Xây dựng Đảng

Tiếng trống năm 30 còn lay động mãi...

Những ngày tháng chín, khi mùa thu hiện diện trên mỗi làng quê, phố phường với bức tranh no ấm, những người dân Hà Tĩnh lại nghe âm vang tiếng trống Xô viết năm 1930-1931 vọng về. Theo dấu tích của lịch sử, chúng tôi đến thăm các địa chỉ đỏ để hiểu sâu sắc hơn những giá trị thiêng liêng của phong trào Xô viết.

Tiếng trống năm 30 còn lay động mãi...

Truông Gió (xã Hồng Lộc, Lộc Hà) là nơi chứng kiến những cuộc biểu tình rầm rộ của Nhân dân Can Lộc, Lộc Hà trong những ngày đấu tranh như “bão lửa” từ đầu tháng 8 - 11/1930. Đoạn đường hẹp, heo hút giữa eo núi Động Hàn (thuộc xã Hồng Lộc) thuở nào giờ nằm trên quốc lộ 281 rộng rãi và bằng phẳng. Dẫu lối cũ đã đổi thay nhưng trong tâm thức người dân Can Lộc, Lộc Hà, dấu chân của ông cha như vẫn còn đây.

Tiếng trống năm 30 còn lay động mãi...

Truông Gió (xã Hồng Lộc, Lộc Hà) nơi diễn ra nhiều cuộc tập hợp lực lượng biểu tình lên huyện lỵ Can Lộc trong cao trào Xô viết

Theo cuốn “Lịch sử Xô viết Can Lộc”, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, tại Truông Gió liên tiếp diễn ra các cuộc tập hợp lực lượng mít tinh biểu tình quy mô lớn của nông dân Can Lộc, Lộc Hà từ tháng 8 - 11/1930, như cuộc mít tinh ngày 1/8/1930 của hơn 1.000 nông dân vùng hạ Can biểu tình ở huyện lỵ Can Lộc; cuộc mít tinh ngày 12/10/1930 của hơn 1.500 nông dân và đặc biệt cuộc biểu tình vào ngày 7/11/1930 nhân kỷ niệm Cách mạng tháng Mười Nga.

Tiếng trống năm 30 còn lay động mãi...

Ông Phạm Bá Tuyến - cháu gọi liệt sỹ Phạm Thị Dung bằng cô kể lại lịch sử cách mạng của gia đình.

Người dân thôn Trung Hòa, xã Phù Lưu Thượng (nay là thôn Trung Sơn, xã Hồng Lộc) vẫn ghi nhớ về câu chuyện của liệt sỹ Phạm Thị Dung, nữ liệt sỹ trong cao trào Xô viết cách đây 91 năm. Ông Phạm Bá Tuyển (88 tuổi) và Phạm Bá Tuyến (76 tuổi) là cháu nội gọi liệt sỹ Dung bằng cô vẫn xúc động khi nhắc lại ký ức xưa: “Gia đình ông bà nội chúng tôi sinh được 10 người con, trong đó 7 trai, 3 gái, o (cô) Dung là con thứ 5. Gia đình có truyền thống yêu nước và cách mạng nên cha tôi và o Dung sớm tham gia hoạt động và được kết nạp Đảng từ rất sớm”.

Liệt sỹ Phạm Thị Dung sinh năm 1910. Tháng 4/1930, khi Chi bộ Kẻ Lù được thành lập, chị được kết nạp Đảng và được tổ chức bầu làm Bí thư Hội Phụ nữ giải phóng. Thông minh, nhanh nhẹn, tháo vát, chị Dung trở thành cánh tay đắc lực của tổ chức cách mạng. Chị đã thay mẹ buôn bán ở các phiên chợ để tìm cách kết nối tuyên truyền đến chị em trong tổng. Ngày 7/11/1930, nhân kỷ niệm Cách mạng tháng Mười Nga, Huyện ủy Can Lộc tổ chức cuộc biểu tình với quy mô lớn. Như những lần trước, chị Dung được giao nhiệm vụ vận động quần chúng tham gia biểu tình. Mặc dù ấn định từ trước vào sáng 8/11 sẽ là ngày kết hôn của chị nhưng kế hoạch của tổ chức không thể trì hoãn, chị Dung vẫn dồn sức thực hiện nhiệm vụ Đảng giao phó.

Tiếng trống năm 30 còn lay động mãi...

Từ phải qua: Ông Phạm Bá Tuyển, (con ông Phạm Triển, một chiến sỹ cách mạng hoạt động trong phong trào 30-31), anh Phạm Bá Hà, con trai ông Tuyển và ông Phạm Bá Tuyến, cháu liệt sỹ Phạm Thị Dung.

“Ông nội tôi kể lại, lúc đó o Dung nói, bố mẹ cứ chuẩn bị lễ đưa dâu, con đã nói với anh Xân (chồng sắp cưới) xong cuộc biểu tình, sáng mai con sẽ về nhà và theo họ nhà gái về nhà anh ấy. Vậy nhưng, trong cuộc biểu tình, o đã bị trúng đạn và bị chính quyền tay sai bắt giữ tra tấn, rồi hy sinh” - ông Phạm Bá Tuyến kể.

Tiếng trống năm 30 còn lay động mãi...

Tượng đài Xô viết Nghệ Tĩnh tại thị trấn Nghèn (Can Lộc). Ảnh: Đồng Anh

Theo tư liệu từ Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh: Chiều tối ngày 7/11/1930, quần chúng vùng hạ Can do chị Phạm Thị Dung tập hợp đã nhập thành một đoàn, băng qua chợ Lù, vượt Truông Gió tiến về Nghèn. Đến giờ quy định, chị Dung phất cao cờ đỏ, dẫn đầu đoàn đấu tranh tiến thẳng về huyện lỵ. Khi đoàn biểu tình đến cầu Nghèn, bọn lính khố xanh trong đồn đã nổ súng bắn thẳng vào đoàn người. Chị Dung trúng đạn ngã xuống, tay vẫn cầm chặt cán cờ, miệng gắng hô thêm: “Anh chị em hãy bình tĩnh tiến lên!”. Chị bị kẻ địch khiêng lên xe và chở vào Hà Tĩnh. Trong thời gian trị thương tại nhà lao Hà Tĩnh, chị chịu đựng đủ sự tra tấn thâm độc, xảo quyệt của kẻ thù. Vì vết thương và đòn roi của kẻ thù, chị Dung đã anh dũng hy sinh khi tuổi đời vừa chớm 20.

Theo hành trình lịch sử, chúng tôi vào thăm chứng tích nhà lao Hà Tĩnh, nơi liệt sỹ Phạm Thị Dung cũng như nhiều chí sỹ yêu nước và chiến sĩ cộng sản Hà Tĩnh bị giam cầm và hy sinh. Nằm khiêm nhường ở khuôn viên nhà văn hóa tổ dân phố 6, phường Tân Giang (TP Hà Tĩnh), chứng tích Nhà lao Hà Tĩnh là nơi ghi dấu tinh thần quật khởi của những người con yêu nước, không khuất phục trước cực hình dã man của kẻ thù, sẵn sàng hy sinh thân mình để giữ vững khí tiết, trong đó có nhiều chiến sĩ cộng sản trong phong trào 1930-1931.

Tiếng trống năm 30 còn lay động mãi...

Đoàn cán bộ Thành ủy Hà Tĩnh thăm chứng tích Nhà lao Hà Tĩnh.

Theo Trang thông tin điện tử Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh, Nhà lao Hà Tĩnh được xây dựng cùng với năm lập tỉnh (1831). Những năm từ 1925-1930, để đàn áp những người yêu nước, đặc biệt là các chiến sĩ cộng sản trong phong trào Xô viết, thực dân Pháp từng bước hoàn chỉnh hệ thống nhà lao với tường bao, bốt gác, buồng giam, xà lim và các bộ phận của chế độ lao dịch. Đây là nơi giam cầm hàng vạn chiến sĩ trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh.

Nhà lao nằm về phía Đông Bắc nội thành Hà Tĩnh. Khu vực nhà lao rộng 5.852 m2. Những bức tường bao quanh cao 4m, ở góc Đông Bắc và Tây Nam là 2 bốt gác kiên cố. Nhà lao Hà Tĩnh chia làm 3 khu vực: khu hành chính, khu giam cầm tù nhân, khu hậu cần.

Tiếng trống năm 30 còn lay động mãi...

Những hình ảnh phù điêu tại chứng tích Nhà lao Hà Tĩnh.

Từ khi phong trào yêu nước phát triển, Nhà lao Hà Tĩnh rất đông tù chính trị, trong đó có những yếu nhân của phong trào chống thuế ở Trung kỳ như: Nguyễn Hàng Chi, Trịnh Khắc Lập, Đặng Nguyên Cẩn... Cho đến những năm 1930-1931, dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào đấu tranh phát triển mạnh mẽ. Để đàn áp phong trào, thực dân Pháp ra sức lùng sục, bắt giam cán bộ, đảng viên. Nhà lao Hà Tĩnh chật ních tù nhân với chế độ giam giữ rất khắc nghiệt.

Các đồng chí: Trần Hữu Thiều (Nguyễn Trung Thiên) - Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh, Nguyễn Đình Liễn (Bí thư Huyện ủy Cẩm Xuyên), Lê Bá Cảnh, Nguyễn Huy Lung (Bí thư Chi bộ thị xã Hà Tĩnh)… và các đảng viên nòng cốt kiên trung của phong trào như: Phan Gần, Nguyễn Khiên Sức, Nguyễn Đình Tuy, Học Mai, Hồ Thị Lan, Nguyễn Thị Phúc, Đặng Thị Cẩm, Trần Thị Kim, Trần Thị Hường, Phạm Thị Dung… đều bị bắt giam ở đây và bị xử bắn hoặc hy sinh trong nhà lao. Một số chuyển đi nhà ngục khác.

Các đồng chí bị giam cầm phải nằm trên tấm ván bằng gỗ lim dày, lạnh buốt. Mỗi sáng chỉ được mở cùm 2 hoặc 3 phút để đi vệ sinh, ai chậm bị đánh đập. Mỗi ngày chỉ được 2 vắt cơm bằng gạo mốc, thức ăn là mắm thối, rau úa, uống nước đục. Tù nhân đều bị đánh đập dã man bởi roi song, roi cao su, dùi cui, báng súng, tra tấn bằng dây thừng cột hai ngón chân cái treo ngược lên xà nhà hoặc quỳ gối lên sắt, tra điện… Trước chế độ khắc nghiệt đó, Chi bộ Nhà lao đã quyết định tổ chức đấu tranh, tuyệt thực. Trong nhà lao, các đảng viên đã động viên nhau giữ vững khí tiết, một lòng trung thành với Đảng và cách mạng.

Tiếng trống năm 30 còn lay động mãi...

Tranh “Phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh”. (Bảo tàng Lịch sử Quốc Gia)

Tiếng trống năm 30 còn lay động mãi...

Phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1930-1931 là cuộc tập dượt đầu tiên cho Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945. Tấm gương kiên trung của các đảng viên trong phong trào 1930-1931 làm rạng ngời lịch sử dân tộc và mãi soi sáng đến các thế hệ mai sau. Nhìn màu vàng no ấm, màu trời xanh tự do trên khắp đất nước, quê hương hôm nay, người dân Hà Tĩnh ai cũng thầm hiểu những hồng ân to lớn mà cha ông đã để lại. Cùng đến thăm chứng tích Nhà lao Hà Tĩnh với chúng tôi là đoàn cán bộ Thành ủy Hà Tĩnh. Tất cả đều rưng rưng xúc động. Đồng chí Dương Tất Thắng - Bí thư Thành ủy Hà Tĩnh bày tỏ: “Sự hy sinh cao cả của các đảng viên trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh khiến chúng tôi rất xúc động, ngưỡng mộ, biết ơn và trân trọng. Các đồng chí ấy đã hy sinh để chúng ta có cuộc sống tự do, hạnh phúc hôm nay. Noi gương các đảng viên trung kiên, Đảng bộ và Nhân dân TP Hà Tĩnh nguyện phát huy tinh thần Xô viết, đi đầu trong phát triển KT-XH, làm cho thành phố ngày một giàu mạnh, văn minh, góp phần đưa tỉnh nhà ngày càng đi lên, xứng đáng với sự hy sinh xương máu của các thế hệ cha ông”.

thiết kế: huy tùng

Đọc thêm

Hương Sơn tinh gọn được 13 tổ chức cơ sở đảng

Hương Sơn tinh gọn được 13 tổ chức cơ sở đảng

Từ năm 2017 đến nay, Hương Sơn (Hà Tĩnh) đã rà soát, sắp xếp lại các tổ chức cơ sở đảng, bố trí cán bộ kiêm nhiệm phù hợp với năng lực của từng người nên tạo được sự đồng thuận cao.
Hà Tĩnh chú trọng việc tiếp xúc, đối thoại của người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền với Nhân dân

Hà Tĩnh chú trọng việc tiếp xúc, đối thoại của người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền với Nhân dân

Thực hiện các văn bản của Trung ương, của tỉnh, thời gian qua, các cấp ở Hà Tĩnh đã thường xuyên quan tâm công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo, đặc biệt là công tác tiếp xúc, đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền với Nhân dân.
60 năm giữ trọn lời thề sắt son với Đảng

60 năm giữ trọn lời thề sắt son với Đảng

60 năm qua, vợ chồng đảng viên lão thành Nguyễn Hồng Tiến và Nguyễn Thị Nhung ở phường Kỳ Trinh (TX Kỳ Anh - Hà Tĩnh) luôn một lòng sắt son với Đảng, gương mẫu trong mọi phong trào, hoạt động của địa phương.
Thông cáo báo chí Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

Thông cáo báo chí Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã cơ bản thống nhất nguyên tắc, mục tiêu, yêu cầu, tiến độ tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW và một số nội dung gợi ý, định hướng để các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị trực thuộc Trung ương nghiên cứu, đề xuất sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Nỗ lực đạt kết quả cao nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2024 và cả nhiệm kỳ

Nỗ lực đạt kết quả cao nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2024 và cả nhiệm kỳ

Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng đề nghị Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh rà soát mục tiêu, chỉ tiêu KT-XH năm 2024 và các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025; đề ra phương hướng, nhiệm vụ, nỗ lực để đạt kết quả cao nhất chỉ tiêu nhiệm vụ của năm và cả nhiệm kỳ.