Quốc phòng - An ninh

Tuần tra trên đỉnh Trường Sơn

Một dãy núi mà hai màu mây

Nơi nắng nơi mưa, khí trời cũng khác

Như anh với em, như Nam với Bắc

Như Đông với Tây một dải liền rừng

(Trích bài thơ Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây của Phạm Tiến Duật)

Tuần tra trên đỉnh Trường Sơn

Những câu thơ của nhà thơ Phạm Tiến Duật hiện lên trong tâm trí tôi dọc hành trình từ TP Hà Tĩnh lên CKQT Cầu Treo. Phải mất 3 giờ, tôi mới vượt qua hơn 100 km và đặt chân đến được điểm cực Tây của tỉnh Hà Tĩnh, nơi được xem là mùa đông khắc nghiệt nhất đối với người lính biên phòng.

Ngày đầu đông, cái lạnh của núi rừng đại ngàn Trường Sơn càng thêm tê tái. Trời biên giới sương mù giăng cả lối đi, che khuất tầm nhìn. Dọc tuyến đường vào các chốt kiểm soát phòng chống dịch COVID-19, trời về chiều càng âm u, hầu như không bóng người qua lại. Xa xa trên các ngọn núi, sương trắng trải dài một dải như tấm lụa trắng.

Tuần tra trên đỉnh Trường Sơn

Đại úy Phan Thanh Toàn - Chốt trưởng Chốt số 5 (Đồn Biên phòng CKQT Cầu Treo) đón tôi và dẫn đường về chốt. Dọc đường, anh hồ hởi khoe: “Các chốt đều đã được xây dựng nhà bán kiên cố cả rồi. Trước chỉ có lều bạt tạm thôi. Chốt cũng mới nhận bổ sung áo bông, chăn bông… của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh. Các chốt trên biên giới lập ra đều thực hiện nhiệm vụ kép, quản lý biên giới và phòng chống dịch COVID-19. Chốt nào cũng quan trọng, nhưng chốt số 5 được xem như yết hầu trong phòng chống, chốt chặn các đối tượng xâm nhập qua biên giới”.

Tuần tra trên đỉnh Trường Sơn

Chốt kiểm dịch số 5 nằm chơi vơi giữa núi rừng Trường Sơn, lúc ẩn lúc hiện giữa làn sương mù. Đại úy Toàn cho biết: Chốt kiểm dịch hiện có 10 cán bộ, chiến sỹ, quản lý 10 km đường biên giới và phòng chống dịch COVID-19. Đối với địa bàn khu vực rừng núi trời nóng rất nóng, trời mưa rất lạnh. Ở đây, hầu như bốn mùa phải đắp chăn, kể cả mùa hè nắng mấy về đêm cũng lạnh. Đặc biệt, về mùa đông, thời tiết rất khắc nghiệt, nhiệt độ chênh so với vùng trung tâm huyện lên đến 4-5 độc C, mặc 3-4 lớp áo, 2 lớp quần, 2 chăn bông mới ngủ được. Nhưng gian khổ nhất là lúc đi tuần tra, quần áo ướt hết, 4-5 ngày phơi không khô, thậm chí có khi không có quần áo ấm để mặc, phải mượn đồng đội.

Tuần tra trên đỉnh Trường Sơn

Thời gian này, quân số luôn phải thường trực 100% để đảm bảo công tác tuần tra và làm nhiệm vụ phòng chống dịch. Mỗi chiến sĩ một hoàn cảnh, có đồng chí vừa mới bị gãy chân khi đi tuần tra, có đồng chí vợ vừa mới sinh, mẹ bị ung thư… nhưng không về được. Riêng với Đại úy Toàn đã 4 năm không được về ăn tết.

Trong ánh điện chập chờn, vừa ăn vội cơm tối, Đại úy Toàn và nhóm trực lại tất bật chuẩn bị quân tư trang tiếp tục hành trình tuần tra đêm.

Đêm. Sương mù giăng cả lối đi. Trời vẫn mưa rả rích. Dường như mưa rừng ngày càng nặng hạt. Gió vẫn rít lên từng hồi giữa mênh mông đại ngàn. Tôi cũng run rẩy vì lạnh, cảm thấy lo lắng và có phần hồi hộp vì lần đầu đi tuần tra đêm với người lính biên phòng giữa mùa đông biên viễn.

Tuần tra trên đỉnh Trường Sơn

Tuần tra trên đỉnh Trường Sơn

Trong chuyến tuần tra lần này có Thiếu úy Đặng Xuân Thông (SN 1994) là chiến sỹ trẻ nhất tăng cường từ Ban Chỉ huy Quân sự huyện Cẩm Xuyên lên tuyến đầu chống dịch. Thông mới cưới vợ, con trai mới được 1 tháng, nhưng anh vẫn tình nguyện lên biên giới chi viện cho các chốt phòng dịch COVID-19. “Lên đây mọi thứ đều khó khăn, gian nan. Về mùa mưa, đường trơn trượt, núi hay sạt lở nên rất nguy hiểm. Điện thoại ở đây sóng lúc có, lúc không, muốn gọi về nhà hỏi thăm vợ con cũng rất khó; điện phải kéo nhờ Trạm bảo vệ rừng Khe Nước Lạnh nên rất chập chờn. Những người lính trên này, nhiều đồng chí ở các chốt hơn 1 năm nay vẫn chưa được về nhà. Em mong sớm hết dịch để được về thăm vợ và gia đình” - Thông bộc bạch.

Được biết, trong hơn 1 năm qua, Chốt số 5 đã phối hợp với các chốt tuần tra phát hiện, bắt giữ 5 vụ/8 đối tượng vượt biên trái phép từ Lào về Việt Nam, bàn giao cơ quan chức năng xử lý, đưa đi cách ly theo đúng quy định và phối hợp với đồn bắt giữ 2 vụ/2 đối tượng vận chuyển trái phép ma túy.

Tuần tra trên đỉnh Trường Sơn

Đối với người lính biên phòng, nhiệm vụ quan trọng, cao cả, thiêng liêng nhất là bảo vệ đường biên, cột mốc nơi phên dậu Tổ quốc. Trong chuyến đi này, tôi may mắn gặp Thiếu tá Lê Hồng Phong (SN 1979) - trinh sát viên kiêm Chốt phó Chốt chống dịch số 6 tại Đồn Biên phòng CKQT Cầu Treo. Thiếu tá Phong hơn 6 tháng nay vẫn chưa được về nhà, anh vừa mất người thân trong gia đình, vợ con anh cũng ở tận Hải Phòng nên cách trở đôi đường.

Tuần tra trên đỉnh Trường Sơn

Với người lính biên phòng, bảo vệ đường biên, cột mốc, biên giới quốc gia là nhiệm vụ thiêng liêng nhất.

Thiếu tá Phong nhớ lại: Năm ngoái, trên mốc biên giới có nơi nhiệt độ xuống còn 3ºC. Mỗi lần tuần tra phải mất 3 ngày mới đi được 2 mốc biên giới. Nhiều khi gặp mưa rừng, cả ngày không nấu được cơm, phải ăn lương khô trừ bữa, phải đóng lán đầu nguồn nước tránh lũ quét, đêm rét không có củi khô đốt, phải nằm co ro trên võng… Mùa mưa phải mất cả tuần mới lên được các cột mốc.

Thiếu tá Phong đã ghi lại dấu chân tuần tra cột mốc cho đoạn đường rừng 20,9 km/ngày, tương đương 31.145 bước chân. Nếu thử làm phép tính, người lính biên phòng đã đặt chân lên biên giới chắc có lẽ cũng hàng vạn cây số, hàng tỷ bước chân đã in dấu lên đất mẹ Tổ quốc.

Tuần tra trên đỉnh Trường Sơn

Nhắc đến những chuyến tuần tra đường biên, cột mốc, những lần “mưa dầm, cơm vắt”, Thiếu tá Phong rưng rưng nước mắt. “Với người lính biên phòng, bảo vệ đường biên, cột mốc, biên giới quốc gia là thiêng liêng nhất. Đứng trước cột mốc, nghiêm mình chào cột mốc đánh dấu chủ quyền linh thiêng bất khả xâm phạm của Tổ quốc, trong tôi trào dâng niềm tự hào. Thế hệ cha ông biết bao người đã ngã xuống để xây dựng đường biên, cột mốc, lớp trẻ chúng tôi tiếp bước bảo vệ cột mốc biên cương Tổ quốc. Với phương châm “đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc anh em là ruột thịt”, nên mỗi lần lên cột mốc như về với nhà mình” - Thiếu tá Phong chia sẻ.

Tuần tra trên đỉnh Trường Sơn

Người dân khai báo y tế tại Chốt số 5 khi ra vào khu vực biên giới.

“Là khu vực biên giới, công tác tuần tra đường biên, cột mốc rất vất vả với người lính biên phòng Cầu Treo. Tuần tra trong khu vực biên giới phòng chống dịch COVID-19 là nhiệm vụ thường xuyên. Đối với tuần tra cột mốc, đều đặn theo kế hoạch tháng/lần. 9 tháng qua, 9 chốt đã ngăn chặn 12 vụ với 19 đối tượng nhập cảnh trái phép. Bên cạnh đó, đồn đã hỗ trợ nước bạn Lào về trang thiết bị y tế để phòng dịch COVID-19 tốt hơn”, Thượng tá Võ Văn Minh - Chính trị viên Đồn Biên phòng CKQT Cầu Treo cho hay.

thiết kế: huy tùng

Chủ đề QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN

Chủ đề Phòng chống dịch Covid-19

Đọc thêm

Phó Thủ tướng gửi thư khen Công an huyện Thạch Hà

Phó Thủ tướng gửi thư khen Công an huyện Thạch Hà

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia Nguyễn Hoà Bình vừa gửi thư khen Công an huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh về thành tích xuất sắc triệt phá thành công đường dây buôn bán hơn 6.000 điện thoại di động giả. Trong thư Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình viết:
Chung tay bảo vệ an ninh biên giới

Chung tay bảo vệ an ninh biên giới

Dưới sự chủ trì phối hợp của Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh, các lực lượng công an, quân sự, hải quan, kiểm lâm… đã cùng vào cuộc hiệu quả chung tay bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới.
Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh triển khai công tác phòng, chống bão số 6

Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh triển khai công tác phòng, chống bão số 6

Trước diễn biến phức tạp của bão số 6, Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo ban CHQS các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị trực thuộc làm tốt công tác chuẩn bị ứng phó, góp phần hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước và Nhân dân.
“Mẹ đỡ đầu” của trẻ em không may mắn

“Mẹ đỡ đầu” của trẻ em không may mắn

Mô hình “Mẹ đỡ đầu” đối với những trẻ em mồ côi của Hội Phụ nữ Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh đã góp phần giúp các cháu vơi bớt khó khăn, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.