Bài 2: Người dân thờ ơ, cơ quan chức năng kêu khó

(Baohatinh.vn) - Chống hàng giả, hàng kém chất lượng, đảm bảo ATVSTP đang là vấn đề cực nóng hiện nay bởi nó liên quan trực tiếp tới sức khỏe và lợi ích người tiêu dùng. Bên cạnh những hạn chế do ý thức của người tiêu dùng thì vai trò của các ngành, cơ quan chức năng còn quá mờ nhạt...

"Lỏng” trong quản lý kiểm soát thị trường

>>(Bài 1): Quyền lợi người tiêu dùng đang bị xâm phạm

Người tiêu dùng thờ ơ với quyền lợi

Tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng lưu hành tràn lan đã và đang làm tổn hại đến quyền lợi người tiêu dùng. Hơn ai hết, người tiêu dùng chính là nạn nhân của những hành vi phạm pháp của các đối tượng hám lợi. Song, trên thực tế, một bộ phận người tiêu dùng vẫn chưa sáng suốt trang bị cho mình “sức đề kháng” đủ mạnh để ngăn ngừa các hành vi gian lận thương mại.

Theo Chi cục Thú y, hiện toàn tỉnh mới chỉ kiểm tra, kiểm soát khoảng 30% số lượng gia súc giết mổ
Theo Chi cục Thú y, hiện toàn tỉnh mới chỉ kiểm tra, kiểm soát khoảng 30% số lượng gia súc giết mổ

Ở hầu hết các địa phương chúng tôi có mặt, khi được hỏi về phụ phẩm hàn the, hàn the có tác hại như thế nào và thường được dùng vào đâu, đa số người tiêu dùng đều biết. Tuy nhiên, tất cả những người được hỏi đều cho rằng, mình đã từng dùng hàn the. Lý do khiến người tiêu dùng nghiễm nhiên mặc định cho sự tồn tại của các phụ phẩm độc hại không ngoài sự thiếu hiểu biết. “Phụ phẩm độc hại thì đã có các cơ quan chức năng giám sát rồi, thỉnh thoảng mới đi chợ, ra phố ăn bát phở, mua khúc giò, chứ có dùng thường xuyên đâu mà lo” - chị Phạm Thị Hạnh (Phúc Trạch, Hương Khê) nói.

Theo chia sẻ của anh Trần Văn Phong (Thạch Trị, Thạch Hà), vì điều kiện kinh tế còn khó khăn nên gia đình phải lựa chọn những mặt hàng giá rẻ, biết là hàng kém chất lượng nhưng đây là cách lựa chọn phù hợp nhất với túi tiền của mình. Thật đáng buồn khi người tiêu dùng dù biết vẫn nhắm mắt trao gửi sự an toàn sức khỏe của gia đình cho những món hàng kém chất lượng!

Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Hà Tĩnh - Trần Đình Hồng cho biết, thời gian qua, mặc dù các cấp hội đã phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, nhận thức của họ về lợi ích của bản thân còn nhiều hạn chế, một số cấp ủy, chính quyền chưa coi trọng công tác bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng.

Việc quảng bá, phân phối hàng Việt Nam chất lượng cao chưa tiếp cận được với phần đa người tiêu dùng nông thôn. Ngoài ra, do thiếu hiểu biết về các quy định, hướng dẫn thương mại nên người tiêu dùng chưa phân định được đâu là hàng “thật”, đâu là hàng “rởm”, khi mua hàng không đòi hỏi cung cấp hóa đơn, nhãn mác, cam kết hạn sử dụng. Bên cạnh đó, do tâm lý ngại va chạm nên khi gặp sự cố, người tiêu dùng dễ dàng bị đối tác thương thảo, bồi hoàn bằng giá trị sản phẩm đã tạo lỗ hổng cho các đối tượng xấu thực hiện những hành vi làm tổn hại đến lợi ích của chính họ.

Cơ quan chức năng thờ ơ với chức trách, nhiệm vụ

Khi người tiêu dùng chưa sẵn sàng tạo cho mình được vỏ bọc đủ an toàn để đảm bảo quyền lợi, thì cứu cánh duy nhất của họ chính là niềm tin vào các lực lượng chức năng. Thế nhưng, thực tế trong công tác kiểm tra, giám sát thị trường, vai trò của các lực lượng liên quan chưa được thể hiện một cách rõ ràng.

Hàng hóa kém chất lượng được bày bán tràn lan tại các vỉa hè không phải chịu sự kiểm soát, quản lý của lực lượng chức năng nào
Hàng hóa kém chất lượng được bày bán tràn lan tại các vỉa hè không phải chịu sự kiểm soát, quản lý của lực lượng chức năng nào

Các hoạt động buôn bán, kinh doanh trên địa bàn tỉnh ta hiện nay chủ yếu tại các chợ (chợ trung tâm, chợ nông thôn). Nếu BQL các chợ thực hiện tốt vai trò của mình trong việc kiểm tra VSATTP, phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm soát chất lượng hàng hóa… chắc chắn hàng giả, hàng kém chất lượng không có đất để “dung thân”. Thế nhưng, qua tìm hiểu, vai trò của các BQL chợ hiện chỉ là giữ gìn an ninh trật tự và… thu phí. Do mô hình quản lý tại hơn 150 chợ trên địa bàn còn lỏng lẻo nên thực trạng kinh doanh không đúng quy định diễn ra khá phổ biến. Nguyên nhân do việc bố trí ngành hàng kinh doanh thiếu hợp lý, công tác kiểm soát lỏng lẻo, thiếu sự phối hợp với các cơ quan chức năng.

Liên quan đến tình trạng hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng tràn lan trên thị trường, Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) - Trần Hữu Hạnh cho rằng, đây là thực trạng chung của cả nước, không riêng gì ở Hà Tĩnh. Sở dĩ hàng kém chất lượng còn có đất “sống” là do chế tài xử phạt còn nhẹ, thiếu sức răn đe, lực lượng kiểm tra, giám sát vừa mỏng, vừa thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng. Các quy định về xử phạt hành vi vi phạm hiện nay còn nhiều bất cập…

Về quy định niêm yết giá công khai, ông Hạnh cho rằng, UBND tỉnh đã phân định việc niêm yết giá cho Sở Tài chính (thực hiện theo pháp lệnh giá), do lực lượng mỏng nên các đội QLTT đang tập trung công tác tuyên truyền, việc kiểm tra, xử phạt các hành vi vi phạm còn hạn chế. Ngoài ra, theo quy định, để kiểm tra hàng hóa tại các cơ sở SXKD, lực lượng QLTT phải xây dựng kế hoạch và thông báo trước 3 ngày. Người đến kiểm tra phải có thẻ kiểm tra viên, trong khi đó, số lượng cán bộ QLTT có thẻ rất ít… Vì vậy, mặc dù chức năng, nhiệm vụ lớn nhưng điều kiện để lực lượng QLTT thi hành công vụ rất khó.

Theo thống kê của ngành chức năng, tỉnh ta hiện có 137 chợ buôn bán, với trên 2.000 hộ kinh doanh, giết mổ động vật, sản phẩm động vật, trong khi đó mới chỉ có 3 cơ sở giết mổ tập trung với công suất trên 70 con/ngày đêm và 4 điểm giết mổ gia súc từ 5-20 con/ngày đêm. Mặc dù các địa phương báo cáo, tổng số gia súc, gia cầm giết mổ để kinh doanh có sự kiểm tra, kiểm soát của cán bộ thú y bình quân/tháng năm 2013 ước đạt khoảng 60%, nhưng theo ông Trần Hùng - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh, qua kiểm tra thực tế của đơn vị tại nhiều địa phương, hiện toàn tỉnh mới chỉ kiểm tra, kiểm soát được khoảng 30% số lượng gia súc giết mổ.

Giám đốc Sở NN&PTNT Đặng Ngọc Sơn cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến sự buông lỏng trong công tác kiểm tra giết mổ chính là sự thiếu quan tâm, vào cuộc của chính quyền địa phương trong công tác quản lý hoạt động giết mổ. Do tỉnh ta chưa xây dựng được hệ thống các lò mổ tập trung, nơi có thì chưa thu hút được người dân và hộ kinh doanh đưa gia súc, gia cầm đến giết mổ; hoạt động giết mổ chủ yếu diễn ra phân tán tại các gia đình nên việc kiểm soát rất khó khăn. Thậm chí, có những nơi cán bộ thú y không tiếp cận được các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ vì chính quyền xã không nắm được số hộ tham gia hoạt động giết mổ trên địa bàn.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, vai trò của chính quyền cấp huyện, xã trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng còn hết sức mờ nhạt. Nhận thức về tầm quan trọng của hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường còn hạn chế, do đó, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân cũng như việc kiểm tra, phát hiện các đối tượng kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng không được thực hiện thường xuyên.

(còn nữa)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast