Cần quan tâm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

(Baohatinh.vn) - Ngày 8/1/2014, chị Linh ở đường Trần Phú, TP Hà Tĩnh mua một hộp bánh quy về ăn. Khi mở ra, chị Linh thấy có 2 tấm bìa carton dày cộm độn bên trên và bên dưới hộp đựng, còn bánh thì được khoảng chục cái và đã bị mốc lấm tấm mặc dù thời hạn sử dụng ghi ngoài vỏ hộp vẫn còn...

Bức xúc vì mua phải sản phẩm không đảm bảo, chị liên hệ theo số điện thoại được in trên bao bì để phản ánh thì được tổng đài thông báo là số điện thoại không đúng…

Chị Linh chỉ là một trong muôn vàn người tiêu dùng (NTD) bị xâm phạm quyền lợi giữa thị trường đầy rẫy hàng hóa không xuất xứ, hàng giả, hàng lậu hoặc không đảm bảo chất lượng…

Cán bộ Chi cục Quản lý thị trường kiểm tra hàng hóa tại chợ TP Hà Tĩnh. Ảnh: T.L.
Cán bộ Chi cục Quản lý thị trường kiểm tra hàng hóa tại chợ TP Hà Tĩnh. Ảnh: T.L.

Luật Bảo vệ quyền lợi NTD được Quốc hội thông qua ngày 17/11/2010, với nhiều quy định khuyến khích sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong công tác bảo vệ quyền lợi NTD; hướng tới nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp đối với NTD trên cơ sở vẫn đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của họ.

Mặc dù đã được quy định khá chi tiết và đầy đủ, thế nhưng, đại đa số NTD vẫn chưa nắm được các quyền và nghĩa vụ của mình và dường như còn rất thờ ơ, không chú ý đến việc tự bảo vệ quyền lợi của chính mình. Khi mua hàng, rất ít người yêu cầu người bán xuất hóa đơn, giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ,… nên khi xảy ra sự việc, NTD muốn khiếu nại cũng không có đầy đủ chứng cứ, tài liệu. Nhiều trường hợp do điều kiện kinh tế khó khăn nên vẫn mua và sử dụng sản phẩm dù biết hàng kém chất lượng. Mặt khác, NTD còn có tâm lý dựa trên giá cả của sản phẩm mới xem xét đến việc khiếu nại đòi hỏi quyền lợi hay không.

Theo Hội Bảo vệ quyền lợi NTD Hà Tĩnh thì trong năm 2013 chỉ có 50 lá đơn khiếu nại gửi đến hội. Con số này cho thấy tâm lý ngại va chạm, khiếu nại của NTD khi bị vi phạm về lợi ích và vô hình đã che giấu hành vi vi phạm cho người cung cấp hàng hóa, dịch vụ. Thực tế các sản phẩm được bày bán trên thị trường hiện nay có in địa chỉ, số điện thoại trên bao bì, thế nhưng, nhiều đơn vị sản xuất sử dụng các số điện thoại không đúng hoặc không liên lạc được.

Bên cạnh hiểu biết về bảo vệ quyền lợi còn hạn chế của NTD thì các lực lượng chức năng liên quan cũng chưa phát huy hết vai trò trách nhiệm trong công tác kiểm tra, kiểm soát, giám sát thị trường; việc phối hợp giữa các cơ quan này chưa được tốt… Mặc dù đã có quy định trong việc kiểm soát, niêm yết, kiểm dịch chất lượng các sản phẩm từ gia súc, gia cầm, thế nhưng, theo Chi cục Thú y tỉnh thì số lượng gia súc giết mổ kiểm tra, kiểm soát được chỉ khoảng 30%. Vì vậy, tình trạng thực phẩm không rõ nguồn gốc, không có dấu kiểm dịch của cơ quan chức năng, thậm chí sử dụng dấu kiểm dịch giả là vấn đề không có gì lạ ở các địa điểm buôn bán, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Đáng lo ngại hơn khi NTD xưa nay vẫn tin tưởng vào các sản phẩm được bán trong siêu thị nhưng việc nấm không rõ xuất xứ được bày bán tràn lan tại các siêu thị thời gian qua là minh chứng cho thấy lỗ hổng trong công tác cấp phép nói riêng và quản lý nói chung.

Luật Bảo vệ quyền lợi NTD đã thi hành gần 3 năm và đã đưa lại những kết quả tích cực. Tuy nhiên, để công tác bảo vệ quyền lợi NTD được thực chất hơn cũng như phát huy được hiệu quả của luật, đòi hỏi công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ quyền lợi NTD được quan tâm đúng mức để không chỉ NTD biết, hiểu và nắm rõ các quyền lợi, nghĩa vụ của mình mà các tổ chức, cá nhân SXKD hàng hóa, dịch vụ nâng cao hơn trách nhiệm trong việc hướng đến quyền lợi của “thượng đế”. Đồng thời, các cấp, ngành, đặc biệt là các ngành thực hiện các công việc liên quan đến bảo vệ quyền lợi NTD cần nâng cao trách nhiệm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ… Đó không chỉ là trách nhiệm bảo vệ NTD mà còn là bảo vệ những doanh nghiệp làm ăn chân chính.

(Sở Tư pháp Hà Tĩnh)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast