hơn, chụp giật hơn xét trên khía cạnh chuyển nhượng, và khủng hoảng trầm trọng trong lĩnh vực đào tạo trẻ.

Nói một cách đơn giản, việc một cầu thủ tiềm năng như Minh Phương năm 2002 có giá chuyển nhượng chỉ là 360 triệu đồng từ Cảng Sài Gòn về ĐTLA năm 2002 trong khi một cầu thủ như Văn Quyết năm 2013 đã có giá trị nhiều tỉ thì phải khác cả từ động lực cho tới ý chí trong quá trình tập luyện lẫn thi đấu.

Cái giá tất yếu khi làm bóng đá là đi buôn bóng đá

VFF chắc chắn hiểu điều đó. Bài học có lẽ không ai quên. Nhưng một vấn đề có thể đã được đặt ra ở thời điểm này là liệu thế hệ các cầu thủ đủ tuổi tham dự SEA Games vừa rồi ở Myanmar có đủ trình độ, nền tảng thể lực, kỹ thuật chứ chưa nói sự gắn kết về chiến thuật chỉ với một quá trình chuẩn bị ngắn hơn?

Chỉ có điều, thách thức ấy lại được đẻ ra như một hệ quả tất yếu của một nền bóng trong gần một thập kỷ qua khủng hoảng trầm trọng trong lĩnh vực đào tạo trẻ do chủ nghĩa làm bóng đá chụp giật được chính VFF thả nổi thông qua việc bật đèn xanh cho các vụ mua bán, đổi tên CLB xảy ra thường xuyên hơn bất cứ giai đoạn nào trong lịch sử bóng đá Việt Nam.

VFF của chục năm qua tìm mọi cách và sẵn sàng phớt lờ các quy định của FIFA (cấm mua bán CLB để bảo toàn việc lên xuống hạng) để kéo các doanh nghiệp nhảy vào bóng đá đã tự bắn vào chân mình.

Mười hai năm trước, bầu Kiên lách luật để giữ đội bóng LG.ACB của ông không bị xuống hạng, thì suốt năm năm qua, quy chế bóng đá chuyên nghiệp vẫn thế, để các ông bầu thoải mái lách và thao túng.

Một môi trường hỗn loạn đương nhiên phải có những cái giá của nó. Bóng đá Việt Nam ở giai đoạn này có thêm những cái tên như Ninh Bình, Xuân Thành nhưng lại chứng kiến những doanh nghiệp từng làm bóng đá bài bản hơn và đầu tư cho bóng đá trẻ (chí ít là ở nỗ lực của họ) như Viettel, Hoà Phát, Khatoco... tháo chạy.

Trong bối cảnh ấy, sự suy yếu ở các mức độ khác nhau của những trung tâm đào tạo bóng đá truyền thống như Nam Định, Đồng Tháp và cả Sông Lam Nghệ An là điều đương nhiên.

Mà U23 Việt Nam năm 2013 vẫn còn thừa hưởng những cầu thủ còn sót lại từ thời những trung tâm đào tạo truyền thống ấy chưa ngắc ngoải, từ Văn Quyết (Thể Công Viettel), Danh Ngọc (Nam Định) tới Bửu Ngọc (Đồng Tháp)... để nhiều người trong số ấy vẫn là trụ cột ở SEA Games vừa kết thúc.

Tương lai các đội tuyển Việt Nam được xây dựng từ một nền bóng đá đã bị phá tan hoan cả gốc lẫn ngọn vì thế chắc không quá khó để đoán định.

Suy cho cùng, một cuộc khủng hoảng toàn diện của bóng đá Việt Nam mới chính là nguyên nhân của các nguyên nhân chứ việc tập trung quá dài và một BHL có HLV trưởng là người xưa nay chỉ lo trụ hạng ở cấp độ CLB chỉ là bước cuối cùng dẫn tới thất bại.

Nguồn: Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast