“Cõng” chợ lên... non!

(Baohatinh.vn) - Mỗi ngày, gần chục chiếc xe máy chất đầy hàng hóa, thực phẩm cũng là chừng ấy sạp chợ di động vượt hàng chục km để lên các xã biên giới Tây – Lĩnh – Hồng (Hương Sơn) phục vụ bà con. Bất kể nắng mưa, cả người bán lẫn người mua đều mong ngóng nhau như thể nếu một ngày, bóng dáng quen thuộc ấy không xuất hiện nữa, họ sẽ thấy thiếu vắng.

Ở các xã biên giới Tây – Lĩnh – Hồng, việc đi chợ để mua sắm nhu yếu phẩm là điều hiếm có, bởi chợ ở tít tận thị trấn Phố Châu mà theo như lời người dân hóm hỉnh: “đi chợ mua được thức ăn về thì cá cũng ươn, rau cũng héo mất rồi…”.

Sáng sáng, khi "chợ di động" vừa đến đầu ngõ, bà con đã đứng sẵn để mua về dùng trong ngày.

Sáng sáng, khi "chợ di động" vừa đến đầu ngõ, bà con đã đứng sẵn để mua về dùng trong ngày.

Vậy là, những chiếc xe chở đầy hàng hóa được bà con mặc nhiên coi đó là chợ, được thoải mái kỳ kèo, mặc cả và cả… ghi sổ nợ mà có khi tiền trả nợ được “hóa giá” bằng yến thóc, con gà… “Sáng sáng, chẳng cần đi đâu xa, cứ ra đứng trước cửa là mua được thức ăn, hàng hóa. Bánh mướt, giò, bánh rán… để ăn sáng; cà chua, bắp cải… hay cá biển đều được phục vụ đầy đủ, tiện lợi. Hôm nào gia đình có việc, cần mua nhiều hàng thì chỉ cần dặn người bán trước một ngày hoặc gọi điện báo là cái gì cũng có. Bữa trước, nhà có giỗ, tui gọi điện, mai họ đưa lên không thiếu thứ gì” – bác Quý (Sơn Lĩnh) cho hay.

Chị Nguyễn Thị Thủy (Sơn Giang) được bà con các xã biên giới xem như chủ gian chợ di động “già” nhất trong nhóm này, mặc dù vừa bước qua tuổi 45. Gần 30 năm “hành nghề”, phương tiện vận chuyển hàng hóa được chị Thủy sử dụng cũng “lên đời” theo thời gian. Từ đôi quang gánh, chiếc xe đạp đến chiếc wave Tàu tróc sơn lỗ chỗ đều trở nên quen thuộc với quãng đường hơn 30 cây số không dễ đi từ Sơn Giang sang thị trấn Phố Châu rồi lại ngược lên Tây - Lĩnh - Hồng.

Mỗi ngày, xe hàng của chị Thủy được chất đầy thực phẩm, rong ruổi hơn 30 km để phục vụ bà con

Mỗi ngày, xe hàng của chị Thủy được chất đầy thực phẩm, rong ruổi hơn 30 km để phục vụ bà con

Như một lịch trình cài sẵn, 4h sáng hằng ngày, chị Thủy lại tất tả chạy xe ra chợ đầu mối ở thị trấn Phố Châu gom hàng rồi ngược lên các xã biên giới bán lại. Gần 30 năm qua, bà con ai cũng thân với chị như người trong xóm, chỉ cần thoáng thấy bóng dáng chiếc xe chở hàng, người dân các thôn lại gọi nhau tới. Dựng chiếc xe máy cũ, chị Thủy thoăn thoắt cắt mấy lạng thịt cho người này, nhanh tay làm ruột mấy con cá nục cho người khác. Chốc chốc lại mở sổ ghi ghi, chép chép…

“15 tuổi, tôi đã tập tành gánh hàng lên chốn này để bán. Lúc trước gánh bộ lên đến đây buổi chiều, buổi tối xin ngủ lại nhà dân rồi sáng hôm sau mới về nên gần như người trong làng quen mặt tôi cả. Đến nay, đi bằng xe máy nên bán luôn trong buổi sáng, trừ tiền xăng xe, mỗi ngày cũng lãi được 200-300 nghìn đồng. Đi bán di động như ri cũng mệt lắm. Sợ nhất là mùa mưa, đường sá lầy lội, trơn trượt, chở được một chuyến hàng kiểu chi cũng lấm lem bùn đất. Nhưng đi mãi rồi quen, bữa mô không đi được, ở nhà cứ bồn chồn. Ai cũng hỏi, răng bữa qua nghỉ, nên lắm lúc mình ốm nằm ở nhà nhưng cũng nhờ chồng hoặc con chở hàng lên bán cho bà con” – chị Nguyễn Thị Thủy chia sẻ.

Càng ngày, nhu cầu mua sắm của người dân nơi đây càng cao nên đội ngũ “chợ di động” cũng tăng lên với gần 10 người. Những xe hàng di động đã trở nên quen thuộc với người dân vùng núi bởi sự tiện lợi và nét riêng trong đời sống của người dân nơi đây. Tuy nhiên, về lâu dài, hy vọng các cấp, ngành quan tâm đầu tư để bà con có một cái chợ đúng nghĩa…

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast